13/11/2009 06:20 GMT+7

Thu phí ôtô để bớt kẹt xe

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Các nhà khoa học đồng tình phương án thu phí tự động ôtô vào trung tâm TP.HCM. 400.000 ôtô hiện có ở TP.HCM đã chiếm hơn một nửa diện tích đường phố. Nếu không có giải pháp đồng bộ, trong đó có việc hạn chế ôtô vào nội thành, thì sẽ không còn đường mà đi. Bước đầu phương án này sẽ thí điểm tại hai quận.

Thu phí ôtô để bớt kẹt xe

TT - Các nhà khoa học đồng tình phương án thu phí tự động ôtô vào trung tâm TP.HCM. 400.000 ôtô hiện có ở TP.HCM đã chiếm hơn một nửa diện tích đường phố. Nếu không có giải pháp đồng bộ, trong đó có việc hạn chế ôtô vào nội thành, thì sẽ không còn đường mà đi. Bước đầu phương án này sẽ thí điểm tại hai quận.

Ngày 12-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức tọa đàm, nghe Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong trình bày hệ thống thu phí giao thông tự động (ERP) và ý kiến của các nhà khoa học về việc thu phí ôtô để điều tiết giao thông trên địa bàn TP.HCM.

>> Ôtô vào quận 1 và quận 3 sẽ bị thu phí

ImageView.aspx?ThumbnailID=374754
Ôtô vây xe gắn máy - cảnh thường gặp ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
ImageView.aspx?ThumbnailID=374719
Hi vọng khi thu phí ôtô sẽ giảm cảnh kẹt xe như thế này - Ảnh: T.T.D.

Đầu tháng 11-2009, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch - đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển TP và các sở ban ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đối với mô hình đầu tư hệ thống kiểm soát và thu phí tự động ôtô tại khu trung tâm TP.

Giảm ôtô vào trung tâm

Theo ông Lâm Thiếu Quân - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, áp dụng ERP là một biện pháp hữu hiệu để giảm (trung bình giảm khoảng 20%) số lượng xe đi vào vùng quản lý như trung tâm TP. Hệ thống ERP được lắp đặt với mục đích tạo nguồn thu chỉ là thứ yếu, cái chính là giảm ùn tắc giao thông.

Ông Quân cho rằng khi phải đóng phí, người sử dụng hạ tầng giao thông sẽ ý thức hơn về chi phí phải trả, phí này bao gồm cả phí phải trả cho việc gây thêm ùn tắc do chính phương tiện của họ gây ra. Đồng thời tăng khả năng, tốc độ lưu thông, khuyến khích việc chuyển qua sử dụng phương tiện giao thông công cộng; giảm kẹt xe và tiết kiệm thời gian cho chủ phương tiện, tạo nguồn thu cho dự án giao thông hiện đại, văn minh và các công trình hạ tầng khác; cải thiện môi trường, hỗ trợ việc đảm bảo an toàn, an sinh xã hội qua hệ thống giám sát thích hợp như camera, tần số.

Cũng theo ông Quân, ERP đã được nhiều quốc gia sử dụng. Trong đó Singapore là quốc gia đi đầu và rất thành công, khi áp dụng đã giảm lượng xe vào trung tâm. Tại London (Anh), khi áp dụng ERP cũng giảm được 20% lượng xe vào trung tâm và việc hoãn chuyến của xe buýt giảm được một nửa. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết sẽ tập hợp toàn bộ ý kiến ban đầu báo cáo UBND TP.HCM.

Thử nghiệm ở hai quận

Ông Quân cho biết nếu dự án nghiên cứu hoàn tất sẽ được đưa vào thử nghiệm thu phí giao thông trên địa bàn Q.1 và Q.3. Theo đó, sẽ đề xuất các tuyến đường bao xung quanh hai quận vừa nêu để gắn các cổng thu phí ERP.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai - Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng cần phải đánh giá được các điểm kẹt xe cũng như nguyên nhân kẹt xe để đưa ra các giải pháp thu phí giao thông ôtô hoặc đối tượng phải đưa vào thu phí tự động, không thể để rơi vào tình trạng có thu phí tự động hay không thu cũng đều kẹt xe. Đơn vị nghiên cứu cần phải xem xét tính chính xác của hệ thống camera giám sát biển số xe vi phạm và nên áp dụng hệ thống này để quản lý cả xe gắn máy.

Theo ông Khuất Việt Hùng - giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải Trường đại học Giao thông vận tải, hiện nay TP.HCM có khoảng 3,6 triệu xe gắn máy, chỉ chiếm 2,5 triệu m2 mặt đường. Nhưng với 400.000 ôtô lại chiếm hết 4,4 triệu m2 mặt đường (tức tới 50-60% diện tích đường lưu thông).

Ông Bùi Xuân Cường - trưởng phòng quản lý giao thông vận tải Sở Giao thông vận tải - cho biết TP.HCM đã giao vấn đề thu phí ERP cho Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nghiên cứu tính khả thi của dự án rồi mới tính toán thực hiện. Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong đã bỏ tiền ra để nghiên cứu, tuy nhiên còn nhiều việc phải làm cũng như phải lấy ý kiến của các nhà khoa học và có sự đồng thuận của người dân. Ông Cường khẳng định đây cũng chỉ là một trong những nghiên cứu để triển khai thí điểm.

Trong khi đó, TP.HCM vẫn còn nhiều giải pháp tiến hành song song như phát triển hệ thống vận chuyển hành khách công cộng để cùng đạt mục tiêu làm giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

NGỌC HẬU

Ông Nguyễn Văn Thanh (phó cục trưởng Cục Đường bộ VN):

Ủng hộ giải pháp của TP.HCM

Tôi chưa được biết phương án cụ thể về việc thu phí ôtô để hạn chế ùn tắc ở TP.HCM nên không có bình luận cụ thể.  Nhưng trong bối cảnh giao thông ùn tắc như hiện nay, nên ủng hộ những giải pháp chống ùn tắc của TP.HCM. Tuy nhiên, việc thu phí để chống ùn tắc sẽ động chạm đến một bộ phận người dân.

Không hay ho gì chuyện hạn chế phương tiện cá nhân nhưng trong tình hình hiện nay cũng phải mạnh dạn đưa ra các giải pháp, dù đó chỉ là giải pháp tình thế. Còn để có một giải pháp triệt để cần phải làm từ khâu quy hoạch cũng như phương thức vận chuyển.

Trong một thời gian dài, các TP đã không tuân thủ và hay điều chỉnh quy hoạch, không bố trí đủ quỹ đất cho giao thông nên tình hình ùn tắc ngày càng nhiều. Nếu quy hoạch cứ để tự phát, các cơ quan công sở, trường học đều tập trung ở trung tâm TP thì việc ùn tắc sẽ không giảm. Nhưng hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội lại đang xuất hiện tình trạng đập bỏ các chung cư thấp tầng ở nội thành để xây chung cư cao tầng. Việc này sẽ làm hình thành những khu “đô thị nén” tập trung đông người và càng làm tăng mật độ giao thông trong TP.

Có nghịch lý là đất nước mình nghèo nhưng tốc độ phát triển của ôtô cá nhân đang tăng chóng mặt và toàn là xe đắt tiền. Với kết cấu hạ tầng hiện tại, nếu tập trung quá nhiều ôtô thì sẽ tới lúc chật cứng đường không còn chỗ để đi. Vì vậy nên tính toán thực hiện việc hạn chế ôtô cá nhân tại một số khu vực nội ô.

T.Phùng ghi

Gắn thiết bị vào xe

Về mức phí thu qua ERP, theo ông Lâm Thiếu Quân, nếu được chấp thuận của UBND và HĐND TP.HCM, có thể được tính từng lần, tùy theo giờ cao điểm hay thấp điểm. Các xe đi vào khu vực trung tâm đều bắt buộc phải gắn một thiết bị (gọi tắt là OBU) để liên kết với ngân hàng trả trước phí cho chủ xe. Những xe chưa có OBU có thể thuê ngắn hạn khi đi vào khu vực thu phí. Những xe đi vào khu vực thu phí nhưng không gắn OBU, hệ thống sẽ nhận dạng biển số, ghi hình xe vi phạm và gửi về hệ thống điều khiển trung tâm.

Thông tin đó sẽ được chuyển cho các cảnh sát giao thông lưu động để xử phạt vi phạm tại hiện trường hoặc gửi thông báo xử phạt sau. Cảnh sát giao thông cũng sẽ được trang bị rađa trên xe hoặc có thiết bị cầm tay nhằm phát hiện xe không gắn OBU để xử phạt. Những xe ở các tỉnh, TP khác có thể vi phạm và không trả phí một lần nhưng lần sau xuất hiện sẽ được hệ thống này báo đã vi phạm và sẽ bị xử phạt nặng hơn.

=============================================================

Ý kiến bạn đọc

* Đề nghị thu phí thật cao tất cả ôtô đi lại và thu phí tất cả các con đường thường xuyên kẹt xe chứ không chỉ thu ở quận 1, 3.

Tôi ở đường Cộng Hòa (TP.HCM), có ít nhất 4 điểm kẹt xe thường xuyên: đầu Lăng Cha Cả, ngã tư Út Tịch - Cộng Hòa, ngã tư Hoàng Hoa Thám và khu E-town. Có hôm đặc biệt kẹt xe nguyên con đường Cộng Hòa này. Vấn đề là ôtô có quá nhiều trên đường. Một phần đường ôtô chiếm hết 3 làn xe, xe máy không còn cách nào khác là phải chen lấn giữa một biển ôtô.

Đó là vấn đề trước mắt. Còn lâu dài thì sao? Tôi thấy vấn đề kẹt xe lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo là cách đây khoảng 13 năm. Hồi đó báo chí hay nói về vấn nạn kẹt xe ở Bangkok, rồi có một vài cảnh báo tương lai cho TP.HCM. Thế nhưng với tầm nhìn hạn hẹp của những nhà qui hoạch, bộ mặt giao thông thành phố ngày càng tồi tệ. Phải nói tình thế bây giờ ở TP.HCM chẳng kém gì Bangkok cách đây hơn 10 năm.

THANH CAO

* Tôi đồng tình với việc thu phí ôtô khi vào trong nội thành. Nhưng liệu biện pháp này có giải quyết được tình trạng kẹt xe như hiện nay không? Số tiền thu phí đó được sử dụng ra sao? Có đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng của thành phố không?

Trong khi đó có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kẹt xe (đây chỉ là một trong những nguyên nhân đó) như là: lấn chiếm lòng lê đường, các công trình thi công cẩu thả kéo dài, diện tích đất dành cho giao thông không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cấu đi lại của người dân...

Vì thế tôi cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hiện nay trả lại diện tích mặt đường cho lưu thông, cải tạo lại hệ thống giao thông hiện có như làm cầu vượt tại các ngã tư xây dựng nhiều đường khác mức, phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm v.v... đối với những đường mở phải đủ rộng đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển đến 30-50 năm sau...

TRẦN QUỐC BẢO

* Liệu đây có phải là giải pháp để góp phần hạn chế kẹt xe không? Tôi hi vọng là vậy, song cũng có những băn khoăn, nhất là với người đi ôtô đã chấp nhận chơi "xế hộp" thì với họ một khoản phí không phải là chuyện lớn khi muốn vào trung tâm thành phố.

Do đó, tôi nghĩ phải tính đến khoản phí phải nộp là bao nhiêu hợp lý, đủ để người đi ôtô ngại ngần khi có ý định vào trung tâm thành phố, chứ đừng có kiểu đóng khoản phí nhỏ cho có thì chỉ thêm mệt, không ngăn được xe vào mà còn bày ra một bộ máy cũng như thêm thiết bị rắc rối ở khu trung tâm.

MINH HÒA (Q.3, TP.HCM)

* Ý kiến cho rằng "tại London (Anh), khi áp dụng ERP cũng giảm được 20% lượng xe vào trung tâm và việc hoãn chuyến của xe buýt giảm được một nửa", tôi nghĩ không hợp lý. Bởi vì tại London, trung tâm của họ khác trung tâm ở ta.

Tại TP.HCM, khu trung tâm tập trung toàn bộ công sở, văn phòng, ngân hàng, địa điểm giao dịch, giải trí quan trọng nhất ở thành phố... Vào khu trung tâm là việc bắt buộc, chứ không phải vào cũng được hay không vào cũng được nên có thể hạn chế ngay xe ra vào bằng biện pháp thu phí.

HOÀI LÊ

* Là người đi ôtô, tôi có các ý kiến sau:

- Các cơ quan chức năng khi đưa ra biện pháp này đã nghiên cứu chính xác đâu là những nguyên nhân gây kẹt xe? Có kẹt xe ở quận 1 và quận 3 không?

- Thu phí rồi có còn kẹt xe không? Nếu có thì vị nào là người chịu trách nhiệm đem tiền của dân cho công ty tư nhân làm việc này?

- Tại sao không tổ chức đấu thầu? Đừng để xảy ra chuyện "lùm xùm" sau khi dự án thu phí đi vào hoạt động.

TRẦN VŨ

* Tôi xin góp chút ý kiến tham khảo: Liệu giải pháp này tốt chưa? Đi xe buýt có thuận lợi không vì chắc chắn xe buýt sẽ không dừng lắc nhắc theo yêu cầu của khách để tiện nơi mua hàng, vì ở VN kinh doanh theo hộ cá thể còn quá nhiều chứ không "buôn có nơi; ở có chỗ" như các nước khác. Xin đừng đặt nặng vấn đề nguồn thu mà hãy cân nhắc trước khi ra quyết định.

THAO

* Việc thu phí ôtô đối với Q.1 và Q.3 sẽ áp dụng thế nào đối với chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu (vợ/chồng đứng tên đăng ký) chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú hoặc cư trú tại hai quận này? Hàng ngày họ phải ra vào trung tâm thường xuyên (để đi và về nhà) thì sẽ thu thế nào?

KIM LOAN

* Không có một công ty tư nhân nào làm việc này không vì mục đích lợi nhuận cả. Các cơ quan chức năng cần phải xem xét khi ra quyết định và giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định đề án một cách nghiêm túc.

Nếu đã triển khai mà vẫn không giảm được tình trạng kẹt xe thì cả chủ đầu tư và cơ quan thẩm định phải cùng chịu trách nhiệm, cụ thể là giám đốc hai cơ quan nói trên với chế tài qui định rõ ràng để tránh tình trạng mọi chuyện đã rồi, xử lý cho qua chuyện.

Nếu có những cam kết như thế thì không có lý do gì TP.HCM không triển khai.

DUNG ALI

* Theo tôi, biện pháp này, dù là biện pháp ngắn hạn, cũng không khả thi vì việc kẹt xe khắp thành phố không chỉ có một hoặc một vài nguyên nhân. Vấn đề chính, theo tôi bắt nguồn từ việc quy hoạch và việc triển khai và tuân thủ các nguyên tắc quy hoạch thành phố. Việc kẹt xe đã được cảnh báo cách nay hơn 10 năm nhưng dường như thành phố chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cần đầu tư vào những biện pháp căn cơ hơn là giải quyết tình thế.

thaovuvan

* Tôi là người đang sử dụng ôtô để đi lại và làm việc. Vì nhu cầu công việc nên nếu có quy định về việc thu phí ôtô nêu trên thì tôi cũng buộc phải trả khoản phí này để không ảnh hưởng đến việc đi lại và công ăn việc làm của tôi. Tôi mong đợi một chính sách quy hoạch đô thị và hạ tầng phù hợp, tôi không ủng hộ các biện pháp chế tài bằng cách thu phí như giải pháp được cho là điều tiết giao thông như trên.

TAM PHAM

* Người dân có thể bỏ ra tiền tỷ để mua xe, sẵn lòng chi trả tiền thuê chỗ đậu xe, thuê tài xế riêng thì việc chi trả thêm vài trăm ngàn để đi đến nơi họ cần thì không phải là vấn đề lớn. Hơn nữa kẹt xe đâu chỉ xảy ra ở quận 1 và quận 3. Gần như nơi đâu cũng kẹt vào giờ cao điểm. Công ty tôi ở quận Tân Bình, chiều nào vào giờ cao điểm cũng bị kẹt xe từ Cộng Hòa xuống bùng binh Lăng Cha Cả, rồi tiếp tục đến khi qua được ngã tư Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ. 

ĐỖ TẤT CHIẾN

--------------------------

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên