19/08/2006 06:32 GMT+7

Tiền polymer giả: gần giống như thật!

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Khi VN phát hành tờ tiền polymer đầu tiên được hai tháng thì trên địa bàn Lạng Sơn đã xuất hiện tiền giả polymer mang từ Trung Quốc sang. Sau đó, loại tiền giả này xuất hiện nhiều hơn, các vụ phát hiện bắt giữ cũng tăng lên. Từ đầu năm 2006 đến nay, Công an Lạng Sơn đã khởi tố 29 vụ buôn bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới. Phần lớn tiền giả thu được là tiền polymer. Và tiền giả đang ngày càng giống tiền thật...

SeeMLaPE.jpgPhóng to

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Hoàng Công Uẩn (ảnh)- trưởng phòng an ninh điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn - nói:

Thông qua các nguồn tin và biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi cho rằng tiền giả được sản xuất ở những cơ sở nằm sâu trong nội địa Trung Quốc rồi được vận chuyển ra khu vực biên giới để đưa về VN. Các đối tượng buôn bán cũng khai nhận mua tiền giả của các đầu mối ở các chợ Trung Quốc hoặc thông qua việc móc nối quan hệ với người Việt sinh sống bên đó. Nhiều người cho biết tiền giả được chào bán gần như công khai ngay tại các chợ Lũng Vài, Pò Chài (giáp với khu vực Hang Dơi, cửa khẩu Tân Thanh).

Tiền polymer giả mỏng hơn tiền cotton giả nên dễ cất giấu. Tiền polymer toàn là loại có mệnh giá cao, dễ vận chuyển với số lượng lớn nên trở thành sự lựa chọn của các đối tượng. Theo ước tính của chúng tôi, số vụ buôn bán và vận chuyển tiền giả được phát hiện, bắt giữ chỉ mới chiếm khoảng 20% so với thực tế.

nKqGtpK8.jpgPhóng toTiền giả 500.000đ do Chung Mỹ Linh vận chuyển

Vụ phát hiện tiền polymer giả mệnh giá 500.000 đồng lớn nhất đến nay ở Lạng Sơn do đồn biên phòng Tân Thanh bắt giữ ngày 4-8 với số tiền 100.500.000 đồng. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Chung Mỹ Linh (sinh 1992), Ôn Á Thu (1977) đều trú tại Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Văn Hùng (sinh 1969) trú tại huyện Hoài Đức, Hà Tây. Vụ việc đang được công an tiếp nhận, xử lý.

Ngày 25-6-2006, Công an Lạng Sơn phối hợp Hải quan cửa khẩu Tân Thanh bắt quả tang Vũ Văn Thắng (1981, tạm trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vận chuyển từ Trung Quốc vào VN 29,9 triệu đồng tiền polymer giả mệnh giá 100.000 đồng.

Ngày 19-4-2006 tại bến xe Lạng Sơn, Công an huyện Cao Lộc bắt giữ Phạm Thị Luyến (33 tuổi, hộ khẩu thường trú ở Tiên Lãng, Hải Phòng, đang tạm trú tại phường 14, quận 5, TP.HCM) vận chuyển 60 triệu đồng tiền polymer giả mệnh giá 100.000 đồng giấu dưới đáy nồi cơm điện.

Ngày 22-4-2005, Nguyễn Văn Hình (1986, quê ở huyện Tràng Định, Lạng Sơn) bị bắt giữ sau khi mang em gái sang bán ở Trung Quốc và mang tiền giả về nước. Hình khai đã hai lần mang tiền giả (16,2 triệu đồng) về VN đánh bạc và tiêu thụ. Nguyễn Văn Hình bị kết án 20 năm tù giam.

* Ông có cho rằng tiền giả đang ngày càng giống với tiền thật hơn?

- Lúc đầu, tiền polymer giả được in trên chất liệu giấy cotton. Nó dày hơn tiền thật, bóp có vết rạn nứt nên khá dễ phát hiện. Nhưng đến nay tiền giả ngày càng thay đổi tinh vi hơn so với những đồng tiền đầu tiên; các điểm yếu về mẫu mã, màu sắc, họa tiết trên đồng tiền polymer giả đã được khắc phục cho gần giống tiền thật. Ngoài việc quan sát bằng mắt thường, khi thu giữ tiền giả, chúng tôi phải cho giám định theo qui trình rồi mới kết luận chính thức.

Tuy nhiên, trong vụ bắt giữ tiền giả gần đây nhất do đồn biên phòng Tân Thanh thực hiện đã xuất hiện tiền polymer giả có mệnh giá 500.000 đồng được in trên chất liệu rất giống với tiền thật. Loại tiền này dai và khó xé như tiền polymer thật. Nếu người không nắm được các đặc điểm của tiền giả và không quan sát kỹ thì rất dễ nhầm lẫn.

* Theo ông, mức độ tiền polymer giả giống tiền thật đến bao nhiêu phần trăm, có thể phân biệt bằng mắt thường không?

- Với loại tiền polymer giả mệnh giá 500.000 đồng được phát hiện do một đối tượng tên Chung Mỹ Linh vận chuyển và bị bắt ngày 4-8 vừa qua thì rất khó phân biệt bằng mắt thường. Nó gần giống như tiền thật nếu không để ý kỹ. Bản thân tôi nếu không làm trong nghề, không có thói quen phân biệt cũng có khi bị nhầm. Khi đưa loại tiền giả này đi đối chiếu, một vị cán bộ ngành ngân hàng đã không phân biệt được tờ tiền giả để lẫn trong tiền thật bằng mắt thường.

* Việc phân biệt giữa tiền giả bằng chất liệu cotton và tiền giả polymer thì loại nào khó?

- Đến thời điểm này thì tiền polymer giả khó phát hiện hơn tiền cotton giả trước đây. Lúc đầu tiền polymer giả là tiền cotton tráng chất liệu polymer nên dày hơn, còn xé được. Bây giờ tiền giả được làm bằng chất liệu polymer, màu sắc, chi tiết tinh xảo hơn nên khó phát hiện nếu không để ý kỹ.

* Qua kinh nghiệm của mình, ông có thể đưa ra khuyến cáo giúp người dân phân biệt tiền giả với tiền thật?

- Về cơ bản, nhìn bằng mắt thường, tờ tiền giả có màu nhạt hơn. Hình Bác Hồ in chìm không rõ nét, bị màu nền của tờ tiền ăn vào 1/3 khuôn mặt. Số mệnh giá (100.000đ, 500.000đ) trên cửa sổ lớn thường không nằm đúng tâm, không rõ nét. Nếu soi qua ngọn lửa (diêm, bật lửa) cửa sổ nhỏ của tiền thật xuất hiện hình bông sen quanh ngọn lửa, tiền giả thì không.

Sờ bằng tay cũng có thể cảm nhận thấy các dòng chữ in trên tờ tiền giả trơn hơn, không có độ nhám của công nghệ in nổi. Khi bị ướt hay ẩm, tờ tiền giả có hiện tượng bị mục, giấy bục. Tuy nhiên với loại tiền giả mệnh giá 500.000 đồng phát hiện gần đây nhất thì có độ dai, khó xé, khó thấm nước như tiền thật, do được in trên giấy có chất liệu tương tự polymer nên những người ít tiếp xúc khó phân biệt.

Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng đến thời điểm này tiền polymer giả chưa thể giống tiền thật hoàn toàn. Trong số tiền giả thu được có hàng trăm tờ trùng số xêri, có nhiều tờ in một mặt còn một mặt trắng. Thật ra làm tiền bằng chất liệu polymer chi phí rất đắt nên khó làm được.

* Khó khăn lớn nhất trong việc chống tiền giả là gì?

- Cái khó là chúng ta chưa làm được ở gốc. Bởi vì việc sản xuất, mua bán tiền giả đều diễn ra bên Trung Quốc. Khi bị bắt ở VN, những người vận chuyển tiền giả thường không thừa nhận là buôn bán mà nói rằng được trả tiền hàng, không biết tiền giả.

Pháp luật qui định người mang tiền giả phải có ý thức chủ quan, nhận biết được tiền mình mang là tiền giả thì mới khép được tội buôn bán, lưu hành tiền giả. Do không bắt được đối tượng đang trực tiếp mua bán tiền giả từ nước bạn nên người mang tiền giả vẫn lấy cớ nhầm lẫn để đối phó.

Phần lớn đối tượng bị bắt giữ khi vận chuyển tiền giả đều là người các tỉnh xa. Có đối tượng ở TP.HCM, Bình Dương cũng ra Lạng Sơn buôn tiền giả về các địa phương tiêu thụ. Phần đông trong số họ từng có tiền án, tiền sự nên rất ranh ma, khai báo quanh co. Có vụ do người Trung Quốc vận chuyển nên công tác đấu tranh cũng khó khăn. Chúng tôi phải phối hợp với công an các tỉnh để mở rộng điều tra mới phát hiện đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả.

Hình thức vận chuyển cũng tinh vi hơn. Nhiều đối tượng vận chuyển tiền giả bằng cách nhét trong quả thanh long, dưa hấu, mướp đắng, đáy nồi cơm điện, chỗ kín trong người… Đa số các vụ bắt được tiền giả đều là thông qua biện pháp điều tra, nghiệp vụ của bộ phận trinh sát chứ không phải thông qua kiểm soát bất kỳ các đối tượng qua lại biên giới.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên