30/08/2008 15:11 GMT+7

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm: Tôi may mắn được nhiều người yêu thương

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Huỳnh Tấn Mẫm là một trí thức yêu nước, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phong trào học sinh sinh viên (HSSV) Sài Gòn trước năm 1975. “Thập bát ban võ nghệ, anh chẳng xuất chúng môn nào, anh hiện diện chập chờn như Tống Giang (thủ lĩnh Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử) của phong trào”, một đồng đội đã viết về anh như vậy.

jk4pMCuY.jpgPhóng to
Tranh: Hoàng Tường
Huỳnh Tấn Mẫm là một trí thức yêu nước, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phong trào học sinh sinh viên (HSSV) Sài Gòn trước năm 1975. “Thập bát ban võ nghệ, anh chẳng xuất chúng môn nào, anh hiện diện chập chờn như Tống Giang (thủ lĩnh Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử) của phong trào”, một đồng đội đã viết về anh như vậy.

Huỳnh Tấn Mẫm - một đời sôi nổi

Hình ảnh người thanh niên quả cảm, ánh mắt tinh anh đã cùng lớp lớp thế hệ sinh viên quốc tế xuống đường phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sau năm 1975, anh là người sáng lập và cũng là tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên. Năm 1990, khi rời tờ báo này, anh xin chuyển công tác về Hội Chữ Thập Đỏ TP.HCM. Những trang đời hoạt động chính trị vừa khép lại, Huỳnh Tấn Mẫm lại dấn bước vào các hoạt động từ thiện xã hội. Chính những đóng góp đáng kể của anh vào chương trình vận động hiến máu nhân đạo tại TP.HCM đã trở thành tiền đề hình thành Ngày Hiến máu nhân đạo toàn quốc 7-4.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại phòng khám của anh, nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3. Dù đã bước qua tuổi 65 nhưng thủ lĩnh của phong trào HSSV từng khiến chế độ Sài Gòn mất ăn mất ngủ ngày nào vẫn rất nhanh nhẹn. Dường như mọi thăng trầm của cuộc đời đều đọng lại ở đôi mắt anh, luênh loang buồn. Anh nhớ lại:

- Nhà tôi ban đầu ở ấp Tân Sơn, trong vòng rào phi trường Tân Sơn Nhất. Khi giải tỏa ấp để mở rộng phi trường này, gia đình tôi phải dọn ra vòng ngoài mà không được bồi thường. Năm tôi bốn tuổi, cha tôi bị lính Tây đánh chết vì đánh xe thổ mộ vào đường cấm do không biết chữ. Khi hấp hối, ông trối lại với mẹ tôi rằng cố gắng cho chúng tôi học chữ. Má tôi cạo đầu tu tại gia, ở vậy nuôi nấng sáu anh em chúng tôi.

Nhà nghèo, má tôi phải đi làm mướn, thậm chí nhận bốc mộ thuê - cái nghề không dành cho phụ nữ. Có lần theo chân bà đi bốc mộ, khi giở nắp ván thiên thì thấy bên trong lúc nhúc cá trê, đen ngòm. Ngôi mộ nằm bên bờ ruộng xâm xấp nước. Khi thân xác người chết phân rã, nước thấm qua vách hòm đã mục, cá trê nương theo hơi người chết, moi đất rồi chui vô đẻ. Từ bữa đó, tôi tuyệt nhiên không đụng đũa vô món cá trê.

Khi đến tuổi đi học, má tôi đem tôi gõ cửa thầy Đội Chiêu - nguyên là một thông dịch viên làm việc cho người Pháp. Thương cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, thầy không chỉ miễn học phí, mà còn giữ tôi lại nhà, nuôi cơm. Ghi tạc tâm nguyện của cha tôi trước khi qua đời, thương má, ơn thầy Đội Chiêu, tôi ráng học và thi đậu vô trường Y. Cũng nhờ học y khoa mà tôi biết tự chăm sóc các vết thương cho mình trong những năm tháng bị cầm hãm trong nhà tù.

* Và cũng chính môi trường y khoa này đã trở thành bệ phóng đưa Huỳnh Tấn Mẫm trở thành Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (THSVSG) - thủ lĩnh của phong trào HSSV?

- Mặc dù là tổ chức do mình dựng lên nhưng chính quyền Sài Gòn lại không thể can thiệp vào vấn đề nhân sự của THSVSG. Lý do là quy trình bầu cử được thực hiện khá dân chủ, từ dưới lên trên theo ba vòng. Vòng một là bầu ở lớp. Dẫu quy mô nhỏ nhưng trong lớp cũng có vài ba liên danh tranh cử. Đây cũng được xem là vòng quan trọng nhất vì mỗi lớp chỉ có quyền cử một đại diện ra tranh cử ở vòng trường nên các “cử tri” đều vô cùng thận trọng. Thêm nữa, các “cử tri” đều là bạn học cùng lớp nên am hiểu tường tận các ứng viên.

Nói ra thì có vẻ không được khiêm tốn nhưng những người học dở, hạnh kiểm không tốt chắc chắn là rớt. Hồi đó, muốn làm chính trị là phải có năng lực thực sự, chứ không thể chỉ nói miệng. Qua vòng hai, tôi trúng ghế phó chủ tịch phụ trách ngoại vụ của trường. Được sự phân công của tổ chức, tôi đại diện cho trường Y khoa Sài Gòn ứng cử vào Ban chấp hành THSVSG và trúng tiếp chức vụ phó chủ tịch phụ trách nội vụ. Theo luật, khi chủ tịch THSVSG tốt nghiệp ra trường, tôi được đôn lên thay thế.

* Có người đã ví thế hệ HSSV trước năm 1975 như những “ông trời con”. Là người trong cuộc, anh thấy sao?

- Trọng vọng người trí thức là một đặc điểm của xã hội tư bản. Trí thức là những người có nhiều cơ hội nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, được hưởng nhiều quyền lợi và có ảnh hưởng đáng kể đối với quần chúng. Nguồn gốc của trí thức là HSSV. Vậy nên khi HSSV trở thành một lực lượng đối lập thì chính quyền Sài Gòn đặt trước hai sự lựa chọn, nếu không mua chuộc được thì tìm mọi cách dập tắt.

Khoảng thời gian 1969 - 1972 là giai đoạn phong trào HSSV lên cao trào. Khí thế đấu tranh lan tỏa khắp đường phố Sài Gòn, được sự ủng hộ của nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội, từ tăng ni Phật tử, các ba má phong trào, công đoàn, đội ngũ dân biểu đối lập… cho đến Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng Dương Văn Minh…

* Bên cạnh sự hậu thuẫn từ đông đảo quần chúng, phong trào HSSV còn nhận được sự ủng hộ của một số tờ báo cấp tiến. Anh suy nghĩ thế nào về lực lượng này?

- Các báo Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, Tia Sáng, Dân Chủ Mới… là những người đồng hành dũng cảm, sát cánh với phong trào HSSV. Ảnh hưởng của những tờ báo này đối với dư luận khiến chính quyền Sài Gòn vô cùng lo ngại, phải siết chặt công tác kiểm duyệt. Mặc dù những thông tin mang tính bất lợi đều bị bộ phận kiểm duyệt đục bỏ nhưng những bản in đầy đủ vẫn được bí mật tuồn ra ngoài, phát không cho quần chúng chuyền tay nhau đọc, tiếp lửa cho khí thế đấu tranh. Vì vậy nên phần lớn những tờ báo vừa nêu đều lỗ. Làm báo thời đó đối lập với chính quyền chỉ có thua thiệt và dẫn đến tự đình bản mà thôi.

Kinh phí hoạt động của phong trào HSSV và của THSVSG hồi đó đều dựa vào sự ủng hộ của quần chúng, các báo đều có mục Sổ Vàng trong đó báo Tin Sáng vận động được nhiều nhất, ghi danh những cá nhân ủng hộ tiền bạc cho phong trào.

* Không trụ sở, không tiền, không biên chế, không giấy. Việc anh gầy dựng tờ Thanh Niên sau năm 1975 từ “bốn không” này cũng là một sự dũng cảm?

- Sau khi hoàn thành luận án phó tiến sĩ triết học ở Liên Xô, tôi về nước với nguyện vọng ra tờ báo để đoàn kết tập họp thanh niên theo những điều tôi đọc được trong tuyển tập Làm gì? của Lenin. Tôi vẫn tiếp tục làm việc tại Trung ương Đoàn với chức vụ mới Trưởng ban Mặt trận Thanh niên. Có điều kiện đi cơ sở nhiều, tôi nhận ra rằng muốn tập hợp được thanh niên thì cách tốt nhất là xây dựng diễn đàn dành cho họ dưới hình thức một tờ báo.

Cầm giấy phép xuất bản do Cục Báo chí cấp về Trung ương Đoàn, lãnh đạo Trung ương Đoàn yêu cầu đổi phần dưới manchette Thanh Niên từ “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam” bằng “Cơ quan của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”, chúng tôi đấu tranh mãi các anh mới chịu để chúng tôi để hai chữ “Diễn đàn”. Giải quyết bài toán kinh phí, chúng tôi đến bà Ba Thi, lúc đó là Giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam để vay tiền. Không ngờ sau khi nghe chúng tôi trình bày, bà quyết định ký tặng ngay 30.000 đồng. Báo ra trúng mùa World Cup 1986, chúng tôi quyết định tăng thêm phụ trang thể thao, bán chạy như tôm tươi. Cũng kể từ đó, tờ báo đi lên. Đến năm 1990, tôi rời tờ báo về nhận công tác tại Hội Chữ Thập Đỏ (HCTĐ) TP.HCM.

* Phần lớn thời gian công tác của anh đều gắn liền với thanh niên, anh nghĩ thế nào về thế hệ đàn em hiện nay?

- Sáng tạo là thế mạnh của thanh niên. Việc đặt ra những khuôn mẫu cho thanh niên sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ, thiệt hại cho đất nước. Đừng để thanh niên hiện nay bị hành chính hóa, dẫn đến chủ nghĩa cơ hội, phấn đấu, đóng góp một cách có tính toán. Đừng để họ thấy rằng đứng trong hàng ngũ của Đoàn, bước tới là vào Đảng, nắm lấy chức vụ trong Đảng, rồi từ đó nắm lấy chức vụ trong chính quyền.

* Nhìn lại quãng đời hoạt động chính trị của mình, có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi?

- Gần như trong đời hoạt động chân chính của mỗi người, chính trị hay từ thiện xã hội, đều có những lúc thăng trầm, thậm chí đau khổ vô cùng, họ cảm thấy thiếu công bằng trong đối xử đối với họ, và thiếu được bảo vệ họ khi họ đấu tranh, nên họ dễ chán nản, tiêu cực, mệt mỏi. Riêng tôi, mỗi lần như vậy, trước hết phải nhìn lại mình đã làm được việc gì, hãy quên chuyện đã qua và tìm một lối thoát vươn lên vượt khó.

* Đến giờ này, liệu còn điều gì khiến anh cảm thấy day dứt?

- Giai đoạn tham gia phong trào HSSV, tôi được bà con tin yêu, đùm bọc. Chỗ nào HSSV đấu tranh là chỗ đó có ngay một kho lương thực và thuốc men. Vậy mà đến giờ tôi vẫn chưa làm được gì cho bà con. Thời kỳ phát động phong trào đi kinh tế mới, cũng vì tin yêu mình mà bà con hăng hái lên đường, nhưng cách làm của chúng ta lúc ấy như bỏ rơi họ. Tôi nghĩ những nhà hoạch định chính sách cần hết sức thận trọng khi ban hành các chính sách liên quan đến người nghèo. Tôi có cảm giác nhiều khi chúng ta hơi chủ quan ở khâu này. Chẳng hạn như ban hành quyết định trước rồi mới chuyển cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị góp ý là cách làm ngược. Cần tôn trọng vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát triển mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn rộng thì thật là đáng lo ngại. Vấn đề tái định cư tại Thủ Thiêm và nhiều nơi khác gây phẫn nộ trong quần chúng nghèo. Trước khi quyết định giải tỏa phải chuẩn bị nơi tái định cư trước, đền bù thỏa đáng cho người ta. Cùng một khu đất nhưng giá trước và sau đền bù có khi chênh lệch hàng chục lần. Làm vậy chẳng khác gì giành miếng đất của người nghèo chia cho người giàu.

* Sau khi rời vũ đài chính trị, Huỳnh Tấn Mẫm lại hăm hở với những hoạt động từ thiện xã hội. Trong bối cảnh nhiều phòng khám miễn phí trên địa bàn thành phố đã phải ngưng hoạt động vì không đủ kinh phí thì Hội Chữ Thập Đỏ TP. Hồ Chí Minh giao cho anh phụ trách phòng khám miễn phí dành cho các bệnh nhân nghèo. Anh đã xoay xở bằng cách nào?

- Mối quan hệ xã hội của tôi khá rộng trước và sau giải phóng. Bằng một tấm lòng vì người nghèo, tôi gõ cửa vận động những anh em từng tham gia phong trào HSSV với mình bây giờ nắm những chức vụ quan trọng… May mắn là anh em vẫn còn thương mình, nên sẵn sàng giúp đỡ.

* Một trong những hoạt động xã hội mang đậm dấu ấn của Huỳnh Tấn Mẫm là chương trình hiến máu nhân đạo triển khai tại TP.HCM…

- Cuối năm 1994, các bệnh viện rơi vào tình trạng khan hiếm máu dự phòng. Trước thực trạng này, UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp với Hội chữ Thập Đỏ tổ chức chương trình vận động hiến máu nhân đạo. Theo đó, HCTĐ cụ thể là Phòng hiến máu chịu trách nhiệm vận động và tiếp máu từ những người hiến máu nhân đạo, sau đó chuyển giao cho Trung tâm Huyết học và Truyền máu - đơn vị chịu trách nhiệm xét nghiệm, dự trữ và phân phối máu. Do những chương trình vận động hiến máu tổ chức trước đó không được nhiều người hưởng ứng nên chỉ tiêu thành phố giao cho Hội khá khiêm tốn: 500 đơn vị máu/năm (250cc máu/đơn vị) có nghĩa là mỗi phường xã chỉ vận động hai người hiến máu/năm.

Ngày 3-12-1994, HCTĐ TP.HCM phát động phong trào hiến máu nhân đạo. Sau một tuần lễ triển khai, chương trình đã tiếp nhận được 700 đơn vị máu. Ngày 6-1-1995, giáo sư Nguyễn Trọng Nhân - Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ tịch Trung ương HCTĐ đến Hội trực tiếp tham gia hiến máu và công bố chọn ngày 6-1 hàng năm là ngày toàn dân hiến máu nhân đạo. Sau này, Nhà nước đổi lại thành ngày 7-4, ngày hiến máu toàn quốc trùng với ngày Sức khỏe Thế giới. Sau một năm vận động hiến máu, chương trình đã thu được 10.686 đơn vị máu, gấp 22 lần chỉ tiêu được giao. Mặc dù vậy, số lượng máu tiếp nhận được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Năm 1997, tôi được HCTĐ Việt Nam cử đi Nhật Bản tham dự khóa đào tạo “Máu và vận động hiến máu”. Kết thúc khóa học, tôi về bàn với anh Nguyễn Phú Sang - Phó Chủ tịch HCTĐ TP.HCM áp dụng mô hình xe hiến máu lưu động. Nhưng loại xe của Nhật Bản khá dài, khó di chuyển vào các con hẻm trên đường phố Sài Gòn nên chúng tôi bàn tính cải tiến một chiếc xe nhỏ làm phương tiện tiếp nhận máu lưu động.

Sau một năm thử nghiệm, số lượng máu tăng thêm 5.000 đơn vị. Thấy hiệu quả, tôi tìm đến Câu lạc bộ Golf thành phố thông qua Saigontourist vận động tài trợ. Kết quả là trong bốn năm liền, CLB này mỗi năm ủng hộ chương trình hiến máu một chiếc xe chuyên dụng trị giá 40.000 USD. Tháng 3-2004, khi tôi nghỉ hưu, số lượng máu thu được gần 60 ngàn đơn vị/năm.

* Tò mò một chút, từ ngày về hưu, anh làm gì?

- Tôi ra Hà Nội làm chuyên viên huyết học tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trong chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ trách chương trình vận động hiến máu toàn quốc. Nhưng tôi thấy nhiều bất cập, chính sách mới vận động hiến máu không phù hợp vì hiến máu và bán máu cũng trả tiền tuy có khác nhau đôi chút. Thấy không ổn trong phương pháp vận động tôi xin nghỉ sau hơn ba tháng làm việc ở đó.

Về Sài Gòn, tôi được anh Sáu Tường (Nguyễn Vĩnh Nghiệp - cố Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân Nghèo TP.HCM) mời về hội phụ trách chương trình vận động kinh phí cho trẻ em bệnh tim bẩm sinh, thành lập chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thiện Tâm, sau đó phát động 1.000 ca mổ tim cho trẻ em nghèo 30 tỉnh thành phía Nam trong hai năm 2007 và 2008. Ý nguyện của anh Sáu sắp đạt được, tới giờ này chỉ còn hơn 100 ca là đủ. Được anh Sáu Tường thương yêu quý mến tôi cố gắng làm việc hết mình nhưng không phải dễ dàng gì trong việc thực hiện.

* Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp đột ngột qua đời khi chương trình 1.000 ca mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo 2007 - 2008 còn dang dở. Xin hỏi, hoạt động nhân đạo này có bị gián đoạn?

- Chắc chắn là không. Tính đến nay cuối tháng 8/2008, chúng tôi đã hỗ trợ được gần 900 ca phẫu thuật. Hơn 100 ca còn lại sẽ lần lượt được thực hiện từ nay cho đến tháng 11/2008. Kinh phí chúng tôi cũng đã chuẩn bị đủ.

* Người ta nói rằng ở Huỳnh Tấn Mẫm toát ra một sức hút kỳ lạ, chinh phục quần chúng. Xem ra, sức hút ấy không chỉ hữu dụng trong thời kỳ đấu tranh, mà còn được anh vận dụng hiệu quả vào các hoạt động từ thiện mang tính xã hội cao sau này?

- Trong chiến tranh cũng như hòa bình, tôi may mắn được nhiều người yêu thương do tôi làm việc vì mọi người không tính toán. Làm việc gì tôi đều tham khảo ý kiến bạn bè nên tôi được bạn bè giúp đỡ.

* Ngoài kiến thức, nghề y còn đòi hỏi sự chính xác và thực hành liên tục. Sau mấy chục năm theo đuổi con đường chính trị, tay nghề của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nay thế nào?

- Có người bảo tôi là bác sĩ chính trị làm tôi lo hết sức, nhưng tôi nghĩ có lẽ anh chị em đó chưa hiểu hết tôi. Thời gian tôi ở tù các bạn tôi đi học, làm sao tôi bắt kịp họ. Chính vì ý thức được điều này nên tôi tư vấn và điều trị bệnh theo sự hiểu biết và thực hành mà tôi biết được và đã trải qua, không làm gì ngoài sức của mình. Ví dụ tôi tư vấn và hướng dẫn chăm sóc da, điều trị mụn nam nữ ngoài thời gian làm việc từ thiện, như thế là đủ.

* Xin cảm ơn anh đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cuộc trao đổi này. Chúc anh dồi dào sức khỏe.

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên