28/07/2009 11:07 GMT+7

Tái định cư, không tái định canh

Theo Quang Sáng - Sài Gòn tiếp thị
Theo Quang Sáng - Sài Gòn tiếp thị

Dự án tổ hợp bauxite – nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) dự kiến sẽ sử dụng trên 2.700ha, trong đó, đất thu hồi sử dụng dài hạn khoảng 420ha, đất sử dụng ngắn hạn kết hợp hoàn nguyên trên 2.000ha. Tuy nhiên, phương án bồi thường bằng tiền và tái định cư, không thực hiện tái định canh khiến cuộc sống người dân đang đối mặt khó khăn

Người dân bị giải tỏa cho dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng)

Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 943ha đất của 743 hộ dân trực tiếp chịu ảnh hưởng, trong đó có 230 hộ là người dân tộc thiểu số, với 150 tỉ đồng tiền đền bù. Hiện tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục đền bù 980 ha đất của trên 1.000 hộ dân khác.

Không thể sống tập trung

Mặc dù TKV đã quy hoạch gần 50ha đất và đang xúc tiến xây dựng khu tái định cư, với tổng kinh phí trên 52 tỉ đồng, tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 100 hộ dân chưa chấp thuận giá đền bù, bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân là mức giá đền bù quá thấp, trong khi giá đất tái định canh lại quá cao, và mức tiền áp giá đền bù trong vùng lại có chênh lệch lớn.

gfa5qSZC.jpgPhóng to
Một hộ dân có đất trong dự án

Pou Ri Đum, dân tộc K’Ho ở khu phố 5, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm cho biết, phương án bồi thường bằng tiền và tái định cư, không thực hiện tái định canh, nên cuộc sống sẽ rất khó khăn. Số tiền mà bà con nhận được từ đền bù, rồi cũng sẽ tiêu hết. Chủ đầu tư xây khu tái định cư, bố trí chỗ ở với mật độ dày đặc cũng không hợp lý, bởi bà con không quen với cách sống như vậy.

Pu Ri Đum cho rằng, ngoài việc bồi thường tiền, tái định cư thì phải bố trí thêm đất đai, tối thiểu mỗi nhà phải được 3–4 sào. Đồng thời, con em của những hộ bị giải toả phải được cho học nghề, nếu không, cuộc sống sau này chẳng đi vào đâu.

Không chỉ với những hộ đã có quyết định thu hồi đất mới lo lắng về hiện tượng mất đất – hết tiền, mà những hộ chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng trong vùng quy hoạch dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Tân Rai, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện diện tích cà phê và chè của những hộ dân này đã và đang bị bỏ hoang.

K’Thông, ở khu phố 2, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm cho biết, từ khi chủ đầu tư cho đo đất, cắm mốc ranh giới, bà con không dám đầu tư chăm sóc rẫy vườn. Cách thức bồi thường, bố trí đất đai, chỗ ở thế nào, bà con cũng chưa biết. “Chủ trương thì mình chấp nhận, nhưng phải cấp đất lại cho dân để dân sản xuất, ổn định cuộc sống của buôn làng”, K’Thông đề nghị.

Bà con chỉ biết làm nông nghiệp!

Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Tân Rai sẽ áp dụng quy trình khai thác cuốn chiếu, nghĩa là khai thác, sau đó hoàn nguyên, và tiếp tục khai thác. Đồng thời, hạn chế việc thu hồi cùng lúc một diện tích lớn đất của người dân. tạo điều kiện cho người dân sớm cơ cấu lại sản xuất trên phần đất đã hoàn nguyên. TKV đã tính toán đến việc quy hoạch sản xuất cho vùng, cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhằm bảo đảm sau khi hoàn nguyên, người dân có thể trở lại sản xuất như trước.

Tuy nhiên, đến bao giờ người dân mới được trở lại sản xuất trên phần diện tích đất hoàn nguyên này, hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ông K’Brêu, trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua khảo sát, hầu hết người dân đều chấp thuận chủ trương giao đất, nhưng với điều kiện, phải thực hiện phương án bồi thường bằng hình thức đổi đất lấy đất, bởi vì bà con chỉ biết làm nông nghiệp.

Đồng tình với những ý kiến của cử tri, ông Võ Minh Phương, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong thời gian tới, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng sẽ chú ý, tác động tích cực nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân. Tỉnh sẽ phối hợp với chủ đầu tư để xem xét tại chỗ việc tái định canh, định cư cho đồng bào sớm ổn định cuộc sống. Nếu trường hợp không thể bố trí được đất, thì sẽ tính toán ngành nghề, hoặc có phương thức phù hợp hơn, để cuộc sống của người dân được ổn định.

Theo Quang Sáng - Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên