Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực (người chỉ tay) thị sát tình hình ô nhiễm tại làng Thạch Sơn |
Theo TS Nguyễn Duy Bảo - Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, giai đoạn 1991-2005 xã Thạch Sơn (Phú Thọ) có 106 người mắc ung thư. Tại khu vực này số người chết do ung thư chiếm tỉ lệ 34,86% tổng số trường hợp tử vong. Ung thư phổi: 33 trường hợp, gan: 29, dạ dày: 10. Ngoài ra, một số người mắc ung thư vòm họng, não, đại tràng. Cũng tại Thạch Sơn, có chín gia đình cả vợ và chồng đều chết do ung thư; bảy gia đình có bố, mẹ và con chết do ung thư.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm VN có 150.000 trường hợp mắc ung thư mới; 100.000 người tử vong do ung thư. Con số này sẽ tăng lên 200.000 trường hợp/năm kể từ năm 2010. |
Tại diễn đàn sức khỏe môi trường vừa tổ chức ở Hà Nội, TS Nguyễn Duy Bảo cho biết khu vực xã Thạch Sơn; các “làng ung thư” ở Hải Phòng, Quảng Nam... môi trường sống đều bị ô nhiễm. Khảo sát bước đầu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường cho thấy xã Thạch Sơn nằm trong Khu công nghiệp Lâm Thao, không khí bị ô nhiễm bụi hô hấp, khí HF vượt nồng độ cho phép 2,5- 64 lần; nước ăn uống, sinh hoạt nhiễm axit, hàm lượng amoniac, asen vượt giới hạn cho phép; đất ô nhiễm axit và nhiều kim loại nặng... Riêng tại “làng ung thư” thuộc địa phận Hải Phòng, ông Hải cho biết: mới khảo sát một số mẫu, chưa thể kết luận, nhưng đánh giá sơ bộ cho thấy môi trường có ô nhiễm, đặc biệt là không khí và nước thải. Riêng thực phẩm và nước ăn uống chưa thấy vấn đề gì đặc biệt...
Theo Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh ung thư ngày càng gia tăng là do môi trường sống xuống cấp trầm trọng. “Thủ phạm không ai khác ngoài con người với ý thức bảo vệ môi trường sống yếu kém” - TS Bảo nói.
Cũng theo TS Bảo, các nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến kim loại màu ở nước ta cho thấy hàm lượng kim loại nặng vượt giới hạn cho phép 2-15 lần. Tại một mỏ than lộ thiên, nồng độ bụi than và bụi đá quá cao khiến 8-10% công nhân mắc bệnh bụi phổi. Trong mười năm qua, nhiều trường hợp nhiễm độc cấp tính asen đã tử vong. Tại khu vực đô thị, bụi hô hấp, tiếng ồn làm tăng tỉ lệ mắc viêm mũi, viêm xoang, các bệnh về da, điếc...
“Quan điểm của tôi là ô nhiễm môi trường không chóng thì chày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó có bệnh ung thư” - ông Hải nói. Ông đặt vấn đề: nên chăng ngay từ khi duyệt dự án, cần có một đánh giá về việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe người dân trong vùng bên cạnh việc giáo dục cho người dân cách tự phòng chống bệnh tật, bảo vệ môi trường?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận