04/05/2008 01:16 GMT+7

Thầy trò trên đảo Trường Sa

CAN LỘC
CAN LỘC

TT - Sáng sớm, gió biển ùa vào căn nhà khang trang của anh Trần Quang Thành trên đảo Sinh Tồn. Cháu Trần Thị Thu Hiền đang học bài, giọng đọc của cô bé bảy tuổi cất lên giữa muôn trùng con sóng. Đảo Sinh Tồn đầy nắng, gió.

2rBRUPRZ.jpgPhóng to
Những công dân mới trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa - Ảnh: CAN LỘC
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cũng như bao gia đình khác, vợ chồng anh Hồ Văn Hiền cùng hai con rời đất liền ra đảo lập nghiệp. Trong gian nhà bề thế, người đàn ông có gương mặt rám nắng hồi tưởng về vùng quê anh ở trước đây bằng ánh mắt đăm chiêu.

Ở xã Cam Hải, huyện Cam Ranh (Khánh Hòa), hai vợ chồng, hai đứa con bằng bốn miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào sự rủi may từ những chuyến ra khơi đánh cá, hoặc mua bán hải sản lẻ ở các chợ nhỏ.

Những công dân mới

Con trai anh Hiền là Hồ Văn Hậu và con gái là Hồ Ý Vi theo bố mẹ đến miền đất mới. Cũng như ở đất liền, cả Hậu và Vi đều được đến lớp học chữ, tập viết và làm phép toán cộng trừ.

Anh Hiền nói trước khi ra sinh sống ở đảo xa, người ta đồn rằng ra đó chỉ có thịt hộp, còn cái thiếu thì nhiều vô kể: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu không gian sống, và đặc biệt con cái sẽ tái mù chữ khi trên đảo không có lớp học. Nhưng ra đến nơi anh có căn nhà rộng thênh thang, rau xanh, nước ngọt, bữa ăn cũng đủ chất hơn khi các hộ gia đình rủ nhau đánh bắt hải sản cải thiện cuộc sống hằng ngày. Điều mà anh Hiền và các hộ gia đình vui nhất là con em của họ được đến lớp, được học hành như trong đất liền.

Phó chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn, anh Cao Văn Giáp, cho biết ở xã đảo Sinh Tồn chỉ tổ chức dạy học từ mẫu giáo đến lớp 3. Lớp 1 có duy nhất một học sinh, lớp 2 có một học sinh và lớp 3 có hai học sinh. Từ lớp 4 trở đi, các em sẽ được chuyển vào đất liền nhập lớp mới.

Hôm chúng tôi đến thăm đang là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cháu Trần Phan Như Ý, con gái anh Trần Văn Dương, vẫn ôn lại bài. Hỏi về việc học, Ý nói cháu được thầy cô trên đảo quan tâm nhiều hơn trong đất liền. Môn học mà em ưa thích là vẽ và tiếng Việt.

Lãnh đạo xã kiêm giáo viên

Nhiều... kỷ lục

cDhSUkmy.jpgPhóng to
Ảnh: Can Lộc

"Hệ thống giáo dục" trên đảo được lập nhiều kỷ lục nhất. Đó là kỷ lục một giáo viên dạy nhiều lớp học, kỷ lục về cán bộ xã kiêm luôn giáo viên, và kỷ lục đó cũng được trao cho cô giáo Nhung (ảnh) khi nhân dân trên đảo "phong" cho cô luôn chức hiệu trưởng.

Có lẽ chưa ở đâu sự học trên đảo xa lại có nhiều thú vị và những câu chuyện đáng kể như ở đây. Đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp được chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, anh Nguyễn Quốc Thiện. Theo lời vị chủ tịch trẻ tuổi này, số học sinh đến lớp của con em trong thị trấn chưa nhiều. Trên đảo chỉ có duy nhất cô giáo Bùi Thị Nhung đứng lớp tất cả các cấp học. Trước đó, Nhung tham gia giảng dạy lớp 2 và lớp 4 Trường tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Hỏi về đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cho con em trên đảo, chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn Kim Thanh Hoa nói các cán bộ công tác tại UBND xã đều kiêm luôn... thầy giáo. Ở trên đảo không phân biệt chủ tịch xã hay dân, việc dạy học vì thế cũng được đảm trách trong phần kiến thức mà anh em đã chắt lọc từ các trường lớp đào tạo bài bản trong đất liền ra truyền đạt lại cho lớp học sinh nhỏ tuổi.

Chưa có trường, lớp học trên thị trấn Trường Sa được bố trí nơi căn nhà mà vợ chồng cô giáo Nhung và đứa con nhỏ đang sinh sống. Cũng bàn ghế, cũng phấn trắng bảng đen, cũng những chương trình học phổ thông như đất liền. Em Võ Thị Uy Phương nói cô Nhung dạy dễ hiểu, "điều mà em thích là cô giáo ít cho bài tập về nhà như khi học trên đất liền".

Thiếu thốn về trang thiết bị và các điều kiện dạy học so với đất liền, nhưng cô Nhung nói với sĩ số học sinh ít, "việc dạy và học vì thế có chiều sâu và đạt chất lượng cao hơn. Vì ít học sinh thì có thời gian kèm cặp, giảng bài cụ thể, chi tiết hơn"- cô nói.

CAN LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên