23/11/2009 08:08 GMT+7

Thủy điện ở miền trung: Hầu hết không thể điều tiết lũ

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - Xung quanh chuyện rà soát quy hoạch thủy điện cũng như quy trình vận hành hồ thủy điện, TS NGUYỄN VIẾT THANH - nguyên phân viện phó phân viện thủy điện, Bộ Ðiện và than (nay là Bộ Công thương), chuyên gia nghiên cứu về điều tiết hồ chứa - nói:

6t9NTJyI.jpgPhóng to
Ts Nguyễn Viết Thanh - Ảnh: K.Hưng
TT - Xung quanh chuyện rà soát quy hoạch thủy điện cũng như quy trình vận hành hồ thủy điện, TS NGUYỄN VIẾT THANH - nguyên phân viện phó phân viện thủy điện, Bộ Ðiện và than (nay là Bộ Công thương), chuyên gia nghiên cứu về điều tiết hồ chứa - nói:

- Trước hết, cần khẳng định rằng tất cả hồ thủy điện phải được lợi dụng tổng hợp nhưng mặt này chúng ta làm chưa tốt. Ở miền Trung, Chính phủ có chủ trương xây dựng các hồ thủy điện nhưng chưa làm chặt chẽ việc khai thác tổng hợp. Hầu hết thủy điện ở miền Trung là thủy điện nhỏ, không thể điều tiết được lũ nên lũ mới về hồ đã đầy, khi đó buộc phải xả liên tục chứ không giữ nước được.

Ngoài ra, do số lượng thủy điện miền Trung nhiều nên vào mùa cạn, các hồ thủy điện phải giữ đủ một lượng nước nhất định mới có thể phát điện, điều này dẫn tới hạn hán ở hạ lưu. Ðây cũng là những vấn đề ít được tính tới khi phê duyệt các dự án thủy điện miền Trung. Tôi cho rằng Chính phủ nên đánh giá lại hiện trạng và trên cơ sở đó vạch ra các quy hoạch, quy trình phù hợp.

* Theo ông, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, giám sát thực hiện quy hoạch, quy trình vận hành hồ thủy điện hiện nay như thế nào?

- Tôi cho rằng không có giám sát. Chẳng hạn, bây giờ Bộ Công thương chỉ ban hành quy trình vận hành cho các nhà máy thủy điện để sau đó nhà máy và ngành điện lực làm theo, còn đúng sai thế nào chỉ khi sự việc xảy ra mới biết chứ trong quá trình thực hiện không ai giám sát. Ngay cả địa phương cũng chỉ quan tâm khi người dân lên tiếng.

Ðáng chú ý, chúng ta mới chỉ chú trọng đến quy trình vận hành hồ trong mùa lũ, còn mùa cạn thì không có quy trình vận hành. Trong khi đó, sự phối hợp điều hành hiện mới có ở ngành nông nghiệp và ngành điện nhưng cũng chỉ là khi thiếu nước hay thừa nước ở hạ lưu thì hai ông này mới ngồi lại với nhau, sau đó dùng lệnh của Thủ tướng để ra lệnh tương ứng chứ không chuẩn bị trước.

* Lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng phát triển thủy điện mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế của ngành điện?

- Hoàn toàn chính xác. Thủy điện phục vụ đa mục tiêu, phục vụ nhiều ngành kinh tế khác nhau nhưng chúng ta không có quy hoạch đồng bộ.

* Thưa ông, như vậy việc Thủ tướng chỉ đạo rà soát, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch thủy điện, quy trình vận hành hồ thủy điện là cần thiết?

- Tôi đồng ý với chỉ đạo của Thủ tướng vì quy hoạch, quy trình đặt ra trong những điều kiện trước đó, giờ thực tế thay đổi thì mình phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Nếu chúng ta làm việc đó sớm thì đã hạn chế được những thiệt hại như vừa qua.

Theo quan điểm của tôi, hằng năm các cơ quan chức năng phải họp tổng kết để đánh giá lại tất cả. Nhà máy thủy điện nào cũng có quy trình xả lũ nhưng quy trình đó phải luôn được cập nhật, luôn thay đổi để thích ứng với điều kiện biến đổi, đừng để ông điện lực nói tốt mà phải có đánh giá khách quan.

Thực tế cho thấy quy hoạch phải luôn được điều chỉnh, bổ sung. Ví dụ ngày xưa quy hoạch thủy điện Ðại Ninh trên sông Ðồng Nai lúc đó còn thưa người ở, giờ có nhiều người ở rồi thì phải thay đổi quy hoạch. Hay như chúng ta đã quyết định xây dựng thủy điện Sơn La theo phương án đập ở vị trí thấp, nhưng nếu tính trong tương lai đồng bằng sông Hồng thiếu nước thì phương án cao đáp ứng được khoảng 17 tỉ m3 nước sẽ hợp lý hơn. Vậy giờ chúng ta cũng phải có phương án điều chỉnh.

Hoặc khi xây dựng hồ thủy điện Hòa Bình chúng ta chỉ tính lũ 37.500m3/giây, sau này tính theo chuẩn mới thì lũ cực đại có thể lên tới 63.000m3/giây. Trên cơ sở đó chúng ta điều chỉnh, bổ sung bằng cách quyết định xây dựng hệ thống xả sự cố để cấp cứu... Vì thế, tôi nhấn mạnh rằng hằng năm phải tổng kết, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh những bất hợp lý trong quy hoạch, vận hành hồ thủy điện.

TxVTNimK.jpgPhóng toẢnh: H.GiangĐập thủy điện tác động xấu tới dòng sông

Bà Ruth Mathews (ảnh - người Mỹ), quản lý chương trình Việt Nam của Tổ chức WWF Greater Mekong, cho rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội để tránh những sai lầm mà các quốc gia đi trước về thủy điện mắc phải. Bà Mathews nói:

- Hiện Việt Nam có rất nhiều dự án xây đập thủy điện được đề xuất và nhiều công trình đã và đang xây dựng. Ở Mỹ, chúng tôi có rất nhiều đập xây từ cách đây 50 năm và bây giờ đang phải giải quyết những hậu quả do các đập này đem lại.

Việt Nam muốn phát triển kinh tế thông qua các lựa chọn về năng lượng, đó là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng một điều chắc chắn là nếu trước đây nước Mỹ hiểu hết tác động của việc xây dựng đập ồ ạt thì phần lớn các con đập hẳn đã không được xây dựng.

* Việt Nam muốn phát triển thủy điện để vừa đáp ứng nhu cầu điện năng khổng lồ vừa góp phần điều tiết lũ. Bà nghĩ thế nào về điều này?

- Rõ ràng việc xây dựng các con đập đã có những tác động xấu tới dòng sông. Nhất là tác động tới các loài cá di cư, lưu lượng dòng chảy của sông và lượng phù sa trôi theo dòng nước. Với Việt Nam, điều này có tác hại không nhỏ đến ngành đánh bắt thủy sản vì ngành này phụ thuộc rất nhiều vào sự cung cấp con giống và dinh dưỡng từ các hệ sinh thái nước ngọt. Đó là chưa kể các đồng bằng châu thổ sẽ không còn được phù sa bồi đắp, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Đập thủy điện đem lại nhiều lợi ích ngoài lưu vực sông, như là cấp điện. Nhưng rừng bị phá, người dân phải di chuyển để nhường chỗ cho công trình, cộng với tác động kép từ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đang tạo ra nhiều rủi ro cho khu dân cư sống quanh vùng thủy điện.

* Vậy còn chức năng điều tiết lũ của đập thì sao?

- Thường người ta nghĩ rằng đập có thể kiểm soát lũ. Trên thực tế, cách vận hành của đập với mục đích điều tiết lũ và mục đích phát điện không đi đôi với nhau. Tôi thấy cần phải có sự thỏa hiệp đánh đổi ở đây. Chúng ta có thể tìm cách thỏa thuận với các công ty thủy điện là vào đầu mùa lũ, họ sẽ phải xả bớt nước trong hồ chứa để kiểm soát lũ ở hạ lưu. Đó là điều có thể thực hiện được. Nhưng như thế các công ty thủy điện phải chấp nhận chịu thiệt hại về lợi nhuận.

______________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Chi chít thủy điện ở miền TrungKỳ 2: Tây nguyên: nhà nhà làm thủy điệnKỳ 3:Hiểm họa khôn lường từ thủy điệnHồ thủy điện không cắt lũKhông thể xả lũ khi đang có lũTranh luận “nảy lửa” việc A Vương xả lũThủy điện ở Tây Nguyên tác động tiêu cực tới môi trườngThủy điện phát triển nhanh đến chóng mặtQuy hoạch thủy điện: Phải dựa trên lợi ích chung

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên