29/12/2009 08:11 GMT+7

Tắc giao thông, kẹt phát triển

PHÚC HUY - NGỌC ẨN
PHÚC HUY - NGỌC ẨN

TT - Trong cuộc họp về tình hình triển khai nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP.HCM do Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì, tổ chức tại TP.HCM sáng 28-12, giải trình từ các cơ quan chức năng của TP.HCM vẫn là “tại”, “bị” và điệp khúc “thiếu vốn”.

* Cần 40 tỉ USD cho các dự án giao thông* Mức xử phạt giao thông sẽ tăng 4-5 lần * Phải quy hoạch lại taxi

vN8JLSLy.jpgPhóng to

Xe hơi chen chúc vào giờ cao điểm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đức Trí

Hai năm tăng thêm 14 tỉ USD

Theo trình bày của giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng, TP.HCM đang triển khai nhiều dự án giao thông, nhưng cái khó là chi phí đền bù giải tỏa quá lớn. Năm 2009, trong số tiền đầu tư cho giao thông của TP là 12.000 tỉ đồng thì vốn đền bù “ngốn” hết 8.000 tỉ. Chỉ riêng hai dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội cần đến 15.000 tỉ đồng nên các dự án nhỏ không có tiền để làm.

Theo đề án quy hoạch giao thông TP đến năm 2020 (lập từ năm 2007), tổng số vốn đầu tư cho các dự án khoảng 26 tỉ USD. “Tuy nhiên đến nay theo tính toán đã lên đến 40 tỉ USD, trong số đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn” - ông Phượng giải thích.

Về các nguyên nhân gây áp lực giao thông tại TP, ông Phượng cho rằng việc thực hiện Luật cư trú (có hiệu lực từ 1-7-2007), quy định nới rộng thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cá nhân (không giới hạn số xe) đã góp phần làm dân số TP, phương tiện giao thông tăng nhanh. Năm 2008, đếm 10 phương tiện giao thông thì chỉ có ba xe ở tỉnh nhưng qua năm nay con số này là năm chiếc.

Ngoài lượng xe học sinh đi lại quá lớn, ông Phượng nói gần đây còn phát hiện thêm một yếu tố khác cũng góp phần vào việc ùn tắc giao thông: người dân lui tới các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính. Theo ông, cần đẩy nhanh xây dựng “hệ thống chính phủ điện tử” để người dân khỏi phải đi lại nhiều lần. Ông Phượng cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật cư trú, hạn chế phương tiện cá nhân...

qJnrIPMy.jpgPhóng to
Kẹt xe ở vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các giải pháp đề xuất của TP.HCM

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, thực hiện văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.

- Các sở và các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, UBND các quận huyện thực hiện làm việc lệch giờ, lệch ca.

- Công an TP đề xuất vành đai hạn chế lưu thông các xe chở khách từ 30 chỗ ngồi trở lên vào các giờ cao điểm sáng, chiều; tổ chức nghiên cứu hệ thống kiểm soát và thu phí tự động ôtô tại khu trung tâm TP; chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách công cộng, xí nghiệp có trên 100 công nhân tự tổ chức xe hoặc hợp đồng xe buýt đưa rước công nhân đi làm...

Theo phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý, số vốn đầu tư cho giao thông TP khoảng 40 tỉ USD từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Ông đề nghị TP không chờ Chính phủ mà xem xét tìm nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.

Dự án nào không bắt buộc phải đầu tư từ ngân sách có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc khai thác quỹ đất hai bên đường để tạo nguồn vốn đầu tư. Ông Lý cũng gợi ý thêm nên nghiên cứu hình thức cấp “quota” hoặc tăng phí lưu hành, phí đăng ký, sở hữu phương tiện cá nhân.

Phó bí thư Thành ủy TP Huỳnh Thị Nhân giải trình rằng TP đã làm nhiều cách để huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) hoặc khai thác quỹ đất hai bên dự án để đưa ra đấu giá... nhưng các giải pháp này chưa thể đáp ứng do nhu cầu về nguồn vốn quá lớn.

Ngoài ra cũng có những vấn đề khi thực hiện lại vướng cơ chế nên việc xử lý chưa nhanh, chưa cụ thể. Bà Nhân kiến nghị trung ương có cơ chế đặc thù cho TP, điều chỉnh tỉ lệ nguồn thu của TP để đầu tư các dự án giao thông. Nếu bài toán này chưa giải quyết được thì khó có thể giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới.

Hé mở các giải pháp

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng phương tiện cá nhân tại TP.HCM quá nhiều trong khi phương tiện công cộng chỉ chiếm 5-7% là quá ít. Theo ông, giảm ùn tắc giao thông không chỉ là trách nhiệm của TP.HCM mà còn liên quan đến các tỉnh lân cận nên ông đã chỉ đạo công an các tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với TP để xử lý kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng đánh giá tình trạng giao thông của TP hiện nay rất nghiêm trọng và rất “nóng” tại các diễn đàn của Quốc hội. Ông đề nghị TP tăng cường phương tiện kỹ thuật để hiện đại hóa việc xử phạt nhằm hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, nhất là xử phạt qua camera, hình ảnh... Ông cũng thông tin: mức xử phạt vi phạm giao thông trong thời gian tới sẽ tăng 4-5 lần trong một số loại hình vi phạm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vấn đề giao thông của hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đã trở thành vấn đề quan tâm của cả nước, vì ùn tắc giao thông sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cả nước nên các giải pháp phải mang tính cấp bách. Ngoài những chuyện TP đã làm được, Phó thủ tướng cho rằng còn những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách và cả năng lực cán bộ. Ông nói “lô cốt” (rào chắn) là vấn đề rất “nổi tiếng”, khi qua Thụy Sĩ gặp bà con kiều bào bên đó cũng nói về chuyện này.

Phó thủ tướng đồng ý cần tăng thẩm quyền cho TP trong việc xử phạt vi phạm giao thông, nếu sửa được luật thì giao thẩm quyền cho HĐND TP quyết là tốt nhất. Ông đề nghị TP quy hoạch tốt bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe nổi, đường trên cao và chủ động nghiên cứu, quy hoạch các dự án giao thông để kêu gọi nhà đầu tư tham gia.

Cho rằng phương tiện taxi đang chiếm khá lớn diện tích mặt bằng giao thông, chất lượng phục vụ lại bị buông lỏng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu TP quy hoạch phát triển taxi trong thời gian tới. Doanh nghiệp nào vi phạm thì kiên quyết rút giấy phép, trao cho doanh nghiệp khác. “Tôi cũng đã nhắc nhở với Hà Nội về vấn đề này”.

====================================================================

Để dân làm theo cách nhà nước, tôi có ý kiến thế này:

-Để xử lý tốt việc ùn tắc giao thông như hiện nay, phải giải quyết mặt bằng cơ sở hạ tầng giao thông thông thoáng. “Lô cốt”, hàng rào thi công, thời gian thi công phải được rút ngắn; chất lượng thi công của công trình phải đạt yêu cầu,có trách nhiệm với người dân về sản phẩm do mình làm ra. Phải xử lý công trình thi công kém gây hư hỏng phương tiện cho người dân và bắt bên thi công phải bồi thường nếu gây ra hư hỏng đó...

- Để dân hướng tới việc giao thông công cộng, cần có những biện pháp thật cụ thể như: chất lượng phục vụ, thái độ của nhân viên, có thể đi xe buýt bằng việc mua thẻ tự động, có hệ thống trừ tiền tự động vào tài khoản như mô hình bên Singapore đã làm chỉ cần có tài xế là đủ (hiện vẫn còn thái độ phân biệt giữa người đi vé tháng và vé thường)...

- Các loại ôtô còn khá đắt với nhiều loại thuế phức tạp nên việc người có thu nhập thấp chọn phương tiện cá nhân là điều tất yếu, việc gia tăng xe máy là điều tất yếu.

- Việc phân luồng giao thông phải hợp lý tránh bị tình trạng thắt cổ chai như hiện nay. Việc phân luồng ở ngã tư phải có đèn rẽ xe hợp lý, phải có đèn riêng cho xe rẽ và đi thẳng tránh như hiện nay có thể quẹo khi bên kia đang giao thông đúng hướng nên việc tắt đường là tất yếu. Phải có lối đi dành riêng cho người đi bộ.

PHÚC HUY - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên