17/12/2006 04:30 GMT+7

Cuộc hội ngộ đầy ắp tình người

KIM SƠN - YẾN TRINH 
KIM SƠN - YẾN TRINH 

TT - Hôm qua (16-12), hơn 500 người đã đến chung vui với hôn lễ của Nguyễn Đức (chàng trai trong cặp song sinh dính liền Việt - Đức) - Nguyễn Thị Thanh Tuyền tại nhà hàng Yasaka Bảo Trân (Q.1, TP.HCM).

o9Z4Cahw.jpgPhóng to
Ông Len Aldis đã đến dự và chúc mừng lễ cưới của chú rể Nguyễn Đức và cô dâu Thanh Tuyền tại nhà hàng Yasaka Bảo Trân (thương xá Tax), quận 1, TP.HCM sáng 16-12 - Ảnh: Thanh Đạm

Ngày vui

Gần 1/3 khách mời người Nhật và nhiều vị khách không mời mà đến. Mọi người đều muốn đến nâng ly chúc mừng đôi vợ chồng trẻ và cũng để tin vào sự kỳ diệu của tình yêu, tình người.

Đức xếp lại cây nạng vẫn đi thường ngày, thay bằng cái chân giả. Dù đi chân giả có đau hơn nhưng Đức và mọi người đều muốn khi rước dâu, chú rể sẽ dìu cô dâu đi bình thường như bao chàng trai khác. Ngoài song thân, má, mẹ tinh thần, những người bạn Nhật, lần đầu tiên giới truyền thông trong và nước ngoài cũng “tháp tùng” đi đón dâu từ sáng sớm.

Căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Thái Phiên, Q.11 quá chật chội với lượng khách nhiều ngoài dự tính. Vậy mà ai cũng vui khi nhìn cảnh chú rể run run trao nhẫn cho cô dâu. Bên cạnh hạnh phúc của đôi uyên ương và đấng sinh thành, đây còn là niềm vui chung của giới y học. Bởi vì ca mổ Việt - Đức là một trong 18 ca mổ song sinh phức tạp thành công trên thế giới. Trong đó, Đức là người đầu tiên lập gia đình.

Đoàn xe chở cô dâu chú rể chạy thẳng về nơi tổ chức tiệc - nhà hàng Yasaka - Bảo Trân. Chưa đến 10g nhưng nhiều khách đã có mặt (dù thiệp mời 11g và đãi tiệc lúc 12g). Danh sách khách mời hôm nay cũng khá đặc biệt. Đó là những Việt kiều từ Pháp, Mỹ, đặc biệt có đến 1/3 khách mời (trên 150 người) là người Nhật.

Đó là nhiều người đến từ các tỉnh, là những bạn khuyết tật, mồ côi ở làng Hòa Bình, Từ Dũ. Nhiều người dù không được mời cũng đến chung vui, trong đó có giới truyền thông. Dường như ai cũng muốn có mặt để chứng kiến khoảnh khắc đẹp nhất của đôi bạn Đức - Tuyền. Hơn nữa để chuyển tải những hình ảnh tuyệt vời này đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhất là chuyển đến khán giả Nhật Bản - nơi từng diễn ra những phong trào kêu gọi quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; nơi bạn bè còn lập cả Hội vì sự phát triển Việt - Đức; nơi có những giáo sư, bác sĩ cùng góp sức cho ca mổ Việt - Đức thành công; nơi mấy ngày nay có những người luôn dõi lên màn hình để xem những hình ảnh chuẩn bị đám cưới đầy cảm động của Đức -Tuyền được chuyển về hằng ngày từ VN.

Những tấm lòng

ynU8J85B.jpgPhóng to
Chú rể Nguyễn Đức và cô dâu Nguyễn Thị Thanh Tuyền trong ngày thành hôn - Ảnh: T.Đạm

Không hẹn mà gặp. Rất đông những thành viên trong ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức ngày nào cùng hội ngộ tại lễ cưới Đức - Tuyền. GS.BS Trần Đông A cho biết: “Hôm nay tôi rất vui khi thấy Đức lấy vợ - đó là điều chưa có trong lịch sử các cặp song sinh dính dạng Việt - Đức.

Đó cũng là niềm vinh dự vì mình đã cùng anh em thực hiện một ca mổ lịch sử chẳng những về phương diện khoa học mà cả về nhân đạo”. Còn ông Bunro Fujimoto (người sáng lập và là chủ tịch Hội Negaukai - Hội vì sự phát triển Việt - Đức) nói: “Tôi biết Đức khi cháu còn 4 tuổi. Tôi không thể ngờ cháu có được một ngày tuyệt vời như hôm nay. Sinh hoạt của Việt - Đức không còn là riêng của Việt - Đức nữa mà là... báu vật của nhiều người”.

Chúng tôi bắt gặp hình ảnh thật cảm động giữa GS viện sĩ Dương Quang Trung - vị “tổng chỉ huy” cuộc mổ tách năm nào - đang ngồi cạnh và tay trong tay với ông Len Aldis, chủ tịch Hội Anh - Việt, người từng vận động lấy chữ ký trên khắp thế giới để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN.

Hạnh phúc nhất có lẽ là cha mẹ ruột của Đức. Hôm nay họ đã khóc. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người mà Đức thường gọi trìu mến “má Phượng” - xúc động: “Chúng tôi sẽ nhắc nhở hai cháu về tấm lòng ưu ái của tất cả quí vị, dạy bảo hai cháu không phụ công ơn của tất cả mọi người và không quên góp phần chăm lo trở lại cho những người bất hạnh khác trong xã hội...”.

Ngày 25-2-1981, Việt - Đức ra đời trong sự bàng hoàng của gia đình và y tá tại bệnh xá Sa Thầy, tỉnh Gia Lai - Kontum (cũ): hai đầu, bụng dính liền, hai chân, chung hậu môn. Theo hủ tục, đó là “con ma” của núi rừng cần phải chôn đi. Vậy mà 25 năm sau, nhiều người nhìn được cảnh một chàng trai trong cặp song sinh kia đi lấy vợ, mặt rạng ngời hạnh phúc. Cạnh đó còn có những gương mặt hạnh phúc vô biên của các y bác sĩ, những nhà hảo tâm trong nước và quốc tế đã theo anh em Việt - Đức suốt hơn 20 năm.

Sau lễ cưới, một phóng viên của hãng tin và truyền hình Nhật Bản nói với chúng tôi: “Nhiều bạn trẻ Nhật đang có xu hướng sống độc thân. Tôi sẽ đưa những hình ảnh này để cho họ thấy rằng dù tật nguyền nhưng con người luôn khát khao sống với hạnh phúc bình thường. Và hi vọng rằng Đức - Tuyền sẽ cho ra đời những đứa con may mắn lành lặn hơn cha nó”.

Một tiệc cưới mà 18 năm trước (thời điểm mổ tách cặp song sinh Việt - Đức) không ai có thể nghĩ tới. Và hôm nay tại tiệc cưới đó đã diễn ra một cuộc hội ngộ đầy ắp tình người.

Nguyễn Việt và Nguyễn Đức là cặp song sinh dính theo kiểu “Ischiopagus Tripus” (dính phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt), chào đời ngày 25-2-1981 tại tỉnh Gia Lai - Kontum (cũ). Hai cháu được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội điều trị, đến đầu tháng 12-1982 được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ. Ngày 22-5-1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê, sau đó được Hội Chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo chữa trị.

Ngày 29-10-1986 trở về VN, Việt khỏi bệnh nhưng đã mất vỏ não, sống đời sống thực vật không còn tri giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ngày 4-10-1988, ca mổ tách Việt - Đức kéo dài 15 giờ và phần lớn những phần chung của cơ thể như bàng quang, hậu môn, bộ phận sinh dục... Việt nhường cho Đức. Việt đã sống đời sống thực vật hơn 20 năm qua và được Bệnh viện Từ Dũ nuôi nấng, chăm sóc rất chu đáo.

KIM SƠN - YẾN TRINH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên