16/11/2009 16:00 GMT+7

Còn "chạy chức", nhân tài còn bị bỏ sót

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - "Ai cũng có thể nói được câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng nếu chỉ treo bảng khuyến khích để làm “màu” mà không có giải pháp cụ thể thì chẳng để làm gì, thậm chí còn phản tác dụng. Vì sao chỗ này, chỗ khác nhân tài còn chưa được trọng dụng?".

Gặp gỡ đầu tuần:

Còn “chạy chức”, nhân tài còn bị bỏ sót

ImageView.aspx?ThumbnailID=375389

Ông Nguyễn Đình Hương

TT - "Ai cũng có thể nói được câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng nếu chỉ treo bảng khuyến khích để làm “màu” mà không có giải pháp cụ thể thì chẳng để làm gì, thậm chí còn phản tác dụng. Vì sao chỗ này, chỗ khác nhân tài còn chưa được trọng dụng?".

Là người đã làm công tác cán bộ nhiều năm, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) là một trong hàng ngàn bạn đọc đã có ý kiến phản hồi về trường hợp cô Trần Thị Diệu Hương (trong bài báo “Bị mất việc vì có trình độ... đại học” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 10-11) và trường hợp cô cử nhân hạng giỏi Phan Thị Cảnh bị hắt hủi ở Nghệ An. Ông Hương nói:

- Thường xuyên đọc Tuổi Trẻ nên tôi được biết về hai trường hợp, mặc dù có bằng cấp đáp ứng được yêu cầu nhưng đã gặp khó khăn về việc làm như báo đã nêu. Tôi chưa gặp trực tiếp hai bạn trẻ này để có thông tin cụ thể và cũng chưa đặt vấn đề hai bạn trẻ ở đây là nhân tài, nhưng rõ ràng họ là những người có khả năng: một trường hợp là cử nhân, còn một trường hợp là cử nhân loại giỏi, đáp ứng được yêu cầu công việc mà cơ quan chức năng ở địa phương đặt ra nhưng vẫn bị hắt hủi.

Như vậy, mới chỉ là những trường hợp bình thường mà đã trục trặc, nói chi đến vấn đề lớn hơn là thu hút nhân tài. Bởi vì nói đến sử dụng nhân tài là anh phải chấp nhận dùng người có tài hơn mình, có bằng cấp cao hơn mình, thậm chí là những người có cá tính... Khi cánh cửa nhỏ anh còn chưa mở thì khó bàn chuyện mở cánh cửa lớn hơn.

Sau khi Tuổi Trẻ có phản ánh về hai trường hợp cụ thể nêu trên, bước đầu lãnh đạo địa phương cũng như các vị đại biểu Quốc hội của địa phương đã vào cuộc, và câu chuyện liên quan dần trở nên có hậu hơn. Tôi hoan nghênh thái độ như vậy.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375390
Niều vui của tân kỹ sư Nguyễn Hữu Tân và các bạn lớp kỹ sư tài năng khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: Như Hùng

* Lâu nay nhiều địa phương, nhiều cơ quan thường treo bảng “thu hút nhân tài” với các chế độ khuyến khích đi kèm, nhưng ngược lại nhiều vị đại biểu Quốc hội - trong đó có đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) - lại lo lắng về hiện tượng các loại “chạy” liên quan đến cán bộ, cơ quan nhà nước: chạy trường cho con em, chạy việc cho sinh viên tốt nghiệp, chạy chức chạy quyền, chạy án... Ông nghĩ sao?

- Ai cũng có thể nói được câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng nếu chỉ treo bảng khuyến khích để làm “màu” mà không có giải pháp cụ thể thì chẳng để làm gì, thậm chí còn phản tác dụng. Vì sao chỗ này, chỗ khác nhân tài còn chưa được trọng dụng? Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là khi còn nạn chạy chức chạy quyền thì nhân tài sẽ không có đất sống.

* Nghĩa là để những người trẻ vào đời đúng với khả năng của mình thì cần phải dẹp nạn chạy chức chạy quyền?

- Tôi nhận thức số đông cán bộ được Đảng, Nhà nước giao chức vụ lãnh đạo và quản lý là do tài, đức của họ được quần chúng tín nhiệm. Nhưng văn kiện đại hội X đã khẳng định vẫn còn tình trạng chạy chức chạy quyền... Trong dân gian đã có câu phản ánh thực tế rất chua xót: “Nhất thân, nhì tiền, tam quyền, tứ chế”.

Tôi từng đề cập vấn đề này là sự “chạy” nó muôn hình vạn trạng. Khi có người thân, có quyền thì việc chạy thông qua tình cảm anh em, bạn bè. Nếu chưa phải thân quen thì công đoạn chạy công phu hơn, không ít trường hợp phải làm quen với vợ con thủ trưởng, thăm dò sở thích của vợ con thủ trưởng để đáp ứng, sau đó bắc cầu làm quen với thủ trưởng. Nhiều người biết và không đồng tình song không phản ứng.

Như vậy, tệ chạy chức chạy quyền do cả hai, ba phía: người chạy, người đồng tình, người im lặng! Còn chạy chức chạy quyền thì chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới không thể cao, nhân tài của đất nước dễ bị bỏ sót.

* Nhiều người cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, có cạnh tranh với các nước khác được hay không là do chúng ta có sử dụng được nhân tài của đất nước hay không?

- Năm 2004, được Ban Bí thư trung ương giao nhiệm vụ, tôi đã làm trưởng đoàn đi Trung Quốc nghiên cứu về vấn đề đào tạo, sử dụng nhân tài. Qua đó được biết họ có chiến lược rất bài bản và cụ thể, từ việc cử người đi đào tạo ở nước ngoài đến việc sử dụng người không phân biệt thành phần, lai lịch, cả không phân biệt quá trình..., miễn sao anh có tài, có đức, có ích cho đất nước thì đều được trọng dụng. Chính vì thế họ đã quy tụ được những chuyên gia hàng đầu về hạt nhân, về công nghệ cao... phục vụ sự phát triển của đất nước.

Từ lúc đó, chúng tôi đã đề xuất phải có một chiến lược về nhân tài cho đất nước. Kết luận của hội nghị trung ương 9 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 đã đề cập việc triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài.

Ở đây, tôi nghĩ rằng nhân tài của đất nước được phát hiện, sử dụng, phát huy hay bị thui chột, bỏ rơi đều do công tác đánh giá và sử dụng cán bộ của Đảng đúng hay không. Muốn đánh giá và sử dụng cán bộ đúng cần có cách nhìn đúng. Không phân biệt thành phần xuất thân, không phân biệt cán bộ trong hay ngoài Đảng, không phân biệt quá trình công tác và tham gia cấp ủy sớm hay muộn, không phân biệt cán bộ là cấp ủy viên hay không là cấp ủy viên, miễn họ là cán bộ đủ tiêu chuẩn đức - tài...

* Nhiều người Việt khi ra nước ngoài đã khẳng định được trí tuệ, phẩm chất của người Việt, ví như trường hợp mới đây một người gốc Việt đã làm bộ trưởng Bộ Y tế Đức khi mới 36 tuổi? Vì sao chúng ta chưa có nhiều những người trẻ tài giỏi, đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy?

- Phải khắc phục tư tưởng thành kiến, sống lâu lên lão làng và quan niệm đã được bầu vào cấp ủy thì giữ chức vụ gì cũng được. Ở ta thông thường cứ phải vào cấp ủy thì mới làm được giám đốc sở, ngành, là ủy viên trung ương mới làm được bộ trưởng, tôi cho như vậy là cứng nhắc...

Lâu nay, chúng ta chưa chọn được cán bộ từ lớp trẻ là do cách làm chưa thông thoáng, còn nặng lề lối cũ. Có nhất thiết cứ phải tuần tự vào trung ương một khóa rồi mới vào được Ban Bí thư, tôi cho rằng không nhất thiết, người ta vào trung ương một khóa rồi nếu giỏi có thể đề bạt lên Bộ Chính trị được.

Tất nhiên trong trẻ hóa cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, nhưng nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy người đứng đầu nhiều cường quốc đang ở độ tuổi rất sung sức. Đó là điều cần suy nghĩ.

Nếu chỉ dùng người tài “đi cửa sau” thì hỏng

“Nhiều người cũng cho rằng đối với nhân tài phải trọng thị, trọng dụng và trọng đãi. Thu hút nhân tài đừng nên chung chung, anh phải xác định cần nhân tài trong lĩnh vực gì, trong cùng lĩnh vực đó người nào tài hơn thì anh phải dùng, nếu chỉ dùng người có tài “đi cửa sau” thì hỏng. Tôi cho rằng dân chủ, công khai và minh bạch trong công tác tuyển chọn nhân tài là một cơ chế có hiệu quả để chọn đúng cán bộ có đức, tài, ngăn chặn cán bộ chạy luồn cửa sau. Đồng thời phải khắc phục hiện tượng chọn được cán bộ có năng lực thì coi đó là thành tích, nhưng chọn cán bộ không đúng, bổ nhiệm sai thì lại không có gì xảy ra. Lâu nay có hiện tượng đề bạt cán bộ sai thì đổ lỗi cho tập thể, chưa thấy có ai bị kỷ luật vì giới thiệu cán bộ sai. Bởi vậy phải có quy định về vấn đề này. Anh làm nhân sự mà kết quả kém thì phải bị xem xét trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Đình Hương

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

___________________

* Tin bài liên quan:

>> Bị mất việc vì có trình độ... đại học>> Chuyện kỳ lạ cười ra nước mắt>> Đừng để chuyện kỳ lạ trở thành "vết xe đổ">> UBND tỉnh Quảng Bình sẽ xem xét câu chuyện của chị Hương >> 1.001 chuyện tuyển dụng khó hiểu>> Chuyện của chị Hương không cá biệt

=====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Tôi cũng hoan nghênh việc lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tuyên bố "vào cuộc" để xem xét việc cô Hương bị "hất hủi", nhưng đã nhiều ngày qua mà chưa thấy kết quả.

Tôi nghĩ là những vụ việc như thế này cần giải quyết nhanh hơn, rốt ráo hơn.

HẠ BÌNH

* Không đợi gì đến tình trạng còn chạy chức thì nhân tài mới bị bỏ sót, bản thân việc đối xử và chính sách như thế nào đã quyết định việc bỏ sót nhân tài hay không rồi.

VŨ VĂN ÁI (Ninh Thuận)

* Sau khi đọc hàng loạt bài phản ánh về chuyện bị hắt hủi của cô nhân viên Trần Thị Diệu Hương và cô cử nhân loại giỏi Phan Thị Cảnh, tôi thực sự cảm thấy tiếc và buồn đối với những cán bộ có quan niệm quá bảo thủ như vậy.

Từ xưa đến nay, việc thu hút hiền tài phụng sự cho đất nước luôn là chính sách đặc biệt được quan tâm. Trong chính sách phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nhằm đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu phát triển ngang bằng các nước tiên tiến.

Xét trong điều kiện đất nước ta hiện nay, các chính sách, cơ chế thu hút đôi khi còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của “nhân tài”, có những thủ tục, quy định đôi khi quá rườm rà, khắt khe khiến nhân tài ngoảnh mặt quay đi. Chính sách thu hút đôi khi chưa thực sự tạo ra động lực thu hút vậy mà khi có nhân tài lại bị hắt hủi. Thật bất hợp lý! Vậy, rào cản trong việc thu hút nhân tài là đâu? Chính sách hay việc thực hiện chính sách?

Và hiện nay, tình trạng chảy máu chất xám ở các cơ quan nhà nước là đáng báo động. Khu vực công đang thua kém khu vực tư cả về chính sách và cơ chế thu hút nhân tài là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Có được chính sách đúng đắn (chính sách thu hút nhân tài), phá vỡ tư tưởng bảo thủ trong nhiều năm qua là rất gian nan. Vậy mà khi đưa vào thực tiễn lại không được thực hiện, thực hiện không đúng, như thế, lòng tin của người dân đối với chính sách sẽ còn hay không? Việc quản lý có mang lại hiệu quả cao hay không, kìm hãm hay thúc đẩy sự phát triển xã hội là phụ thuộc vào trình độ đội ngũ cán bộ công chức.

Và số lượng cán bộ trong một cơ quan có một giới hạn nhất định, mất đi vị trí của một người tài thì nhường chỗ cho một người có năng lực yếu hơn. Vậy, những người cản trở chính sách thu hút nhân tài, những hành động chạy chức, chạy quyền…đã gián tiếp cản trở sự phát triển đất nước cần phải được lên án và loại bỏ. Một đất nước muốn phát triển vững mạnh phải có sự quản lý tốt và nhất thiết phải có đội ngũ quản lý có phẩm chất đạo đức và trình độ cao.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” Câu nói trên vẫn luôn giữ nguyên giá trị đến ngày hôm nay, chúng ta cần phải suy ngẫm.

PHẠM THANH NHÀN

* Rất lấy làm lạ là những trường hợp người có bằng cấp đàng hoàng lại bị bỏ rơi, hoặc không được sự quan tâm thích đáng của các nhà chức trách, Cho tới khi báo chí vào cuộc thì những người có liên quan mới "năng động" lên!  Tôi nghĩ những ai có bằng cấp nếu bị tổ chức bỏ rơi hoặc gợi ý tiêu cực hãy mạnh dạn lên tiếng. Ít nhất là báo chí là người sẵn sàng đấu tranh ủng hộ bạn. Tôi rất vui vì vừa qua báo Tuổi Trẻ đã "kề vai sát cánh" cùng những bạn trẻ để đấu tranh cho một lẽ công bằng!

ĐÀO SỸ QUANG

* Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bác Đình Hương. Hiện nay tình trạng chạy chức chạy quyền ở nước ta còn phổ biến. Thực sự người có tài, có đức mà thiếu tình thân, thiếu "tiền" thì cũng "thiếu cửa" để được cân nhắc. Nói cho cùng những người có tài mà nghèo thì không thể cạnh tranh với những kẻ xu nịnh, "đi đêm" được.

Rất mong không phải mình Quảng Bình mà tất cả các ngành, các đơn vị cũng nên xem xét lại những vấn đề hiện tại của mình để cải cách sắp xếp nhân tài cho hợp lý. Vì lợi ích chung cho đất nước, cho nhân dân.

thanhnanthanh@

----------------------

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên