Phóng to |
Xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã được qui hoạch thuộc dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước (ảnh chụp từ cầu Hiệp Phước) - Ảnh: N.C.T. |
Ông Phạm Xuân Bình, phó giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPT) - đơn vị nghiên cứu qui hoạch và đề xuất kế hoạch đầu tư dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước, từng tỏ ra rất tự tin rằng việc để người dân góp vốn bằng giá trị QSDĐ thì "ai cũng có lợi". Đáng tiếc là đề án này đã phải dừng lại...
Biết khó vẫn làm
Theo ông Phạm Xuân Bình, Công ty IPT đưa ra đề án góp vốn bằng giá trị QSDĐ nhằm giải quyết hai vấn đề cốt lõi: đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và bảo đảm cho người bị thu hồi đất được hưởng lợi từ việc qui hoạch. Cụ thể, thay vì trả hết tiền đền bù cho người dân thì vận động dân sử dụng toàn bộ tiền đền bù đó góp vào cổ phần của công ty. Sẽ có loại cổ phần ưu đãi dành cho người góp vốn bằng cách này. Ngoài lợi nhuận chia từ cổ phần, người góp vốn còn được nhận tiền trợ cấp hằng năm bằng với thu nhập trước khi bị thu hồi đất. Ví dụ lợi tức canh tác của đất trồng lúa tối đa 5 triệu đồng/năm, người góp vốn sẽ được nhận liên tục mỗi năm 5 triệu đồng trong nhiều năm. Đời sống nông dân như vậy sẽ không bị xáo trộn.
Tuy nhiên, ngay vào thời điểm đó, một cán bộ có kinh nghiệm trong đền bù giải tỏa thuộc Ban quản lý khu đô thị mới Nam Sài Gòn dự báo: tâm lý người dân không ai chịu góp vốn bằng đất, họ chỉ thích hình thức "đất đổi đất", họ thà nhận tiền còn hơn không biết phải chờ đến bao giờ. "Nhà đầu tư cần phải làm rõ để người dân không nghi ngờ về tính khả thi của dự án, vì một khi chưa tin họ sẽ không chọn lựa hình thức đền bù theo kiểu góp vốn như vậy" - vị cán bộ này khuyến cáo. Lãnh đạo Công ty IPT khi đó cũng cho rằng việc thí điểm này không mấy dễ dàng, khó khăn nhất vẫn là "chưa có tiền lệ", song vẫn khẳng định "khó mấy cũng làm".
Người dân chưa thích
UBND TP đã giao Viện Kinh tế TP.HCM nghiên cứu đề án "Nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị QSDĐ tại các dự án bị thu hồi đất" để tổ chức thí điểm tại dự án khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước.
Sau đôi lần chỉnh sửa, mới đây đề án trên đã được Viện Kinh tế TP hoàn tất. Theo đó, khu vực thực hiện dự án nằm trên địa bàn xã Hiệp Phước, có diện tích khoảng 2.600ha, trong đó gần 1.800ha là đất nông nghiệp. Tổng số hơn 1.880 hộ hầu hết là nông dân, đời sống khó khăn, trình độ thấp, mặt khác việc sử dụng đất nông nghiệp tại đây không có hiệu quả, đất bỏ hoang nhiều…
Đề án kiến nghị UBND TP giao Công ty IPT (chủ đầu tư) thành lập Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh khu đô thị cảng Hiệp Phước (HPC) để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư, đồng thời huy động vốn góp từ tiền bồi thường đất nông nghiệp của người dân. Vốn điều lệ của Công ty HPC dự kiến 5.000 tỉ đồng, trong đó cổ đông đại chúng (nông dân đóng góp) chiếm 30%, cổ đông sáng lập và cổ đông chiến lược chiếm 70% vốn điều lệ còn lại. Người dân có đất nông nghiệp tại xã Hiệp Phước được tham gia góp vốn sau khi Công ty HPC thành lập.
Về nguyên tắc, người dân hoàn toàn tự nguyện góp vốn vào Công ty HPC. Người có giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp tại khu vực dự án được mua cổ phần công ty bằng mệnh giá. Số cổ phần tối đa được mua tương đương số tiền đền bù đất mà người dân được nhận. Đề án đề xuất: với người dân còn giữ đất nông nghiệp, đang trực tiếp canh tác, có hộ khẩu hoặc tạm trú ít nhất năm năm tại xã Hiệp Phước được nhận tiền trợ cấp trong thời gian đầu khi chưa có cổ tức.
Trong trường hợp Công ty HPC thua lỗ, người dân muốn bán cổ phần sẽ được Công ty HPC mua lại tối thiểu bằng mệnh giá. Khi có nhu cầu tiền mặt, người dân được các tổ chức tín dụng hỗ trợ thế chấp cổ phiếu để vay vốn nhưng vẫn được hưởng chính sách trợ cấp. Tuy nhiên theo Viện Kinh tế TP, qua khảo sát cho thấy tỉ lệ người dân ở đây sẵn sàng góp vốn vào dự án còn thấp, do ít hiểu biết về cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán cũng như mô hình công ty cổ phần.
Ngưng để thực hiện dự án liên doanh
Mới đây, sau khi nghe báo cáo về các vấn đề liên quan đến việc đầu tư xây dựng tại khu đô thị cảng Hiệp Phước, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã kết luận, chỉ đạo: do yêu cầu liên doanh với đối tác nước ngoài để xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước trở thành khu đô thị cảng hiện đại của cả nước và khu vực, UBND TP giao Ban quản lý khu Nam và Công ty IPT tập trung đàm phán chặt chẽ với đối tác, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư theo qui định. Công ty IPT được giao cùng đối tác liên doanh sớm hoàn chỉnh đồ án qui hoạch 1/5.000 và qui hoạch 1/2.000 để trình UBND TP. Theo đó, qui mô dân số trong khu đô thị sẽ từ 180.000-250.000 dân.
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư mới đây, UBND TP cho biết Công ty IPT được giao trực tiếp đàm phán với Tập đoàn Dubai World (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) để thành lập liên doanh đầu tư dự án hơn 2.000ha tại khu đô thị cảng Hiệp Phước, trong đó khoảng 1.000ha đất công nghiệp cảng và 1.000ha đất phát triển đô thị mới.
Riêng về đề án "Nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị QSDĐ tại các dự án bị thu hồi đất" của Viện Kinh tế, UBND TP giao Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP (Hepza) nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong các dự án đầu tư khác do Hepza quản lý.
Khi được hỏi về tiến độ thực hiện dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước, lãnh đạo Công ty IPT cho biết hiện nay công ty đang hoàn chỉnh nhiệm vụ qui hoạch để trình UBND TP. Sau khi dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công ty mới lên phương án đền bù. Thời gian để thực hiện các bước trên có thể kéo dài nhiều tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận