Phóng to |
Luật định từ 1-7-2009, tài xế lái xe kéo rơmooc phải có GPLX dấu FC - Ảnh: N.C.T. |
Hàng chục doanh nghiệp vận tải ôtô đang “kêu trời” trước quy định này vì trên 90% tài xế xe kéo rơmooc của họ chưa có bằng FC, trong khi ngày thực thi của luật đã cận kề.
Hoang mang trước ngày luật có hiệu lực
Theo ông Phạm Trọng Thịnh - tổng thư ký, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô TP Hải Phòng, chỉ riêng các TP lớn có cảng biển hiện có trên 10.000 xe rơmooc; trong đó TP.HCM có khoảng 7.000 xe, Hải Phòng 3.000 xe và Đà Nẵng 1.000 xe. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết tài xế xe rơmooc (chủ yếu là xe chở container) chỉ mới có bằng lái ôtô loại C (ôtô tải, đầu kéo có một rơmooc từ 3.500kg trở lên).
Theo ông Thịnh, ngay cả TP.HCM - địa phương có số lượng xe rơmooc lớn nhất nước - cũng chưa có nổi một trường đào tạo lái xe rơmooc đúng nghĩa. Ngay Trung tâm C500 của Học viện An ninh cũng chưa có giáo án để dạy cho người học hạng FC. Ông Thịnh cho biết thêm: “Đến thời điểm này tại Hải Phòng chưa có một cơ sở đào tạo lái xe nào đào tạo và cấp chứng chỉ lái loại xe này. Thậm chí thực tế có những thầy dạy lái xe trình độ còn kém hơn tài xế của chúng tôi. Để thực hiện quy định của luật, trước mắt chúng tôi đang khảo sát và liên hệ với trường đào tạo dạy nghề của Sở GTVT Hải Phòng mở lớp bồi dưỡng chuyển loại bằng lái để kịp ngày luật có hiệu lực”.
Tại Đà Nẵng, ông Trần Viết Hòe - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng - cho biết không chỉ Đà Nẵng mà cả miền Trung chưa cơ sở đào tạo nào có thầy giáo đủ tiêu chuẩn dạy lái xe rơmooc. Còn ông Nguyễn Hữu Thùy - giám đốc doanh nghiệp vận tải Song Toàn ở Đà Nẵng - cho biết doanh nghiệp này đang có 50 xe rơmooc và gần 100 lái xe có GPLX hạng C. Nhưng nếu đi học lại luật và thi chuyển loại sẽ rất mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo nhiều chủ doanh nghiệp vận tải, sau khi có thông tin từ 1-7 tài xế xe rơmooc phải có GPLX hạng FC, đã có nhiều đối tác tiếp thị học lấy GPLX hạng này nhưng thật giả khó lường. Ông Phạm Trọng Thịnh cho biết tại Hải Phòng đã có “cò” rao bán bằng lái xe FC giá 4 triệu đồng có ngay, không phải đào tạo thi cử gì cả. “Nếu những tài xế vì để có việc làm mà mua GPLX không cần học để điều khiển xe thì sẽ là hiểm họa cho xã hội”- ông Thịnh nhận định. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thùy cho biết gần đây đã có một số trường đào tạo lái xe ở Đà Nẵng đến tận doanh nghiệp của ông tiếp thị: tài xế chỉ học trong vòng 26 ngày với giá cứng hơn 1,8 triệu đồng, chưa kể phí nhiên liệu.
Kiến nghị lùi thời điểm thực thi
Sẽ thiệt hại từ nhiều phía Thời hạn luật có hiệu lực cận kề nhưng với tình hình trên, đại diện các hiệp hội vận tải đều khẳng định nếu áp dụng quy định tài xế xe rơmooc phải có GPLX hạng FC từ 1-7 thì sẽ chẳng có doanh nghiệp nào chuẩn bị kịp. Nếu một nửa số tài xế phải tham gia lớp đào tạo chuyển đổi GPLX từ 3-6 thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại tiền tỉ vì thiếu tài xế. Trong khi đó hàng hóa dồn ứ tại các cảng lớn là điều chắc chắn. |
Với những bức xúc của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền - phó cục trưởng Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) - cho biết việc quy định tài xế xe kéo rơmooc có GPLX hạng FC là cần thiết vì trước đây quy định điều khiển loại xe này có GPLX hạng C là hơi thấp so với yêu cầu. Cục Đường bộ đã có văn bản yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện tối thiểu mỗi địa phương có một cơ sở đào tạo cấp GPLX hạng FC.
Nhưng trước tình hình các doanh nghiệp chưa có khả năng chuyển đổi kịp, Cục Đường bộ đã trình thông tư dự thảo lên Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn áp dụng quy định trên của Luật giao thông đường bộ 2008 đến một năm sau, tạo điều kiện cho các tài xế chuyển đổi GPLX.
Trái với phản ảnh của các doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng đến thời điểm hiện nay tại các địa phương, các cơ sở đào tạo trình độ lái xe hạng C, D đều có thể đào tạo được lái xe hạng FC nhưng do trước đây ít người học nên chưa đưa vào đào tạo. Ông cho rằng hiện tại TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đã có thể đào tạo.
Riêng Đà Nẵng có hai cơ sở đào tạo được hạng FC. “Các cơ sở này đã có sân bãi, giáo trình, xe tải, chỉ cần mua thêm rơmooc lắp vào là có thể đào tạo. Về giáo viên thì một số cơ sở đào tạo đã có người dạy được lái xe kéo rơmooc. Cái gì thiếu sẽ bổ sung. Các đơn vị có nhu cầu chuyển đổi cứ đăng ký với cơ sở đào tạo.
Trong một năm có thể hoàn tất đào tạo 20.000 - 30.000 tài xế chuyển đổi sang GPLX hạng FC. Thời hạn nâng cấp từ hạng C lên FC chỉ trong vòng một tháng. Mức học phí đào tạo đã được Bộ Tài chính quy định chứ không nên theo những thông tin tiếp thị. Chúng tôi đã đề xuất lộ trình đến 1-7-2010 mới thực hiện, vì vậy doanh nghiệp không nên quá lo lắng” - ông Quyền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận