20/11/2009 08:50 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Hơn 3 năm nay, tôi chưa kỷ luật ai"

K.HƯNG
K.HƯNG

TT - Hôm qua, 13 đại biểu đã đăng ký chất vấn Thủ tướng trước Quốc hội. Trả lời phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: phải có kỹ năng bản lĩnh trả lời chất vấn. Ở các nước người ta phải học quản trị cộng đồng, học thuyết trình, giải trình trước công chúng. Trong khi ở ta chưa có.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Hơn 3 năm nay, tôi chưa kỷ luật ai”

TT - Hôm qua, 13 đại biểu đã đăng ký chất vấn Thủ tướng trước Quốc hội. Trả lời phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: phải có kỹ năng bản lĩnh trả lời chất vấn. Ở các nước người ta phải học quản trị cộng đồng, học thuyết trình, giải trình trước công chúng. Trong khi ở ta chưa có.

>> Toàn văn trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Sáng 19-11, mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội bản báo cáo làm rõ thêm những nội dung thuộc ba nhóm vấn đề đại biểu quan tâm. Đó là các giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề bức xúc về xã hội; làm tốt công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện.

Báo cáo giải trình dài 24 trang của Thủ tướng trước khi chính thức trả lời chất vấn tập trung vào ba nhóm vấn đề gồm các giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề bức xúc về xã hội; làm tốt công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện

ImageView.aspx?ThumbnailID=376221
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo giải trình trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng cho hay Chính phủ chủ trương tiếp tục tăng đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển thị trường trong nước. Ngân sách năm 2010 bố trí tăng thêm cho công tác xúc tiến thương mại và triển khai cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.

Theo Thủ tướng, trong năm 2010 Chính phủ sẽ tập trung thực hiện có kết quả các chính sách và chương trình, dự án về giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Rà soát quy hoạch, quy trình vận hành thủy điện

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) về những cáo buộc hồ thủy điện gây lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không tập trung vào việc “bênh” các hồ thủy điện mà nghiêm túc nhìn nhận rằng trong quy hoạch thủy điện đều đặt ra yêu cầu đảm bảo phát điện; cung cấp nước cho sản xuất, cho sinh hoạt; tham gia cắt lũ, chặn lũ, giảm lũ cho hạ lưu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn... nhưng có những cái chưa lường hết, chưa dự báo hết, không phải do năng lực, trình độ mà do biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thiên tai.

Trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Sau hai cơn bão rất phức tạp gây thiệt hại nặng nề vừa qua, tôi đã cho rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện miền Trung, Tây nguyên và cả nước để căn cứ vào đó bổ sung, điều chỉnh; giao rà soát quy trình vận hành hồ chứa xem phù hợp với thiên tai chưa. Có người nói vận hành đúng nhưng có phù hợp với biến đổi thiên tai chưa? Vì vậy tôi đề nghị rà soát khẩn trương”.

K.HƯNG

Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Trước hết là đổi mới quản lý hệ thống giáo dục. Rà soát, bổ sung hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động của nhà trường; phân cấp và đề cao trách nhiệm của UBND các tỉnh, TP đối với các trường trên địa bàn...

Báo cáo của Thủ tướng nhấn mạnh: “Thực tiễn và kinh nghiệm chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện những năm vừa qua, đặc biệt là trong hai năm đầy khó khăn 2008-2009, cho thấy cùng với những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, cần phải có sự chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt, nhạy bén và kịp thời.

Mặt khác, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng đang đặt ra đòi hỏi bức xúc là phải không ngừng nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri đã chất vấn về những yếu kém của Chính phủ và chính quyền các cấp trong lĩnh vực này. Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng”.

“Án điểm chậm, tôi cũng sốt ruột”

Khi bản báo cáo của Thủ tướng trình bày chưa hết, đã có tới 13 đại biểu đăng ký chất vấn.

Ngay từ phút đầu tiên, Thủ tướng đã nhận được những chất vấn khá “nặng ký”. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thẳng thắn: “Tình hình tham nhũng, lãng phí không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp... Nhiều vụ án trọng điểm chậm và có biểu hiện “đầu voi đuôi chuột”.

Vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của ban cán sự Đảng tại các tỉnh và bộ ngành trung ương, có nhiều chủ tịch tỉnh không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt có chủ tịch tỉnh năm lần không chịu chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng mà vẫn không bị xử lý. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết?”.

Sau khi báo cáo một số kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng thừa nhận: “Theo nhận định chung, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Khi xác định vấn đề này, Đảng ta cũng đã khẳng định chúng ta phải đấu tranh kiên trì, kiên quyết, đồng bộ với các giải pháp từ giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm, hoàn thiện thể chế, công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, công chức.

Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị tất cả các cấp, các ngành chúng ta cùng chung sức với tinh thần kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp để phòng chống tham nhũng một cách có hiệu quả, một cách thực tế trên từng cơ quan, đơn vị của mình để góp sức chung cùng toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị trong đấu tranh ngăn chặn tham nhũng”.

Về hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cho hay đã kiểm điểm và thấy rằng đã làm được nhiều việc nhưng còn phải tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ.

“Các vụ việc đã được dư luận, xã hội, các cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi đều kiểm tra, yêu cầu xử lý, điều tra, truy tố xem xét theo đúng pháp luật. Còn các cơ quan, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương, vừa rồi chúng tôi đã đánh giá lại, có nơi vừa thành lập xong, mới kiện toàn” - Thủ tướng nói. Riêng với việc chủ tịch tỉnh nhiều lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận chưa biết và hứa sẽ kiểm tra lại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376207
Ảnh: V.Dũng

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Việc cho thành lập ồ ạt các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không đảm bảo chất lượng thời gian qua có biểu hiện quan liêu, tiêu cực gây bất bình trong nhân dân?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không nên lấy hạn chế, yếu kém ở một trường nào đó hay một khuyết điểm cụ thể nào đó mà phủ nhận cả thành tựu giáo dục đại học ở nước ta.

Về việc cho lập trường, nâng cấp trường, mở thêm chuyên ngành đào tạo không đủ điều kiện như trong dự án đã phê duyệt, tôi có trực tiếp dự hội nghị với các hiệu trưởng của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, chúng tôi đã chỉ rõ những yếu kém trong lĩnh vực này, trước hết là yếu kém trong quản lý nhà nước về mặt thể chế, về mặt quy trình.

Cái gì chưa hoàn thiện ta phải bổ sung. Hai là có quy trình, quy chế rồi, có luật lệ rồi nhưng việc kiểm tra, giám sát chưa tốt thì phải khắc phục.

Với tinh thần chung là chúng ta vừa phát triển số lượng hợp lý theo quy hoạch, vừa từng bước nâng cao chất lượng. Chúng tôi rất hoan nghênh giám sát chuyên đề của Quốc hội về chất lượng đào tạo đại học và đã yêu cầu chấn chỉnh.

V.V.THÀNH ghi

Liên quan đến việc điều tra các vụ án điểm chậm, Thủ tướng giải trình: “Khi kiểm điểm từng vấn đề, chúng tôi cũng nêu với cơ quan pháp luật là tại sao chậm. Đứng về trách nhiệm trưởng ban chỉ đạo, tôi cũng cảm thấy chậm, cũng sốt ruột nhưng khi nghe các đồng chí trình bày thì thấy các đồng chí làm nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật”.

Chưa thật sự hài lòng với phần trả lời của Thủ tướng, ông Cuông chất vấn tiếp: “Hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng còn hạn chế có liên quan đến công tác tổ chức của ban chỉ đạo này hay không, vì trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch UBND tỉnh “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Ông Cuông cũng thông tin cho hay trường hợp chủ tịch tỉnh năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng là chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trong vụ việc liên quan đến Công ty Sông Lô.

Thủ tướng trả lời: “Việc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương do chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban đã thảo luận kỹ ở trung ương, ở Quốc hội. Ban này mới hình thành, thời gian chưa nhiều, chúng ta cần theo dõi thêm và đánh giá từ thực tiễn, chưa nên vội vàng kết luận. Như thế nào là “đá bóng”, như thế nào là “thổi còi”, có lẽ còn phải trao đổi thêm. UBND phải làm theo chức năng, phải làm theo pháp luật. Về chủ tịch tỉnh Hà Giang, chúng tôi sẽ nghe lại việc này”.

“Tôi chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào”

Nối tiếp câu chuyện chủ tịch tỉnh Hà Giang năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt ra những thắc mắc: “Vì sao Thủ tướng chưa thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật giao, nhất là thực hiện quyền miễn nhiệm, cách chức một số lãnh đạo UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên? Thủ tướng còn gặp khó khăn gì hay ngại xử lý cán bộ lãnh đạo cấp dưới có sai phạm?”.

Bổ sung thêm cho thắc mắc của bà Khánh, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhắc: “Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu nếu địa phương nào để mất rừng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Trong năm vừa qua chúng ta mất rất nhiều rừng, mỗi năm mất 51.000ha rừng, nhưng Thủ tướng chưa kỷ luật ai. Vậy xin hỏi khi nào Thủ tướng sẽ làm việc này?”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định có nhiều lãnh đạo địa phương rất nghiêm túc, rất trách nhiệm với mệnh lệnh của cấp trên, nghị quyết của cấp trên, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước... Ông cũng thừa nhận vẫn còn một bộ phận chưa nghiêm.

Thủ tướng nói tiếp: “Xử lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc, theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Việc này Chính phủ cũng như Thủ tướng hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng. Trên tinh thần đó, rất mong cả hệ thống chính trị của chúng ta có trách nhiệm cùng nhau, các đồng chí đứng đầu địa phương mà nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta cũng không mong muốn có kỷ luật, có xử lý”.

KHIẾT HƯNG

Phải có kỹ năng, bản lĩnh trả lời chất vấn 

Sáng 19-11, ngay sau phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành riêng cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn ngắn bên hành lang Quốc hội.

* Thưa Thủ tướng, Thủ tướng nhận xét gì về nội dung chất vấn của các đại biểu?

- Tốt, nói chung chất vấn có trách nhiệm, có tính xây dựng nhưng có những vấn đề cần phải chất vấn có tầm hơn.

* Các bộ trưởng trả lời chất vấn đã thuyết phục được các đại biểu Quốc hội chưa, thưa Thủ tướng?

- Có cái giải đáp được, nhưng cũng có cái đại biểu Quốc hội chưa tâm phục khẩu phục lắm. Có phần do không có nhiều thời gian, cũng có phần trình bày vấn đề chưa sâu sắc lắm.

* Như vậy, liệu Thủ tướng và các bộ trưởng có dành nhiều thời gian để đối thoại?

- Sẵn sàng thôi. Tôi đã đặt yêu cầu đối với Chính phủ rằng bây giờ việc trả lời chất vấn, phát biểu tại hội trường và gặp gỡ báo chí là tốt. Chúng ta có nhu cầu đưa thông tin tới nhân dân để người dân biết đúng thực chất vấn đề, đừng để thông tin nhiễu. Nhưng điều này đòi hỏi kỹ năng, bản lĩnh của người lãnh đạo. Vì thế ở các nước người ta phải học quản trị cộng đồng, học thuyết trình, giải trình trước công chúng. Trong khi ở ta chưa có.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376222
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: V.Dũng

* Thủ tướng có mất nhiều thời gian chuẩn bị trước phiên trả lời chất vấn trực tiếp này?

- Mất hai ngày. Tôi phải ngồi tại hội trường nghe toàn bộ nội dung các đại biểu chất vấn bốn bộ trưởng.

* Chỉ một buổi sáng dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn có hơi ít?

- Đúng là không đủ thời gian. Nhưng dù sao tôi cũng muốn dành nửa thời gian buổi sáng để đọc giải trình vì các đại biểu đã gửi câu hỏi, mà đó là những vấn đề rất cần trình bày đầy đủ cho đồng bào mình hiểu hơn. Ví dụ trường hợp đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn về biến đổi khí hậu. Một số đại biểu nữa cũng hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề toàn cầu này. Nếu chỉ nói ở hội trường 1-2 câu thì không đầy đủ.

Tôi muốn giải thích quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng khi đã hợp tác với các nước nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Không chỉ thành lập một viện nghiên cứu chuyên lĩnh vực này ở Đại học Cần Thơ mà còn đầu tư đào tạo cán bộ, chuyên gia thật sự hiểu sâu biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với nước ta. Đó cũng là vấn đề tôi sẽ trình bày tại Copenhagen (Đan Mạch) tới đây.

* Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề Thủ tướng từng nói chủ tịch tỉnh sẽ bị kỷ luật nếu để mất rừng nhưng Thủ tướng chưa xử lý kỷ luật chủ tịch tỉnh nào?

- Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm thủ tướng mấy mươi năm có kỷ luật ai đâu vẫn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Điều quan trọng là phải có đội ngũ tốt. Tất nhiên cũng có những yếu kém trong quá trình phát triển cần có thời gian xử lý. Rừng có thể giảm chỗ này nhưng trồng bổ sung chỗ khác để bảo đảm có được 16 triệu ha rừng, độ che phủ của rừng phải đạt 45% là được.

* Nhưng rừng ở Tây nguyên bị tàn phá khá nhiều, có nơi nhân danh trồng cao su?

- Đúng là có một vài chỗ. Có điều chỉnh lại chút ít. Có chỗ tôi đã kiểm tra rồi. Nhưng nếu không chuyển sang trồng cao su thì cũng khó giữ rừng vì đồng bào nghèo quá, nhiều nơi phải phá rừng trồng ngô. Trồng cao su ở nơi đất tốt thì có lợi cho dân và trồng bù rừng ở nơi khác.

* Thưa Thủ tướng, thực tế có khá nhiều dự án quá thiên về khía cạnh kinh tế mà không tính tới khía cạnh môi trường và các tác động xã hội, chẳng hạn các dự án thủy điện miền Trung?

- Khi đưa ra đa mục tiêu, có lúc nổi lên mục tiêu này có lúc nổi lên mục tiêu khác. Người điều hành phải xử lý linh hoạt. Có lần tôi phải gọi điện thoại trực tiếp cho giám đốc thủy điện Hòa Bình yêu cầu phải xả nước xuống hạ lưu sông Hồng để có nước cho vụ đông, vụ chiêm. Không có điện thì tôi tính cách khác. Cái đó phải điều hòa lợi ích một cách thỏa đáng. Tất nhiên phải đặt ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Nhưng mỗi thời điểm cụ thể phải xử lý mỗi khác. Đó là cả một nghệ thuật.

XUÂN TRUNG - KHIẾT HƯNG thực hiện

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Thấy sức mạnh của công khai

"Thủ tuớng trả lời thẳng thắn, rành mạch, cụ thể và cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các vị đại biểu và cử tri quan tâm” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét như vậy sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần trả lời chất vấn.

Ông Trọng nói phiên chất vấn tiếp tục thu được sự quan tâm chú ý của cử tri, của dư luận xã hội, có sức cuốn hút và hấp dẫn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Sự tham gia của báo chí đã có vai trò quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của phiên chất vấn. Chúng ta càng thấy được sức mạnh của tính công khai. Lênin nói rằng tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta. Nếu sử dụng tốt công cụ này là hết sức hữu hiệu”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá nội dung chất vấn đề cập những vấn đề bức xúc nóng hổi của cuộc sống, vừa cụ thể, vừa bao quát và mang tầm vóc quốc gia. Không khí chất vấn, qua phản ánh trên báo chí, nhìn chung thật sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm.

“Tôi xin bổ sung là thẳng thắn mà không đao to búa lớn, không gay gắt, căng thẳng, tranh luận nhưng rất chân tình, chân tình nhưng không né tránh và nhân nhượng. Phải chăng đây chính là điều chúng ta thấy cần thiết trong văn hóa tranh luận, trong văn hóa nghị trường” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

V.V.THÀNH

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên