11/10/2009 07:32 GMT+7

"Lũ gỗ" ở Quảng Nam: Thủ phạm là lâm tặc và thủy điện

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Người ta ước tính có đến 1.000m3 gỗ tròn, gỗ xẻ đã trôi theo lũ về hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam) trong trận bão số 9 vừa qua. Điều gì đang xảy ra với rừng đầu nguồn?

“Lũ gỗ” ở Quảng Nam: Thủ phạm là lâm tặc và thủy điện

TT - Người ta ước tính có đến 1.000m3 gỗ tròn, gỗ xẻ đã trôi theo lũ về hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam) trong trận bão số 9 vừa qua. Điều gì đang xảy ra với rừng đầu nguồn?

>> Lũ qua ra gỗ lậu >> Mở cờ trong bụng

ImageView.aspx?ThumbnailID=367532
Bạt ngàn gỗ có dấu cắt gọt cẩn thận từ thượng nguồn trôi về lòng hồ thủy điện A Vương (ảnh chụp người dân địa phương vớt gỗ ngày 9-10) - Ảnh: Đ.Nam
Xem video - Lũ gỗ trên lòng hồ A Vương

Con số đó xem ra vẫn chưa dừng lại khi những ngày qua tại lòng hồ thủy điện A Vương và chân cầu Quảng Huế (Đại Lộc, Quảng Nam), nhiều người dân vẫn tiếp tục trục vớt gỗ.

Bạt ngàn gỗ trong lòng hồ

Ngày 9-10, có mặt tại khu vực lòng hồ thủy điện A Vương, chúng tôi ngỡ ngàng chứng kiến cảnh hàng trăm thân gỗ lớn đang được người dân địa phương tập kết kéo vào một bên mép hồ. Từ trên cao nhìn xuống, cả một mảng lớn của hồ là những thân gỗ trôi dập dềnh. Cạnh đó nhiều người dân địa phương tiếp tục dùng thuyền lùng sục quanh hồ để tìm kiếm thêm.

Sau chừng 30 phút lượn quanh, một nhóm năm thanh niên dùng búa đóng hàng loạt đinh rồi cột dây vào hai thân gỗ lớn dài hơn 20m. Xong việc, cả nhóm gò lưng chèo thuyền kéo hai thân gỗ vào bờ. Những thân gỗ mà nhóm người này đưa vào bờ đều có dấu cưa cắt gọt, nhưng họ bảo không thể xác định thân gỗ thuộc nhóm gì bởi số gỗ này đã bị “xẻ thịt” và ngâm trong nước khá lâu.

Tiếp tục đoạn đến gần cửa xả nước của Nhà máy thủy điện Za Hung nằm trên sông A Vương, hàng loạt cây gỗ lớn được xác định là gỗ sơn đào đang được một nhóm công nhân tìm cách trục vớt. “Đây là số gỗ có khả năng tràn vào cửa nhận nước của nhà máy nên phải vớt bỏ đi. Số còn lại không kéo lên bờ được thì dùng thuyền đẩy ra giữa lòng hồ” - một công nhân cho biết.

Không ai có thể ước tính có bao nhiêu mét khối gỗ tròn đang trôi trong lòng hồ A Vương cũng như số gỗ còn vương vãi trên các sông, suối. Nhưng nhìn cảnh người dân đang tìm cách tập kết những thân gỗ tròn, gỗ phách còn găm đầy dấu máy cưa cũng đủ biết rất nhiều cánh rừng già ở đầu nguồn các thủy điện đã bị tàn phá hết sức nghiêm trọng. Một công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Za Hung cho biết nếu không kịp tháo gỡ số thân gỗ trôi về cửa nhận nước của nhà máy thì thủy điện Za Hung sẽ bị phá vỡ.

Nhiều thủy điện, nhiều lũ dữ

Vì sao lại có hiện tượng gỗ ồ ạt trôi về hạ lưu nhiều đến như vậy? Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm huyện Phước Sơn Lê Nho Năm thừa nhận lâm tặc là một trong những thủ phạm chính tạo nên cơn “lũ gỗ” vừa qua. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm 2009 trên địa bàn Phước Sơn lực lượng kiểm lâm đã bắt và thu giữ gần 1.000m3 gỗ trái phép.

Trong khi đó theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, chỉ trong chín tháng đầu năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 1.500 vụ phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép, thu giữ hơn 3.100m3 gỗ các loại. (Năm 2008, kiểm lâm Quảng Nam đã phát hiện gần 2.500 vụ phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, thu giữ hơn 4.000m3 gỗ).

“Có nhiều lý do khiến diện tích rừng tự nhiên ở Quảng Nam liên tục giảm trong những năm qua, trong đó có lý do lâm tặc với nhiều hình thức phá rừng ngày càng liều lĩnh hơn” - ông Phạm Thanh Lâm, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, thừa nhận. Ông Lâm cho rằng xưa nay rừng có chức năng phòng hộ và điều tiết nước, nhưng trận lũ vừa qua cho thấy có nhiều điều bất thường đang xảy ra với rừng đầu nguồn.

Ngoài thủ phạm lâm tặc thì việc cấp phép quá nhiều các dự án liên quan đến thủy điện, giao thông, các khu tái định cư hay việc chuyển đổi đất rừng sang đất trồng cao su, khai thác vàng sa khoáng... đã xâm phạm nghiêm trọng đến diện tích rừng tự nhiên.

Theo ông Lê Nho Năm, việc làm thủy điện và khai thác vàng là tác nhân chính làm lũ xuất hiện ngày càng lớn và khốc liệt. Riêng dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi trên 1.000ha rừng tự nhiên của Phước Sơn. Ngoài ra, hàng ngàn hecta rừng bị các thủy điện Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Đăk Mi 4 A, B, C... lấy đi đã làm cho mưa ở thượng nguồn không còn vật cản.

Theo ông Dương Chí Công - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Nam, đến nay hơn 4.000ha rừng đầu nguồn đã được địa phương này cấp phép cho các dự án thủy điện chủ yếu là lòng hồ. Tuy nhiên điều ông Công quan ngại hơn cả là sau 4.000ha rừng chìm trong lòng hồ, sẽ có ít nhất 6.000ha rừng đầu nguồn khác tiếp tục bị triệt hạ để làm đường dây điện, khu tái định cư...

“Việc mạnh ai nấy làm đường điện ở các dự án thủy điện đang diễn ra. Vì vậy cần phải có quy hoạch tổng thể để tránh lãng phí trong đầu tư, đồng thời hạn chế mất rừng” - ông Công kiến nghị.

Một năm mất 41.000ha rừng

ImageView.aspx?ThumbnailID=367533

Một góc rừng Đăk Zen ở Phước Sơn bị lâm tặc triệt hạ tháng 8-2009. Không biết trong trận lũ vừa qua, số gỗ này có theo lũ trôi về hạ lưu sông Vu Gia không? (ảnh chụp giữa tháng 8-2009) - Ảnh: Đ.Nam

Theo thống kê đến cuối năm 2008, rừng tự nhiên của Quảng Nam chỉ còn 387.000ha, giảm 41.000ha so với năm 2007. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án thủy điện ở đầu nguồn vừa được địa phương này cấp phép từ đầu năm 2009 đến nay.

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên