09/07/2006 13:05 GMT+7

Ứng xử ra sao với "China town" ở TP.HCM?

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA

TTCT - Đã tan nát một quần thể kiến trúc phong cách thuộc địa với hơn 40 công trình tuyệt mỹ của TP.HCM, nay chỉ còn lại không gian kiến trúc của Chợ Lớn, lẽ nào chúng ta lại xẻ thịt tiếp khu vực này?

QJa72nk0.jpgPhóng to
Bảo tồn và khôi phục hiện trạng chợ Bình Tây và một phần cảnh quan “trên bến dưới thuyền” trong một đồ án tốt nghiệp ngành kiến trúc
TTCT - Đã tan nát một quần thể kiến trúc phong cách thuộc địa với hơn 40 công trình tuyệt mỹ của TP.HCM, nay chỉ còn lại không gian kiến trúc của Chợ Lớn, lẽ nào chúng ta lại xẻ thịt tiếp khu vực này?

Của tin còn một chút này(Kiều - Nguyễn Du)

Ở các thành phố lớn của châu Âu, Bắc Mỹ và ở cả một số nước châu Á như Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, khu phố của người Hoa (China town) luôn được coi là một đặc sản của văn hóa - du lịch và niềm tự hào không chỉ của người Hoa mà còn của các cộng đồng khác sinh sống trên cùng lãnh thổ.

Cách đây vài chục năm, khi mà quan niệm nhất nguyên văn hóa còn phổ biến thì khu ở của một nhóm người phương xa thường bị coi là “khách trú”, là “ngụ cư”, nhưng từ những năm 1980, quan niệm đa văn hóa đã dần chiếm thế thượng phong với tư tưởng “đa văn hóa là vẻ đẹp và niềm tự hào cho tất cả”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tinh thần này được đưa vào trong chính sách cư trú tạo điều kiện pháp lý cho việc hình thành các khu ở độc lập theo chủng tộc, văn hóa và nguồn gốc xuất cư. Mỹ là một quốc gia có nhiều tiểu khu đa dạng như China town, Mexico town, Indian town, Little Saigon.

Quay trở về với trường hợp của TP.HCM. Trong lịch sử, thành phố này đã hình thành hai trung tâm là Sài Gòn và Chợ Lớn (quận 5 và một phần của quận 6). Nếu Sài Gòn (quận 1, 3 ngày nay) là trung tâm chính trị - hành chính thì Chợ Lớn là trung tâm thương mại. Chợ Lớn được hình thành vào khoảng năm 1789 mà tiền thân là làng Minh Hương.

pbxLjBeJ.jpgPhóng to
Dãy phố trên bến Trần Văn Kiểu, quận 6 đã bị phá hủy

Trải bao phen thăng trầm Chợ Lớn ngày nay đã có rất nhiều thay đổi, kiểu nhà truyền thống bị phá bỏ thay vào là các kiến trúc hiện đại với vật liệu tân kỳ.

Nhưng rất may hạt nhân chính của nó gồm có khu vực xung quanh Bưu điện Chợ Lớn và trục đường Hải Thượng Lãn Ông với những đường xương cá đâm ngang như Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học, Mạc Cửu vẫn còn giữ được khá đậm nét cả một không gian kiến trúc và lối làm ăn, buôn bán, sinh hoạt cộng đồng mang phong cách Trung Hoa.

Quận 5 là nơi có đông người Hoa nhất, dân số toàn quận có 172.000 người thì 60% là người Hoa với nhiều nhóm như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ... Chính vì thế khi đến khu vực này người lạ, nhất là người nước ngoài, rất ấn tượng bởi rất nhiều màu đỏ, chữ Tàu lấp lánh, mùi vị thức ăn thơm ngào ngạt và hàng hóa treo khắp nơi thật vui mắt.

Z4UsuyeO.jpgPhóng to
Phố bán đầu lân và trang phục sân khấu Lương Nhữ Học

Hầu như toàn bộ nhà ở trong khu này là kiểu nhà hình ống phố thị mà người phương Tây gọi là shophouse. Người Hoa đã mang kiểu nhà này từ nam Trung Hoa đến thành phố Sài Gòn vào đầu thế kỷ 18. Đó là kiểu nhà có chiều ngang hẹp 3-4m và chiều dài gấp 4-5 lần chiều ngang, phía ngoài để buôn bán còn phía sau là để ở cùng với một sân trời phía trong.

Người Hoa là tác giả của chợ bán sỉ và kiểu phố chuyên doanh chỉ bán độc một loại mặt hàng gồm các nhà đơn hình ống kế tiếp nhau thành các dãy phố dài, mật độ xây dựng rất cao (có khi đến 80-90%), hầu như không có cây xanh, vỉa hè rất nhỏ và lòng đường hẹp.

Kiểu nhà phố chuyên doanh ở Sài Gòn nổi tiếng đến mức người nước ngoài khi nói về thành phố này thường nhắc hai đặc điểm nổi trội là xe máy và nhà phố chuyên doanh. Cho đến hôm nay việc kinh doanh của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn chủ yếu và hầu hết là tồn tại theo dạng phố chuyên doanh.

Quận 5 có tất cả 77 con đường thì có 40 đường phố hoặc đoạn đường phố được coi là phố chuyên doanh, chiếm tỉ lệ 52%, điều đó có nghĩa cứ hai con đường sẽ có một con đường hay đoạn phố là chuyên doanh, còn toàn thành phố có khoảng 110 phố chuyên doanh thì quận 5 chiếm đến 37%.

Trong các phố chuyên doanh này có những phố cổ rất nổi tiếng được ghi trong các sách hướng dẫn du lịch quốc tế, chẳng hạn phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố đầu lân và trang phục cung đình Lương Nhữ Học, phố cẩm thạch mã não Hàm Tử - An Bình. Đặc biệt có phố chuyên doanh đầu tiên mà người Hoa tạo dựng nên là phố chuyên doanh gạo Trần Chánh Chiếu, từ nơi đây gạo đã được xuất đi hàng chục nước trên thế giới, các con phố này có lịch sử dễ đến hơn 200 năm.

Điều đáng nói nữa là khu vực Chợ Lớn (ở đây chỉ tạm gói vào quận 5) với một diện tích chỉ vẻn vẹn 4,27km2 nhưng mật độ các công trình bảo tồn rất dày đặc với 22 ngôi chùa, ba ngôi đình, tám di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên tổng số 43 di tích toàn thành phố, sáu công trình kiến trúc nghệ thuật được công nhận trên 19 công trình toàn thành phố. Trong số này có những đình chùa nổi tiếng nằm trong các điểm của tour du lịch như đình Minh Hương, miếu Quan Đế, nhà thờ Tổ thợ bạc.

WtDQnMKZ.jpgPhóng to
Phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông
Từ lâu nay đã có khá nhiều ý kiến về việc bảo tồn và tôn tạo China town của thành phố từ các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các kiến nghị của Sở VH-TT và đặc biệt là của ngành du lịch, cũng như bảo tồn và phát triển phố chuyên doanh đồ cổ Lê Công Kiều, quận 1 thành phố đi bộ, nhưng cho đến nay tất cả chỉ là ý tưởng.

Trong khi các công trình xây dựng mới tự phát của người dân, các cao ốc hàng chục tầng đã bắt đầu xây chen và lấn dần từng mảng lớn vào khu lõi của Chợ Lớn. Các nhà đầu tư, các đại gia ráo riết tấn công vào khu vực Chợ Lớn khi mà đất ở trung tâm Sài Gòn đã hết, mà có còn mảnh nào thì giá cũng cao ngất ngưởng.

Công trình đầu tiên phải kể đến là ba khối nhà màu hồng cao 33 tầng của Thuận Kiều Plaza với diện tích mặt bằng 22.000m2 tại 190 Hùng Vương. Công trình tiếp theo là đại lộ xuyên Á đã làm biến mất hoàn toàn dãy phố cổ Trần Văn Kiểu nằm dọc theo kênh Tàu Hủ.

Thời gian tới đây cao ốc trung tâm giao dịch thương mại vải sợi, số 922 Nguyễn Trãi với 35 tầng gần chợ Soái Kình Lâm được thiết kế hình khối hộp cực kỳ hiện đại nằm ngay trong lòng quận 5 sẽ được tiến hành xây dựng, tiếp theo là hai khối nhà 26 tầng ở số 8 Hàm Tử nằm ngay trong hạt nhân khu phố cổ với kiểu thiết kế hai khối chữ nhật cao vút rất hoành tráng. Trong một tương lai không xa những công trình như thế sẽ tiếp tục mọc lên nhiều hơn nữa.

Đã đến lúc xem xét một triết lý phát triển kiến trúc (Philosophi of architec-tural development) lâu dài cho hai khu trung tâm của thành phố không chỉ cho hôm nay mà cho “muôn đời con cháu mai sau”. Việc thảo luận nên hay không nên có công trình này hay công trình kia (như tòa nhà 54 tầng) chỉ là công việc kỹ thuật.

Trong tinh thần như thế, việc bảo tồn và tôn tạo khu China town của Chợ Lớn cần được đặt lên bàn nghị sự của nhân dân càng sớm càng tốt. Chúng ta đã làm mất lòng chảo Sài Gòn với phong cách kiến trúc Pháp rợp cây xanh một cách quá dễ dãi (chiến tranh đã không làm được điều đó) mà chắc chắn không bao giờ phục hồi được cho dù có tiền muôn bạc bể, nay chỉ còn lại khu phố mang phong cách Hoa lẽ nào cũng để như vậy sao!

Trước mắt phải tiến hành kiểm định lại các di sản và di tích văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, sau đó lập các phương án bảo tồn theo tuyến, theo diện hay theo điểm, và tôn tạo theo phong cách nào, bằng cách nào. Việc xây các cao ốc, các chung cư cao tầng là điều đương nhiên, vấn đề là đặt nó ở chỗ nào, kiểu dáng kiến trúc ra sao cho hài hòa với toàn cảnh chứ không phải mỗi cục là một anh khổng lồ ưỡn ngực “ta là biểu tượng của thành phố”. Cùng với việc qui hoạch không gian là việc cân đối về bài toán dân số và hạ tầng kỹ thuật.

Nên nhớ quận 5 hiện nay là nơi có mật độ dân số cao nhất VN, vào khoảng 50.000 người/km2, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất cũ kỹ, hiện nay luôn trong tình trạng quá tải về giao thông, rác thải, cấp và thoát nước, ô nhiễm không khí và thiếu cây xanh trầm trọng, dường như các khoảng không gian trống không còn nữa, mật độ công trình xây dựng đã được nén với mật độ cực kỳ cao. Do vậy bất cứ công trình nào làm gia tăng thêm dân số phải được tính toán thật cẩn trọng, nếu không muốn lặp lại sai lầm đã diễn ra ở trung tâm Sài Gòn.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Phố chuyên doanh”, gặp gỡ người dân ở đây, ai cũng tỏ thái độ đồng tình chỉ cần Nhà nước cho chủ trương, ý tưởng thiết kế, còn tự họ sẽ thực hiện, bởi vì làm đẹp thêm thành phố mà thuận lợi cho làm ăn thì chả ai từ chối bao giờ.

Nếu chúng ta không tích cực (dù đã muộn) thì rồi lại như trường hợp phố cổ Hà Nội, dễ có đến hàng trăm cuộc họp, vài chục cuộc hội thảo mà dân thì cứ mang chậu ra hứng nước mưa trên trời, tát nước ngập dưới chân và lo sợ nhà sụp. Tại hội thảo “Văn hóa truyền thống trong phát triển đô thị” tổ chức tại TP.HCM, GS Hoàng Đạo Kính tỏ ý tiếc là TP.HCM quá chậm trong công tác kiểm định di sản văn hóa kiến trúc và đề ra phương án hợp lý, trong khi Huế, Đà Lạt đã làm xong từ vài năm trước đây.

Khi còn nghèo người ta muốn giàu nhanh, mà phàm đi quá nhanh thì dễ bỏ qua nhiều thứ, nhưng khi giàu rồi mới thấy tiếc những thứ bỏ quên ngày hôm qua không còn nữa.

Trên nền tảng hiện hữu của khu phố cổ của các phường 10, 11, kết hợp với những trung tâm thương mại - dịch vụ và văn hóa của các phường 7, 9, 12, 13, 14, 15 (tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng), hướng tới xây dựng một khu phố liên hoàn vừa bảo tồn khu phố cổ, vừa kết hợp phát triển thương mại dịch vụ với các loại hình văn hóa truyền thống gắn kết với các di tích lịch sử văn hóa...

Ngoài việc phục vụ du lịch, đề án còn nhằm đáp ứng các nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí, ăn uống, khám và chữa bệnh theo y học cổ truyền. Trên cơ sở đó, khu vực từ số 41-67 Hải Thượng Lãn Ông (còn giữ dáng vẻ của khu phố cổ và là một trong những khu phố trung tâm khu vực Chợ Lớn), buôn bán dược liệu, dược phẩm... được chọn cho việc bảo tồn và chỉnh trang.

Một vài căn hộ thuộc phường 10, 11 cũng sẽ được chọn để khôi phục kiến trúc xưa gắn với sinh hoạt đời sống để làm điểm dừng du lịch (kết hợp uống trà, mua hàng lưu niệm, quay phim, chụp hình với trang phục cổ...) và sinh hoạt văn hóa dân gian... Khu phố đi bộ dự kiến sẽ được hình thành trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn Châu Văn Liêm - Học Lạc) hoặc Triệu Quang Phục (đoạn Nguyễn Trãi - Hải Thượng Lãn Ông)...

(Đề án chương trình phát triển dịch vụ du lịch quận 5 (2001 - 2005) của UBND quận 5)

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên