11/11/2008 16:47 GMT+7

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Tôi chịu trách nhiệm việc dự báo sai trong xuất khẩu gạo"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 11-11, các đại biểu quốc hội ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long thay nhau chất vấn Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về chủ trương cho dừng xuất khẩu gạo hồi tháng 4 khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt hại.

Nông dân phải gánh an ninh lương thực ?

ĐB Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang), Bùi Văn Dũng (Kiên Giang), ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) phản ánh hiện nay lúa ở ĐBSCL tồn cả triệu tấn, các sản phẩm khác như cá da trơn, trái cây giá thấp mà không ai mua, nông dân sắp vào vụ mới mà lại thiếu vốn, Bộ có cách nào giúp bà con? ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) chất vấn chính phủ làm gì mà để nông dân phải gánh vấn đề an ninh lương thực? Việc ngưng xuất khẩu gạo làm ảnh hưởng đến giá thu mua lúa gạo trong nước, vì 20 triệu người không làm ra lúa gạo ở các đô thị mà bỏ quên 60 triệu nông dân trồng lúa, nông dân cứ phải nghèo mãi hay sao?

fFMCvceg.jpgPhóng to

Nông dân ĐBSCL điêu đứng vì giống lúa IR 50404. Ông Nguyễn Văn Đồng nói: “Lúa để năm tháng nay đã bị ẩm vàng rồi mà cũng chưa bán được”

Bộ trưởng Cao Đức Phát trình bày rất chân thành: Xin các đại biểu và bà con chia sẻ, Chính phủ luôn muốn làm mọi cách có lợi nhất cho nông dân, nhưng trong các chính sách còn phải tính đến đại cục, không để ảnh hưởng đến nhân dân cả nước. Việc dừng xuất khẩu gạo hồi đầu năm là một sự trăn trở lớn của chính phủ, là lựa chọn tốt nhất thời điểm đó.

Vào tháng 4-2008, giá gạo trên thế giới tăng đột biến, trong nước nhiều DN mua gom, tích trữ chờ xuất khẩu. Trong khi đó, miền Bắc vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đến cuối tháng 3 mới có thể gieo xạ nên không thể đoán được kết quả vụ mùa… Để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá trong nước, chính phủ đã quyết định dừng xuất khẩu gạo, chỉ tập trung thực hiện tiếp các hợp đồng đã ký kết.

Trên thực tế, sau đợt rét thì miền Bắc được mùa. Công tác dự báo của Bộ như thế là chưa chính xác, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, nâng cao công tác dự báo để cung cấp thông tin chính xác hơn, đảm bảo lợi ích của nông dân.

Việc tồn lúa hiện nay là do các nguyên nhân sau: được mùa lớn ở cả hai miền Nam, Bắc, giá gạo trên thế giới giảm, các công ty khó khăn về tài chính, chất lượng gạo của ta còn thấp so với tiêu chuẩn thế giới. Chính phủ đang tìm mọi cách kích thích tiêu thụ: yêu cầu hai Tổng công ty lương thực miền Bắc, miền Nam thu mua 300.000 tấn gạo tồn trong dân, tiếp tục xúc tiến thương mại, đàm phán các hợp đồng xuất khẩu. Chính phủ cam kết sẽ mua gạo dù có lỗ.

Chúng tôi luôn tìm mọi cách hỗ trợ nông dân: giảm lãi suất cho vay với nông dân xuống mức thấp nhất, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, các hệ thống thủy lợi…

lMLoNQPh.jpgPhóng toĐại biểu Lê Thanh Liêm chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh : TTXVN ĐB Lê Thanh Liêm chưa hài lòng với giải trình này, một lần nữa nhấn mạnh: Việc dừng xuất khẩu gạo xuất phát từ việc dự báo sai sản lượng (90% gạo từ ĐBSCL), ai là người chịu trách nhiệm? Những thiệt hại của bà con nông dân rất cụ thể, Bộ đề xuất gì để bù đắp? Đây không phải lần đầu nông dân bị thiệt hại, không nắm được cơ hội hiếm hoi được mùa được giá vì chính sách của Chính phủ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã rất dũng cảm khẳng định: việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi, tôi chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang thành lập bộ phận chuyên trách về dự báo. Về việc làm gì để bù đắp cho nông dân, chúng tôi xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu thêm.

Nói thêm về giải pháp và lộ trình để nông dân có lãi 40%, Bộ trưởng cho biết đây là tư tưởng của chính phủ, cần có nhiều phương pháp, giải pháp mang tính hệ thống. Các cơ quan liên quan cần theo dõi sát và điều hành linh hoạt vì sản xuất nông sản phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mà việc tiêu thụ lại phụ thuộc thị trường thế giới.

47Q9L6vE.jpgPhóng to
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Việc dự báo sai dẫn đến chủ trương ngừng xuất khẩu gạo thuộc về cá nhân tôi, tôi chịu trách nhiệm". - Ảnh: TTXVN

Việt Nam đã thừa rừng phòng hộ?

Một vấn đề lớn thứ hai được nhiều ĐB tập trung chất vấn là chủ trương chuyển đổi một số khu vực rừng phòng hộ sang trồng cây cao su. Trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng có cho biết các bộ đang rà soát lại tòan bộ diện tích rừng, ruộng lúa, qua đó sẽ điều chỉnh lại diện tích rừng phòng, đầu nguồn đã lớn hơn qui họach do có thời gian được trồng ồ ạt.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) hỏi: Phải chăng Việt Nam chúng ta đang thừa rừng? Thừa rừng thì tại sao hễ mùa mưa thì xảy ra lũ ống, lũ quét, mùa khô thì hạn hán? NQ73 của Quốc hội mới đây còn yêu cầu phải bảo vệ tất cả các diện tích rừng hiện có và trồng thêm. Dựa vào cơ sở khoa học nào để khẳng định việc trồng cao su là làm giàu rừng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định Việt Nam không thừa rừng (toàn quốc hiện có 13 triệu ha rừng, độ che phủ 40%), nhưng đã trồng rừng phòng hộ nhiều quá: 9,1 triệu ha so với nhu cầu là 6,5 triệu ha. Trong khi đó, nhu cầu trồng rừng công nghiệp để phục vụ sản xuất còn nhiều, các doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nên chính phủ thấy cần qui họach lại. Một số khu vực rừng tự nhiên hiện nay nếu chuyển sang trồng cao su thì hiệu quả tốt hơn, ví dụ như các rừng khộp ở Tây nguyên, đất xấu, gỗ không tốt nên chuyển sang trồng cao su. Ngay bên cạnh đó thôi là các rừng cao su rất xanh tốt, cao su cũng là cây rừng.

ĐB Nguyễn Đình Xuân không đồng ý với nhận định này: bộ trưởng nói vậy chứ đất rừng xấu liệu có phù hợp với cây cao su không? Tôi nghĩ rằng các DN, đại gia muốn đầu tư rừng đang nhắm vào những cánh rừng tốt chứ không phải xấu. Vả lại, bộ trưởng cho rằng cao su cũng là cây rừng, vậy trong 5,7 năm chờ cao su khép tán thì cái gì sẽ phòng hộ ở khu vực đó? Tây nguyên có những vùng không xung yếu với chính Tây nguyên nhưng lại là xung yếu với những khu vực khác.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là ý kiến nói thêm chứ không phải câu hỏi nên Bộ trưởng không cần trả lời.

Cũng đồng tình với ĐB Xuân, ĐB Điểu Điểu (Bình Phước) chất vấn: Tôi cho rằng đây không đơn giản là vấn đề thừa rừng phòng hộ. Nhân dân trong địa phương rất bức xúc về việc rừng được giao cho các DN ngoài tỉnh chứ không phải cho dân địa phương. Việc chuyển rừng sang trồng cao su có trùng với kế họach trồng mới 5 triệu ha rừng đã được Quốc hội đề ra hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết một trong những mục đích của chủ trương chuyển đổi rừng sang trồng cao su là tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào tại chỗ. DN nào thỏa mãn điều kiện đó thì sẽ được chọn để giao rừng. Bộ trưởng cũng cho biết việc chuyển đổi này không trùng với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn về trách nhiệm dự báo và những phản ứng lúng túng của bộ trong trận mưa lụt vừa qua khiến Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thiệt hại người và của. Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận trận mưa vừa qua có dung lượng lớn nhất trong 35 năm gần đây, vượt xa khả năng dự báo và năng lực về cơ sở vật chất của bộ. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng mình có bất ngờ nhưng không lúng túng, đã triển khai ngay các giải pháp như kiểm tra hồ chứa, tổ chức hộ đê, trực 24/24… Bộ trưởng cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành để theo kịp sự phát triển của các đôi thị và sự biến đổi của thiên nhiên.

Phần trả lời này cũng không thuyết phục được ĐB Thuyết. Ông khẳng định Bộ đã quá lúng túng trong chỉ đạo, trận mưa vừa qua có quá nhiều thiệt hại không đáng có: học sinh sẽ không chết đuối nếu trường học thông báo nghỉ kịp thời, không có người thiệt mạng oan uổng nếu các mương nước có rào chắn, nhân dân không khốn đốn nếu được cứu trợ ngay, các ô tô, xe máy không phải bị ngâm nước nếu được thông báo sớm về dự báo cơn mưa kéo dài…

Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đồng ý với ĐB Nguyễn Minh Thuyết. Ông nhận xét rằng Bộ NN&PTNT quả có lúng túng trong xử lý khi gặp trận mưa lịch sử như vừa qua. Bộ trưởng cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những lần sau và thực hiện được lời hứa của mình hôm nay.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên