21/04/2012 08:13 GMT+7

Đập thủy điện Sơn La phát sinh vết nứt?

TUẤN PHÙNG - C.V.KÌNH
TUẤN PHÙNG - C.V.KÌNH

TT - Chiều 20-4, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh thông báo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) về kết quả kiểm tra công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - trong đó đề cập vết nứt ngang đập tại khối bêtông 19, một cán bộ có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xác nhận đã nhận được văn bản này.

Ông cho biết khá bất ngờ trước ý kiến của HĐNTNN bởi các nhà khoa học lên làm việc chỉ khoảng một ngày, không thật sự trao đổi kỹ với những cán bộ quản lý dự án. Và khi đoàn về, người ký văn bản thông báo lại là người không lên khảo sát, kiểm tra.

Cũng theo cán bộ này, các nhà khoa học lên kiểm tra công trình thủy điện Sơn La cách đây khá lâu nhưng nay mới ra văn bản. Thực tế vết nứt mà HĐNTNN nêu nay đã được khắc phục xong. EVN khẳng định công trình được xây dựng với tư vấn, thiết kế không chỉ của VN mà cả của phía Nga và đảm bảo chất lượng. Vị này cho rằng nếu có trao đổi sâu hơn, chắc chắn HĐNTNN sẽ không có kết luận như vậy. Ông khẳng định an toàn của đập không có vấn đề gì, đồng thời cho biết HĐNTNN sẽ tiếp tục có buổi làm việc với EVN, trực tiếp là đơn vị quản lý dự án thủy điện Sơn La, và trong tháng 5-2012 sẽ có kết luận cuối cùng.

Ngày 18-4, HĐNTNN có thông báo gửi Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La cho hay các vết nứt xuất hiện trong quá trình thi công đập trước đây đã được xử lý ổn định, không có hiện tượng thấm nước qua khe nứt. Riêng vết nứt tại khối bêtông 8 xuất hiện tháng 2-2011 tuy đã được xử lý nhưng vẫn còn hiện tượng nước thấm chảy ở cao trình 105m.

Đặc biệt tại khối bêtông 19, trong tháng 12-2011 đã xuất hiện vết nứt cắt ngang đập tới thượng lưu gây thấm rò nước khá mạnh. Sau khi được xử lý bơm keo PU phía hạ lưu, dòng thấm tập trung chảy vào trong hành lang thân đập ở cao trình 138m, 180m. Lưu lượng thấm đo được tại hành lang 105m dao động 29,83-29,06 lít/giây (trong thời gian từ ngày 31-10-2011 đến 13-1-2012, ứng với mực nước hồ 215m-214m). Theo HĐNTNN, với áp lực lớn và dòng chảy liên tục như vậy có thể gây hiện tượng rửa trôi vật liệu bêtông. Đây là diễn biến bất thường không được lường trước, cần cảnh báo.

HĐNTNN đề nghị chủ đầu tư thuê tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm để xử lý; lập hồ sơ vết nứt, trong đó có phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân, đề ra phương án xử lý. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tập trung xử lý dứt điểm trước mùa lũ 2012.

TUẤN PHÙNG - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên