03/10/2008 01:14 GMT+7

"Toa thuốc" nào cho "bệnh" ngập?

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Những công trình chống ngập trọng điểm tiêu tốn hàng trăm triệu USD cái thì “mắc cạn” vì thi công với tốc độ rùa, cái khác lại năm lần bảy lượt điều chỉnh. Trong khi đó, giải pháp mới nhất để chống ngập với quy mô hàng ngàn tỉ đồng còn gây nhiều tranh cãi…

7VwRFgrv.jpgPhóng to
Cùng nhau di tản đã trở thành hình ảnh quen thuộc từ vài năm nay của người dân P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức trong các đợt triều cường - Ảnh: N.Triều
TT - Những công trình chống ngập trọng điểm tiêu tốn hàng trăm triệu USD cái thì “mắc cạn” vì thi công với tốc độ rùa, cái khác lại năm lần bảy lượt điều chỉnh. Trong khi đó, giải pháp mới nhất để chống ngập với quy mô hàng ngàn tỉ đồng còn gây nhiều tranh cãi…

Cho đến thời điểm hiện nay, tình trạng ngập nước không chỉ khiến người dân bị ám ảnh mà ngay cả các cơ quan chức năng TP.HCM cũng đang bị “sa lầy”, chưa tìm được lối thoát hữu hiệu. Không kể những hạn chế trong quá trình sử dụng, nếu huy động hết công suất của hệ thống thoát nước hiện hữu cũng không thể chống chọi với tình trạng ngập đang diễn ra.

Cuộc chiến không cân sức

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tổng chiều dài cống thoát nước của TP hiện nay hơn 1.500km, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, tổng chiều dài cống không nói lên được khả năng thoát nước vì phần lớn các cống này đều được thiết kế xây dựng từ hàng chục năm trước với tiết diện quá nhỏ so với nhu cầu. Khả năng tiêu thoát trong điều kiện bình thường (không mưa) của hệ thống cống thoát nước các quận 1, 3, 5 cơ bản đạt 100%, còn khả năng đáp ứng nhu cầu của các huyện ngoại thành rất thấp, như Bình Chánh chỉ khoảng 0,3%.

Một bộ phận của hệ thống thoát nước khác không kém phần quan trọng là mạng lưới kênh rạch tự nhiên chằng chịt đã bị teo tóp do quá trình đô thị hóa trong vòng mười năm trở lại đây. Theo GS.TSKH Lê Huy Bá - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, những kênh rạch vô danh bình thường tưởng chừng vô dụng nhưng sau khi bị san lấp mới thấy hết vai trò của nó trong việc tiêu nước chống ngập.

Trong những năm gần đây đã có hàng trăm kilômet kênh, cống thoát nước được cải tạo và xây mới bằng các nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhưng theo Trung tâm Chống ngập TP, hầu hết dự án này đều thi công quá chậm và chưa phát huy hiệu quả chống ngập. Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với kinh phí 196 triệu USD có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho lưu vực rộng 3.600ha triển khai hơn năm năm, thay vì hoàn tất từ năm 2006 nay lại phải gia hạn tiếp đến giữa năm 2010.

Hai công trình trọng điểm sử dụng vốn ODA khác triển khai ở hai lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và Hàng Bàng cũng không khá gì hơn. Dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm giai đoạn 1 mới hoàn tất dự án thành phần số 1 (nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3), dự án thành phần số 3 đang thi công, hai dự án thành phần khác chưa khởi công. Riêng tiểu dự án rạch Hàng Bàng từng phải ngưng do chậm tiến độ nên bị Ngân hàng ADB đóng các khoản vay. Chỉ duy nhất dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ là sáng sủa hơn nhờ đang thi công đồng loạt.

Chưa xây xong đã lạc hậu

Theo những tài liệu mà Tuổi Trẻ có được, tất cả công trình trọng điểm về thoát nước đang triển khai trên địa bàn đều được thiết kế trên cơ sở đề án quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, do JICA lập và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2001. Đối chiếu những số liệu dự báo được JICA dùng làm cơ sở tính toán với con số thực tế hiện nay đã thấy rõ sự chênh lệch một trời một vực.

Theo số liệu đo đạc thực tế những năm gần đây, mực nước triều trên sông Sài Gòn luôn bằng hoặc vượt mức lũ thiết kế của JICA. Cụ thể, trong năm 2007 mực nước sông Sài Gòn tại trạm Phú An có đến 40 lần đạt và vượt mức lũ thiết kế, trong đó có tới 12 lần vượt qua mức +1,40m, thậm chí đợt triều cường diễn ra ngày 28-10-2007 với đỉnh triều đo được lên tới +1,49m, cao nhất kể từ năm 1960. Với thực tế này, những con số tính toán và dự báo của JICA cho đến năm 2020 chưa đi được nửa đường đã trở nên lạc hậu. Bằng chứng nóng hổi là mới đầu tháng chín, UBND TP đã phải kiến nghị Thủ tướng xin bổ sung hạng mục cống ngăn triều cửa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vì mực nước triều trên sông Sài Gòn đã vượt qua mức thiết kế an toàn +1,32m.

Không chỉ cơ sở tính toán về nước triều thiếu chính xác, dự báo về lượng mưa và chu kỳ ngập cống cũng sai lệch. Trên nền quy hoạch tổng thể, khi nghiên cứu thiết kế các dự án trọng điểm như Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các đơn vị tư vấn nước ngoài như BBV, CDM đều cho rằng những trận mưa trên dưới 90mm có chu kỳ xuất hiện ba năm/lần.

Trong khi kết quả nghiên cứu thực tế các trận mưa từ năm 1982 đến 2007 do thạc sĩ Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM) thực hiện cho thấy những trận mưa 90mm xuất hiện gần như hằng năm. Tương tự, theo tính toán của các đơn vị tư vấn, chu kỳ của những trận mưa trên dưới 110mm là mười năm trong khi thực tế chỉ 3,7 năm. “Chính những tính toán không chính xác này đã giải thích cho câu hỏi vì sao TP tốn hàng ngàn tỉ đồng cho những công trình thoát nước, không ít những công trình đã hoàn thành nhưng ngập cứ hoàn ngập” - thạc sĩ Hồ Long Phi nói.

Công trình thủy lợi có thành thủy... hại?

VkVEqorp.jpgPhóng to
Đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - một trong những trọng điểm ngập do triều cường - Ảnh: N.Triều
Đây là câu hỏi được nhiều nhà khoa học đặt ra khi phản biện đề án chống ngập cho TP.HCM do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất. Sở dĩ có câu hỏi này là vì đề án chống ngập của Bộ NN&PTNT đặt trọng tâm là ngăn triều bằng cách xây dựng hàng loạt đê bao, cống ngăn triều quy mô lớn để chặn lối xâm nhập của nước triều vào khu vực nội thị, khác hẳn giải pháp tôn nền và phát triển hệ thống cống thoát nước mà đề án của JICA từng đề nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng một giải pháp thiên về thủy lợi tiêu tốn 11.000 tỉ đồng như thế nếu ngăn được triều thì cũng đồng nghĩa với việc cầm giữ nước thải, nước mưa trong khu vực nội thành và sẽ chẳng những không hết ngập mà còn dẫn đến ô nhiễm môi trường. Liên tiếp từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2008, đề án này đã được các hội khoa học mổ xẻ, HĐND TP cũng đã tổ chức hẳn một hội thảo để lắng nghe những ý kiến phản biện. Và hiện nay, đề án này đã được UBND TP.HCM và Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng nhưng không ít người vẫn băn khoăn về tính khả thi của nó.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, GS.TSKH Lê Huy Bá vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng đề án của Bộ NN&PTNT không khả thi, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Theo vị giáo sư này, giải pháp chống ngập của TP.HCM phải “đi từ trong ruột đi ra”, tức phải giải quyết những yếu kém của hệ thống thoát nước khu vực nội thành. Lưu lượng xả lũ trên sông Sài Gòn lớn, vận tốc dòng chảy mạnh, nếu đắp đê sẽ càng làm tăng áp lực dòng chảy, gây nguy cơ sạt lở bờ sông vốn đã rất yếu, dẫn đến vỡ đê. Chưa kể đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá những tác động về môi trường sinh thái mà giải pháp đê bao có thể gây ra.

GS.TSKH Nguyễn Ân Niên (chủ tịch Hội Thủy lợi TP.HCM) lại có quan điểm khác. Theo ông, cần hiểu rằng đề án của Bộ NN&PTNT không phải là giải pháp duy nhất cho bài toán chống ngập ở TP.HCM mà chỉ là một bước hỗ trợ cho đề án tổng thể thoát nước mà JICA đề xuất. “Những công trình thoát nước trọng điểm đang thực hiện là kết quả nghiên cứu của JICA. Tuy nhiên những nghiên cứu này đã lạc hậu so với thực tế, cụ thể là khả năng thoát nước mưa và kháng triều khi hoàn thành không còn đạt được như mong đợi. Vì thế, việc xây đê bao, cống ngăn triều cũng bao gồm cả nhiệm vụ chống ngập cho... các công trình chống ngập ở nội thành” - GS Niên giải thích.

Thạc sĩ Hồ Long Phi cho rằng trường hợp đề án của Bộ NN&PTNT được Thủ tướng phê duyệt thì từ nay đến năm 2010, thậm chí 2015 cũng chưa thể trông mong gì vì phải mất nhiều thời gian triển khai. Bài toán đặt ra hiện nay là bằng mọi cách phải giải quyết các điểm ngập cục bộ trong nội thành, đồng thời kiểm soát quá trình đô thị hóa, không để phát sinh những điểm ngập mới ở khu vực vùng ven và ngoại thành.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên