16/06/2006 14:19 GMT+7

Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm

  NHÓM PV TTO
  NHÓM PV TTO

TTO - Thay cho trả lời chất vấn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biếu nhìn lại chín năm đứng đầu Chính phủ với những kết quả đạt được và cả những điều day dứt. Trước Quốc hội, ông đã chính thức xin từ nhiệm sớm một năm so với nhiệm kỳ, và "mong người kế nhiệm sẽ rút được bài học từ cái được và cái yếu của tôi"...

Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm

QJNxysmP.jpgPhóng to

Thủ tướng Phan Văn Khải trước Quốc hội chiều 16-6

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy tuy chỉ nhận được ba câu hỏi nhưng có một vấn đề hứa hẹn sôi động nghị trường: những vụ việc nghiêm trọng tại Nhà máy In tiền quốc gia do ông Trần Bình Phương - người tự xưng là cán bộ ngân hàng đã nghỉ hưu - tố cáo là đúng hay sai? Nếu toàn bộ nội dung tố cáo là vu khống, tại sao ông Phương không bị xử lý theo pháp luật? Nếu có phần sự thật thì thống đốc đã xử lý thế nào?

Thủ tướng nhận được hơn mười chất vấn (chưa kể chất vấn dành cho Chính phủ) xoáy sâu vào vấn đề: trước hàng loạt vụ việc sai phạm, tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng như vừa qua, trách nhiệm của Thủ tướng thế nào, Thủ tướng báo cáo giải trình ra sao trước QH, trước nhân dân?

Chuyện tiền tệ với Thống đốc Ngân hàng

* ĐB Neáng Kim Cheng (An Giang)mở đầu phiên chất vấn : Nước ta có tệ nạn rửa tiền hay không? Có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý: Tôi xin khẳng định nạn rửa tiền là tệ nạn phổ biến trên thế giới. Do khuôn khổ pháp lý và biện pháp phòng ngừa còn nhiều kẽ hở nên có thể khẳng định ở nước ta cũng có hiện tượng rửa tiền. Mức độ thế nào thì chưa xác định rõ nhưng chắc chắn là có, nhất là qua một số vụ việc vừa phát hiện.

Thống đốc Lê Đức Thuý cũng cho biết thêm là chúng ta chưa có luật phòng và chống rửa tiền, chỉ có một vài điều luật qui định trong Luật Hình sự. Hiện một số dự án vay vốn của ADB đòi hỏi phải có luật phòng và chống rửa tiền.

Năm 2005, chúng ta đã ban hành NĐ phòng chống rửa tiền với những quy định về những khoản tiền được chuyển đi... Tuy nhiên, NĐ này còn cho phép lượng tiền luân chuyển quá rộng, như quy định nếu gửi tiền tiết kiệm thì 30.000 USD hoặc 500 triệu đồng trở lên phải có báo cáo. Nhiều người thắc mắc tại sao VN có mức thu nhập thấp nhưng lại qui định mức cao như thế, trong khi ở nước ngoài chỉ 10.000 USD là đã phải báo cáo...

Đấy là khuôn khổ luật pháp đưa ra năm 2005. Sắp tới sẽ có những dự luật mới liên quan đến vấn đề này.

* ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang): Việc chuyển từ tiền cotton sang tiền polymer có đạt được chất lượng không? Tính ưu việt và mục tiêu đề ra có đạt được không trong khi trên thế giới các nước ít sử dụng loại tiền này. Có thông tin rằng ngân hàng nhà nước đang bị thất thoát, có không? Nợ xấu của ngân hàng thương mại mỗi nơi một khác, đúng hay sai? Chi phí in tiền polymer khá cao? Ông Lê Đức Minh, con ông Lê Đức Thúy, là phó giám đốc một công ty in tiền thì có thể gọi là công ty gia đình không?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý: đã có nhiều cơ quan đề nghị xem lại hiệu quả của việc sử dụng hai loại tiền cotton và tiền polymer. Tiền cotton hiện bị làm giả quá lớn, mức độ làm giả khá nghiêm trọng, và nhiều vấn đề về cơ cấu, mệnh giá, kích cỡ khiến ngân hàng nhà nước phải đưa ra đồng tiền mệnh giá cao hơn, độ làm giả khó hơn, bền hơn với chi phí hợp lý.

Ngân hàng nhà nước đã nghiên cứu việc này từ 1995 và trình Chính phủ, sau ba lần họp rồi mới trình Trung ương Đảng. Theo kinh nghiệm của các nước Úc, New Zealand cho thấy tiền polymer khó làm giả, bền hơn, chi phí rẻ hơn. Bên cạnh đó đồng tiền này có một số nhược điểm như không chịu được nhiệt độ cao, dễ bị dính cặp vào nhau, chi phí in tiền theo dự án về giấy in và chống làm giả lớn gấp đôi chi phí làm tiền cotton... Nhưng xét về độ bền gấp 2, 3 lần trở lên, như vậy chi phí là hợp lý. Các thiết bị in tiền cotton đều có thể sử dụng để in tiền polymer nhưng phải nhập thêm máy phủ verni để tăng độ bền, như vậy chi phí đầu tư ban đầu là không lớn.

Chính phủ đã họp với Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban tài chính trung ương, Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về đề án này. Sau đó, Thủ tướng chính phủ đã có thông báo đến các cấp có trách nhiệm khẳng định: đề án bộ tiền mới được chuẩn bị tốt, được phê duyệt đúng đắn và có hiệu quả. Một số ý kiến xung quanh vấn đề này là do thông tin không đầy đủ.

Thông tin không đúng đắn cho rằng ta chọn một công ty của Úc cung cấp giấy in tiền dễ bị độc quyền về giá. Việc này có thể giải thích là công ty này là công ty duy nhất sản xuất loại chất liệu này. Hiện nay có khoảng 25 nước sử dụng loại giấy này, trong đó có Rumania. Công ty sản xuất này có 50% vốn là của ngân hàng trung ương Úc. Chúng ta đã ký hợp đồng dài hạn với công ty này và dự kiến sẽ tiếp tục lâu dài.

Về những đồn đại về con tôi. Tôi xin khẳng định là con tôi chưa hề có một động thái nào môi giới, tiếp xúc trong việc in ấn tiền polymer. Tôi xin cam đoan trước Quốc hội như vậy.

* ĐB Lê Quốc Dung (Thái Binh): Thống đốc nói về chất lượng đồng tiền về lý thuyết thì đúng nhưng về thực tế thì đồng tiền vừa vào lưu thông đã có tiền giả, công nghệ bảo mật làm hình nổi rất dễ, chất lượng tiền xu rất kém. Có khi kém nhấttừ trước tới nay. Thống đốc có thể cho thêm ý kiến về vấn đề này? Chi phí in tiền tăng cao trong năm qua, hiện nay Quốc hội vẫn đề nghị ngân hàng giảm chi tiêu tiền mặt, đề nghị thống đốc cho biết trách nhiệm ngành ngân hàng và biện pháp xử lý thế nào?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý: Chất lượng đồng tiền polymer thì người dùng có thể tự đánh giá được. Có thông tin đồng tiền này khi dính nứơc thì bị nhòe mực, tôi đã làm thí nghiệm cho Tổng bí thư xem, nếu dấp nước chà xát thì những hình nổi đều bị phai mực kể cả đồng đôla Mỹ. Sau 1 năm lưu hành, tiền polymer có tiền giả là tất yếu.

Ta phải thấy, tiền Euro vừa in ra cũng đã có tiền giả, đồng đôla Mỹ nhiều màu sau 8 tháng in ra cũng đã có tiền giả. Căn cứ vào tiền giả để nói tiền của ta kém thì không đúng. Nếu đánh giá tiền kim loại chất lượng kém so với mọi thời đại đề nghị xem lại, vì chỉ có tiền 1000 và 2000 chất lượng kém hơn do chóng xỉn màu, trước đây kinh nghiệm của ta khi in tiền kim loại là không có. Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc việc này và đang trình Chính phủ các biện pháp khắc phục

Về việc tiền dùng để in tiền tăng lên, chúng tôi đã xem xét: từ năm 2000 đến 2001 chúng ta triển khai chuẩn bị thay tiền nên không in thêm tiền cotton, nên chi phí in tiền giảm, chỉ chiếm 48 tỉ. Từ 2002 bắt đầu triển khai in tiền mới, thu hồi tiền cũ do vậy chi phí phải cao. Khi in đủ cơ số tiền này thì chi phí nhất quyết sẽ giảm.

Đúng là ta còn dùng nhiều tiền mặt, chúng tôi đang phấn đấu để tổng thanh toán đến 2010 sẽ giảm còn 18% đến 2015 thì giảm còn 15%, còn tổng phương tiện thanh toán sẽ tăng lên.

* ĐB Đặng Văn Thanh chất vấn về hoạt động ngân hàng. Theo ĐB Thanh, một thực trạng là các ngân hàng không trích đủ khoản dự phòng rủi ro. Vậy có cách nào xử lý? Và khi nào xử lý nghiêm những trường hợp này?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý: cho biết đúng là tổ chức tín dụng chưa trích đủ dự phòng rủi ro như quy định. Từ năm 1998 chưa hề trích đủ dự phòng rủi ro, đến năm 2003 nâng tỷ lệ trích quỹ dự phòng rủi ro tăng lên 0,75%. Ông Thuý khẳng định là các ngân hàng thương mại cổ phần đã được trích lập đủ và thừa cho nên năng lực của họ đủ. Trong khi đó, ngân hàng nhà nước cho vay nhiều, bảo trợ nhiều dự án cho nên khoản trích lập rủi ro chưa đủ. Về biện pháp: tăng vốn, tăng trích khoản dự phòng rủi ro. Trong vòng 3 năm nữa thì sẽ đủ quỹ dự phòng rủi ro.

Trả lời chất vấn của ĐB Thanh về tình hình thất thoát kinh doanh ngoại tệ ở ngân hàng, Thống đốc Lê Đức Thuý khẳng định hoạt động ngân hàng có nhiều rủi ro... Dù đầu tư ngoại tệ có thất thoát, có lãng phí, có cán bộ hư hỏng nhưng chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận chứ không ảnh hưởng đến vốn, đến khả năng thanh toán của ngân hàng.

Về nguyên nhân thì có thể là do ngoại hối, nghiệp vụ, hối lộ… Nhưng nếu phát hiện ra tiêu cực thì phải xử lý nghiêm. Về trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng NN dù không trực tiếp gây ra nhưng là người đứng đầu cho nên tôi sẵn sàng chấp nhận xử lý của các cấp.

* Trăn trở về hoạt động ngân hàng hậu WTO, ĐB Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) hỏi Thống đốc Ngân hàng về thực trạng của ngân hàng của chúng ta thời hậu hội nhập.

Theo Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thuý thì gia nhập WTO thì hệ thống ngân hàng đứng trước nhiều thách thức, tuy nhiên, huy động tín dụng chưa phải là thách thức. Ông Thuý cũng cho rằng phải thực hiện một cơ cấu toàn diện theo chuẩn mực quốc tế mới nâng được vốn lên.

ĐB Thanh cũng chất vấn về thời cơ của dệt may thời hậu gia nhập WTO. Theo ĐB Thanh, gia nhập WTO là thời cơ của ngành dệt may nhưng lại mất đi hiệu lực 55 của Thủ tướng Chính phủ.

Về thời cơ của ngành dệt may thời gia nhập WTO, thống đốc Lê Đức Thúy khẳng định ngân hàng không trực tiếp cho vay mà chỉ đưa ra khuôn khổ để các tổ chức tín dụng cho vay. Ông cũng khuyến khích nên tìm đến các doanh nghiệp có nhu cầu cho vay vốn, đưa ra những dự án làm ăn có hiệu quả để cùng bắt tay hợp tác.

Phát biểu cuối cùng của Thủ tướng trước Quốc hội

Thủ tướng Phan Văn Khải xuất hiện trước Quốc hội với vẻ thoải mái trong chiếc sơmi trắng. Ông cho biết đã nhận được 14 câu hỏi chất vấn. "Tuy nhiên, phần lớn các câu hỏi nhằm các vấn đề cụ thể, thuộc chức năng của các Bộ, tôi đã chuyển cho các Bộ trưởng trả lời. Có lẽ các đại biểu chưa thoả mãn với trả lời của các thành viên Chính phủ. Nhưng tôi đề nghị việc chất vấn và trả lời chất vấn không nên giới hạn trong các buổi họp Quốc hội, mà nên làm thường xuyên hơn, bằng nhiều hình thức hơn ở mọi lúc, mọi nơi để đáp ứng kịp thời với các vấn đề trong cuộc sống".

Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết ông sẽ không trả lời chất vấn, mà chỉ trình bày những vấn đề chung, "không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay mà cả từ trải nghiệm cá nhân trong 15 năm năm làm công tác điều hành Chính phủ (từ khi làm Phó Thủ tướng)". Thủ tướng nói thêm đây có thể là lần cuối cùng ông phát biểu trước Quốc hội.

Bên cạnh việc nhắc đến một cách xúc động những thành tựu của đất nước trong mấy năm qua có sự góp sức của bản thân mình, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhắc nhiều đến những cái chưa tốt, chưa được. Ông cho biết đã nhận thức rất rõ những yếu kém của bộ máy công quyền. Bộ máy hành chính thiếu chuyên nghiệp, chưa phân định rõ chức năng hành chính và thực hành pháp luật.

Thủ tướng trầm giọng "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Trước những việc như vậy, có phần trách nhiệm của các Bộ có trách nhiệm, của Chính phủ, của cá nhân tôi là người đứng đầu. Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân".

Thủ tướng cam kết sẽ xử lý nghiêm các vụ tiêu cực đã được phát hiện và xác định: cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này phải dựa vào dân. việc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng phải dựa vào dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên tích cực đổi mới tư duy về quản lý hành chính, nghiên cứu và thực hiện triệt để hơn nữa việc phân cấp chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, xây dựng hành lang pháp lý... để Thủ tướng và các Phó Thủ tướng không bị ngập vào các vụ việc cụ thể, có điều kiện dành thời gian và tâm sức cho các chiến lược lâu dài.

Cuối cùng, Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự: "Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới.

Khi nhận chức nhiệm kỳ 2, tôi đã tâm niệm sẽ học tập các bậc đàn anh để tận tâm, tận sức cống hiến cho đất nước. Nay tuổi đã cao, nhân ĐH Đảng khóa X tôi đã xin phép thôi tiếp tục ý nguyện đó, xin được từ nhiệm sớm một năm so với nhiệm kỳ.

Tôi luôn ghi nhớ sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư; sự trợ giúp của tất cả các thành viên Chính phủ... Trong những kết quả của tôi đã đạt được, có sự chung sức của tất cả mọi người, của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước".

Thủ tướng Phan Văn Khải cám ơn Quốc hội đã tạo điều kiện cho ông phát biểu, cám ơn sự chú ý của đồng bào cả nước. Ông đi xuống và cười rất sảng khoái.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Thủ tướng đã cắt bớt qui trình để phát biểu từ nhiệm.

---------------------------------------------------------

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tổng kết kỳ họp: Gần 3 ngày qua, QH đã chất vấn 13 vị Bộ trưởng và Thủ tướng phát biểu. Nhìn chung, tinh thần các phiên chất vấn khá thẳng thắn và sôi nổi. Các ĐB thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri, đất nước, đặt ra các câu hỏi mà dư luận đang quan tâm. Qua chất vấn và trả lời, nhiều vấn đề đã được làm rõ.

Đề nghị các ĐB cũng như Bộ trưởng nên nghiên cứu kỹ các vấn đề để nâng cao hơn nữa chất lượng chất vấn và trả lời. Chúng ta cũng cần tăng cường chất vấn vào thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội còn tại kỳ họp này chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề chung. Cách minh hoạ vấn đề bằng chứng liệu cụ thể như ĐB Đặng Văn Khoa ở HĐND TP.HCM là rất đáng hoan nghênh.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn thấy có một số vấn đề cần lưu ý: thường những vấn đề nổi cộm nảy sinh thường tập trung ở công tác cán bộ, bộ máy, tập trung ở 2 chữ Đức- Tài; công tác tham mưu của Bộ ngành cho chính phủ. Sự phối kết giữa các Bộ để tham mưu cho Chính phủ là khâu yếu nhất.

Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành khắc phục các sự việc theo các giải pháp đã nêu, không ngừng hoàn thiện bộ máy lập pháp, hành pháp tư pháp.

Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X đến đây là kết thúc.

  NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên