Suất ăn của công nhân được các công ty chi 8.000-10.000 đồng nhưng nhiều nơi khi qua nhà thầu và các chi phí trung gian nên công nhân chỉ được ăn 4.000-5.000 đồng. Chất lượng bữa ăn rất nghèo nàn, ngay cả rau xanh cũng không đủ, đó là kết quả khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương.
Phóng to |
Công nhân mua một gói xôi đậu lót dạ trước khi vào làm - Ảnh: Nguyễn Nam |
Khảo sát cho thấy chất lượng dinh dưỡng của mỗi khẩu phần ăn không đủ tái tạo sức lao động, trong khi đó công nhân phải thường xuyên tăng ca.
Cơm công nhân ngày càng đạm bạc
Chiều 11-3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Hiện nay vấn đề chất lượng đối với khẩu phần ăn cho công nhân đang ở mức báo động. Qua nhiều năm theo đoàn giám sát của Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tôi thấy suất ăn của công nhân hiện nay rất nghèo nàn. Nhiều công ty có suất ăn 8.000 đồng nhưng khi nhà bếp chi tiền nhân công, tiền hoa hồng... thì suất ăn chỉ còn dưới 5.000 đồng. Trong khi đó, công nhân một ngày đâu chỉ làm việc tám giờ mà còn thường xuyên tăng ca. Suất ăn không đủ chất dẫn đến công nhân không đủ sức làm việc”.
Gần 59% Là tỉ lệ cơ sở cung cấp khẩu phần ăn chưa hợp lý như khuyến nghị quốc gia về dinh dưỡng. Đây là kết quả khảo sát tại 58 cơ sở của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương. Trong đó, thiếu năng lượng có 16 cơ sở, thiếu đạm có 9 cơ sở, thiếu béo có 9 cơ sở và 100% cơ sở thiếu rau xanh, củ quả trong khẩu phần ăn... |
Theo ông Sơn, Bình Dương hiện có khoảng 500.000 công nhân, nếu vấn đề về sức khỏe của công nhân không được quan tâm, kiểm soát đúng mức sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ đáng lo ngại.
Giá tiền một suất ăn của công nhân phải chịu chi phối của các khoản như thuế VAT, nhân công, vận chuyển, bảo hiểm... Điều đáng nói là nhà ăn còn bớt xén do phải chi hoa hồng giao tiếp (chi phần trăm trên khẩu phần ăn của công nhân) cho người trong công ty để có hợp đồng cung cấp suất ăn.
Kết quả khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho thấy có tới 65,52% cơ sở phải chi hoa hồng kiểu này.
Giá nấu ăn vào thời điểm khảo sát trung bình là 9.400 đồng/suất, tuy nhiên có tới 91,38% cơ sở cho rằng có thể nhận nấu ăn với mức 7.000-8.000 đồng/suất trong thời điểm hiện tại nhưng không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Cũng theo khảo sát này, trên thực tế một số cơ sở hiện nay chỉ nấu ăn với giá 4.000-6.000 đồng/suất, không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân.
Phóng to |
Một bữa ăn của công nhân tại nhà trọ - Ảnh: Ngân Hà |
Có nơi chỉ còn ăn 4.000-5.000 đồng/bữa
Đợt khảo sát cho thấy với tình hình cung cấp suất ăn như hiện nay, số cơ sở cung cấp thức ăn thiếu đạm sẽ không dừng ở mức 15,52%. Vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn cũng rất thấp nên nguy cơ thiếu chất này ở công nhân rất cao.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương, đa số cơ sở nấu ăn cho công nhân đều mua thịt có nguồn gốc thịt đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, hơn một nửa số cơ sở thực hiện chế độ lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định, chiếm 58,6%. Vấn đề này sẽ gây khó khăn cho việc tìm nguyên nhân phục vụ công tác điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra. Theo một cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, điều đáng chú ý là rất nhiều doanh nghiệp thiếu hẳn rau xanh.
Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH Green River Wood and Lumber (xã An Phú, Thuận An) để giải quyết kiến nghị của hàng trăm công nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn. Công nhân phản ảnh mỗi bữa ăn được chi 8.000 đồng/người. Tuy nhiên, công ty đã tổ chức cho người ở ngoài đấu thầu nấu ăn, do đó thực chất mỗi bữa ăn của công nhân chỉ còn 4.000-5.000 đồng/người. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, nhà thầu cho biết họ phải chi 10% tiền thuế, tiền công phục vụ, vận chuyển, tiền lãi...
Theo ông Nguyễn Văn Khương - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đang chi tiền ăn cho công nhân dưới 10.000 đồng/bữa, có doanh nghiệp chỉ chi 6.000 đồng/bữa. Điều đáng nói là từ sau tết, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm có xu hướng tiếp tục tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.
No bụng nhưng thiếu chất Bữa ăn ở công ty thì đáng báo động về chất lượng, còn bữa cơm ở nhà trọ của công nhân cũng không khá hơn. Họ thường chọn mua các thực phẩm rẻ tiền ở các chợ tạm về chế biến.
Nguyên nhân chính vì lương thấp, giá sinh hoạt tăng khiến công nhân tìm đủ mọi cách tính toán và cách chủ yếu là hạn chế chi tiêu trong ăn uống hằng ngày. Ngán cơm công ty Đang giờ ăn cơm giữa ca tại Công ty F (Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì một nữ công nhân ngất xỉu. Các công nhân bên cạnh vội vàng bế nữ công nhân này xuống phòng y tế. “Xỉu là bình thường. Có nhiều người sáng chưa ăn uống gì đã vào làm thì chịu sao nổi” - một công nhân tên Đông nói. Nhiều công nhân suy nghĩ sáng chỉ cần ăn qua loa, vào làm việc đến giữa ca ăn cơm công ty cho “cứng bụng”, tiết kiệm được tiền. Nhưng trên thực tế, bữa cơm giữa ca của nhiều công ty tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM hiện nay không phải là dễ nuốt.
Theo khảo sát của chúng tôi, khẩu phần ăn của công nhân hiện nay chỉ khoảng 7.000 đồng, công ty nào “chịu chơi” cũng chỉ 10.000 đồng là đụng trần. Đó là chưa kể những hao hụt từ quy trình mua thức ăn, chế biến... để ra một phần ăn. Một cán bộ thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết qua các cuộc khảo sát, tuy khẩu phần ăn cho mỗi công nhân là 7.000-8.000 đồng nhưng thực tế khi đến với công nhân chỉ còn 3.000-4.000 đồng. Đó là chưa tính đến các yếu tố khác như điều kiện nấu nướng, vệ sinh... góp phần làm giảm chất lượng bữa ăn của công nhân. Anh Nguyễn Công Hà, công nhân Công ty C (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương), cho hay: “Mỗi bữa ăn công ty cho 8.000 đồng, do giá cả tăng nên đĩa cơm chỉ có mấy cọng rau, vài miếng thịt mỡ ăn cho qua bữa chứ nói gì đến chất lượng”. Anh N.T., một nhân viên bếp ăn làm việc lâu năm tại Công ty F, thừa nhận với 7.000 đồng trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì rất khó nấu được một bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng cho công nhân. Cơm nhà không khá hơn Tại khu trọ gần khu chợ tạm, đối diện Khu chế xuất Linh Trung 1, mới hơn 5 giờ sáng công nhân đã lục tục thức dậy chuẩn bị bữa ăn. Người thì ăn mì gói với rau, người chiên cơm nguội ban tối còn lại, có phòng nấu một nồi cơm rồi chế hai gói mì làm canh cho bốn người ăn. Trên khu vực vành đai cầu vượt Linh Xuân kéo dài đến cổng Khu chế xuất Linh Trung 1, mỗi buổi sáng đều tấp nập những người bán thức ăn nhanh cho công nhân. Công nhân nào chi mạnh tay hơn thì ăn xôi chả 5.000 đồng, ai muốn rẻ thì có ngay xôi đậu 2.000 đồng. Các món khác như bắp, bịch sữa đậu nành, bánh bột chiên... giá từ 1.500-2.000 đồng được nhiều công nhân chọn mua. Nhiều công nhân sợ trễ giờ làm vừa đi vừa cầm bắp, xôi ăn ngấu nghiến. Có người chỉ uống bịch sữa đậu nành cầm hơi để vào làm. Đó là chưa kể có nhiều công nhân vào xưởng với cái bụng rỗng không. “Làm đến trưa là ăn giữa ca nên buổi sáng ăn gì mà chẳng được. Mua như thế này vừa tiện mà rẻ nữa” - một công nhân mua xôi cho hay. “Điện ba ngàn, nước vừa tăng thêm hai ngàn nữa thành mười ngàn, chưa tính đến phòng trọ vừa tăng giá thêm năm mươi ngàn nữa. Đồ ăn thức uống ngoài chợ sau tết lại tăng nên phải tính dữ lắm” - Phương Dung, công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), than thở. Buổi chiều Dung ra khu chợ gần Khu chế xuất Tân Thuận mua thức ăn về nấu cho cả phòng. Dung mua ba trái cà chua 6.000 đồng, con cá điêu hồng 17.000 đồng và 3.000 đồng rau muống thái sẵn. Vậy là xong thức ăn cho bốn người. Tính cả tiền mua gia vị, gạo và gas thì một bữa ăn tại phòng trọ của Dung, mỗi công nhân chi trung bình khoảng 8.000 đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận