17/10/2009 08:37 GMT+7

Thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy: Ngoài quy hoạch vẫn có thể trúng cử

Ông TRẦN LƯU HẢI(ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư)
Ông TRẦN LƯU HẢI(ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư)

TT - Ban Tổ chức trung ương vừa có hướng dẫn về thực hiện thí điểm việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy, huyện ủy (và tương đương) tại đại hội đảng bộ. Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông TRẦN LƯU HẢI - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho biết:

Thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy: Ngoài quy hoạch vẫn có thể trúng cử

ImageView.aspx?ThumbnailID=368930

Ông Trần Lưu Hải - Ảnh: V.V.Thành

TT - Ban Tổ chức trung ương vừa có hướng dẫn về thực hiện thí điểm việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy, huyện ủy (và tương đương) tại đại hội đảng bộ. Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông TRẦN LƯU HẢI - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho biết:

- Đây là một chủ trương mới. Chỉ thị về đại hội Đảng các cấp và tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện thí điểm chủ trương này ở 15-20% đảng bộ cấp huyện và 15-20% đảng bộ cấp tỉnh.

* Việc thực hiện chủ trương nêu trên là vấn đề chưa có trong điều lệ Đảng. Vậy có vi phạm điều lệ Đảng?

- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”. Nghị quyết 22 (ngày 2-2-2008) của Ban chấp hành T.Ư Đảng về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” cũng đề ra chủ trương thực hiện thí điểm “từng bước và thận trọng”.

Trong các kỳ đại hội Đảng vừa qua, tuy chưa trực tiếp bầu bí thư nhưng Bộ Chính trị đã chỉ đạo việc lấy phiếu giới thiệu của đại biểu đối với chức danh bí thư và đạt kết quả tốt. Như vậy việc chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương này không hề vi phạm nguyên tắc, đồng thời còn phù hợp với tinh thần nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.

Hơn nữa, việc thí điểm này là cần thiết để rút kinh nghiệm, làm căn cứ thực tiễn trình Đại hội XI của Đảng xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ Đảng.

* Ngay sau khi Ban Tổ chức trung ương có hướng dẫn về thực hiện chủ trương mới này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phát biểu: “Trong 15-20% tỉnh thành tham gia thí điểm, Hà Nội nên xung phong đăng ký đại hội Đảng bộ bầu trực tiếp bí thư”, như vậy chứng tỏ bước đầu chủ trương này đã được hưởng ứng, nếu số “xung phong đăng ký” vượt quá tỉ lệ 15-20% thì sao?

- Việc chọn và quyết định nơi nào sẽ thực hiện thí điểm do cấp ủy cấp trên quyết định. Cụ thể, việc lựa chọn đảng bộ nào để thí điểm trong số 63 đảng bộ tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc trung ương sẽ do Bộ Chính trị xem xét quyết định lựa chọn. Hiện chúng tôi chưa nhận được đăng ký chính thức, nhưng qua báo chí thấy việc Thành ủy Hà Nội hưởng ứng chủ trương này thì chúng tôi rất hoan nghênh.

* Bộ Chính trị cho làm thí điểm đại hội Đảng trực tiếp bầu bí thư tỉnh và quận, huyện có phải là khâu đột phá trong trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng?

- Đây là chủ trương thí điểm nhằm tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp trong việc bầu cử. Việc thực hiện thí điểm chủ trương này cũng nhằm góp phần đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Mở rộng dân chủ trong bầu cử của Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, làm cơ sở cho mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội.

"Trong đại hội, đại biểu cũng hoàn toàn có thể hỏi về dự kiến những công việc sắp tới sẽ phải làm của người ứng cử nếu trúng cử bí thư"

Ông TRẦN LƯU HẢI(ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư)

* Việc đại hội bầu trực tiếp bí thư sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy?

- Đúng. Ví dụ như đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ có 500 đại biểu để bầu ra bí thư, khác với ban chấp hành chỉ có trên dưới 70 đồng chí. Như vậy thực hiện thí điểm chủ trương này sẽ phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm của toàn đảng bộ và từng đại biểu dự đại hội các cấp.

Khi đại hội bầu bí thư trực tiếp thì có thể khó đạt được 100% phiếu bầu, điều này cho thấy đồng chí được bầu sẽ biết mình chưa được tín nhiệm tuyệt đối, từ đó có ý thức rèn luyện, phấn đấu để vươn lên hơn nữa trong công tác, tránh tâm lý chủ quan, thỏa mãn.

* So với các cách làm lâu nay thì việc đại hội bầu trực tiếp bí thư liệu có những khó khăn nào không, thưa ông?

- Chúng tôi cũng đã đề cập những vấn đề có thể xuất hiện trong việc đại hội bầu trực tiếp bí thư. Ví dụ như ở đại hội của một tỉnh có huyện đông đại biểu, huyện ít đại biểu và có thể dẫn đến tình trạng cục bộ, bè cánh... Chính vì vậy, trong hướng dẫn của Ban Tổ chức trung ương đã nhấn mạnh đến việc các cấp ủy Đảng cần phải thực hiện tốt quy trình giới thiệu, chuẩn bị nhân sự từ khâu quy hoạch, đánh giá và lấy ý kiến tham khảo trong Đảng và nhân dân. Cần phải cung cấp công khai và đầy đủ thông tin về những người được đề cử để đại hội nắm được.

Với cách làm như vậy, tôi tin tưởng sẽ loại trừ được những khó khăn, hạn chế nêu trên.

* Có ý kiến cho rằng việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội chỉ cần cấp ủy cấp trên đưa tiêu chuẩn, yêu cầu, điều kiện người ứng cử, đề cử chứ không nên “áp đặt nhân sự”. Đại hội sẽ quyết định vấn đề nhân sự, còn cấp ủy cấp trên phê chuẩn nhân sự do đại hội quyết. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đại hội quyết định nhưng vẫn phải có sự lãnh đạo. Chúng ta thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ và Đảng phải lãnh đạo công tác cán bộ. Cán bộ ở những cấp nhất định vẫn phải do các cấp ủy cấp trên xem xét theo quy hoạch từ dưới lên. Tức là hằng năm vẫn rà soát, bổ sung quy hoạch cấp tỉnh, bổ sung nhân tố mới, đưa ra ngoài những nhân tố không đáp ứng yêu cầu. Như vậy những đồng chí chủ chốt đã được quy hoạch trong suốt cả nhiệm kỳ.

Quy hoạch này được thực hiện từ dưới lên, tất nhiên do cấp ủy ở dưới bỏ phiếu tín nhiệm. Ngoài những người trong quy hoạch, đại hội vẫn có quyền giới thiệu, đề cử những người mới đủ tiêu chuẩn...

* Nếu người được đại hội giới thiệu không nằm trong quy hoạch nhưng lại trúng cử thì sao?

- Hướng dẫn của Ban Tổ chức trung ương đã nói rõ: những nhân sự được đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số) đề cử vào chức vụ bí thư, mà người này không nằm trong phương án quy hoạch bí thư thì cấp ủy khóa mới phải họp, thảo luận, cân nhắc và nếu trên 50% cấp ủy khóa mới đồng ý thì đại hội vẫn tiến hành bầu. Trường hợp đa số cấp ủy viên khóa mới không nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, cấp ủy khóa mới phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

* Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy được đại hội bầu trực tiếp thì việc thay thế, bổ sung, thậm chí kỷ luật đối với bí thư này như thế nào? Có phải tổ chức đại hội để bầu bí thư mới, hoặc đưa ra đảng bộ quyết định hình thức kỷ luật?

- Việc thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư chỉ là đổi mới cách thức, phương thức bầu cử nhằm mở rộng dân chủ trong Đảng. Việc thay thế, bổ sung hoặc kỷ luật đối với bí thư phải tuân theo quy định của điều lệ Đảng, quy chế bầu cử trong Đảng và nhiều quy định, quy chế khác. Do đó, khi thực hiện đại hội bầu trực tiếp bí thư không có nghĩa là khi thay thế, bổ sung hoặc kỷ luật bí thư cũng phải đưa ra đại hội quyết định.

Đà Nẵng: chọn từ 1-3 chi bộ và đảng bộ cơ sở đại hội bầu thí điểm bí thư

Thông tin tại hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp của TP Đà Nẵng tổ chức sáng 16-10, Đảng bộ TP sẽ chọn từ 1-3 chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư và phó bí thư.

Từ tháng 7 đến 8-2010 sẽ tiến hành đại hội đảng bộ các quận, huyện và đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Chọn ba đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc để triển khai đại hội trước, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Từ tháng 9 đến 10-2010 tiến hành đại hội lần thứ 20 đảng bộ thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng đại hội phải chọn những vấn đề bức xúc nhất, nêu bật và đề cập thẳng thắn những vấn đề tập trung của nhiệm kỳ, đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả. Báo cáo chính trị đại hội phải ngắn gọn, súc tích và bật lên những điểm ưu tiên giải quyết cả nhiệm kỳ.

Ông nói trong công tác nhân sự, đánh giá cán bộ cần tập trung vào bốn tiêu chí cơ bản: trình độ, năng lực thật sự; phẩm chất, đạo đức; kết quả thực tế trong quá trình công tác; uy tín trong Đảng, xã hội và quần chúng nhân dân.

V.HÙNG

ĐỨC BÌNH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Ông TRẦN LƯU HẢI(ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên