18/10/2006 06:12 GMT+7

Cầu Rạch Chiếc có nguy cơ sập!

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Nguy cơ sập cầu Rạch Chiếc (TP.HCM) đã được cảnh báo từ năm năm nay nhưng giải pháp khắc phục vẫn còn... trên giấy. Chiếc cầu “hom hem” này phải tiếp tục “gồng mình” với những dòng xe quá tải.

E0m23BHP.jpgPhóng to
Cầu Rạch Chiếc thường xuyên có nhiều xe trọng tải lớn qua lại - Ảnh: P.T.
TT - Nguy cơ sập cầu Rạch Chiếc (TP.HCM) đã được cảnh báo từ năm năm nay nhưng giải pháp khắc phục vẫn còn... trên giấy. Chiếc cầu “hom hem” này phải tiếp tục “gồng mình” với những dòng xe quá tải.

“Chỗ nào cũng hư”

Hiện nay đứng trên cầu Rạch Chiếc đã xây dựng cách đây hơn 40 năm, chúng tôi cảm thấy cầu rung lên từng đợt mỗi khi có xe container chở hàng chạy qua cầu. Do thường xuyên “gồng mình” với dòng xe tải nặng nên chiếc cầu xuống cấp này đã xuất hiện các ổ gà ở cạnh các mối nối nhịp cầu.

Xuống gầm cầu Rạch Chiếc, chúng tôi nghe rõ những “dư chấn mạnh” mỗi khi có xe tải nặng chạy trên cầu. Dù trời không mưa nhưng nước từ mặt cầu rơi lõm bõm xuống. Điều này cho thấy có thể mặt cầu đã bị ngấm nước nên thường xuyên nước rỉ xuống. Dưới đáy mặt cầu - trên làn đường từ trung tâm TP hướng về Thủ Đức - từng mảng bêtông bị bong dài khoảng 1,5m lòi sắt hoen gỉ ở hai dầm cầu.

Nếu cầu Rạch Chiếc (dài 160m) bị sập thì cầu Sài Gòn (dài 986,1m) trở nên vô nghĩa. Bởi cầu Rạch Chiếc cách cầu Sài Gòn hơn 2,5km, cùng nằm trên tuyến đường huyết mạch xa lộ Hà Nội đón luồng xe ra vào TP.HCM đến các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc.

Một công nhân của Công ty Quản lý công trình cầu phà TP.HCM đang trực gác ở chiếc cầu này nói: “Cầu đã xuống cấp nên chỗ nào cũng hư hỏng”. Anh công nhân cho biết thêm: không thể ngăn chặn xe quá tải qua cầu mà chỉ làm nhiệm vụ ghi nhận biển số xe quá tải vượt cầu.

Năm 2001, sau khi nâng cấp cầu Sài Gòn, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.HCM đã cảnh báo nguy cơ sập cầu Rạch Chiếc. Vì vậy tháng 11-2001, Sở Giao thông công chánh (nay là Giao thông công chính - GTCC) TP đã giao cho Công ty Quản lý công trình cầu phà TP và Ban thanh tra GTCC (nay là Thanh tra GTCC) phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác cầu Rạch Chiếc; kiên quyết ngăn chặn xe quá tải lưu thông qua cầu; điều tiết lưu thông tại khu vực cầu Rạch Chiếc.

Sở cũng chỉ đạo chỉ cho phép xe có tổng trọng tải 18-20 tấn lưu thông qua cầu theo khoảng giãn cách 30m và hạn chế tốc độ qua cầu là 40 km/giờ cho tất cả các loại xe. Thế nhưng trên thực tế chúng tôi ghi nhận các xe container 40 feet có tổng trọng tải trên 20 tấn/xe vẫn thản nhiên nối đuôi nhau vượt cầu với tốc độ trên 40km/giờ mà không bị ngăn chặn.

w2UZtYNm.jpgPhóng to

Nhiều ổ gà xuất hiện gần các mối nối nhịp cầu - Ảnh: P.T.

Cầu mới vẫn còn... trên giấy

Trong văn bản ngày 23-4-2001, Sở GTCC TP kiến nghị UBND TP về việc xây dựng cầu Rạch Chiếc mới thay cho cầu hiện hữu nhằm đảm bảo giao thông liên tục trên tuyến quốc lộ 52 (nay là xa lộ Hà Nội) đoạn từ đường xuyên Á đến cầu Sài Gòn. Theo đó, xây dựng hai cầu Rạch Chiếc mới dài 291,4m và rộng 12,5m/cầu cho sáu làn xe lưu thông.

Trong khi chờ dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, ngày 31-10-2001 UBND TP.HCM đã giao cho các sở ngành TP khẩn trương trong vòng ba tháng xây dựng ngay hai cầu bailley (cầu sắt) tạm có tải trọng 25-30 tấn, nằm cạnh cầu Rạch Chiếc cũ, đủ cho bốn làn ôtô lưu thông. Tuy nhiên, đã hơn ba năm nay hai cầu sắt tạm vẫn chưa cho xe lưu thông vì đường vào hai đầu cầu chưa xây dựng nên cây xanh và dây leo chằng chịt. Một cán bộ phòng quản lý giao thông -Sở GTCC TP cho biết hai chiếc cầu tạm trên là dự phòng nếu... cầu Rạch Chiếc bị sập.

Việc xây dựng cầu Rạch Chiếc mới nằm trong dự án đầu tư xây dựng hai tuyến đường song hành xa lộ Hà Nội đã được UBND TP.HCM quyết định phê duyệt cách đây tám năm. TP giao cho Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư.

Thế nhưng tháng 10-2001, UBND TP lại quyết định ngưng triển khai xây dựng hai cầu với lý do “chờ xây dựng dự án xây cầu Rạch Chiếc chính”. Đến năm 2002, UBND TP lại ra văn bản yêu cầu nghiên cứu lại tổng thể về qui hoạch lộ giới và chi tiết mặt cắt ngang xa lộ Hà Nội, qui mô xây dựng hai đường song hành và cầu Rạch Chiếc mới. Vì vậy, dự án xây cầu Rạch Chiếc mới lại bị “treo”.

“Số phận” cầu Rạch Chiếc mới lại bị đẩy đưa từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác. Lý do, Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM xây dựng đường song hành dở dang, nên năm 2003 UBND TP đã chuyển giao về Sở GTCC TP - giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Đến tháng 4-2005 lại được chuyển giao về Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM làm chủ đầu tư...

Theo ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM, hiện đang lập dự án điều chỉnh xây dựng cầu Rạch Chiếc mới với qui mô rộng mười làn xe thay vì dự án cũ là sáu làn xe. Nhanh lắm thì mất một năm làm thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu... mới có thể khởi công xây dựng. Thế nhưng, hiện còn “lùng nhùng” về tổ chức thi kiến trúc mỹ thuật cầu. Trong khi đó, Sở GTCC TP còn đang soạn qui chế thi kiến trúc. Một cán bộ phòng quản lý giao thông - Sở GTCC TP.HCM cho biết sẽ mất 6-8 tháng mới hoàn tất cuộc thi kiến trúc mỹ thuật.

Liệu cầu Rạch Chiếc xuống cấp có đủ sức “chờ đợi” dự án xây dựng cầu mới? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sập cầu? Phải chăng “đợi” khi cầu sập các cơ quan chức năng lại đổ lỗi cho nhau và đổ thừa cho nguyên nhân khách quan!

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên