10/01/2010 08:00 GMT+7

Những chuyến tàu chở lòng yêu nước

H.GIANG
H.GIANG

TT - Ngày 10-1-1960, tàu Anh Phúc cập cảng Hải Phòng chở 922 người VN về nước, mở đầu đợt hồi hương lớn nhất trong lịch sử VN cho tới nay. Những nhân chứng vẫn còn đó với ký ức nóng hổi.

7E6afmqg.jpgPhóng to
Những Việt kiều trên chuyến tàu đầu tiên đến chúc tết Hồ Chủ tịch ngày 29-1-1960. Góc dưới cùng bên trái là cậu bé Lê Bá Đông, 10 tuổi, con bà Lê Thị May. Hai người con đầu của bà May là Lê Việt Lan và Lê Bá Đông khi trưởng thành đều làm trong ngành ngoại giao. Bà Lan vừa về hưu, ông Đông hiện vẫn đang công tác ở Lãnh sự quán VN tại Hải Nam (Trung Quốc)

Phải loay hoay một hồi với chùm chìa khóa, cụ bà Lê Thị May mới chọn đúng chìa để mở cửa cho khách vào nhà. Trí nhớ không còn sáng tỏ như xưa nhưng mỗi khi nhắc đến chuyến tàu Anh Phúc, ánh mắt bà lại bừng lên và những ký ức cách đây 50 năm, khi bà mới 33 tuổi, ùa về.

Những ký ức không thể quên

Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm

Sáng 10-1, TP Hải Phòng kết hợp với Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đích thân ra cảng Hải Phòng đón Việt kiều từ Thái Lan hồi hương. Tham dự lễ có hơn 550 đại biểu và khoảng 300 kiều bào hồi hương, kiều bào đang đầu tư kinh doanh tại VN.

Sau buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4, đại diện các thành phần tham dự sẽ được chính quyền TP đưa đi tham quan một số địa điểm danh lam thắng cảnh của Hải Phòng. Ông Hoàng Văn Kể, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết dịp này TP sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án của Việt kiều tại Hải Phòng là dự án xây làng Việt kiều trên diện tích 12ha và bệnh viện quốc tế 300 giường.

Một nách hai con, bà May lênh đênh trên biển cùng hơn 900 đồng hương khắc khoải chờ ngày lên đất liền. Bà nhớ lại: “Nếu đi qua Lào thì chỉ mất một ngày là về đến VN. Nhưng do quan hệ chính trị khi đó với Thái Lan chưa thật êm xuôi, nên tàu phải đi xuống mũi Cà Mau rồi vòng lên cảng Hải Phòng. Mất hai đêm ba ngày mới đến nơi”.

Trong số hơn 70.000 Việt kiều Thái Lan đăng ký về nước khi đó, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên danh sách từng đợt về, trộn lẫn các địa bàn ở Thái Lan với nhau theo thứ tự ưu tiên: cán bộ, người bị chính quyền Thái Lan bắt bớ, tù đày, gia đình neo đơn... Một điều đáng chú ý là gần hết những người về nước đều đăng ký về miền Bắc khi đất nước vẫn còn chia cắt hai miền.

Phần lớn người Việt ở Thái Lan thời đó đều là những người rời quê hương để sơ tán sang Lào tránh chiến tranh. Đầu năm 1946, Pháp quay lại xâm lược Lào. Đặc biệt, vùng Trung Lào trong đó có thị xã Savannakhet đông người Việt bị Pháp tấn công ngày 14-3-1946 và thị xã đã bị Pháp chiếm ngày 21-3, đẩy Việt kiều tại đó cũng như nhiều dân Lào vượt qua dòng Mekong sơ tán sang Thái Lan.

Đến những năm 1950, số lượng Việt kiều ở Thái Lan đã lên tới 100.000 người. Được Bác Hồ trực tiếp dẫn dắt và phát triển phong trào vào cuối những năm 1920, nên cộng đồng người Việt ở đây được tổ chức chặt chẽ, có cơ sở trên toàn Thái Lan, có Tổng hội Việt kiều Thái Lan cũng như các hội Việt kiều địa phương với đầy đủ tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ. Cuộc sống ban đầu của Việt kiều rất khó khăn vì đa số đi khỏi Lào với tinh thần sơ tán tạm thời, đợi một vài ngày sẽ quay trở lại nên nhiều người không mang theo tài sản, đồ đạc.

Trở về

Đến khi có lời kêu gọi trở về xây dựng quê hương của Bác Hồ, mọi người gần như không chút đắn đo. Vì trong suốt những năm xa Tổ quốc, cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan vẫn không ngừng chi viện cho miền Bắc cả về lực lượng lẫn vật chất. Bà Lê Thị May kể khi đó dù đói không đủ ăn, các gia đình vẫn để dành lương thực, thực phẩm để gửi về nước.

“Bên kia chúng tôi ai cũng ao ước được về nước - bà May kể và nhớ lại cảnh cập cảng Hải Phòng sáng 10-1-1960 - Lúc đó phụ nữ và trẻ em đều nằm la liệt trên sàn tàu vì say sóng, ngồi dậy không nổi. Vì tàu sắp cập bến nên nhiều người lên boong tàu hít khí trời cho khỏe và đỡ mệt nhưng sức vẫn còn yếu. Đúng lúc đó chúng tôi nghe tiếng reo lao xao khắp tàu: “Bác Hồ, Bác Hồ kìa”.

Thế là bao nhiêu mệt mỏi bay đi đâu hết vì mừng quá, vui quá”. Báo Nhân Dân số ra ngày 11-1-1960 viết: “8g đúng, tàu cập bến, hoa tung từ dưới đất lên tàu, từ tàu xuống đất, tiếng hô Hồ Chủ tịch muôn năm, tiếng hát Kết đoàn vang từ tốp này tới tốp khác ra tới bến tàu... 9g15, Hồ Chủ tịch tới thăm kiều bào giữa tiếng hoan hô vang dậy của mọi người. Nhiều kiều bào nhảy lên để cố nhìn rõ Hồ Chủ tịch. Sung sướng nào bằng vừa bước chân lên đất nước lại gặp ngay vị lãnh tụ kính mến”.

Trong số Việt kiều Thái Lan có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước không thể không kể tới cặp vợ chồng Nguyễn Song Tùng (đã mất) - Hoàng Thị Lam. Ông Song Tùng từng là nguyên phó ban đối ngoại trung ương, thứ trưởng Bộ Lao động, đại sứ VN tại Đức. Giờ đây, nhiều người trong đại gia đình gồm thế hệ thứ hai, thứ ba vẫn tiếp tục phục vụ ngành ngoại giao, trong đó có người là thứ trưởng, người là vụ trưởng... của Bộ Ngoại giao. Theo thống kê của Hội liên lạc Việt kiều Hải Phòng, trong những kiều bào hồi hương thời kỳ đó, có 15 người sau này trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bốn người là ủy viên Trung ương Đảng.

Hàng ngàn Việt kiều khác tỏa đi khắp nơi để xây dựng Tổ quốc, hình thành nên các “làng Việt kiều” hay “làng Thái Lan” ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang... Những lớp Việt kiều về nước thời đó vẫn không quên lời Bác Hồ kêu gọi về nước để làm tất cả những việc và đi tất cả những nơi mà Đảng và nhân dân cần. “Bác Hồ có tầm nhìn xa, luôn tin tưởng lực lượng Việt kiều” - ông Trần Minh Chương, người về chuyến thứ sáu năm 1960, nhận xét.

Hơn 45.000 kiều bào Thái đã hồi hương

Tháng 7-1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan tìm đường giải phóng dân tộc với bí danh Thầu Chín. Bác Hồ từng bước vận động, đoàn kết và đào tạo để gây dựng phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thani, Phichit, Sakon Nakhon... trước khi về ở tại bản Nachok của tỉnh Nakhon Phanom.

Cuối năm 1929, Bác Hồ rời Thái Lan sang Trung Quốc và lại về hoạt động tại Thái Lan một thời gian ngắn của năm 1930. Hình ảnh và tư tưởng của Bác vì thế có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan.

Khi có lời hiệu triệu của Bác kêu gọi kiều bào về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều gia đình đã nhanh chóng đáp lời. Theo số liệu của Thái Lan năm 1960, trong một thời gian ngắn đã có 70.042 người đăng ký hồi hương về miền Bắc VN. Tính từ chuyến đầu tiên vào ngày 10-1-1960 đến đầu năm 1964 đã có 75 chuyến hồi hương với khoảng 45.536 người, rồi bị ngừng tới sau giải phóng miền Nam.

ndkX3rzK.jpgPhóng to
Bác Hồ đón Việt kiều trở về ngày 10-1-1960 - Ảnh tư liệu do Sở Ngoại vụ TP Hải Phòng cung cấp và từ Internet
P258ZWoC.jpgPhóng to
Bác Hồ chụp ảnh chung với Việt kiều Thái Lan vừa về nước
4nh6u7a6.jpgPhóng to
Việt kiều mang theo ảnh Bác Hồ gìn giữ đã lâu ngày
4nXbXKZv.jpgPhóng to
Tàu Anh Phúc treo hai khẩu hiệu đỏ vàng nổi bật trên nền trắng của lườn tàu, ghi: “Biết ơn và nhiệt liệt hoan nghênh sự quan tâm săn sóc của Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch và toàn thể nhân dân đối với kiều bào chúng tôi!” và “Quyết tâm đoàn kết với nhân dân trong nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà!”
DPYbaiTF.jpgPhóng to
Tàu Anh Phúc chở 922 Việt kiều về nước ngày 10-1-1960

______________

Làng Thái Lan

zxo4RVFa.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Mục và bà Hoàng Thị Hà trong “rừng Việt kiều” - Ảnh: V.Toàn

Sau 50 năm, những Việt kiều hồi hương từ Thái Lan chủ yếu về sống ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều người xung phong đi làm kinh tế mới trên miền rừng núi và tạo lập ra “làng Thái Lan”, như nhiều người ở Hà Tĩnh vẫn thường gọi.

Đến giờ những khu rừng tràm, rừng keo xanh mướt dọc hai bên quốc lộ 15A nối TP Hà Tĩnh với trung tâm thị trấn miền rừng Hương Khê vẫn được người địa phương quen gọi là “rừng Việt kiều”. Ông Nguyễn Văn Mục, xóm trưởng xóm Tân Kiều, là một trong những cựu trào ở nơi này. Lão nông 74 tuổi nhớ như in câu chuyện của nửa thế kỷ trước: “Tôi rời cảng Hải Phòng về đây năm 1960, lúc 24 tuổi cùng với 20 hộ gia đình khác. Chúng tôi đã lập nên làng Tân Kiều (nay là xóm 16, thuộc xã Hà Linh, huyện Hương Khê). Bây giờ làng đã sôi động hẳn với gần 100 hộ, hộ nào làm ăn cũng khấm khá”.

Như để chứng minh, ông Mục đưa cánh tay gân guốc chỉ những mái ngói đỏ au, những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng trong từng đồi cây. Ông tự hào: “Tân Kiều không còn bóng dáng của nhà mái cọ, phên nứa nữa là nhờ bà con biết giữ gìn và phát triển cây đặc sản: bưởi Phúc Trạch, trồng và bảo vệ hơn 300 hecta rừng”. Dẫn đầu trong mô hình trồng rừng là gia đình ông Nguyễn Minh Hòa với 100ha tràm, keo, thông, hai hồ cá và trang trại chăn nuôi. Nghề nuôi hươu sao cũng từng giúp nhiều gia đình đổi đời. Nay cứ đến dịp sau Tết Nguyên đán hằng năm làng này vẫn đón khách dưới xuôi lên mua nhung hươu.

Giải thích vì sao bà con đều có quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng khi về nước lại tìm vùng rừng này để sinh sống, ông Mục nở nụ cười móm mém: “Chuyến tàu đầu tiên ưu tiên những Việt kiều là thương binh, liệt sĩ hoặc gia đình có công với cách mạng. Chuyến này cập cảng Hải Phòng ngày 10-1-1960, được Bác Hồ từ Hà Nội về đón. Vì là người yêu nước nên sau khi nghe lời Bác Hồ ai cũng xung phong ngược lên đây để khai khẩn rừng hoang làm kinh tế mới”.

Nhắc tới hai từ yêu nước, ông Mục kể về bố của mình là cụ Nguyễn Văn Bảng - người duy nhất của làng Tân Kiều được Bác Hồ mời ra Hà Nội gặp mặt. Dịp đó, Bác Hồ khuyên ông Bảng: “Chú về đây sẽ khổ hơn ở bên Thái Lan vì đồng bào ta đang thắt lưng buộc bụng, mỗi hạt gạo của miền Bắc đều bẻ đôi cho miền Nam một nửa. Vì thế chú cố gắng giúp bà con làm kinh tế cho thật giỏi”.

Câu chuyện đang rôm rả thì bà Hoàng Thị Hà đi thăm rừng về cũng ghé vào góp vui. Bà Hà theo bố mẹ về nước lúc mới 1 tuổi, nay ở tuổi 50 bà đang là chủ tịch hội phụ nữ kiêm chủ tịch hội nông dân của Tân Kiều. Bà Hà cho biết: “Đây là vùng làng duy nhất mà bà con Việt kiều sống quây quần bên nhau, gắn bó với rừng. Đây cũng là làng có số Việt kiều đông nhất ở Hà Tĩnh so với ba khu Việt kiều ở thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn), thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) và TP Hà Tĩnh”.

Nói đoạn, bà trầm ngâm: “Tôi còn nhớ lời mẹ kể, những năm 1960 đất nước còn khó khăn là thế mà mẹ tôi và các bà mẹ trong làng đều được Bác Hồ gửi vải về để may áo mỗi dịp tết đến khi Bác mất”.

Món quà thân tình nhưng sâu nặng đó của Bác Hồ như một câu chuyện cổ tích của làng Tân Kiều. Vì thế hằng năm dân làng Tân Kiều chọn ngày sinh nhật Bác 19-5 và ngày 30-4 để tổ chức kỷ niệm ngày hồi hương. Những dịp đó trai gái, già trẻ trong làng lại múa hát lăm vông.

Nói đoạn, bà Hà hát một khúc ca do đội văn nghệ Tân Kiều tự biên tự diễn trong mỗi dịp lễ: Ai đi lên Hương Khê ghé vào thăm Tân Kiều/ khi xưa nơi này là chốn rừng hoang/ chỉ có anh với nàng mới biến thành rừng cây xanh mãi/ con gái Tân Kiều đẹp lắm ai ơi/ đẹp như hoa thiên lý/ kể cả văn hóa, kinh tế nơi ni không kém chi ai/ Đã trồng rừng lại trồng ngô khoai và tăng thêm đàn gia súc/ làm cho đẹp tươi mãi Tân Kiều...

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên