14/03/2010 07:56 GMT+7

Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ thông tin sai về quần đảo Hoàng Sa: Cách làm không khách quan

XUÂN LONG ghi
XUÂN LONG ghi

TT - Các nhà khoa học cho rằng ngoài việc yêu cầu các nước thể hiện các vùng đang tranh chấp trên bản đồ một cách khách quan, chúng ta cần chủ động gia nhập các tổ chức quốc tế để đòi hỏi họ ghi nhận tên gọi Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông theo cách gọi của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã lên tiếng phản đối việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ thông tin sai về Hoàng Sa.

jYtZlcCJ.jpgPhóng to
Những người Việt làm nghề quan trắc khí tượng thủy văn đang đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938) - Ảnh: Đăng Nam (chụp lại tại phòng lưu niệm kỷ vật Hoàng Sa, Đà Nẵng)

Việt Nam yêu cầu sửa lỗi bản đồ

Ngày 13-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói bản đồ ghi “Paracel Is. China” (tức đảo Hoàng Sa Trung Quốc) do Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ công bố là sai. Bà Nga nhắc lại Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa vàTrường Sa và yêu cầu hội sửa lỗi này.

H.Giang

IHO được thành lập năm 1921 với tiền thân là International Hydrographic Bureau (IHB, Cục Thủy văn học quốc tế). Tên IHO được đặt năm 1970 sau khi có thỏa thuận quốc tế giữa các thành viên. IHO có trụ sở tại Monaco và 80 quốc gia thành viên có biển.

K.L. (Theo http://www.iho.int/english/home/)

Xung quanh việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society - NGS) cung cấp bản đồ thế giới trực tuyến, trong đó thông tin về quần đảo Hoàng Sa sai sự thật, Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận thêm ý kiến phản đối từ các nhà khoa học.

* Ông Hồ Uy Liêm (chủ tịch Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam):

Sắp có văn bản phản đối

Hiện tại Hội Địa lý Việt Nam đang chuẩn bị một văn bản bày tỏ ý kiến về việc này. Trong những ngày qua, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối việc làm của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ.

Liên hiệp hội cũng đã xác định, sau khi Hội Địa lý Việt Nam có văn bản phản hồi để nghe thông tin chính thức từ phía Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, nếu sự việc đưa bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa chỉ là do sơ suất, mọi việc sẽ đơn giản. Ngược lại, nếu Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ vẫn khăng khăng giữ quan điểm và phản hồi một cách tiêu cực về vấn đề này, chính thức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ lên tiếng.

* PGS.TS Phạm Hoàng Hải (thường trực ban chấp hành Hội Địa lý Việt Nam):

Chắc chắn Hội Địa lý quốc tế không tán đồng

Mấy ngày gần đây, cá nhân tôi nhận được rất nhiều điện thoại của các nhà khoa học cùng hoạt động trong lĩnh vực địa lý, trong đó rất nhiều ý kiến đã chính thức bày tỏ quan điểm và thái độ phản đối về việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ đưa bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa. Cá nhân tôi nhìn nhận đó là một việc làm sai, một cách làm không có căn cứ.

Qua trao đổi thông tin với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực địa lý, ngoài việc từng nhà khoa học trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình về việc làm của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, các nhà khoa học cũng đưa ra ý kiến Hội Địa lý Việt Nam phải suy nghĩ để sớm có ý kiến chính thức phản bác lại việc làm sai của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ và chúng tôi cũng sẽ bàn việc này.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn nghi ngờ chưa hẳn đây đã phải là quan điểm của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, cũng có thể chỉ là một cá nhân nào đó tự lập ra bản đồ này, sau đó đưa lên mạng của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, vì vậy cần phải kiểm tra xem đây có phải là quan điểm và là sản phẩm của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ không.

Thực tế, Hội Địa lý Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Địa lý quốc tế từ rất lâu rồi. Vì vậy, tôi có thể khẳng định Hội Địa lý quốc tế không tán đồng cách đưa bản đồ như vậy, đây càng không phải là quan điểm của Hội Địa lý quốc tế. Thậm chí ngay hội địa lý của các nước cũng không tán đồng việc làm như vậy.

* Ông Vũ Gia Quang (nguyên giám đốc Trung tâm Biên giới và địa giới):

Vùng tranh chấp phải thể hiện khách quan

Tôi đã xem bản đồ trên trang web do Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ cung cấp. Nhìn cách thể hiện bản đồ như vậy, tôi thấy không đảm bảo tính khách quan theo nguyên tắc lập bản đồ. Thông thường đối với những vùng tranh chấp, việc lập bản đồ của một nước thứ ba luôn luôn thể hiện sự trung lập và cách thể hiện đó được thực hiện rất phổ biến.

Cụ thể hơn, khi cần lập bản đồ khu vực, trong đó có vùng tranh chấp, bao giờ người ta cũng chọn những phương án trung gian để thể hiện, không thể hiện rõ quan điểm của mình nghiêng về bên nào.

Tuy nhiên, nhìn bản đồ do Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ cung cấp, tôi thấy việc thể hiện đối với quần đảo Hoàng Sa bằng cách đề tên phiên âm theo tiếng Trung Quốc là không được, đặc biệt việc ghi danh chữ “China” (Trung Quốc) ở phía dưới là không khách quan. Nếu trung lập và khách quan, tốt nhất là đề theo tên quốc tế Paracels. Với những trường hợp tranh chấp khác, các nước vẫn làm như vậy để đảm bảo tính khách quan.

Riêng về việc cung cấp dữ liệu và bản đồ chính thức, trước đây chúng ta đã tham gia và hoàn thành bản đồ toàn cầu phần Việt Nam để đưa lên mạng viễn thông quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một nguồn dữ liệu đối với các nước khác khi lập bản đồ.

Còn trong thực tế khi lập, việc họ có dùng tư liệu của chúng ta hay không hay dùng tư liệu của một đơn vị, một nước khác đôi khi cũng không có căn cứ bắt buộc, không có quy định ràng buộc là lập bản đồ về nước này thì phải dùng bản đồ do nước đó cung cấp.

Vì vậy việc lập bản đồ đối với những vùng tranh chấp, cần nhất là sự khách quan để tránh tạo ra những bất đồng, sự thiên lệch.

Cần sớm gia nhập Tổ chức IHO

Việc ghi tên gọi địa lý đã được tiêu chuẩn hóa ở tầm quốc tế bởi International Hydrographic Orgnization (Tổ chức Thủy văn học quốc tế - IHO). Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên, còn Việt Nam chưa là thành viên. Về việc ghi tên đối với một địa danh khi có những tên khác nhau, tổ chức này đã có một nghị quyết vào năm 1974 để tiêu chuẩn hóa.

Theo mục A 4.2.6 của phiên bản nghị quyết này được cập nhật vào tháng 11-2009, tổ chức này đã đề nghị rằng “khi hai hay nhiều quốc gia cùng chia sẻ một vị trí địa lý (ví dụ như vịnh, eo biển, kênh đào hay quần đảo) dưới các mẫu tên khác nhau, các quốc gia này nên cố gắng đạt được thỏa thuận để tìm ra một cái tên thống nhất đối với vị trí đó. Nếu họ có ngôn ngữ chính thức khác nhau và không thể thỏa thuận về một mẫu tên chung (common name form), mẫu tên theo từng ngôn ngữ nên được chấp nhận cho các biểu đồ và ấn bản trừ phi các nguyên nhân kỹ thuật ngăn cản việc làm này. Ví dụ đối với địa danh: English Channel/La Manche”.

Như vậy, về tên gọi Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông: theo quy tắc này, các bản đồ có thể để nhiều tên khác nhau theo ngôn ngữ của các bên. Chúng ta cần đòi hỏi tên “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “biển Đông” (hoặc East Sea) được in trên các bản đồ.

Hiện chúng ta có xu hướng chấp nhận và hài lòng với các tên Paracels (Hoàng Sa), Spartlys (Trường Sa) như là các tên quốc tế.

Vì vậy, việc cần làm ngay là gia nhập IHO; đòi hỏi để tên Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông được ghi trên các bản đồ thế giới.

Xét về mặt thông tin, khoa học, việc ghi chú China dưới Paracels là hoàn toàn sai. Nếu họ không ghi nó là của Việt Nam thì ít ra họ phải ghi nó là lãnh thổ đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Lê Minh Phiếu

=====================================================================

* Tôi hiện là cán bộ giảng dạy bộ môn Địa Tin học, Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, thành viên của Hội Trắc địa Bản đồ TP.HCM. Tôi đã đọc và xem bài báo của Quí Báo và các bản đồ trên trang web của Hội Địa lý Hoa kỳ (NGS).

Là một nhà chuyên môn, tôi hoàn toàn ủng hộ những quan điểm trên của bài báo và những người được phỏng vấn. Tuy nhiên có một vấn đề chúng ta cần phải làm ngay hiện nay là kiến nghị yêu cầu NGS dừng ngay việc cung cấp các bản đồ có thông tin không đúng liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.

Về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn có quyền kiện NGS về việc phát hành bản đồ châu Á chứa những thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng chủ quyền của Việt Nam đối với đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

-------------

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên