21/08/2007 05:20 GMT+7

Xây dựng thương hiệu quốc gia: Việt Nam, "bếp ăn của thế giới"?

NHƯ HẰNG - LÊ NAM - MINH NHẬT ghi
NHƯ HẰNG - LÊ NAM - MINH NHẬT ghi

TT - Ông Philip Kotler, “cha đẻ” của marketing hiện đại, đã gợi ý “bếp ăn của thế giới” như là một trong những chọn lựa của VN khi xây dựng thương hiệu quốc gia. Những nguyên liệu nào nên được sử dụng để vẽ “chân dung” VN khi tiếp thị ra bên ngoài? Tuổi Trẻ đã lấy ý kiến một số chuyên gia tâm huyết với đề tài này.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

“Bếp ăn" thế giới

cPa7uYgr.jpgPhóng to
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
* Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, chủ tịch hội đồng sáng lập dự án Đại học Trí Việt tại Bà Rịa - Vũng Tàu:

Quá khứ là một phần của thương hiệu quốc gia

Nếu ngay bây giờ hỏi tôi rằng VN nên chọn cái gì để đại diện cho mình khi quảng bá hình ảnh thì tôi không thể trả lời ngay lập tức, bởi câu trả lời chỉ thật sự có được sau một quá trình nghiên cứu với sự đóng góp từ nhiều phía, nhiều đối tượng rộng rãi.

Chỉ riêng chuyện ra đầu bài thế nào cũng là vấn đề cần bàn. Chẳng hạn khi phác họa hình ảnh đất nước có nên đưa quá khứ vào hay không? Sẽ có ý kiến cho rằng không nên, vì cái chúng ta muốn nhấn mạnh và hướng đến chính là hiện tại và tương lai.

Ngược lại, nhiều người (trong đó có tôi) lại bảo vệ quan điểm rằng VN có quá khứ đặc biệt, có thể làm cho đất nước trở nên có lợi thế hơn trong việc quảng bá. Rồi hình ảnh mới của VN nên nặng về kinh tế hay về văn hóa; còn chính trị thì sao, nên kết hợp cân bằng giữa ba yếu tố này như thế nào? Rõ ràng cần có một hội đồng ghi nhận tất cả ý kiến, khoanh lại và cuối cùng chọn ra nét nổi bật nhất, đúc kết vào logo, slogan và phim quảng cáo.

Vấn đề là ai sẽ là người đứng ra đảm đương nhiệm vụ này? Đương nhiên là Chính phủ, nhưng theo tôi, nếu lập thêm một đơn vị thuộc một bộ nào đó để điều phối sẽ khó hiệu quả vì các bộ có quá nhiều ưu tiên khác. Điều chúng ta cần làm là thành lập một đơn vị độc lập nằm bên ngoài, tập hợp được những “bộ óc” marketing giỏi nhất để phối hợp với các bộ nhằm soạn thảo một chương trình hành động cụ thể với sự đầu tư về tài chính nghiêm túc của Chính phủ.

Ox3xk9i6.jpgPhóng to
* Ông Nguyễn Trung Thẳng, tổng giám đốc Masso Group:

Đưa thông điệp về một VN thay đổi hằng ngày

Khi đề cập việc xây dựng VN là “bếp ăn của thế giới”, ông Philip Kotler chỉ mới đưa ra một gợi ý nhẹ nhàng chứ chưa phải là một khẳng định dựa trên những hiểu biết và phân tích của ông về nội lực và tiềm năng của VN.

Vì thế, tôi cho rằng chỉ nên ghi nhận lời phát biểu của ông Kotler ở mức ông nhắc nhở VN đang “bỏ quên” trách nhiệm làm thương hiệu quốc gia. Thêm một lần được “nhắc nhở” cũng là cơ hội để VN lưu tâm và đầu tư nhiều công sức hơn cho chiến dịch này.

Xây dựng thương hiệu quốc gia phải là một lựa chọn chiến lược dựa trên sự phân tích thế mạnh hiện có, lợi thế cạnh tranh của VN so với các nước khác cũng như tiềm năng để phát triển về sau.

Lúc này đây, những thứ mà thế giới có thể nhắc đến khi nói về VN là gì: dệt may, tiêu, điều, phở... hay là một cái gì mang giá trị cao hơn? Bất kỳ hình ảnh nào được chọn, tôi cho rằng phải chuyển tải được một VN đang bứt phá và thay đổi hằng ngày, đặc biệt phải khắc họa được một VN đang xác lập một vị trí mới trong phát triển kinh tế bên cạnh việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa đã thuộc về bản sắc.

* Ông Paul Stoll, tổng giám đốc Công ty tư vấn du lịch quốc tế Celadon:

GHTGVZHp.jpgPhóng to
Dùng tiềm năng du lịch để quảng bá đất nước

Theo tôi, VN hãy dùng tiềm năng du lịch để marketing cho đất nước. Du lịch

VN có tiềm năng tuyệt vời nhưng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có một ngành du lịch chất lượng trong

bối cảnh khu vực châu Á đã có những điểm đến dần dần định hình trên bản đồ du lịch thế giới. VN phải xây dựng hình ảnh của riêng mình, những chương trình quảng bá, xúc tiến mà các quốc gia láng giềng đã làm chỉ để tham khảo, chứ không nên bắt chước.

Du lịch VN cần phát triển một hình thái du lịch bốn sao linh động để có thể đáp ứng được những nhu cầu của du khách ở tầm trung lưu trở lên. VN hoàn toàn có thể làm được điều này và còn nhiều tiềm năng để quảng bá những món ăn rất ngon và đặc sắc của VN, âm nhạc, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thời trang, con người thân thiện, phong cảnh đẹp... Tất cả những gì VN đang sở hữu cần phải được quảng bá với kinh phí được đầu tư hẳn hoi.

Những người thực hiện phương thức marketing cho VN phải thay đổi ý niệm về marketing thật đúng là giới thiệu cho du khách chứ không phải cho chính bản thân họ. VN là quốc gia đang phát triển, vì vậy cần phải có một qui hoạch tổng thể trong phát triển và qui hoạch này phải thật rõ ràng cho từng thành phố, tỉnh thành. Và chỉ khi các sản phẩm du lịch có sự kết hợp của nguồn lực tài chính, con người với những chuẩn mực chung thì lúc đó marketing VN sẽ thật hiệu quả.

* Ông Lý Quý Trung, tổng giám đốc hệ thống nhà hàng Nam An và Phở 24:

LlDXLUMK.jpgPhóng to
Cường quốc ẩm thực là chuyện trong tầm tay!

Thái Lan đang có tham vọng trở thành cường quốc ẩm thực, VN tại sao không? Xét về món ăn, VN phong phú hơn nhiều. Đâu chỉ có phở, chả giò, gỏi cuốn hay những món ăn Huế, VN còn rất nhiều món thú vị mà chúng ta chưa phát hiện và đánh giá hết.

Món ăn VN ngon vì không quá nhiều dầu mỡ, không quá cay lại rất nhiều rau, đầy dinh dưỡng. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để quảng bá, chọn món nào tiêu biểu để giới thiệu với thế giới.

Tôi rất lấy làm tiếc là ẩm thực chưa được chọn là mũi nhọn trong lĩnh vực du lịch. Tôi nghĩ cần phải lập ngay một ban nghiên cứu về ẩm thực VN, chọn món ăn, chọn một mô hình chuẩn và đặc trưng cho nhà hàng Việt để xuất khẩu .

Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” mà chúng ta hãy bắt tay vào làm công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thật cụ thể, bài bản và dài hơi. Nhà nước phải có định hướng chiến lược rõ ràng, xây dựng khung pháp lý, chính sách ưu đãi, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp...

NHƯ HẰNG - LÊ NAM - MINH NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên