15/07/2009 06:00 GMT+7

Năm 2050: 2/3 TP.HCM ngập trong nước

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Không những vậy, 50% khu công nghiệp, 60% việc làm bị ảnh hưởng... với tổng thiệt hại về kinh tế có thể lên đến vài chục tỉ USD.

rqlJiP8A.jpgPhóng to
Bản đồ dự báo ngập nước vào năm 2050 của TP.HCM và ĐBSCL do ADB công bố. Màu sậm là diện tích bị ngập

Đó là viễn cảnh của TP.HCM năm 2050 theo hình dung của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại hội thảo “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng tại TP.HCM: từ nghiên cứu đến hành động” do Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức sáng 14-7.

Chưa có ai cầm ngọn cờ chống biến đổi khí hậu

Ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho biết vấn đề biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm lớn của VN nói chung và chính quyền TP nói riêng. Song ông Kiệt thừa nhận: “Do vấn đề này có dính dáng đến nhiều sở ngành nên đến nay UBND TP cũng chưa xác định giao cho sở ngành nào cầm ngọn cờ làm đầu mối lo chuyện này”.

Ngập sâu và lâu hơn

TS Jeremy Carew-Ried, đồng tác giả công trình nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP.HCM của ADB, cho rằng với vị trí trung tâm và là “thủ lĩnh” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của TP.HCM không chỉ có ý nghĩa với bản thân TP mà còn quyết định “sức khỏe” của cả khu vực. Lấy mốc năm 2050 và kịch bản biến đổi khí hậu làm mực nước biển tăng thêm 26cm, nhóm nghiên cứu đã dự báo những tác động có thể xảy đến với hạ tầng, kinh tế - xã hội.

Theo đó, đến năm 2050, hầu hết các quận huyện, phường xã của TP sẽ chịu nguy cơ ngập lụt, kể cả những nơi trước đó chưa bao giờ bị ngập. Cụ thể, có đến 177/322 phường xã với 123.152ha (chiếm 61% diện tích của TP) sẽ chịu ngập lụt thường xuyên. Con số này có thể lên đến 265 phường xã và 141.885ha (71% diện tích TP) nếu xảy ra bão. Đáng kể hơn là độ sâu ngập sẽ tăng từ 21-40% và thời gian ngập kéo dài thêm 12-22% so với hiện nay.

Và theo dự báo của nhóm nghiên cứu, nạn xâm nhập mặn dự báo sẽ lan sâu hơn, trầm trọng hơn vào năm 2050 kể cả trong mùa ngập lụt cũng như mùa khô hạn. Hậu quả là khả năng sử dụng nước sông, kênh rạch và nước ngầm ở phía nam TP phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho nông nghiệp sẽ bị hạn chế. Chưa kể, khi đó nhiệt độ mặt biển ở biển Đông ấm hơn sẽ làm những cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh phía Nam thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM nhiều hơn.

Có thể mất 44,8 tỉ USD

Song song đó, do nhiều khu vực xung quanh, nhất là ĐBSCL, cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ngập lụt nên sẽ có một làn sóng di dân từ các tỉnh về TP.HCM với con số “phỏng đoán khiêm tốn” khoảng 2 triệu người. Khi ấy, tình trạng ngập lụt sẽ tác động đến 39% số hộ nghèo nếu có hệ thống đê bao và có thể lên đến 57% nếu không có hệ thống đê bao. Và theo nhóm nghiên cứu, dân nghèo sẽ phải chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều hơn các nhóm xã hội khác.

Trong khi đó, tình trạng ngập lụt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp khi 50% các khu công nghiệp bị ngập và 20% bị cô lập gián tiếp do nằm cách vùng ngập không quá 1km. Khoảng 60% việc làm trong các ngành sản xuất có thể bị tác động do biến đổi khí hậu vào năm 2050. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính đối với diện tích đất bị ngập lụt thường xuyên năm 2050 khoảng 6,69-22,1 tỉ USD. Nếu tính thiệt hại GDP do ngập lụt thường xuyên, con số mất mát có thể lên tới 44,8 tỉ USD.

“Kịch bản hù dọa”

Theo PGS.TS Trần Thục - viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), công trình của nhóm nghiên cứu của ADB rất có giá trị về mặt khoa học. Tuy nhiên, ông Thục cho rằng nhóm nghiên cứu đã đưa ra một “kịch bản hù dọa” quá trầm trọng.

Theo ông, không thể dự báo biến đổi khí hậu năm 2050 mà chỉ có thể xây dựng các kịch bản dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, lượng phát thải khí nhà kính. “Điều kiện cực đoan ở đây được dùng là lũ thượng nguồn 100 năm xảy ra một lần là quá lớn rồi, nước dâng do bão 1% cộng với mưa 3%, cộng với triều cường nữa thì theo tôi, dù nước biển có dâng hay không thì cũng đã ngập rồi. Đưa ra một bản đồ ngập toàn TP trong điều kiện như thế này là quá hù dọa và không hiện thực” - ông Thục nói. Theo ông Thục, chỉ nên chọn kịch bản với mức tác động trung bình để gần thực tế hơn.

Ông Ayumi Konishi - giám đốc quốc gia ADB tại VN - nhìn nhận những nghiên cứu của ADB còn ở mức dự báo và cần được tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên để nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn như các cử tọa dự hội thảo đề xuất cần phải có một nguồn kinh phí khổng lồ.

Còn mơ hồ và xa?

TS Chế Đình Lý - phó viện trưởng Viện môi trường và tài nguyên ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng những phác họa của nhóm nghiên cứu ADB chưa nêu bật được đặc thù của TP.HCM và của VN. “Tôi nghĩ công trình nghiên cứu nên đưa ra các chỉ thị, chỉ số đơn giản và dễ hiểu đối với các nhà lãnh đạo. Bởi vì đối với các nhà quản lý mà nói chuyện năm 2050 là mơ hồ và còn xa lắm” - ông Lý nhận xét. Theo ông, việc nghiên cứu cần chỉ ra được trong năm nay làm gì, năm tới làm gì để chính quyền TP có hành động cụ thể. Ông Lý đề nghị TP đưa nội dung biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục để trẻ em tiếp cận ngay từ bây giờ và đến năm 2050 khi khí hậu trở nên xấu thì trẻ em đã thành người lớn và có đủ kiến thức để thích ứng.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên