29/05/2007 07:29 GMT+7

Đại tướng Mai Chí Thọ đã ra đi

Ban biên tập báo TUỔI TRẺ
Ban biên tập báo TUỔI TRẺ

TT - Lúc 8g sáng qua 28-5, đại tướng Mai Chí Thọ đã ra đi sau một cơn bạo bệnh tại Viện Quân y 108 (Hà Nội). Đồng chí Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh năm 1922 tại Địch Lễ, Nam Vân, thành phố Nam Định. Có bí danh: Mai Chí Thọ, Tám Cao, Năm Xuân.

YdIGwCRj.jpgPhóng to
Ảnh: Thanh Đạm
TT - Lúc 8g sáng qua 28-5, đại tướng Mai Chí Thọ đã ra đi sau một cơn bạo bệnh tại Viện Quân y 108 (Hà Nội). Đồng chí Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh năm 1922 tại Địch Lễ, Nam Vân, thành phố Nam Định. Có bí danh: Mai Chí Thọ, Tám Cao, Năm Xuân.

Năm 1936, ông tham gia phong trào học sinh Huế và Hà Nội. Những năm tiếp theo đó ông tham gia phong trào Thanh niên phản đế, trở thành thủ lĩnh, bí thư đoàn thanh niên phản đế Nam Định. Tháng 9-1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ 1940-1945, ông bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo.

Từ 1945-1954, ông giữ các vị trí trưởng ty công an, bí thư các tỉnh Cần Thơ, Mỹ Tho rồi là xứ ủy viên, bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, chính ủy Quân khu miền Đông... Từ 1965-1975, ông từng giữ các chức vụ phó bí thư, bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Sau 1975, ông đã giữ các chức vụ giám đốc Công an TP.HCM, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM. Cùng với hai vị lãnh đạo khác là cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là người trong bộ ba ủng hộ và khởi xướng cho thời kỳ đổi mới ở TP.HCM, trước 1986.

Năm 1986 ông nhận chức vụ thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và sau đó là bộ trưởng. Ông cũng là vị bộ trưởng đầu tiên trong ngành này mang quân hàm đại tướng.

Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. VIII.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương.

Từ khi còn tại chức cũng như khi về hưu, ông luôn quan tâm đến đội ngũ và sự phát triển của báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Ban biên tập cùng toàn thể CB, PV, NV báo Tuổi Trẻ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của đại tướng trước sự mất mát không gì bù đắp nổi này.

............................................................

ZIGGJppQ.jpgPhóng to
Ảnh: Lao Động
Đồng chí Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống), sinh năm 1922 tại TP.Nam Định (tỉnh Nam Định), tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an - đã từ trần hồi 8 giờ kém 10 phút ngày 28.5 tại Hà Nội.

Tiếc thương đồng chí Mai Chí Thọ, nhà báo Đinh Phong đã có bài viết về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cách mạng của ông.

Mãi sau này tôi mới biết Mai Chí Thọ là em ruột của ông Lê Đức Thọ và Đinh Đức Thiện. Cả ba ông đều mang tên họ kháng chiến nên ít người biết ba người họ Phan. Ở nước ta có lẽ chỉ có gia đình ông: Ba anh em ruột đều là uỷ viên trung ương - trong đó có hai người là uỷ viên Bộ Chính trị.

Ông quê Nam Định, mảnh đất nhiều "anh hùng hào kiệt". Thế mà Ban liên lạc đồng hương Thừa Thiên - Huế mấy lần mời ông dự họp - bởi ông vốn là học sinh Quốc học Huế, đã từng đi dọc sông Hương, qua cầu Trường Tiền, mới 14 tuổi ông đã xa nhà học trọ tại Huế. Ông làm thơ lúc ấy:

Ta nhớ những chiều Huế mưaPhi lao thẳng đứng phủ sương mùChim chiều sát cánh bay về tổTa biết về đâu, ôi bơ vơ...

Và cũng từ trường Quốc học Huế, ông tham gia cách mạng, trở về Nam Định hoạt động từ 1936, đến 1938 được kết nạp Đảng, 1940 bị bắt giam ở Côn Đảo. 1945 được cách mạng giải thoát, ông ở lại Nam Bộ cho đến bây giờ. Mai Chí Thọ tên là Phan Đình Đống, ra tù năm 1945 lấy tên là Nguyễn Xuân Mai, sau này có bí danh là Năm Xuân (vợ ông thứ năm, con út tên Xuân).

Khi ông về ngành công an năm 1948, đồng chí Phạm Hùng đặt tên ông là Mai Chí Thọ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông về công tác ở Cần Thơ rồi Mỹ Tho và khắp các tỉnh Nam Bộ, nhưng ông yêu quý Cần Thơ bởi có nhiều gắn bó, bởi cảnh sông nước đẹp đẽ. Ông nói giọng Bắc mà luôn nhận mình quê ở Cần Thơ.

Khi về miền Nam, tôi nghe mấy anh nhắc đến ông - với tên Tám Cao, có lẽ vì ông cao lớn. Lúc bấy giờ miền Nam đã "đồng khởi" khắp nơi, khí thế cách mạng đang lên cao. Các đồng chí lãnh đạo thường nhắc đến ông với cuộc tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) vào đầu năm 1960. Lúc đó đã xôn xao về một cuộc nổi dậy giành chính quyền dù rằng Trung ương Đảng chưa có chủ trương chính thức.

Mai Chí Thọ lúc đó đảm nhiệm chức vụ Bí thư Khu uỷ miền Đông Nam Bộ - với lượng đảng viên và chi bộ còn rất ít. Ông được phân công về chiến khu Dương Minh Châu phổ biến nghị quyết của Đảng. Tại đây cơ sở cách mạng và nhân dân phát hiện căn cứ Tua Hai của địch có nhiều sơ hở, mà ở đó rất nhiều súng. Tua Hai là căn cứ của trung đoàn 32, sư đoàn 21 ngụy đóng ở Trảng Sụp cách thị xã Tây Ninh 7km.

Mai Chí Thọ thấy "ngon ăn", lập kế hoạch, xin phép Xứ uỷ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Xứ uỷ) chấp thuận và về tại nơi cùng Mai Chí Thọ chỉ đạo trận đánh. Với gần 1.000 chiến sĩ, dân công đã ùa vào Tua Hai tiêu diệt quân địch, bắt tù binh tịch thu toàn bộ súng đạn. Các chiến sĩ ta dùng súng sét gỉ đã vác hết súng Mỹ mới toanh bỏ lại gần 400 súng cũ. Trận Tua Hai gây tiếng vang sau Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, mở đầu cho các trận đánh vũ trang kết hợp chính trị trên toàn miền Nam.

Tua Hai đã gắn với sự táo bạo, mạnh dạn của người chỉ huy Mai Chí Thọ lúc đó mới gần 40 tuổi. Từ trận Tua Hai các đơn vị chủ lực miền Đông được thành lập với vũ khí khá tốt, và sau này ông về công tác ở nội đô Sài Gòn, làm tình báo, làm cấp uỷ... tôi không được ở gần. Một đôi lần đi học nghị quyết, gặp ông cùng ông Trần Bạch Đằng. Tính ông bộc trực, thẳng thắn, ít màu mè...

Tôi có mấy kỷ niệm với ông.

Sau giải phóng, thành phố giao cho ông ngôi nhà lớn ở 6F Ngô Thời Nhiệm, quận 3, ông thích ngôi nhà thoáng mát, yên tĩnh, nhưng bộ phận bảo vệ không cho ở vì ngõ cụt, có bề gì khó rút lui. Anh em đưa ông ra ngôi nhà mặt tiền (nay là trụ sở Hội Phụ nữ thành phố) thì ông lại không bằng lòng! Ông nói với tôi: "Cho ở nhà ra nhà chớ nơi này như cái đình làng, ở sao được".

Có lẽ ngôi nhà quá lớn lại ở gần đường. Lúc đó tôi làm tổ trưởng dân phố, ông là tổ viên. Vào dịp bầu cử quốc hội, ông không có thẻ cử tri. Sáng sớm ông sang nhà tôi cự nự "sao không phát thẻ?". Tôi chạy lên quận mới hay ông là cử tri đặc biệt, phát thẻ ở nơi khác. Tôi báo cáo, ông cười "Phát đâu chả được, vẽ chuyện!".

Một lần ông đi chữa bệnh ở nước ngoài, ở nhà bầu ông làm Phó Bí thư thường trực Thành uỷ. Anh em đón ông ở sân bay thông báo chuyện này, ông nói rất nghiêm: "Làm gì cũng được". Khi ông làm Bí thư Thành uỷ, chủ trì Đại hội Đảng, ông đọc báo cáo chính trị trước đại hội, đài truyền hình tổ chức ghi hình để phát sóng. Do trục trặc máy móc, chỉ thu được tiếng mà không có hình.

Ban lãnh đạo đài cử tôi sang thưa với ông xin cho thu lại. ông hỏi rất gắt "Tại sao phải thu lại?", "Thưa máy móc cũ quá nên trục trặc", ông hỏi "Thu lại bằng cách nào". Anh em kỹ thuật xin kê một cái bàn, trên có micro để ông đọc lại. Khi xe thu hình đến cổng, ông cho thư ký ra bảo tôi về. Ông nói: "Đại hội Đảng đã họp rồi, báo cáo đọc xong rồi, đài truyền hình lấy bài ra đọc, cần gì phải thu tiếng. Đọc lại chẳng giống ai".

Ông đã cùng ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... góp phần vào sự nghiệp đổi mới từ thành phố lan ra cả nước.

Sau này tôi theo ông đi làm từ thiện ở nơi này nơi khác. Về già tính ông vẫn vui vẻ, thẳng thắn và có hơi buồn về một số công việc triển khai không tốt. Là một người tâm huyết với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, cho dù bệnh tật, mệt mỏi, ông vẫn viết thư, phát biểu với Trung ương, vẫn trao đổi với anh em những vấn đề nóng bỏng cho đến giờ phút cuối cùng...

Ban biên tập báo TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên