25/01/2009 11:13 GMT+7

Quảng Bình: Tang thương ngày cuối năm

VŨ TOÀN - NGUYỄN ĐỨC DỤC - LAM GIANG - QUANG TÁM - LƯU TRANG
VŨ TOÀN - NGUYỄN ĐỨC DỤC - LAM GIANG - QUANG TÁM - LƯU TRANG

TTO - Phiên chợ Tết cuối năm khi nào cũng nhộn nhịp không ngờ sáng nay lại biến thành thảm họa. Chuyến đò chở 80 người rộn ràng đi chợ Tết qua sông Gianh, từ bờ nam đoạn xã Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) sang xã Quảng Thanh đã chìm lúc 7g30 sáng 25-1 (nhằm ngày 30 tháng Chạp âm lịch) khiến 40 người tử nạn.

Theo một nhân chứng chứng kiến sự việc thì chuyến đò chở quá trọng tải với nhiều xe đạp, hàng hóa, một con bò và khoảng 80 người dân, đa số là phụ nữ và trẻ em ở xã Quảng Hải đi phiên chợ cuối năm bên xã Quảng Thanh.

bDQ1dolZ.jpgPhóng to
Sau khi nhận tin báo, Ban chỉ huy huyện đội Quảng Trạch và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình kết hợp với hải đội biên phòng thuộc Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Bình huy động toàn bộ lực lương quân sự huyện cùng 10 thuyền máy khẩn trương cứu vớt - Ảnh: Lưu Trang
HXkCwibL.jpgPhóng to

Lực lượng cứu hộ vớt được hai chiếc xe đạp cùng nhiều giỏ đi chợ và quà Tết... - Ảnh: Lưu Trang

Ngay sau khi đò chìm, lực lượng cứu hộ đã huy động hơn 10 thuyền câu, thuyền cứu hộ đi dọc sông và trục vớt được 39 người tử nạn (tính đến 12g45 trưa 25-1). Được biết có 35 người may mắn thoát chết, một số bơi vào bờ, số còn lại được các thuyền câu cứu sống và đưa về cấp cứu tại các bệnh viện.

Lãnh đạo huyện Quảng Hải và tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trục vớt, tìm kiếm người bị nạn và giúp đỡ thân nhân người bị nạn. UBND huyện đã kịp thời thông báo đến nhân dân toàn huyện trở về nhà để xác định số người mất tích.

6Mo6Hi3x.jpgPhóng to
Người dân xã Quang Hải trông chờ tin người thân mất tích ở hai bên bờ sông - Ảnh: Lưu Trang
9J2D94uD.jpgPhóng to
Người dân Quảng Hải tập trung bên bờ sông trông ngóng tin tức người thân - Ảnh: Lưu Trang

Theo thông tin ban đầu chủ đò gây ra vụ chìm nói trên là ông Nguyễn Xuân Quí, ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch. Đò bị nạn cách bờ khoảng 40m. Số liệu sơ bộ cho thấy trên đò có khoảng 82 người, hiện còn khoảng 5-7 người mất tích.

ear1feAE.jpgPhóng to
Trên đò còn nhiều phao nhưng không cứu được tính mạng hàng chục người - Ảnh: Lưu Trang
MLMxmiSF.jpgPhóng to
Nỗi đau mất con của một người cha ở Quảng Hải - Ảnh: Lưu Trang

Xác chiếc thuyền máy bị chìm đã được trục vớt cùng với hai xe đạp, nhiều áo quần, giỏ xách đi chợ. Trên mũi đò có 6 chiếc phao nhưng không được sử dụng do tai nạn xảy ra quá nhanh.

Chiều 25-1, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã cử đại diện lên đường đến xã Quảng Hải, thăm viếng gia đình những người tử nạn. Báo Tuổi Trẻ phúng điếu mỗi người thiệt mạng 1 triệu đồng, góp phần chia sẻ nỗi đau mất mát với các gia đình trong ngày cuối năm này.

Hàng chục quan tài nhanh chóng được chuyên chở qua sông để kịp thời mai táng cho người tử nạn (theo phong tục của người dân xã này). Có gia đình có tới 5 thân nhân bị nạn trên chuyến đò tử thần. Tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ người tử nạn mỗi gia đình 3 triệu đồng, 500.000 đồng cho người bị thương.

Ông Lương Ngọc Bính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình cho biết tỉnh đã chỉ đạo mọi ngành khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tại nạn, nhanh chóng trục vớt người bị nạn và lên kế hoạch hỗ trợ cho các gia đình có người bị nạn.

UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp tốc hỗ trợ 3 triệu đồng/người tử vong để các gia đình mai táng. UBND huyện hỗ trợ trước mắt cho mỗi người sống sót 500.000 đồng. Các cơ quan UB An toàn giao thông tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/người tử vong, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Trước đó Đại tá Nguyễn Quốc Trị - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình - người trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân vụ chìm đò trên sông Gianh, cho biết: thuyền chỉ được phép chở 12 người, nhưng đã chở 80 người đi chợ Tết qua sông Gianh nên thuyền bị quá tải và bị sóng đánh chìm khi mới ra cách bờ khoảng 30 m (thuộc địa phận xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Trung tướng Đoàn Sinh Hương, tư lệnh Quân khu 4, đang trên đường từ TP.Vinh (Nghệ An) vào hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm và thăm hỏi các gia đình nạn nhân.

Đã vớt được 40 thi thể nạn nhân

Ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết huyện đang tập trung lực lượng cứu hộ để tìm kiếm nạn nhân. Nhiều tàu, thuyền đã được rải trên sông Gianh trên nhiều km để tìm kiếm. Ngư dân và bà con địa phương cũng đem theo nhiều loại lưới, câu móc để rà vớt dưới sông. Tuy nhiên hiện thời tiết rất giá lạnh đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Đến 15g (25-1), lực lượng cứu hộ đã vớt được 40 thi thể nạn nhân, hiện còn bốn nạn nhân được xác định đang mất tích.

Trong 40 nạn nhân tìm thấy có ba cụ già, năm thanh niên, 32 phụ nữ; một gia đình có một vợ và ba con; một gia đình có một vợ và hai con; một gia đình có hai con gái, một con dâu; hai phụ nữ đang mang thai.

Danh sách các nạn nhân tử nạn:

NRoTlkIT.jpgPhóng toAnh Trần Quang Thắng, đã cứu sống được 35 người trong thảm họa sáng nay.

Trong hoạ có khi gặp may. Đó là 35 người khác khi bị lật thuyền đã may mắn được thần hộ mệnh là anh Trần Quang Thắng cứu sống bằng chiếc thuyền của anh mới xuôi từ vùng sông huyện Tuyên Hoá về. Anh Thắng kể: “Khi thấy thuyền bị lật, tôi nghe bà con kêu cứu thảm thiết. Thế là tôi quay mũi, tăng ga cho thuyền mình tiến sát thuyền gặp nạn rồi quăng phao kéo được 35 người lên”.

Thần hộ mệnh thứ hai của vụ đắm thuyền này là chàng trai Mai Thanh Phong, 17 tuổi, quê xã Đồng Hoá. Khi Phong đang dong thuyền thả lưới thì gặp thuyền bị nạn. Không một chút đắn đo, Phong đã bơi xuống, dìu được 8 người lên thuyền.

1. Cụ Cao Thị Cửa, 72 tuổi.2. Phạm Thị Tơ.3. Cao Thị Lương.4. Phạm Thị Thuỷ.5. Mai Thanh Bình.6.Cao Thị Dung.7. Đoàn Thị Hà.8. Cao Thị Oanh.9. Cụ Cao Thị Hoạt, 80 tuổi.10. Lê Xuân Hiền.11.Cụ Nguyễn Thị In, 60 tuổi.12. Cao Thị Tuyết.13. Cao Thị Tải.14. Nguyễn Thị Tiến.15. Nguyễn Hữu Thắng.16. Phạm Thị Mai.17. Cao Thị Thanh18. Cao Minh Tường.19. Cao Thị Lan.20. Nguyễn Thị Bình.21. Nguyễn Văn Tuấn.22. Cao Thị Hiền.23. Phạm Thị Hình.24. Cao Thị Hà.25. Cao Thị Lan26. Cao Thị Phương.27. Cao Thị Tuyển.28. Cao Thị Ngon.29. Phạm Thị Toán.30. Cao Thị Bé.31. Phạm Thị Bầu.32. Nguyễn Thị Thanh.33. Nguyễn Thị Thiết.34. Cao Xuân Hoàng.35. Đoàn Thị Lan.36. Cao Thị Huyền.37. Cao Thị Tởi.38. Cao Thị Vân.39. Cao Xuân Đức.40. Phạm Thị Hồn

Người còn mất tích:

1. Cao Thị Toàn2. Phạm Thị Hồng

(Danh sách do ông Trần Mạnh Hộ - Bí thư đảng ủy xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch cung cấp)

Tang thương bên bờ sông Gianh

pSsWHuJK.jpgPhóng to
Ông Thành đau khổ ôm lấy bọc chăn màn gào khóc tìm người thân gồm hai đứa con gái và đứa cháu trong bụng - Ảnh: Quang Tám

30 Tết, bến đò xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình), hàng trăm người ngồi chờ chực thông tin của người thân. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, những dáng người vật vờ trong đau đớn. 30 Tết, những nụ cười "vui như Tết" không còn nữa, cả xã chìm trong tang thương. 40 thi thể đã được tìm thấy, còn 4 người nữa mất tích.

Từ sáng đến giờ ngồi vật vờ bên bến đò, dường như Cao Thị Hồng không còn đủ sức để đợi chờ tin mẹ. "Mới tối hôm qua mạ gói bánh, làm mứt. Rứa mà sáng ni mạ đi rồi, mạ nói qua Quảng Thanh mua ít bó nhang rồi về thôi", Hồng nghẹn ngào.

Cũng ngồi thẫn thờ bên bờ đê đợi thi thể người chị, chị Cao Thị Lạ không thể tin vào được sự việc vừa xảy ra. Mới sáng nay thôi, chị Cao Thị Tới cùng hai vợ chồng chị lên một chuyến đò đó để đi chợ. "Khi đò đã tắt máy, bất ngờ có một con sóng vỗ vào mạn đò nên nhiều người bị ướt áo quần đứng dậy, đò chao đảo và bị chìm. Chị Tới ngồi đầu tay lái, hai vợ chồng tui ngồi đầu mũi đò nên không cứu được. Khi chị sắp chìm, ánh mắt chị cứ nhìn tui, chị la hét rồi dần dần chìm xuống. Tui với chồng may mắn thoát chết vì bơi được, còn chị Tới thì...", chị Lạ kể.

13g, thi thể của chị Tới đã được tìm thấy, chị Lạ gào khóc: "Vợ chồng tui có lỗi với chị rồi, chị ơi đừng trách vợ chồng tui". Chị Tới qua đời để lại ba đứa con nheo nhóc cùng người cha đau ốm triền miên trong căn nhà lạnh lẽo. Tết đã đến nhưng nhà chị chẳng có gì. Người chồng nhìn thi thể vợ được đưa về, đau xót kể: "Nhà tôi nói là đi sắm một ít nhang khói, hoa quả về thắp hương ông bà, nhà nghèo thì cũng phải có mà thắp ông bà ba ngày Tết chứ. Rứa mà giờ thì không còn chi nữa".

78L1wNvf.jpgPhóng to
Cháu ngồi bên quan tài của bà - Ảnh: Quang Tám
cYJE0mqJ.jpgPhóng to
Đau thương bên bến đò Quang Hải - Ảnh: Quang Tám
JaBLx5y5.jpgPhóng to
Chiếc đò bị chìm được vớt lên. Nó chỉ được phép chở 12 người thì đã chở 80 người -Ảnh: Quang Tám

Quảng Bình: Ngừng bắn pháo hoa đêm giao thừa

Theo ông Trần Công Thuật, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh và TP Đồng Hới sẽ ngừng bắn pháo hoa trong đêm giao thừa như dự kiến vào lúc 0g ngày 26-1-2009, nhân dịp mừng đón năm mới Kỷ Sửu. Vụ chìm đò tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch sáng nay (25-1) là một mất mát quá lớn của tỉnh trong dịp năm hết Tết đến.

Đến 16g30, cũng theo ông Trần Công Thuật, công tác giúp đỡ các gia đình có người bị nạn đã được tỉnh, huyện và các ngành trong tỉnh thực hiện cơ bản. Một số nạn nhân xấu số đã được hỗ trợ kịp thời quan tài và bà con địa phương chôn cất chu đáo.

Một tấm màn che vội giữa gian nhà ngăn cách bàn thờ tổ tiên và chỗ đặt thi thể của người vợ cùng cô con gái đầu, ông Cao Xuân Thành lặng lẽ đứng thắp từng nén hương. Cuộc đời quá cay đắng với ông, một lúc đã cướp đi sinh mạng của người vợ, người con gái thứ hai và người con gái đầu cùng một đứa con trong bụng. Khi nghe tin dữ, ông Thành đang sắp xếp lại bàn thờ, chỉ chờ vợ con đi chợ về, sắp ít đồ lễ nữa là xong. Thế mà... Đất trời đảo lộn, ngày Tết đã thành ngày tang...

Bên thi hài của mẹ, Đoàn Thị Mai nức nở kể lại dự định của hai mẹ con trong Tết này: "Sáng nay mẹ bảo: Mẹ đi chợ, con ở nhà dọn dẹp, chiều hai mẹ con nấu buổi cơm Tết cúng ông bà. Tối cả gia đình cùng ngồi đón giao thừa... Thế mà mẹ đi rồi". Mai năm nay 23 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành sư phạm mầm non tại Nha Trang. Đây là cái Tết cuối cùng Mai được ở với mẹ để sang năm Mai sẽ lên miền núi dạy học. Mới sáng nay, giờ đây đã không còn mẹ nữa.

Chiếu 30 Tết, xa xa những cây nêu đã được dựng lên để tiễn biệt một năm cũ và đón chào năm mới, nhưng tại ba làng Vân Bắc, Vân Trung, Vân Nam của xã Quảng Hải (Quảng Trạch) không khí tang thương trĩu nặng. Thay cho những cây nêu, những ly rượu chúc nhau năm mới là những chiếc quan tài ùn ùn được chở về, những hồi trống vang lên, những chiếc khăn tang trắng đầu, và những giọt nước mắt lăn dài đưa tiễn người thân...

................................................................

Trên chuyến đò ngang oan nghiệt ấy, hầu hết là những người mẹ đang đi sắm Tết cho gia đình, và những đứa con thơ ngây vẫn mỏi mòn chờ mẹ mang quà Tết về. Thế mà buổi đi chợ Tết đã bỗng biến thành buổi chợ cuối cùng của bao người mẹ. Họ đã ra đi mãi mãi trên dòng sông khi chưa kịp sắm Tết.

Trên bàn thờ ngày hôm nay và ngày đầu năm mới Kỷ Sửu hôm mai sẽ có chân dung họ. Sau 365 ngày vất vả lam lũ làm ăn, họ chỉ chờ mong ngày sắm Tết để được cho con cái ăn miếng ăn ngon... Đau thương biết bao nhiêu.

Trên chuyến đò ấy còn có những em nhỏ sau Tết sẽ đến trường, hôm nay các em đi chợ mua quà Tết. Vùng quê xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) của các em vốn là một vùng cồn nổi giữa sông Gianh, bao năm qua đời sống của đa số gia số gia đình vùng quê này không khấm khá gì. Vì vậy quà Tết mà các em đi mua sắm hôm nay cũng sẽ chỉ là bộ quần áo mới rẻ tiền, mấy chiếc cặp tóc, đôi dép nhựa để vừa đi chơi vừa đi học...

Đêm nay, cả xã Quảng Hải thức. 40 người mất đi là 40 sợi dây nối với hàng trăm gia đình khác là họ hàng, bà con thân thuộc. Không chỉ thế, cả xã, cả làng sẽ cùng thức với các gia đình để chia sẻ nỗi đau không gì lớn bằng này. Cả làng, cả xã không còn ai nghĩ đến Tết.

Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là năm mới đến rồi. Vậy mà một nỗi đau quá lớn lao đã đến với đồng bào của chúng ta từ trên dòng sông Gianh.

* Thật là đáng buồn, ngày Xuân mọi người đều hân hoan đón Tết, thế nhưng gia đình người bị nạn phải mất những người thân. Họ là cha, là mẹ, không còn gì đau xót hơn, tai nạn này không phải do thiên tai mà là sự thờ ơ, bàng quang của biết bao người: của chủ tàu vì muốn kiếm thêm tiền, nhất là của lãnh đạo địa phương. Đời sống kinh tế khá hẳn lên mà lại còn những chiếc thuyền đó sao? Nếu ngân sách địa phương không lo nổi thì còn ngân sách cấp trên, phải đổi mới, phải có chính sách để địa phương phát triển...

Chìm đò - lỗi tại ai?

Tôi là một người con dâu của quê hương Quảng Hải, sống trên mảnh đất này đã nhiều năm nên biết rất rõ cuộc sống của bà con nơi đây, vất vã và lam lũ lắm... Khi biết tin sự cố chìm đò, tim tôi đau buốt. Điều bấy lâu nay tôi luôn lo lắng không yên, nay đã xảy ra.

Quảng Hải là một cù lao nằm giữa lòng sông Gianh, giao thông qua lại chỉ bằng đò, bến đò ở phía bắc sang xã Quảng Thanh, bến đò phía nam sang xã Quảng Tân. Ngoài ra còn có bến đò sang xã Quảng Trường, Quảng Trung. Những mùa mưa bão con em trong xã đi học, bà con đi chợ đều phải đi trên những chuyến đò hết sức “mong manh” này khiến chúng tôi không thể yên tâm.

Chúng tôi chỉ mong ước có được cây cầu và cái chợ ngay trên mảnh đất này, để ngày ngày không phải khổ khi chen chúc nhau qua sông như thế. Bà con mong muốn có chợ, đã đề xuất qua những lần tiếp xúc cử tri, nhưng chợ xây gần nửa năm vẫn nằm im không hoạt động. Cầu Quảng Hải ì ạch thi công mãi chẳng thấy nối bờ, hết năm này qua năm khác vẫn mấy cái trụ nằm chõng chơ - dù có lời hứa cầu sẽ thông cuối năm 2005. Bà con khổ vẫn hoàn khổ, mỗi ngày vẫn phải cầm giỏ xách qua sông mua thức ăn.

Đau thương lắm nhưng biết lỗi tại ai!

Con đò Quảng Hải tôi vẫn đi, thường chở rất nhiều người, khi đông khách có tới 70 người trên một chuyến là chuyện thường tình, một thói quen của bà con là khi đã gặp đò thì phải chen chúc nhau lên cho bằng được. Lái đò thì chủ quan, đã có nhiều chuyến đò suýt chìm trong mùa mưa lũ hay phiên chợ nhưng sự cố chưa xảy ra nên vẫn không có sửa đổi.

Không chỉ bến đò này, mà cả con đò sang Quảng Tân cũng thế, cứ buổi sáng người đi chợ và học sinh chen chúc nhau lên đò, có nhiều lúc tôi sợ không dám bước lên vì đò quá nặng, lái đò là một người phụ nữ không có bằng lái vì chồng bận đi đò dọc...

Không biết đến bao giờ người dân quê tôi mới hết những nỗi đau không đáng có này? Thật sự chia buồn với bà con quê tôi, mong rằng qua sự cố này tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mỗi người.

* Tang thương đã bao trùm lên làng quê cồn đảo, một làng quê nằm lọt giữa hai nhánh sông Gianh đã bao đời nay người dân phải sống chung với lũ lụt, với những trận cuồng phong của thiên nhiên. Giao thông duy nhất nối hai bờ sông Gianh chính là những chuyến đò ngang và đò dọc, những phương tiện giao thông bằng thuyền máy (có gắn động cơ) đơn giản, phương tiện cứu hộ sơ sài.

Tôi là một người con của quê hương đã xa quê lập nghiệp từ nhiều năm nay, nhưng mỗi lần về thăm nhà đều phải "lụy" vào những chuyến đò "mạo hiểm" này. Phương tiện vận chuyển trên những luồng giao thông này rất sơ sài, chủ yếu là thuyền nhỏ, tải trọng khoảng 3 tấn có gắn động cơ Diezel, phao cứu hộ chỉ được gắn vài cái cho vui mắt, không đảm bảo an toàn khi có tai nạn xảy ra.

Mong rằng các cơ quan ban ngành liên quan sớm vào cuộc để điều tra về sự cố chìm đò mà lẽ ra không nên có này. Đây là một bài học nhãn tiền cho chính quyền xã.

Xin hãy nhanh tay

* Khi giây phút giao thừa gần đến, nôn nóng trở về gia đình sau buổi chợ cuối năm, bà con trên chuyến đó qua sông Gianh ở Quảng Thanh - Quảng Trạch - Quảng Bình, đã vội vàng nhốn nháo chen chúc nhau trên một chuyến đò, dẫn đến thiệt mạng 42 nạn nhân ngay trước thềm năm mới

Đau xót quá! Sẽ có rất nhiều gia đình mất Tết ,những đứa trẻ mất mẹ cha, thay vì hoa đón xuân thì lại là những vành tang trắng

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, huống chi đây là 42 mạng con người, và bao khổ đau kéo theo tai nạn thảm khốc này. Hẳn đồng bào Việt Nam ai ai cũng đau xót.

Khẩn thiết đề nghị những địa điểm quen thuộc, những cây cầu nối nhanh nhẹn tích cực bấy lâu nay mỗi khi đồng bào gặp nạn, như báo Tuổi Trẻ, hãy thiết lập đường dây cứu trợ bà con một cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất.

Rất mong các bloger mạng Ngôi sao blog ủng hộ và có những hành động quan tâm thiết thực tới đồng bào gặp nạn, nhất là các bloger ở tại địa phương mà sự cố xảy ra. Chúng ta, những cư dân mạng, không thờ ơ với nỗi đau của đồng bào Quảng Trạch, đúng không các bạn?

DIt6Bjmw.jpgPhóng to
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, tư lệnh QK4 trao tiền hỗ trợ 3 triệu đồng cho anh Thế, chồng nạn nhân Phạm Thị Thủy.

Ông Trần Mạnh Hộ, bí thư đảng ủy xã Quảng Hải, cho biết: đến 18g cùng ngày (25-1) đã có 33 cơ quan trong và ngoài tỉnh đến hỗ trợ các gia đình nạn nhân 537 triệu đồng, trong đó Bộ tư lệnh QK4 123 triệu đồng; báo Tuổi Trẻ 40 triệu đồng.

Năm 1993, bà con ở ốc đảo xã Quảng Hải mừng vui khi dự án cầu số 1 bắc từ xã Quảng Phong sang xã Quảng Hải; cầu số 2 bắc từ xã Quảng Hải sang xã Quảng Lộc được khởi công. Theo kế hoạch, hai cầu này sẽ hoàn thành vào năm 1995 nhưng đến nay chỉ có mấy cột trụ bơ vơ giữa dòng sông. Được biết trị giá hai cầu này lên tới 82 tỉ đồng thời điểm năm 1993.

VŨ TOÀN - NGUYỄN ĐỨC DỤC - LAM GIANG - QUANG TÁM - LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên