Một lời đưa tiễnChú Sáu Dân đã ra điNguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trầnTrái tim Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh trong mạch sống dân tộc! (*)Ký ức về Võ Văn KiệtGiã biệt người đội viên danh dự của tuổi trẻ
Phóng to |
Hội nghị Ủy ban Mặt trận giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định mở rộng vào cuối năm 1962 tại An Thành Nam - Bến Cát, Bình Dương. Chủ tịch đoàn gồm các đồng chí: Võ Văn Kiệt - bí thư khu ủy (trái), Huỳnh Tấn Phát - chủ tịch mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định (giữa), Lê Văn Thả - phó chủ tịch mặt trận khu - Ảnh: Tư liệu |
Út Khao, tên một trong hai người, nói: "Cho anh gặp ba có chút việc". Hai người hỏi chuyện với ông Phát một lúc rồi xin phép coi phía sau vai ông Phát. Khi thấy ở đó có một vết thẹo làm dấu, dài bằng đốt ngón tay, Út Khao và Hữu - người đàn ông đi cùng - đứng dậy, nói: "Thưa chú Mười, chúng con là người nhà chú Chín".
"Bú thép"
Sáng hôm sau, nhiều người sống trên đường Bà Hạt ngạc nhiên thấy nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt tới khu phố họ, vô thăm nhà một người đàn ông nghèo. Ông Kiệt chính là "chú Chín", 80 năm trước cùng bú chung một bầu sữa mẹ với ông Phát - tức Mười Đương, cái tên do ba mẹ ông Võ Văn Kiệt đặt cho. Niềm vui hội ngộ không thể nào kể xiết, ông Mười cứ luýnh quýnh, trong khi ông Kiệt ngồi xuống giường, thân thiết... Bằng lối nói như là đã ấm ức từ lâu lắm, ông Kiệt "méc" với hai người con gái ông Mười: "Bà nội ngày xưa cưng ba mày hơn tao".
"Đất nước còn nghèo, sống hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, các em cần bảo nhau hết sức quí trọng tiền bạc, phương tiện và vật tư là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, từng tấc đất và mọi tài nguyên của Tổ quốc. Phải rèn giữ cho nhau từ bỏ thói quen xả láng, phung phí rất xa lạ với con người mới với đức tính cần kiệm, chắt chiu xây dựng Tổ quốc (Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại lễ ra quân của TNXP trên đại công trường thủ công xây dựng Khu kinh tế Dương Minh Châu 12-12-1977) |
Ông Võ Văn Kiệt quê ở ấp Bình Phụng, một ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Trong ấp lúc ấy chỉ có vài hương chức có nhà ngói, dân làng phần lớn phải thuê đất, thuê ruộng. Cha ông, ông Phan Văn Dựa, cũng nghèo như số đông trong làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày đều đi thuê hết. Tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt là Phan Văn Hòa, con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái. Gọi theo thứ bậc trong các gia đình Nam bộ là Chín Hòa. Mẹ ông, bà Võ Thị Quế, phải nuôi hai đứa trẻ, do đó bữa thì ông Kiệt bú mẹ, bữa phải đi bú nhờ.
Trong xóm, có một ông chú họ tên là Phan Văn Chi, Hai Chi, không con, không vợ, về gia cảnh thì còn nghèo hơn cả gia đình ông Dựa. Ông Hai Chi phần thấy chị dâu mình vất vả, phần cũng lo nghĩ tới tuổi già, bèn sang xin Chín Hòa về nuôi. Ông bà Phan Văn Dựa bấm bụng đồng ý. Mỗi bữa Chín Hòa khát sữa, ông Hai Chi lại cõng lòng vòng khắp xóm, ai cho thì bú, người dân quê gọi là "bú thép". Kể đến đây, ông Võ Văn Kiệt cười: "Có lẽ máu xã hội của tôi có từ đó”. Nhà ông già nuôi cũng ở cùng một ấp. Chín Hòa và Mười Đương vẫn qua lại chơi với nhau. Mỗi khi đi chợ, má ông vẫn mua quà cho cả hai đứa trẻ.
Theo như những gì mà bên nhà ông Kiệt biết thì khi Mười Đương khoảng sáu, bảy tuổi, bên nhà mẹ ruột sang xin lại. Nhưng vì ông bà Phan Văn Dựa đã "mến chân, mến tay", không chịu cho. Sau đó, họ lân la sang chơi rồi đánh cắp đứa bé. Còn theo Mười Đương, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Lần đó, không phải cậu được đưa về nhà mà bị gia đình mẹ đẻ đưa lên tận Bến Tre, lưu lạc thêm mười mấy năm nữa. Mười Đương không bao giờ giải thích được sự dicdăc của câu chuyện đó, chỉ biết nó xảy ra sau khi mẹ cậu đi lấy chồng.
Theo ông Hai Mẹo - một người cháu gọi ông Kiệt là chú nhưng lớn tuổi hơn, sau năm 1975, mấy lần về quê, ông Kiệt đều có nhờ người tìm Mười Đương nhưng không có kết quả, dù việc tìm kiếm đó có đến tai ông Mười. Năm 1991, khi ông Kiệt trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, căn cứ vào những thông tin được công bố trong tiểu sử, ông Mười biết "Võ Văn Kiệt chính là Chín Hòa". Mấy người con ông Mười cũng có lần đã tính đi tìm "bác Chín" nhưng rồi đắn đo. Chị Hồng nói: "Có lẽ nếu bác không phải là thủ tướng thì chúng tôi đã đi gặp bác".
Đình làng Bình Phụng
Phóng to |
Quãng thời gian ông Mười Đương ở trong nhà ông Võ Văn Kiệt không dài nhưng cũng rất đủ để hình thành tình mẫu tử. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: Khi Mười Đương bị đưa đi rồi, má ông cứ nhắc đến là khóc. Mỗi khi nhớ quá, má ông lại sang nhà ông Hai Chi xin đưa ông về ngủ với bà. Út Khao, Phan Văn Út, con người anh trai thứ bảy của ông Kiệt, kể: Năm 1993, trước khi ông Bảy mất, có dặn: "Ngày xưa nội làm một cái thẹo giấu ở phía sau cổ chú Mười". Khi tìm được ông Mười, Út Khao thấy vết thẹo đúng như lời trăng trối đó.
Cho đến tận sau này, ông Võ Văn Kiệt vẫn không sao hiểu được bằng cách nào, linh tính của một bà mẹ có thể mách bảo, để mẹ ông tiên liệu được số phận long đong của đứa con nuôi, mà làm dấu để anh em ông có được cuộc hội ngộ này. Cuộc hội ngộ diễn ra đúng vào khi ông Võ Văn Kiệt dự định thôi giữ các chức vụ, khiến ông cảm thấy như là một sự tưởng thưởng của số phận. Ông hết sức nâng niu và lại một lần nữa chia sớt với Mười Đương những điều mình có, như ngày xưa ông đã chia bầu sữa mẹ của mình.
Sau khi "nghỉ theo chế độ”, ông về quê nhiều hơn, và chợt nhận ra cái chợ Vũng Liêm "lớn tuổi hơn ông" giờ vẫn chỉ nhỏ như hồi trước. Đình làng xưa nay vắng lặng, tiêu điều. Trên một chuyến đi về Vĩnh Long, ông nói: "Khi tại chức tôi chưa làm được gì cho quê hương, chỉ sau khi về nghỉ mới xóa đói giảm nghèo được cho ông thành hoàng". Năm 2001, ông về quê xin phép chính quyền, cùng với các vị bô lão trùng tu đình làng.
Đình làng Bình Phụng, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ của ông, nơi với ông có một vị trí tinh thần đặc biệt. Đến tận bây giờ, cho dù trong suốt cuộc đời mình ông đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, cho dù ông đã từng có mặt trong những đêm diễn lớn, trong lòng ông dường như vẫn còn rộn lên mỗi khi nhớ lại tiếng trống dập ngoài đình. Ông kể: "Lâu lâu lại có gánh hát về xã, họ bắt đèn ngoài đình và buổi chiều khi nổi trống lên là bọn trẻ tụi tôi không còn thể nào nhấc nổi chén cơm lên nữa". Những gánh hát về làng sau mùa gặt là hoạt động văn hóa thỉnh thoảng mới xảy ra và là món ăn tinh thần được mong mỏi nhất của những người dân quê ông. Những đêm hát tiều, hát bội, hát cải lương... đã kéo già trẻ, trai gái đến đình làng chật kín.
Từ năm lên sáu, lên bảy tuổi, vào mùa gặt, Chín Hòa thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của cậu là giữ ghe hoặc mót lúa. Mỗi mùa như thế, Chín Hòa cũng kiếm thêm cho cha nuôi được vài giạ. Sông nước miền Tây, khắp Cà Mau, Bạc Liêu... cậu rành từ hồi đó. Năm tám tuổi, cậu được đi học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ sau ngày mùa cất trại, rước thầy về dạy, dạy mùa, nên tiền học chỉ phải trả "rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy "dạy mùa" của ông, kể: "Năm 1932, lấy được cái certificate, tôi về đình, ông chú thấy tôi có chữ, kêu tôi dạy cho trẻ con lối xóm. Chín Hòa thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi".
Chín Hòa lấy họ Võ của mẹ để hoạt động, từ đó được dùng như tên chính thức của ông. Là bí thư xã, ông là một trong những người chỉ huy đêm "Cộng sản dậy" ở Vĩnh Long.
* Từng nhiều năm gánh vác chức vụ thủ tướng, ông có thể nói cho thế hệ sau biết bí quyết lãnh đạo của mình? - Nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được) trước khi quyết định, và khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi. Năm 1978, ở miền Tây Nam bộ, sự chỉ đạo của Chính phủ là giá lúa mua không quá 8 đồng/kg, kể cả lúa giống. Anh em dưới đó than trời: nếu không mua được lúa để xuống giống cho kịp vụ đông xuân năm sau thì năm sau còn thiếu đói trầm trọng nữa. Tôi xuống miền Tây họp với các đồng chí lãnh đạo - những đồng chí đã từng sống chết với nhân dân qua hai cuộc kháng chiến. Lãnh đạo địa phương kêu và tôi nói: một là dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ, nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cái nào?... Cuối cùng các đồng chí ấy chọn cái mất chức. Tôi nói rằng: không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ. (Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ - 2006) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận