Phóng to |
Ông Lê Minh Nhựt - phó chủ tịch HĐND TP.HCM khóa VI |
* Thưa ông, những nét mới trong đợt bầu cử đại biểu (ĐB) HĐND ba cấp lần này là gì?
- Cái mới quan trọng, theo tôi, trước hết là ở tiêu chuẩn của người ĐB. Luật bầu cử ĐB HĐND 2003 được Quốc hội ban hành đề ra năm tiêu chuẩn cho người ĐB, trong đó có ba điểm mới:
1 - Người ĐB HĐND phải tích cực đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng...; bảo vệ lợi ích nhà nước và quyền hợp pháp của công dân. 2 - Người ĐB phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe người dân và được nhân dân tín nhiệm. 3 - Có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND. Đạt những tiêu chuẩn tiên quyết này, người ĐB HĐND sẽ nói tiếng nói của người dân và đại diện cho lợi ích người dân tốt hơn.
Ngoài ra, cái mới lần này còn thể hiện ở chỗ số lượng ĐB HĐND các cấp đều tăng. Cấp phường, xã tăng tối đa đến 35 ĐB (trước là 25). Cấp quận, huyện tăng tối đa đến 40 ĐB (trước là 35). Cấp tỉnh, thành phố tăng tối đa đến 85 ĐB. Riêng Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc trung ương có từ 3 triệu dân trở lên được tối đa 95 ĐB (tăng 10). Mặt khác, tỉ lệ ĐB nữ, ĐB trẻ, ĐB là dân tộc ít người, ĐB ngoài Đảng cũng đều được nâng lên.
* Cụ thể ở tại TP.HCM, tỉ lệ ấy được nâng lên như thế nào?
- Khóa trước HĐND TP chỉ có hai ĐB là dân tộc ít người (người Hoa). Nay dự định sẽ vận động số ĐB dân tộc ít người đắc cử là năm ĐB. Trong đó, ba ĐB là người Hoa, một ĐB người Chăm và một ĐB người Khơme. ĐB tôn giáo cũng phấn đấu sẽ tăng thêm một ĐB là Tin lành, lên bốn ĐB tôn giáo. Số ĐB là nữ và người trẻ đều tăng. Đặc biệt sẽ tăng số ĐB ngoài Đảng.
* Tăng số ĐB HĐND là người ngoài Đảng, điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?
- Vì HĐND là một tổ chức mà thông qua đó người dân gián tiếp làm chủ, cho nên sự có mặt của người dân phải tăng lên. Khóa trước HĐND TP chỉ có sáu ĐB ngoài Đảng. Khóa này phấn đấu là 15 ĐB ngoài Đảng. Quần chúng ngoài Đảng phải tham gia nhiều hơn vào tổ chức này để nói được tiếng nói của mình. Điều đó đồng thời cũng là giảm bớt số ĐB là người của cơ quan nhà nước.
* Người tự ứng cử vào ĐB HĐND nếu là cán bộ, nhân viên, công nhân... ở một đơn vị nào đó thì có cần người giới thiệu?
- Không cần giới thiệu. Theo luật, mọi công dân đủ 21 tuổi, không phân biệt giới tính, thành phần, trình độ, tôn giáo... đều có quyền ứng cử ĐB HĐND, trừ những trường hợp luật qui định như đang chịu án, không làm chủ năng lực hành vi... Người tự ứng cử nộp hồ sơ tại Hội đồng bầu cử. Nơi đây sẽ gửi hồ sơ về cơ quan hoặc nơi cư trú của người tự ứng cử để làm các thủ tục tiếp theo.
* Thưa ông, theo Luật bầu cử ĐB HĐND lần này thì công dân diện “tạm trú hợp pháp” cũng có quyền ra ứng cử. Đã có trường hợp nào trong diện trên đăng ký ứng cử chưa?
- Cho tới giờ này thì tôi chưa được báo cáo có trường hợp nào. Nhưng thời hạn nộp hồ sơ còn tới 25-2. Chưa biết là sẽ có trường hợp nào thuộc diện trên ra ứng cử không.
* Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất xác định sẽ có 151 ứng cử viên ứng cử để bầu lấy 95 ĐB HĐND TP. Liệu có xác định được số ứng cử viên hay không khi mà tự ứng cử là quyền của công dân?
- Mọi công dân đều được bảo đảm quyền tự ứng cử nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn. Theo qui định, mỗi đơn vị bầu cử sẽ có số dư tối thiểu là hai người/số đắc cử. TP.HCM có 28 đơn vị bầu cử; sẽ có 95 ĐB được bầu, cộng với số dư tối thiểu là hai người/đơn vị, vị chi sẽ có tối thiểu 151 ứng cử viên. Đó là cách tính toán. Số ứng cử viên có thể tăng hơn và sẽ không có chuyện “gò” số lượng. Đó mới thật sự là dân chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận