Phóng to |
Ông Lê Văn Lam bên đồng lúa nhà mình - Ảnh: M.Giảng |
Ông đã gắn bó với bờ kênh, thửa ruộng, quen với mùi lúa chín mỗi độ tới mùa. Mái tóc đã lốm đốm ngả màu, nhưng ông và những nông dân ở đây có được chỉ là cái vòng luẩn quẩn nghèo khó quanh thửa ruộng, góc vườn.
Ở tuổi xế chiều, ông đã viết một bức thư gửi cho Thủ tướng trình bày những nỗi khó khăn và nguyện vọng của người nông dân trong thời buổi "bão giá” lao đao này.
* Vì sao ông viết thư gửi Thủ tướng "kể khổ"?
- Ông Lê Văn Lam: Nhà tui không đến nỗi nào nhưng những nông dân khác thì khổ lắm. Ở quê tui, hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp.
Ở đây có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế. Trúng mùa, trúng giá một năm thì người dân có thể trả hết nợ nhưng làm lúa bấp bênh lắm, năm được năm mất. Năm rồi lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá thất mùa, một số người bị ngân hàng hóa giá nhà. Muốn khất nợ cũng không được, với lại không dám khất. Mất uy tín, mùa sau ngân hàng không cho vay lấy tiền đâu đầu tư sản xuất? Thế là nhiều gia đình đành bấm bụng đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng.
Vụ rồi giá lúa tương đối cao nên người dân cũng đỡ khổ. Lâu lắm rồi người dân mới bán được giá lúa cao, nhiều người khá hơn nhưng giá cả tăng cao, giá lúa như vậy nông dân vẫn không còn lời bao nhiêu. Nông dân chỉ biết cắm đầu vào làm mà chưa biết vụ tới giá lúa bao nhiêu, lỗ lãi thế nào. Nhà ai chỉ có dưới năm công ruộng thì khó mà nuôi được hai đứa con ăn học, nếu không làm thêm nghề gì khác. Có lẽ vì thế mà ở đây có rất ít con em học quá bậc phổ thông. Cả trăm thứ chi tiêu đều chờ vào hạt lúa. Vì vậy cái nghèo cứ luẩn quẩn quanh nông dân.
* Ông có thể nói một chút về gia đình mình? - Tui hiện có sáu người con và tất cả đều sống tại quê bằng nghề nông. Cha mất khi tui mới 3 tuổi, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy anh em tui khôn lớn. Hồi đó, tui học xong lớp 5 trường làng thì nghỉ học ra ruộng mò cua, bắt ốc phụ mẹ. Lớn lên, tích góp nhiều năm, tui mua được hơn 10 mẫu ruộng. Đại gia đình tui hiện có tổng cộng 17 người con, cháu và đều sống nhờ vào 10 mẫu ruộng này. Vào mùa mưa (vụ hè thu), việc thu hoạch lúa rất khó khăn và lúa thường bị mộng do không phơi được nên tui sắm một cái lò sấy để sấy lúa ở nhà. Khi đã xong lúa nhà, tui mua lúa tươi của người dân về sấy và bán lại cho thương lái. Công việc đó cải thiện thu nhập cho gia đình. Lúc trước tui cũng đi ghe mua lúa bán lại cho các nhà máy xay xát được hơn 10 năm, nhưng rồi lỗ lã nên mấy năm nay bán ghe, không đi nữa, chỉ làm lúa thôi. |
- Tụi tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai? Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ.
* Vậy sao nông dân mình không trữ lúa, chờ giá lên?
- Nông dân không có khả năng để trữ lúa vì phải bán để trả tiền vay ngân hàng, đầu tư cho vụ mới. Lúa đem về nhà chưa ấm chỗ đã bị ngân hàng tới đòi, các chủ cửa hàng vật tư đến nhắc nhở số tiền nợ vụ vừa rồi. Chỉ có các doanh nghiệp mới có tiền để trữ lúa, chờ giá cao. Ngay thời điểm bây giờ, nếu quyết định tiếp tục xuất khẩu gạo thì người dân chắc cũng không được lợi gì. Hiện tại nông dân bị các doanh nghiệp chèn ép quá nhiều.
* Vậy ông muốn gửi gắm điều gì từ lá thư này?
- Tui theo dõi Quốc hội họp, cũng có nhiều ý kiến nói thay cho nông dân tụi tui nhưng không biết có thay đổi gì không. Tui là nông dân, tiếng nói có lẽ sẽ không có trọng lượng mấy nhưng có câu châm ngôn: thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, nên tui phải nói. Nói để người ta hiểu được nỗi khổ và sự không công bằng của người nông dân.
Tui đề nghị Chính phủ tùy vào giá trên thị trường mà qui định giá sàn mua lúa cho nông dân. Phần lời nên chia đều theo các tỉ lệ cho nhà xuất khẩu, doanh nghiệp làm hàng, phần còn lại phải mua lúa giá cao cho nông dân. Có như vậy, nông dân mới đỡ phần thiệt thòi, cuộc sống mới được cải thiện bởi họ sống chỉ nhờ vào cây lúa vốn quá bấp bênh.
* Xin cảm ơn ông.
Kính gửi Thủ tướng Chính phủ Trước những khó khăn mà người nông dân đã và đang gặp phải, tôi xin thay mặt những người nông dân trình bày với Thủ tướng những khó khăn cũng như nguyện vọng của người nông dân, rất mong Thủ tướng và Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân. Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm và có chính sách phát triển sản xuất phân bón trong nước để không phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài. Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất. Nếu được, Chính phủ nên xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến cho người nông dân các kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết. Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn. Hi vọng Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất. Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hằng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo. Lời cuối cùng tôi xin chúc Thủ tướng dồi dào sức khỏe để làm tròn trọng trách lớn lao của mình. |
Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng
Đúng như những gì ông Lam viết, đa phần người nông dân hiện nay đang là con nợ của các ngân hàng, của những người cho vay nặng lãi vẫn còn xuất hiện ở nông thôn. Thật đau lòng khi mà ở quê tôi, chính quyền mời họp dân để bàn việc giữ gìn trật tự an ninh xóm ấp chằng mấy ai dự, vậy mà khi hay tin họp để đăng ký vay vốn sản xuất, chăn nuôi, cả xóm dự hơn 90%.
Tôi may mắn vừa làm ruộng vừa đi làm ở cơ quan nên không đến nỗi nào. Trong khi đó, những nhà xung quanh, sau khi thu hoạch lúa, cá, 2/3 số tiền thu được phải trả nợ ngân hàng hoặc vay nóng bên ngoài, 1/3 còn lại để xoay trở chờ vụ sau. Một số người khác trong xóm do vay tiền để mua phân, thuốc trừ sâu, thức ăn cho cá, cuối mùa trả nợ không đủ đành đưa cả gia đình trốn ở vùng sâu miệt Đồng Tháp, An Giang.
Những thành tích ảo của việc xoá đói giảm nghèo vô tình đưa người nông dân vào chỗ khó. Đó cũng là một trong những lý do vì sao nông dân vùng ĐBSCL cho con nghỉ học sớm.
Thấy giá lúa gạo tăng cao, ai cũng mừng cho bà con nông dân, chúng tôi cứ nghĩ rằng giá gạo như hiện nay thì người nông dân sẽ lời to, trúng lớn. Đọc câu chuyện nhà nông Lê Văn Lam, tôi mới hiểu người nông dân khổ cực đến độ nào. Thì ra không chỉ có giá gạo tăng mà kéo theo gạo tăng một thì phân bón, thuốc trừ sâu tăng gấp hai, ba lần.
Hạt lúa, củ khoai bao đời nay vẫn đè nặng lưng người nông dân bởi ngoài nghề nông, họ đâu biết làm nghề gì nữa. Cha nghề nông vốn đã khó khăn, hạt thóc củ khoai chỉ đủ nuôi sống miệng ăn, còn bao nhiêu chi tiêu khác, chuyện học hành cho con cái thành ra chỉ là một giấc mơ xa vời với người nông dân. Thắt lưng buộc bụng lắm người nông dân mới có thể cho con đến trường, nhưng con số này xem ra rất ít.
Nhiều nhà nông đã không thể cáng đáng nổi cảnh ruộng đồng quanh năm đầu tắt mặt tối mà cái nghèo vẫn bám đuôi, họ đã buông ruộng để mong đổi đời nhưng rồi vô công, rỗi nghề phải ly hương làm thuê, làm mướn. Tôi đã gặp nhiều câu chuyện xót xa như vậy. Theo thống kê thì mỗi năm chúng ta mất khoảng 70.000 ha đất nông nghiệp, tôi dám chắc rằng con số trên có đến vài ngàn ha là do người nông dân không chịu nổi nghề nông, họ muốn từ bỏ cái nghề cực khổ mà không đem lại tương lai gì cho bản thân và gia đình họ.
Chuyện của ông Lam cũng là câu chuyện chung của nhà nông. Người dân ròng rã suốt 3 tháng chỉ đổi đủ cái ăn, cái mặc vậy mà những nhà sản xuất chỉ ngồi một chỗ tha hồ tăng giá, tha hồ thu lợi nhuận thì tội cho bác nông dân quá. Mong rằng Nhà nước sớm có chính sách phát triển nông nghiệp, sao cho có lợi đối với người dân. Nông nghiệp phải được khuyến khích phát triển theo tư duy làm giàu chứ không phải là đủ sống như hiện nay. Nhà nông phải được trợ giá hoặc có những ưu đãi thiết thực, có sức hút đối với mọi người, chúng ta phát triển nông nghiệp ngoài ý thức làm giàu cho người dân còn phải đảm bảo tính ổn định thị trường lương thực trong nước.
Tôi thiết nghĩ trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới đóng góp nguồn thu GDP không nhỏ hàng năm, nhưng thực tế nông dân là người trực tiếp làm ra cây lúa lại không nhận được giá trị thực sự mà mình làm ra.
Trên thực tế các doanh nghiệp, tiểu thương thu mua gạo đã dùng mọi biện pháp, hình thức nếu không muốn nói là thủ đoạn để ép giá lúa, gạo của nông dân, mua tận gốc bán tận ngọn. Bằng chứng là qua đợt sốt gạo vừa rồi, khi giá cả nhảy múa khủng khiếp thì chính người nông dân lại chịu thiệt thòi nhất.
Tôi rất cảm phục hành động của bác Lê Văn Lam, một người nông dân rất bình thường, chân chất, giản dị đã dũng cảm lên tiếng cho bà con quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", dù biết rằng điều đó chỉ là bật một "que diêm trong bóng tối". Thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần quan tâm sâu sát hơn tới lợi ích của người nông dân nói chung cũng như người trồng lúa nói riêng, những người đã và đang đóng góp những lợi ích không nhỏ trong nền kinh tế hiện nay.
Tại sao không có những cơ quan chức năng, tổ chức đứng ra bảo về quyền lợi cho người nông dân, hay là các cơ quan, tổ chức đó chưa làm đúng chức trách của mình? Hoặc chí ít phải có những tổ chức như là "Hiệp hội nông dân" để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân hoặc chí ít cũng cho họ lên tiếng phản ánh những bức xúc khi "công sức" mà họ làm ra bằng "mồ hôi nước mắt " lại được đổi bằng "công cốc"?
Tôi có theo dõi, và rất đồng tình với ông Lê Văn Lam, vì ông đã nói lên được nỗi khổ của nhiều nông dân chúng tôi. Nhiều người muốn nói, nhưng chẳng biết nói với ai, đành mặc cho số phận, đời này, đời sau cũng thế. Xin báo chí hãy lên tiếng nhiều hơn để giúp đỡ người nông dân còn khó khăn như chúng tội
Khi 1 người nông dân "dám" gửi thư cho Thủ Tướng để bày tỏ nỗi thống khổ không chỉ của riêng mình mà cho mọi người nông dân trên đất nước VN này, đó thật sự là 1 người dũng cảm và chính là tiếng nói sự thật của hiện thực nông thôn ngày nay.
Khi đọc bài này tôi cảm thấy rất đồng cảm và tim mình như thắt lại để được đồng cảm với bác nông dân ấy, với cha mẹ tôi, anh em tôi và mọi người nông dân.
Bức thư hy vọng tới tay Thủ tướng và chính bản thân tôi cũng thầm mong Thủ Tướng thấu hiểu để có những quyết sách giúp đỡ người nông dân.
"Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ" - Không biết những người có trách nhiệm với dân nghĩ gì về điều này ? - Cám ơn anh Lam và quý báo. Nhờ các anh nói hộ chúng tôi. Những người nông dân chân chính luôn trông chờ sự phản hồi của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận