08/12/2008 07:38 GMT+7

Xây dựng đội ngũ VN học để quảng bá đất nước

THU HÀ - THANH HÀ thực hiện
THU HÀ - THANH HÀ thực hiện

TT - “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là câu đùa tiếng Việt rất “kinh điển” của GS.TS Vladimir Kolotov khi được hỏi về những khó khăn của ngành VN học tại Nga, châu Âu và ngay cả tại VN. Tham dự hội thảo VN học tại Hà Nội (từ 5 đến 7-12), GS.TS Vladimir Kolotov cũng cho rằng cần xây dựng một đội ngũ VN học mạnh để quảng bá hình ảnh VN ra khắp thế giới.

wBqsXHhp.jpgPhóng to
GS.TS Vladimir Kolotov
TT - “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là câu đùa tiếng Việt rất “kinh điển” của GS.TS Vladimir Kolotov khi được hỏi về những khó khăn của ngành VN học tại Nga, châu Âu và ngay cả tại VN. Tham dự hội thảo VN học tại Hà Nội (từ 5 đến 7-12), GS.TS Vladimir Kolotov cũng cho rằng cần xây dựng một đội ngũ VN học mạnh để quảng bá hình ảnh VN ra khắp thế giới.

GS.TS Vladimir Kolotov:

- Tôi học tiếng Việt vì bị hấp dẫn bởi GS Nguyễn Tài Cẩn, người VN đầu tiên giảng dạy ngôn ngữ VN tại ĐH Tổng hợp Leningrad. Vợ GS Cẩn là GS Nona Stankevich cũng là người rất nhiệt tình kêu gọi sinh viên học tiếng Việt và truyền bá tình yêu tiếng Việt cho chúng tôi.

Học tiếng Việt rồi tôi mới hiểu VN có truyền thống làm lịch sử, truyền thống nghiên cứu lâu đời được giới nghiên cứu thế giới ghi nhận. Và ghi nhận đó có được phải thừa nhận là do truyền thống bảo vệ chủ quyền đến cùng của dân tộc VN. Có bảo vệ được chủ quyền thì mới mong được công nhận như một thực thể, một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn.

Thông tin thuyết phục

* Vậy theo ông, VN ở thời điểm hiện tại đã trở thành một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn?

A2mzbivI.jpgPhóng to

GS.TS Vladimir Kolotov - Ảnh: Cù Zap

- VN không thể nào chỉ chấp nhận mình như một đối tượng nghiên cứu mà phải trở thành chủ thể nghiên cứu bản thân mình. Từ đó cũng có thể nhìn bản thân mình qua con mắt nghiên cứu của người khác. Chính vì vậy mà chúng ta có mặt ở đây hôm nay.

Không chỉ có hội thảo VN học, ở châu Âu còn có Euro-Viet, một hình thức gặp gỡ hai năm một lần và Euro-Seas, hội nghị ba năm một lần giữa các học giả nghiên cứu VN và nghiên cứu Đông Nam Á. Những hội nghị khoa học như vậy cho thấy sự lớn mạnh của ngành VN học trên thế giới.

* Với tư cách một nhà VN học và một người bạn, ông có cho rằng VN học là một cánh cửa tốt để VN mở ra với thế giới?

- Tất nhiên, nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. Mở ra và giới thiệu như thế nào về mình? Không phải tất cả nghiên cứu về VN học đều đảm bảo tính khoa học. Hình như các bạn quen với việc đánh giá cái này tốt, cái kia xấu. Nhưng khoa học không phải thế. Cái gì đang diễn ra phải đặt tên cho đúng, khách quan, không phụ thuộc những điều kiện áp đặt.

Cũng không nên trông chờ người ngoài đánh giá tốt về mình và quảng bá thông tin đó. Hãy nhìn xem trên các trang mạng, rất nhiều thông tin xấu về VN, nhưng thông tin tốt, khách quan và trung thực thì tìm ở đâu? Không có! Tôi không muốn nói các trang tin của Chính phủ mà là những nghiên cứu khách quan và trung thực của các nhà khoa học. Chính những thông tin đó mới đủ sức thuyết phục thế giới về hình ảnh của một VN hòa bình, văn minh, có truyền thống văn hóa, có kinh tế thị trường… Những thông tin đó cần một diễn đàn có uy tín để công bố - đó chính là những hội thảo VN học. Chính vì thế VN nên và rất cần thiết xây dựng một đội ngũ VN học mạnh, có kết nối với cộng đồng VN học trên khắp thế giới.

Cái khó “đầu tiên”

ChGsDzGg.jpgPhóng to
Các đại biểu trao đổi sau buổi bế mạc -Ảnh: Cù Zap
* Theo ông, yếu tố nào là nguyên nhân quan trọng nhất khiến VN học chưa phát triển ở ngay chính VN?

- Đầu tiên - tiếng Việt là “tiền đâu” ấy mà. Tôi thấy nghiên cứu VN học ở VN thật vất vả, khó khăn.

Tôi có thể hình dung ra nó khó khăn thế nào khi hội nghị Euro-Viet được tổ chức tại Saint Petersburg hồi năm 2005. Ban tổ chức đã gửi thư mời tài trợ đến tất cả doanh nghiệp lớn nhất của quốc gia như Vietnam Airlines và Tập đoàn Dầu khí nhưng không ai trả lời. Không biết các doanh nghiệp VN nghĩ gì khi hội thảo về VN học tổ chức tại Nga mà lại để Quỹ Ford của Mỹ tài trợ. Thật may mắn là GS Nguyễn Tài Cẩn có hai con trai, họ không nghiên cứu khoa học như cha mà đi làm doanh nhân, họ có một doanh nghiệp mà VN hay gọi là “vừa và nhỏ”. Hai người con trai của GS đã tài trợ toàn bộ số kinh phí còn thiếu cho hội thảo.

Cái mà tôi gọi đùa là “đầu tiên” ấy thực chất không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà là ý thức công dân của quan chức và doanh nghiệp VN trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Đừng nghĩ quảng bá hình ảnh đất nước là những thước phim đẹp về bãi biển và khách sạn, cũng đừng bó hẹp việc quảng bá trong một sản phẩm cụ thể. Các doanh nhân VN cần hiểu điều cốt lõi là trong những xã hội phát triển - cũng có nghĩa là những thị trường lớn - nếu người ta không tôn trọng văn hóa của nước nào, người ta không bao giờ mua hàng hóa của nước đó.

Theo những nghiên cứu và nhận xét của tôi, trong 15 năm qua kinh tế VN phát triển rất nhanh, những người giàu lên trong quá trình phát triển đó có thể chưa kịp tiếp thu những nhận thức mới về văn hóa và chưa ý thức được trách nhiệm công dân của mình với việc quảng bá hình ảnh đất nước.

* Nếu được tham vấn, ông sẽ đưa ra những khuyến cáo nào cho việc phát triển ngành VN học và tăng cường quảng bá hình ảnh VN?

- Ở các nước khác, thật đơn giản vì có rất nhiều quỹ tài trợ cho văn hóa, khoa học. Quỹ Soros và Quỹ Ford tài trợ hầu hết các nghiên cứu, hội thảo quốc tế về VN học. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngay ở Nga cũng vậy, nếu có một hội thảo như thế này sẽ có rất nhiều quỹ và nhiều nhà tư bản vinh dự được hân hạnh tài trợ.

Ở VN, các doanh nghiệp thờ ơ một phần cũng vì Nhà nước “bao sân” nhiều quá. Cái gì cũng Nhà nước quản lý, vì vậy Nhà nước phải chi tiền. Nếu Nhà nước chủ động trả lại vai trò cho các tổ chức xã hội và các cá nhân trong việc tìm kiếm, phát hiện, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền bá văn hóa, có tác dụng tích cực đến việc quảng bá hình ảnh đất nước thì khoa học sẽ phát triển hơn và Nhà nước bớt phải lo quản lý và chi tiền.

....................................................

Đó là kiến nghị của đông đảo nhà khoa học đối với ban tổ chức hội thảo quốc tế VN học được GS Phan Xuân Nam thay mặt trình bày trong phiên bế mạc chiều 7-12.

Tổng kết ý kiến thảo luận của từng tiểu ban, các nhà khoa học có cùng đánh giá VN đã có bước đầu hội nhập thành công trong nhiều lĩnh vực. Nhưng mặt khác, VN đang đương đầu với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và trước xu thế toàn cầu hóa. Đó là những ảnh hưởng tiêu cực như những biến động xã hội, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường... Đồng thời còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và phát triển bền vững như hạn chế về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục kém, chính sách về kinh tế, luật pháp chưa theo kịp với tốc độ và nhu cầu phát triển...

Nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học đề xuất và đều gặp nhau ở một điểm chung là cùng đưa ra khuyến nghị với Nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách: tích cực hội nhập, coi trọng mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không được đánh đổi bằng sự suy thoái các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường. Đồng thời phải có những chính sách đảm bảo công bằng xã hội - không chỉ giới hạn trong sự công bằng về kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Trong quá trình phát triển, Nhà nước phải có những chính sách phù hợp đảm bảo cho mọi người dân được làm chủ một phần tư liệu sản xuất, được hưởng một nền giáo dục cơ bản đào tạo về nghề nghiệp, hướng dẫn về việc làm, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khi có khó khăn... Nhà nước cần chú ý đảm bảo công bằng xã hội theo hướng vừa khuyến khích nhóm có khả năng làm giàu hợp pháp vừa nâng đỡ các nhóm yếu thế, thu hẹp dần khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư, vùng miền...

Theo đánh giá của các GS chủ trì các tiểu ban, một bước tiến của hội thảo lần này là đội ngũ các nhà nghiên cứu đã được “trẻ hóa”, đánh dấu sự trưởng thành của một thế hệ mới nghiên cứu về VN học. “Điều đó thể hiện sức sống mới và sức hấp dẫn của ngành khoa học này” - GS Phạm Xuân Nam nhận định.

Trong phát biểu bế mạc, GS Mai Trọng Nhuận - giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - đánh giá hội thảo quốc tế VN học là một trong những sự kiện khoa học quốc tế quan trọng nhất diễn ra ở VN trong năm 2008 và là “cơ hội để VN hiểu rõ mình hơn”. GS Nhuận cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học xã hội VN - hai cơ quan đồng tổ chức hội thảo - sẽ phối hợp sớm hình thành một hội đồng quốc tế về VN học để tăng cường liên lạc mật thiết giữa giới VN học trong nước và ngoài nước về nghiên cứu và đào tạo liên ngành trong lĩnh vực này.

Bên cạnh việc sẽ tổ chức thường xuyên hơn các hội nghị khoa học thiết thực phục vụ quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển của VN và giao lưu, hợp tác quốc tế, hai cơ quan sẽ xây dựng một website về VN học và một số diễn đàn học thuật để tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.

THU HÀ - THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên