03/10/2006 08:41 GMT+7

Từ công sở biến thành nhà riêng của Thống đốc Ngân hàng

Ông Mai Văn Bạn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Mai Văn Bạn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngôi nhà mặt tiền tại số 6 phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) - trước vốn là trụ sở làm việc của Ngân hàng Nhà nước đã được bán hóa giá cho chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy để làm nhà ở...

Hà Nội yêu cầu báo cáo việc bán nhà cho Thống đốc

Lb0oWTh2.jpgPhóng to
Công sở “biến” thành nhà riêng (x) trị giá hàng chục tỉ đồng

eOIxK2Ia.jpgPhóng sự của VTV về nhà công vụ (19g30, ngày 3-10)

Đây là căn nhà có diện tích đất khoảng 80m2, nằm ngay giữa trung tâm thủ đô, trị giá ước tính hàng chục tỉ đồng.

Trước khi được bán hóa giá cho ông Lê Đức Thúy theo Nghị định 61/CP, căn nhà mặt đường số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) được sử dụng làm trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội.

Ngày 4-9-2004, căn nhà này được bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương (NHNN T.Ư). Cuối tháng 9-2004, NHNN T.Ư có văn bản về việc không sử dụng căn nhà số 6 Lý Thái Tổ làm trụ sở mà bổ sung vào quỹ nhà ở của NHNN T.Ư.

Căn nhà số 6 Lý Thái Tổ đã được sử dụng qua nhiều đời thống đốc và đều dùng làm trụ sở làm việc, đến ông Thúy mới được chuyển đổi thành nhà ở để cho chính ông Thúy thuê.

Bản thân ông Thúy cũng không phải là người khó khăn về nơi ở bởi Ngân hàng Trung ương đã phân cho ông Thúy một căn hộ 2 tầng tại Học viện Ngân hàng; sau đó, gia đình ông Thúy cũng đã mua một căn nhà rất rộng ở số 15 phố Bùi Ngọc Dương.

Thêm vào đó, diện tích đất tại số 6 Lý Thái Tổ không rộng hơn diện tích đất mà ông Thúy đang ở (tại số 15 phố Bùi Ngọc Dương) mà chỉ "rộng" hơn ở chỗ: vị trí thuộc loại đắt nhất Hà Nội và trị giá của mảnh đất đó lên tới hàng chục tỉ đồng.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc mua căn nhà số 6 Lý Thái Tổ của ông Thúy gây bức xúc và khiếu kiện trong ngành ngân hàng.

Sau khi bổ sung nhà số 6 Lý Thái Tổ vào quỹ nhà ở của NHNN T.Ư, ngày 25-10-2004, NHNN T.Ư lại tiếp tục có văn bản nội bộ về việc chuyển đổi nhà ở của Thống đốc NHNN về căn nhà này với lý do "việc đi lại từ nhà ở của đồng chí đến cơ quan làm việc còn gặp nhiều trở ngại, ách tắc làm ảnh hưởng đến công tác".

Sau khi hoàn tất một số thủ tục, ngày 22-11-2004, NHNN T.Ư đã có quyết định về việc cho ông Lê Đức Thúy được thuê căn nhà số 6 phố Lý Thái Tổ làm nhà ở. Căn nhà này sau đó đã được bàn giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội để bán hóa giá cho ông Lê Đức Thúy theo Nghị định 61/CP. Tất cả các thủ tục mua bán và cấp sổ đỏ cho ông Lê Đức Thúy đối với căn nhà số 6 Lý Thái Tổ được hoàn tất trước tháng 1-2005 (chỉ trong vòng 1 tháng).

Giá mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ (theo Nghị định 61/CP) chỉ chưa tới 1 tỉ đồng (giá thị trường ước tính lên tới hàng chục tỉ đồng).

Trước đó, ông Lê Đức Thúy đã được NHNN T.Ư phân một căn nhà ở 2 tầng, diện tích khoảng 120m2 tại Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc, Hà Nội).

Cuối năm 2002, gia đình ông Lê Đức Thúy cũng đã mua thêm khoảng 120m2 đất tại số 15 Bùi Ngọc Dương (Hà Nội) để xây nhà và đã chuyển tới đó ở. Cuối năm 2004, sau khi được mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông Lê Đức Thúy đã làm thủ tục trả lại căn nhà được phân ở Học viện Ngân hàng.

Căn nhà số 6 phố Lý Thái Tổ đã được ông Lê Đức Thúy cho xây dựng lại thành một căn nhà 5 tầng (đến nay vẫn chưa hoàn thành). Gia đình ông Thúy hiện vẫn ở tại ngôi nhà số 15 phố Bùi Ngọc Dương.

Chiều 2-10, báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc chuyển đổi và bán ngôi nhà số 6 phố Lý Thái Tổ cho ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

* Tháng 9-2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHT.Ư) có văn bản không sử dụng nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) làm trụ sở mà bổ sung vào Quỹ nhà ở của NHT.Ư. Điều này có đúng với các quy định của pháp luật không?

- Ông Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đang giữ công sản của Nhà nước, giữ công sản sử dụng vào mục đích gì thì không được tùy tiện mà phải theo đúng quy hoạch của thành phố.

Thứ hai, việc sử dụng như thế nào phải được phép của cơ quan quản lý công sản. Điều kiện để chuyển được (việc chuyển từ trụ sở làm việc thành nhà ở - PV) là phải như vậy.

Thứ ba, chức năng đưa ai vào nhà ở thì từ năm 1994, tất cả các quỹ nhà của các cơ quan đang quản lý trên địa bàn đều phải chuyển cho UBND địa phương quản lý. Kể từ năm 1996, các cơ quan Nhà nước cấp bộ không quản lý nhà ở nữa nên việc chuyển thành nhà ở là vô lý.

* Như vậy là việc NHT.Ư còn quản lý quỹ nhà ở tại Hà Nội vào năm 2004 cũng không đúng với quy định ?

- Đến năm 2004 thì không thể có chuyện bất kỳ một cơ quan trung ương nào được quản lý quỹ nhà ở, phải bàn giao cho UBND thành phố hết. NHT.Ư còn có quỹ nhà ở là sai.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Trần Minh Tuấn: Ông Lê Đức Thúy trực tiếp xin Thủ tướng

Xunh quanh vấn đề này, PV đã gặp và trao đổi với ông Trần Minh Tuấn - Phó Thống đốc thường trực NHNN, người ký quyết định chuyển đổi công năng căn nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công vụ sang thành nhà ở, đồng thời là người ký tờ trình gửi Thủ tướng về việc xin chủ trương bố trí căn nhà số 6 Lý Thái Tổ cho ông Lê Đức Thúy.

* Trong tờ trình gửi Thủ Tướng do ông ký có nêu “đồng chí Lê Đức Thúy là một trong số ít bộ trưởng có điều kiện nhà ở khó khăn” nhưng thực tế là ông Thúy đã được phân căn hộ tập thể tại Học viện Ngân hàng và sau đó đã tự thu xếp bằng cách chuyển đổi nhà chung cư để có đất làm nhà riêng. Như vậy, ông Thúy không hề có khó khăn về nhà ở như nêu trong tờ trình?

- Nói khó khăn là nhà đất ông Thúy đang ở (ý nói nhà ở khu vực 15 Bùi Ngọc Dương- PV) là do ông ấy tự mua, tự xây. Tất nhiên, trong việc này, ông Thúy có ý là tiêu chuẩn (nhà ở cho cấp bộ trưởng - PV) của ông ấy được hưởng, đã xin Ban Tài chính Quản trị Trung ương, rồi xin UBND thành phố Hà Nội mà chưa được giải quyết.

Thực ra nhà số 6 Lý Thái Tổ lúc đó là nhà làm việc, nhưng nó ọp ẹp lắm. Anh em bên Cục Quản trị (NHNN) đề nghị lên, rồi lãnh đạo thống nhất đặt vấn đề chuyển nhà số 6 thành nhà ở bố trí cho đồng chí Thống đốc.

Nhưng loại nhà này phải được Thủ tướng cho phép nên chúng tôi làm tờ trình và sau đó Thủ tướng chấp thuận bố trí nhà số 6 Lý Thái Tổ cho đồng chí Thống đốc để làm nhà ở.

Còn việc nêu khó khăn trong tờ trình, thì phải có khó khăn mới xin Thủ tướng được chứ!

Thực tế, lúc ấy ông Thúy đã được NHNN cho thuê căn hộ tập thể ở Học viện Ngân hàng. Sau đó ông ấy tự mua đất xây nhà ở Bùi Ngọc Dương, ngôi nhà này của ông Thúy tôi cũng đã đến đó một lần.

Sau này khi Thủ tướng đồng ý, ông Thúy đã trả lại căn hộ chung cư và chúng tôi phân căn hộ này cho 2 vụ trưởng của NHNN là ông Lương và ông Phước. Còn nếu thực sự ông Thúy không khó khăn về nhà ở thì ông ấy phải chịu.

* Có thể hiểu nội dung trong tờ trình ông ký là ông Thúy được phân căn hộ tập thể sau đó chuyển nhượng cho ai đó để có tiền mua đất, xây nhà ở Bùi Ngọc Dương, rồi khi nhận căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông Thúy phải mua lại chính căn hộ chung cư đó để giao lại cho Nhà nước?

- Nhà chung cư ở Học viện Ngân hàng ông Thúy vẫn đứng tên thuê, còn việc ai ở căn hộ đó là vấn đề khác. Vấn đề là ông Thúy đã xây nhà mới, nên lúc ấy có nhiều người nói với tôi là ông ấy đã có nhà rồi sao còn xin nhà?

- Thì ông ấy đặt vấn đề là tiêu chuẩn (nhà được hưởng ở cấp bộ trưởng – PV) và ban lãnh đạo NHNN thấy ông ấy là Ủy viên Trung ương, hàm bộ trưởng vì thế ông ấy nói là, các đồng chí xem xét, ủng hộ tôi vì tôi muốn xin tiêu chuẩn căn nhà này (số 6 Lý Thái Tổ).

Tôi thấy anh em trong Cục Quản trị và nhiều vụ cũng đồng tình đề xuất này của ông Thúy, tất nhiên là một vài vụ cũng chưa thông chỗ này.

Sau đó, đa số trong tập thể ban lãnh đạo NHNN đồng ý và tôi thay mặt họ ký tờ trình gửi Thủ tướng. Rồi quá trình từ chỗ ông Thúy thuê đến chỗ mua hóa giá thế nào thì tôi không biết.

* Thưa ông, tại sao trong tờ trình gửi Thủ tướng ông không nói rõ nhà số 6 Lý Thái Tổ là nhà mặt đường mà ông chỉ nêu toàn khó khăn như nhà chật hẹp, nằm trong khu dân cư...?

- Nó là nhà mặt đường thì mặc nhiên là như thế chứ còn nêu làm gì nữa. Số 6 thì đương nhiên là mặt đường, còn nếu số 6 trên bao nhiêu thì mới là trong hẻm.

* Ông cũng là người ký quyết định chuyển công năng ngôi nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công vụ chuyển thành nhà ở. Vậy tại sao các ông không thông qua Bộ Tài chính là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý công sản?

- Chỗ này trúc trắc đây! Nếu chuyển công năng nhà số 6 Lý Thái Tổ rồi cho ông Thúy thuê thì vẫn phải trình lên Thủ tướng. Nói thật là ông Thúy đã báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý thì chúng tôi làm văn bản trình Thủ tướng khỏi phải để Bộ Tài chính trình.

Việc này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét (chỉ ra những sai sót về quy trình thủ tục khi NHNN chuyển đổi công năng nhà số 6 Lý Thái Tổ – PV) và đã yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm.

Hơn nữa, cái nhà này muốn chuyển công năng rồi phân cho bất cứ ai cũng phải báo cáo Bộ Tài chính, rồi Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định. Thì trong trường hợp này chúng tôi báo cáo thẳng Thủ tướng, không qua Bộ Tài chính. Chỉ có trúc trắc vậy thôi.

* Vì sao các ông không làm đúng quy trình là thông qua Bộ Tài chính mà lại “đi tắt” báo cáo thẳng Thủ tướng như vậy?

- Cái này ông Thúy đi xin riêng thì ông ấy phải làm như thế, bây giờ hỏi tôi thì tôi làm sao biết được.

* Nhưng ông là người ký văn bản?

- Đúng tôi là người ký và gửi lên Thủ tướng mà không qua Bộ Tài chính. Tôi nghĩ trong việc này, nếu Thủ tướng không đồng ý thì lại chuyển trở lại làm nhà làm việc. Chỉ có chỗ trúc trắc là việc này ông Thúy trực tiếp xin Thủ tướng để Thủ tướng phê duyệt.

* Ông Thúy đã được thuê nhà ở tập thể NHNN, lại có nhà riêng ở Bùi Ngọc Dương, như thế là có nhiều nhà vậy sao ông vẫn trình Thủ tướng là ông Thúy khó khăn về nhà ở?

- Nếu nói nhiều nhà thì cần phải thống nhất rằng nhà ở Bùi Ngọc Dương là do ông Thúy tự xây dựng, còn nhà ở tập thể NHNN là nhà ông Thúy được Nhà nước cho thuê.

Vì thế, nếu xin được nhà số 6 Lý Thái Tổ thì ông Thúy trả lại căn hộ tập thể. Còn nếu Thủ tướng không cho thì chúng tôi cũng sẽ xây dựng tại số 6 Lý Thái Tổ lên 4, 5 tầng để anh em diện luân chuyển cán bộ sử dụng.

Ngay bản thân tôi luân chuyển ra đây cũng chỉ được ở một góc tại 22 Hàng Vôi. Còn tất nhiên là ông Thúy đã có nhà ở rồi, cái này bây giờ tôi cũng không biết nói sao nữa!

* Như thế có thể khẳng định là ông Thúy biết mình sẽ được mua hoặc phân nhà có giá trị cao hơn nên đã trả lại nhà có giá trị thấp hơn?

- Ông ấy đã xin cái này thì buộc phải trả cái kia.

* Khi biết ông Thúy được bố trí nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông có biết dư luận trong NHNN lúc đó?

- Thì có rất nhiều người phản đối, người ta nói rằng ông Thúy nhiều nhà, thì đó là dư luận.

* Xin cảm ơn ông!

Biệt thự 12: 1m2 giá bao nhiêu? Sẽ tạo tiền lệ không tốt nếu bán nhà công vụNếu thành phố bố trí chỗ ở mới, chắc anh Nghiên đồng ý thôi!“Hồ sơ” ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế NghĩaHà Nội: không bán nhà công vụ cho ông Hoàng Văn NghiênChưa có chủ trương bán biệt thự cho ông Hoàng Văn NghiênHà Nội muốn bán biệt thự công cho cựu chủ tịch UBND

Ông Mai Văn Bạn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên