Sự kiện 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử: Trách nhiệm ở ai?
Phóng to |
Các bạn HS lớp 7B đến thắp hương cho những người bạn xấu số - Ảnh: Tuấn Phùng |
Đã mấy ngày trôi qua sau cái chết đau thương của năm nữ sinh lớp 7B Trường THCS Phượng Hoàng (xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương) dùng khăn quàng đỏ cột tay trầm mình xuống sông tự tử, nhưng người dân nơi vùng quê yên bình này vẫn chưa hết thảng thốt.
Bạn bè ngơ ngác, thầy cô bàng hoàng, người thân vật vã đớn đau. Điều gì đã khiến năm nữ sinh này phải tìm đến cái chết bi thương như thế?
“Sáng nay, lúc ngồi chỉnh sửa lại tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường tôi đã không cầm được nước mắt. Trong năm em thì bốn em có học lực loại khá, một em loại giỏi” - thầy Nguyễn Công Hồi, hiệu trưởng Trường THCS Phượng Hoàng, đưa cho chúng tôi xem năm tờ giấy khen đã đề tên N.H.H. (học sinh giỏi), N.T.T., P.T.H., B.T.N., B.T.T. (đều là học sinh khá).
Thầy Hồi cho biết thêm một ngày trước khi rủ nhau tự tử, cả nhóm học trò này còn vui vẻ ở lại sau buổi học giúp thầy ghi danh sách những học sinh lớp 9 đăng ký học ôn thi vào lớp 10.
Thế mà tối 24-5, cả xã Phượng Hoàng bỗng nhốn nháo khi một nhân viên trạm bơm Ba Lữ (cách trường 1km) trong lúc đi tuần đã phát hiện hai chiếc xe đạp, năm đôi dép, năm cái cặp học trò bỏ lại bờ sông.
Sự việc được báo công an xã cùng lúc gia đình của năm em đổ xô đi tìm kiếm khi thấy con mình không trở về sau buổi học. Công an xã, công an huyện được tăng cường vào cuộc tìm kiếm tung tích các em nhưng không phát hiện được gì ngoài những tờ giấy viết nguệch ngoạc bằng nét chữ học trò mang nội dung vĩnh biệt bạn bè, thầy cô.
Dòng chữ của P.T.H. ghi: “Mãi xa tập thể 7B. Chắc buổi học hôm nay là buổi học cuối cùng của tôi vì ngày mai tôi đã bồng bềnh trên mặt nước”.
Đặc biệt một tờ giấy ghi lại lý do ám ảnh lòng người: “Hôm nay là ngày cuối cùng, năm chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi là những đứa con bất hiếu nhưng chúng tôi cũng khổ lắm. Đứa một: do nhà hai con gái nên bị mắng nhục lắm. Đứa hai: nhà năm em gái nên cũng bị mắng nhiều lắm. Đứa ba, bốn: do cha mẹ bắt ép quá mức nên cũng phải chịu. Đứa năm: do bố mẹ mắng nhiều quá”.
Hai ngày sau, những người tìm kiếm mới phát hiện thi thể của năm em nổi giữa sông Thái Bình (còn gọi là sông Hương) trong tình trạng cột chặt tay vào nhau bằng khăn quàng đỏ.
Chiều 27-5, cả lớp 7B cùng thầy chủ nhiệm Phạm Hữu Toản lần lượt đến thắp hương cho năm người bạn xấu số. Trong ánh mắt nhiều em vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng khi nhìn ảnh bạn bè mình giữa bàn thờ khói hương nghi ngút.
Bần thần như người vô hồn trước nỗi đau mất hai đứa con gái sinh đôi, ông Bùi Hữu Lâm (bố của B.T.N., B.T.T.) vẫn không hiểu vì sao mình mất cùng lúc hai đứa con. Còn bà Nguyễn Thị Toan ngất lên ngất xuống từ hôm mất con nên luôn phải có người chăm sóc.
“Mấy ngày trước khi xảy ra sự việc tôi thấy cháu nó có tác phong chậm chạp nên cũng trách mắng, bảo nó làm phải nhanh nhẹn lên. Không ai ngờ sự việc lại xảy ra như vậy” - người bố của N.H.H. vẫn không tin con mình tự tử vì lý do đó. Bởi H. sinh ra trong một gia đình có bố là công chức, mẹ là giáo viên trong trường nên cuộc sống không đến nỗi quá khó khăn. Bản thân H. là học sinh giỏi nên không có chuyện gì đáng để rầy la. Bình thường H. còn viết truyện cười gửi báo, viết thư dự thi chương trình Me xanh.
Theo thông tin chúng tôi có được, trước khi chết vài ngày năm học sinh này cùng ba bạn khác trong lớp lập một nhóm gọi là “Tám Lệ” rồi cắt máu ăn thề viết tên bằng máu lên khăn tay.
P.T.T., một thành viên trong nhóm, cho biết em thấy các bạn ấy lập nhóm thì lập chứ không hiểu sao lại gọi là nhóm Tám Lệ. P.T.T. nói mà như chưa tin cái chết của năm người bạn mình: “Các bạn ấy có bị bố mẹ mắng mỏ gì đâu, bạn H. còn được chiều là khác. Trước đó các bạn ấy có nói ở lớp là “buổi học cuối, “lần cuối cùng” nhưng không ai biết các bạn ấy tự tử...”.
Lần đầu tiên một đám tang tập thể được tổ chức giữa sân vận động xã trong sự đau xót khôn nguôi của những người còn sống. Năm cái chết trẻ vì những lý do không đâu ấy có lẽ sẽ còn ám ảnh người dân nơi đây rất lâu nữa...
TS Huỳnh Văn sơn: Cần lắm nhà tham vấn học đường Các em đã quá bơ vơ và cô độc. Chỉ vỏn vẹn có những người bạn cùng tuổi chưa đủ sức để định hướng, trò chuyện và chia sẻ một cách đúng nghĩa, các em cần lắm những người tư vấn thật sự. Họ ở đâu khi học đường chưa có? Các em sẽ biết đi đâu về đâu khi chưa có được những thông tin và những thói quen được tham vấn, sẻ chia? Chưa có một biên chế cho nhà tham vấn học đường, chưa có những chương trình tham vấn được tổ chức chuyên biệt cho học sinh THCS thì trước sự công phá của stress và trầm uất, làm sao các em có thể chế ngự hay vượt qua? * Bác sĩ Nguyễn Lệ Bình: Phải tạo điểm tựa cho tuổi dậy thì Ở tuổi dậy thì (12 đến 18, 19), tuổi đang phát triển rất nhanh về thể chất, sinh lý nên dễ có những xáo trộn lớn về tâm lý. Ở tuổi này trẻ muốn khẳng định mình, muốn chứng minh mình là người lớn nhưng lại gặp khó khăn là không thể độc lập, tự nuôi sống bản thân mình, phải chịu đựng sự lệ thuộc vào cha mẹ, nhất là cha mẹ lại không hiểu mình, thường xuyên kết tội mình! Ở tuổi này trẻ cũng không đủ khôn ngoan, hiểu biết, kinh nghiệm để lý giải mọi vấn đề của mình và của gia đình. Do đó trẻ thường hay phản ứng, trở nên khó bảo, chống đối cha mẹ, hay thu mình trong gia đình. Ngược lại hay nghe theo lời bạn bè cùng trang lứa, nhất là những người cùng hoàn cảnh bị cha mẹ la mắng, hay bắt ép (học nhiều, đạt thành tích tốt hơn...). Cũng có thể có phản ứng khác như bỏ nhà đi bụi, nếu trẻ có một chút niềm tin rằng mình có thể tự nuôi sống mình được. Với con cái ở lứa tuổi dậy thì, cha mẹ thường phải chịu đựng và thiết lập càng sớm càng tốt sự tôn trọng con cái, tạo điểm tựa tin cậy, được lắng nghe nên dễ dàng giãi bày. Tất nhiên, sự tôn trọng khác sự nghe theo hay nô lệ con cái. * Th.S Nguyễn Thị Bích Hồng (khoa tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Nếu được người lớn chia sẻ... Tâm lý của lứa tuổi HS THCS rất phức tạp. Các em đã tự nhận thấy mình là người lớn, các em muốn được tôn trọng, được xem là người có giá trị... Nếu phụ huynh cư xử không khéo léo, hay la rầy, mắng chửi, áp đặt... các em sẽ cảm thấy rất khó chịu và bị tổn thương nhiều. Ở đây, sự bức xúc lại được cộng hưởng thêm và dễ dẫn đến bế tắc. Nếu như sự bức xúc ấy được đem chia sẻ với người lớn, các em được người lớn giải thích thấu đáo thì sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc. Lứa tuổi HS THCS chơi theo băng, nhóm là rất đặc trưng. Các em dễ bị kích động, bị lôi kéo và dễ có những hành động cực đoan, dại dột. Phụ huynh nên quan tâm hơn đến con cái, hãy thận trọng hơn trong lời nói và cách cư xử của mình, đừng quá lời với con làm cho con có những hiểu lầm tai hại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận