11/12/2009 08:11 GMT+7

Giải cứu lưu vực sông Mekong

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Vùng lưu vực sông Mississippi ở Mỹ và vùng lưu vực sông Mekong ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Những cuộc chống ngập ở Mỹ đã và đang được chia sẻ tại đồng bằng sông Cửu Long.

Z446EULr.jpgPhóng to
Bão Durian gây nhiều thiệt hại tại Bến Tre vào cuối năm 2006 - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Câu chuyện giải cứu đồng bằng sông Mississippi (bang Louisiana) thật sự là “cây đinh” của hội thảo quốc tế tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ ngày 10-12 với sự tham gia của đại diện các nước thuộc lưu vực sông Mekong và Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS).

Đất đai dần dần biến mất

Theo các chuyên gia USGS, những công trình xây dựng, phát triển và chuyển đổi canh tác đã làm tổn thương dòng sông và đồng bằng Mississippi. Trong suốt thế kỷ qua, cống đập xây dựng tràn lan ở thượng nguồn và đê bao phát triển ở phía hạ lưu đã làm cản trở quá trình bồi lắng và hình thành đất trong vùng ngập nước tự nhiên. Thống kê cho thấy đã có tới 5.000km2 diện tích đất bị ngập nước tại bang Louisiana. Và chỉ trong vòng hai tuần sau bão Katrina năm 2005, các hệ thống quan trắc của USGS ghi nhận có tới 56.000ha của đồng bằng Mississippi biến mất.

Cũng như sông Mississippi, sông Mekong đã và sẽ có rất nhiều đập thủy điện, có thể làm thay đổi dòng chảy, gây thiếu nước tưới, lũ lụt... ĐBSCL của VN ở cuối nguồn sông Mekong được dự báo sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Những năm gần đây, những biểu hiện cụ thể của biến đổi khí hậu đã xảy ra, tác động tiêu cực đối với ĐBSCL. Đó là tình trạng hạn hán kéo dài hơn, bão lớn bất thường như bão Durian cuối năm 2006, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hằng năm, có nơi hơn 100km, gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt tại các đô thị đã xảy ra thường xuyên hơn.

Chống ngập kiểu Mỹ

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều không thể tránh khỏi, vì vậy việc giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là điều quan trọng nhất. Chuyên gia của USGS, bà Cindy Thatcher, hài hước: “Rất may là không phải ngủ một đêm thức dậy là nước biển đã dâng ngập hết nên chúng ta có đủ thời gian để ứng phó”. Bà nêu kinh nghiệm ở đồng bằng Mississippi: sau bão Katrina, người dân di dời nhà vào sâu bên trong đất liền hoặc xây nhà cao hơn mực nước biển... 6m!

Một biện pháp rất tốn kém khác cũng được thực hiện là bơm đất bùn phù sa không sử dụng ở những con sông gần đó vào những khu vực bị ngập. Theo bà Cindy Thatcher, cách này rất hiệu quả, làm tăng diện tích đất sản xuất, giảm vùng bị ngập. Bởi vì nếu đắp đê bơm nước vùng bị ngập ra thì có khả năng bị tái ngập và phát sinh điểm ngập mới. Ngoài ra, để làm chậm tình trạng ngập nước ở vùng đồng bằng, bà đề nghị chính quyền nên cố gắng phục hồi bờ biển và rừng phòng hộ để giảm thiểu yếu tố tác động làm xói lở, mất đất. Đồng thời phải tạo điều kiện cho hệ sinh thái tự nhiên phát triển, tăng tỉ lệ bồi đắp hữu cơ cho sông, biển.

Theo tiến sĩ Scott Wilson, việc phục hồi đất bị mất ở đồng bằng Mississippi đang được Chính phủ Mỹ quan tâm. USGS dự tính cần tới 15-20 tỉ USD để khôi phục diện tích đất bị mất. Tất cả đồng bằng trên thế giới đều đang đối diện với nguy cơ biến đổi khí hậu. Đồng bằng là vùng đất trẻ nên sẽ có nhiều thay đổi. Vì vậy cần phải có thời gian để thích ứng, không phải có tiền là ứng phó được với biến đổi khí hậu hay khôi phục những vùng đất bị mất. “Nếu chúng ta sống thân thiện với môi trường hơn thì có lẽ thiệt hại đã ít hơn và chi phí đầu tư khắc phục sẽ ít hơn nhiều” - ông tỏ ra tiếc rẻ.

USGS cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin với VN, cụ thể là Viện Dragon (ĐH Cần Thơ), cũng như hỗ trợ công cụ nghiên cứu, dự báo phục vụ việc chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở ĐBSCL.

Tiến sĩ Chu Thái Hoành, Viện Nghiên cứu thủy lợi quốc tế (IWMI, Lào), có cách tiếp cận mềm dẻo hơn khi nói: “Không nên xem nước mặn là hạn chế mà xem đó là tài nguyên cần khai thác phục vụ đời sống”. Ông dẫn chứng: dự án ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp ở bán đảo Cà Mau cho thấy những vùng ngọt thì trồng lúa cho thu nhập cao, còn vùng chưa ngọt thì nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả. Người nghèo giảm nhiều, trong đó người nuôi thủy sản giàu hơn người trồng lúa.

Trong khi những khác biệt trong quan điểm giữa các nước giàu và các nước đang phát triển về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chưa được giải quyết, thì ngày 9-12 lại nảy sinh những mâu thuẫn mới giữa chính các nước đang phát triển.

ShFTK6yl.jpgPhóng to

Một con cá sấu chết khô nằm chỏng chơ trên một hồ cạn nước thuộc hệ thống sông Amazon, gần thành phố Manaquiri, bang Amazonas, Brazil. Sau mùa mưa gây lụt lội nghiêm trọng hồi đầu năm nay, đợt hạn hán tiếp theo tại khu vực cho thấy mức độ nghiêm trọng không kém. - (Ảnh chụp ngày 22-11, ảnh: Reuters)

Reuters cho biết những đảo quốc nhỏ và các nước nghèo ở châu Phi đề nghị một hiệp ước biến đổi khí hậu khắt khe hơn so với nghị định thư Kyoto, nhưng ngay lập tức đã bị các nước đang phát triển lớn và giàu hơn như Trung Quốc phản đối do lo ngại luật lệ ngặt nghèo sẽ cản trở tăng trưởng.

Nhà thương lượng đại diện cho đảo quốc Tuvalu ở Thái Bình Dương yêu cầu các nước phải thảo luận đầy đủ đề xuất họ đã nộp trước đó. Giống như nhiều đảo quốc khác, Tuvalu đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì nước biển dâng và mong muốn giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5oC, còn thấp hơn mục tiêu 2oC của Liên Hiệp Quốc.

Chưa hết, giữa các nước giàu xem ra vẫn còn nhiều việc phải dàn xếp. Ngày 9-12, AP dẫn lời Thủ tướng Thụy Điển, nước đang giữ cương vị chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Fredrik Reinfeldt nói EU không hài lòng với “những mục tiêu do Mỹ đặt ra so với những gì chúng tôi đã làm ở châu Âu”.

Các nhà lãnh đạo EU hứa sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 xuống còn 20% so với năm 1990, nhưng cũng cho biết họ có thể nâng mức này lên 30% nếu “nhận thấy có những nỗ lực tương ứng từ các nước giàu khác như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản và Na Uy”. Ngay trong nội bộ EU vẫn tồn tại nhiều bất đồng, một số quốc gia như Anh sẵn sàng chấp nhận mức 30%, nhưng các nước Đông Âu nghèo hơn, phụ thuộc vào nhiên liệu than như Ba Lan sẽ rất miễn cưỡng.

Tín hiệu lạc quan duy nhất có lẽ là việc trong ngày 10-12, Mỹ lần đầu tiên công bố một lộ trình song phương, bao gồm cả chính phủ và quốc hội, hướng tới việc cắt giảm khí thải. AP dẫn lời bà Lisa Jackson, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), tuyên bố điều đó trước diễn đàn Copenhagen. Hiện Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua đạo luật cắt giảm 20% khí thải vào năm 2020. Mục tiêu bị đẩy xuống mức 17% ở hạ viện do sự phản đối từ các nghị sĩ Dân chủ đại diện những bang phụ thuộc nhiều vào năng lượng than đá.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên