Bộ tài chính: Không đồng ý thu phí lưu hành xe
Phóng to |
Việc thu phí lưu hành xe ở các thành phố lớn không giải quyết được nạn kẹt xe. Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM). Ảnh: HTD |
Thu kiểu nào cũng khó
Theo Bộ Tài chính, chưa thể áp dụng đề xuất thu phí xe máy của TP.HCM được bởi đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng rộng đến xã hội và đời sống dân cư. Việc thu phí sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp mà TP cần giải quyết. Nếu thu phí theo số lần tham gia giao thông thì phải đặt các trạm thu phí.
Còn nếu thu phí hàng năm thì cũng phải lập bộ máy kiểm tra việc nộp phí của chủ xe. Trong khi đó, các tuyến đường ở Hà Nội và TP.HCM đều rất chật chội, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nếu phương tiện tham gia giao thông phải dừng xe để nộp phí hoặc để các lực lượng chức năng kiểm tra thì dễ làm gia tăng kẹt xe.
Trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Quang Hưng, chuyên viên Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng cả hai phương án trên đều không hiệu quả. “Chúng tôi đi tham quan nhiều nước như Singapore thấy việc thu phí ôtô, xe máy lưu hành rất thuận lợi. Khi ôtô, xe máy đi qua trạm, chỉ việc sử dụng hệ thống điện tử nộp tiền qua tài khoản nhanh gọn, các trạm thu phí cũng không phải bố trí nhân viên túc trực. Mọi hoạt động đều được giám sát qua hệ thống camera. Xe nào đi qua không tự động đóng phí sẽ bị phạt rất nặng” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, phải nhiều năm nữa Hà Nội và TP.HCM mới có thể thực hiện được việc thu phí giao thông. Pháp lệnh Phí và lệ phí cùng nghị định hướng dẫn chưa quy định khoản phí này. Nếu muốn áp dụng thì phải xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ.
Tăng lệ phí đăng ký
Cùng với việc bác đề xuất thu phí lưu hành xe, Bộ Tài chính cũng không đồng ý với đề xuất của TP.HCM tăng lệ phí đăng ký xe máy từ 500 ngàn đến hai triệu đồng lên mức từ một triệu đến bốn triệu đồng.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, nếu chỉ một vài địa phương tăng thì sẽ dẫn đến tình trạng chủ sở hữu đăng ký lưu hành tại các địa phương lân cận rồi mang xe vào TP lưu thông. Do đó, số lượng xe tham gia giao thông vẫn tăng, việc hạn chế ùn tắc giao thông không hiệu quả. Bộ Tài chính cho biết trước đây Hà Nội đã thực hiện lệnh cấm đăng ký xe máy tại một số quận nội thành nhưng số lượng xe tham gia giao thông trong TP vẫn không giảm.
Theo Bộ Tài chính, để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, việc phát triển vận tải hành khách công cộng đóng vai trò rất quan trọng. Bộ Tài chính đang nghiên cứu ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng.
Chẳng hạn như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phương tiện vận tải công cộng nội đô; miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của xe buýt.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM. Trước mắt sẽ huy động vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị tại hai TP này.
Bộ Tài chính cho rằng để giảm ùn tắc giao thông, hai TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tài chính, tuyên truyền phổ biến giáo dục, đầu tư xây dựng đường bộ, quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông... Hà Nội và TP.HCM cần xây dựng đề án tổng thể về giảm ùn tắc giao thông để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận