14/06/2009 08:15 GMT+7

"Nóng" từ vĩ mô tới dân sinh

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Áo sơmi trắng cộc tay, không cà vạt, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng dường như đã chuẩn bị sẵn như vậy trước phiên chất vấn dự báo sẽ có nhiều vấn đề nóng bỏng trong một ngày trời thủ đô không mấy mát mẻ.

oUpf2V7k.jpgPhóng to
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng
TT - Áo sơmi trắng cộc tay, không cà vạt, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng dường như đã chuẩn bị sẵn như vậy trước phiên chất vấn dự báo sẽ có nhiều vấn đề nóng bỏng trong một ngày trời thủ đô không mấy mát mẻ.

Sau hai ngày chất vấn sáu bộ trưởng, hàng loạt vấn đề từ kinh tế vĩ mô đến đời sống, việc làm của người dân hay cả vấn đề được coi là “nhạy cảm” như khai thác bôxit… vẫn tiếp tục được đại biểu Quốc hội nêu ra, chờ đợi lời giải đáp xác đáng hơn từ người được Thủ tướng ủy quyền thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn.

Các “quả đấm” đóng góp gì cho kinh tế?

hsUZzsla.jpgPhóng to

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: V.D.

Phải nói chính xác hơn là nhiều dự án vẫn còn một số ý kiến, có dự án có nhiều ý kiến. Nhưng ý kiến khác cũng là chuyện bình thường. Chúng ta sẽ cố gắng đồng thuận. Không chỉ dự án mà còn nhiều chuyện khác nữa, có những dự án sai Chính phủ phải sửa, các tỉnh hoặc ngành phải sửa. Tôi cho là ý kiến khác nhau với tinh thần xây dựng, tạo sự đồng thuận và tạo ra hiệu quả điều hành tốt hơn là rất tốt.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn: “Phó thủ tướng giải thích như thế nào về đóng góp ngân sách nhà nước năm 2008 của khối doanh nghiệp nhà nước đạt 52.000 tỉ đồng trong khi khối này nắm giữ trên 400.000 tỉ đồng vốn nhà nước và nắm giữ nhiều vị trí đất đắc địa, đồng thời được cho các đặc lợi trong việc phân chia chỉ định các gói thầu lớn của quốc gia, còn khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được hưởng các đặc ân trên thì đóng góp ngân sách nhà nước là 65.000 tỉ đồng?”.

Phó thủ tướng dẫn ra các con số cho biết năm 2008 doanh nghiệp nhà nước hầu hết duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%, lợi nhuận trên vốn của chủ sở hữu đạt 11%, đóng góp khoảng 40% GDP... và cho hay chưa thấy có doanh nghiệp nhà nước nào có tình trạng đuổi việc công nhân.

Bà Loan tiếp tục truy: “Vai trò điều tiết nền kinh tế của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước trong khủng hoảng chưa thể hiện rõ. Một số tập đoàn kinh tế nhà nước lại tăng giá sản phẩm của mình như Tập đoàn Dầu khí tăng giá khí làm khó cho Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Điện lực tăng giá điện làm khó cho dân”. Phó thủ tướng khẳng định: “Trong kinh tế nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ công, nòng cốt. Lực lượng lớn này sẽ giúp làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ông Nguyễn Sinh Hùng bảo vệ quan điểm của mình về các doanh nghiệp nhà nước bằng cách đặt câu hỏi ngược lại với các đại biểu: “Nếu chúng ta không có Tập đoàn Điện lực và Nhà nước không chi phối được tập đoàn này, thử hỏi giá điện chúng ta có điều tiết được như thế không? Giả sử không còn Tổng công ty Xăng dầu, chúng ta có điều tiết được giá xăng dầu như thế không? Giả sử không có hai tổng công ty lương thực thì chúng ta có điều tiết, giải quyết được lúc biến động giá gạo năm ngoái trong vòng 3-4 ngày không? Chúng ta có thể mua được hết gạo cho nông dân để đảm bảo giá sàn không?”.

Ông Hùng nói: “Tôi không hiểu nếu chúng ta không có những quả đấm này mà lại có thể điều tiết được nền kinh tế vĩ mô. Chính phủ có thể có chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, có ngân sách nhà nước, nhưng không có công cụ mạnh thì không thể làm được. Chúng ta đã thành công trong giai đoạn vừa rồi, trong đó có sự góp phần rất quan trọng của các tập đoàn kinh tế lớn mà chúng ta đang phát triển”.

Tiếp tục chất vấn về bôxit

xNducBXg.jpgPhóng to

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) - Ảnh: V.D.

Vì sao gần đây có nhiều đề án, dự án của Chính phủ hoặc của một số địa phương không nhận được sự đồng tình cao trong xã hội? Phải chăng vì việc xây dựng các dự án, đề án ấy có phần chủ quan, hay vì không thực hiện kịp thời công khai thông tin, khiến người dân thiếu niềm tin vào tính khách quan vô tư của các đề án, dự án ấy?

Theo báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025, Chính phủ đã đề cập đến tất cả yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa, xã hội và hợp tác đầu tư với nước ngoài của các dự án, đặc biệt quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây nguyên.

Báo cáo cho rằng theo các quy định hiện hành, Quốc hội (QH) không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch. Báo cáo này cho biết tính đến ngày 1-6-2009, trên cả hai dự án có 667 người lao động nước ngoài (gồm bốn công dân Úc và 663 công dân Trung Quốc) làm việc được quản lý theo pháp luật của VN. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía VN sẽ trở về nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn: “Phó thủ tướng cho biết việc không đưa dự án bôxit ra QH là lỗi tại QH vì QH không yêu cầu. Trong khi đó nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường này đặt vấn đề phải chăng đấy là tách nhỏ hoặc lách luật. Vậy Phó thủ tướng có thể bình luận gì và trả lời cho những ý kiến đó, điều mà trong bản giải trình chưa đề cập?”. Ông Dương Trung Quốc cũng đề nghị Phó thủ tướng cho biết tình hình biển Đông hiện nay ra sao bởi Chính phủ làm nhiều nhưng chưa nói cho dân biết, người dân không biết hiện nay vùng tranh chấp như thế nào.

Trả lời chất vấn này, ông Hùng cho rằng theo quy định của pháp luật, quy hoạch nói chung QH phân cấp cho Chính phủ. Ông Hùng giải thích: “Có việc địa phương duyệt, có việc thì trung ương duyệt. Bôxit là ngành kinh tế hẹp trong ngành công nghiệp. Tôi đã báo cáo rõ với QH như vậy, không có ý đổ lỗi cho QH, không có từ nào là lỗi của QH”.

Đối với vấn đề biển Đông, theo Phó thủ tướng: “Chúng ta đã giải quyết tốt vùng vịnh Bắc bộ, đã phân ranh giới, có bàn tới cả hiệp định đánh cá. Ở những vùng biển khác thì chúng ta đã bàn tới việc tuần tra chung, hợp tác tuần tra, bảo vệ để giải quyết cả những vấn đề của dân cư. Vùng biển còn lại chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác đấu tranh trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền về biển đảo của đất nước chúng ta. Vừa rồi Chính phủ đã gửi báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa ra Liên Hiệp Quốc.

Đây là quy định của Liên Hiệp Quốc, nước nào có biển thì phải làm báo cáo theo công ước luật biển mà chúng ta đã ký và QH đã phê chuẩn là Công ước 82. Báo cáo này được gửi theo đúng tinh thần của Công ước 82. Các đồng chí quan tâm đọc kỹ thêm Công ước 82 để chúng ta tạo một tinh thần nhất quán. Chúng ta làm theo đúng yêu cầu của tổ chức Liên Hiệp Quốc và đấy cũng là công khai minh bạch với thế giới rằng chúng ta thực thi luật pháp quốc tế về biển, trong đó có vấn đề chủ quyền của chúng ta”.

* 1 triệu hộ hưởng lợi nếu được miễn thuế

Sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc tiếp tục trả lời chất vấn. Trả lời đại biểu Lê Quốc Dung hỏi quan điểm về đề nghị giãn, giảm thuế thu nhập cá nhân sáu tháng đầu năm và tiếp tục giảm sáu tháng cuối năm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải thích mục đích của việc giãn, giảm này chủ yếu tính đến 1 triệu hộ kinh doanh đóng thuế thu nhập. Đương nhiên có một bộ phận người có thu nhập cao như công chức, người làm cho nước ngoài cũng được hưởng, nhưng theo ông Phúc, Chính phủ không phải nhằm vào những người giàu để hỗ trợ mà chủ yếu hỗ trợ 1 triệu hộ kinh doanh.

* Tăng trưởng 5% là hợp lý

Trong phần báo cáo trước chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5% là hợp lý. Ông Hùng nói: “Để đạt được mức tăng này đòi hỏi phải có sự phấn đấu cao, hơn nữa nếu giảm thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, xem xét diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng lạm phát cao trở lại thì mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được.

Các phiên chất vấn đã khép lại, nhiều vấn đề đã được xới ra để làm rõ. Dưới đây là một số nhận xét về chất vấn và trả lời chất vấn.

* ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Chưa thể nói khó khăn nhất đã qua

Về báo cáo, giải trình của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, theo tôi có một điểm cần xem lại, đó là nói thời điểm khó khăn nhất đã qua. Khi chúng ta đã suy giảm kinh tế rồi, thời gian tới còn tái lạm phát thì khó khăn sẽ còn khó khăn hơn thời gian vừa qua nhiều. Tôi xin khuyến nghị với Chính phủ, nhiều nước khi bơm vốn giúp tăng thanh khoản ngân hàng, tình hình cải thiện họ rút tiền ra ngay, VN cũng nên cân nhắc học tập.

* ĐB Lương Phan Cừ (phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội): Còn “thòm thèm”...

Hiện nay thời gian dành cho mỗi bộ trưởng trả lời chất vấn còn ít, tại kỳ họp này trong thời gian 2,5 ngày đại biểu QH chất vấn sáu bộ trưởng và phó thủ tướng thường trực Chính phủ. Nhiều đại biểu hay nói một câu hết sức dân dã là còn “thòm thèm”. Đại biểu còn muốn tranh luận nữa và qua trả lời của các bộ trưởng thì các đại biểu khác muốn có ý kiến thêm nhưng thời gian không có. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét ở khía cạnh: đại biểu có thời gian hỏi được nhiều hơn, hỏi sâu hơn.

* ĐB Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Nhận trách nhiệm phải có giải pháp

Tôi nghĩ cái quan trọng là các bộ trưởng nhận trách nhiệm xong về sẽ có giải pháp, chỉ đạo giải quyết các vấn đề như thế nào. Nhận trách nhiệm như một vài lần đầu được cử tri khen, song cứ hễ ra QH là nhận thì dễ trở thành “mốt” và cái đó còn dở hơn là không nhận. Đã nhận trách nhiệm là phải nhận thực sự, thực tâm và phải đầu tư công sức đúng với trách nhiệm đó.

* ĐB Nguyễn Đức Hiền (phó chủ nhiệm Văn phòng QH): Một số vấn đề chưa thỏa mãn lắm!

Các đại biểu trước khi chất vấn đã có nghiên cứu kỹ, nếu nội dung trả lời chưa rõ phải trao đổi lại. Nhưng không có thời gian nên phiên chất vấn vừa rồi không đạt được điều đó. Như dự án sân golf, trả lời của các bộ trưởng đã nói lên thực trạng nhưng cái cần quan tâm là xử lý ra sao, làm thế nào để các địa phương tuân thủ quy hoạch chung. Hoặc vấn đề đất đai, lao động... dù các bộ trưởng có giải trình nhưng chưa thật sự thỏa mãn.

Dự thảo Luật viễn thông còn nhiều khoảng trống

Tại phiên thảo luận tổ chiều 13-6 về dự án Luật viễn thông, một số đại biểu QH cho rằng tuy đây là một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật tổng hợp có tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng nhưng dự thảo còn nhiều khoảng trống chưa đề cập. Phạm vi điều chỉnh của dự luật chưa thể hiện mối quan hệ của các loại hình viễn thông giá trị gia tăng như truyền hình Internet, game online, radio trong khi các loại hình này đều tích hợp chung một cơ sở hạ tầng và cùng chia sẻ tài nguyên viễn thông. Một số đại biểu cho rằng dự thảo cũng cần làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền khi cần điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm đến trật tự, an toàn xã hội.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên