Phóng to |
Ảnh: Việt Dũng |
* Thưa ông, phải hiểu khái niệm XHDS như thế nào?
- Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy XHDS đã tồn tại ở VN từ rất lâu. Nói nôm na, đó là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung.
Bắt đầu từ năm 2005, với sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), lần đầu tiên tại VN, vấn đề xã hội dân sự đã được VIDS tiến hành nghiên cứu và vừa báo cáo đánh giá ban đầu. |
Theo quan niệm đó thì ở VN Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... Mặt khác có thể coi XHDS là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. XHDS hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận thì XHDS vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.
* Hiện nay, XHDS tại VN hoạt động như thế nào?
- Chúng tôi đánh giá các chỉ số XHDS dưới dạng một hình thoi với bốn đỉnh phản ánh gồm: cấu trúc XHDS, môi trường để XHDS hoạt động, các giá trị trong XHDS và tác động của XHDS tới xã hội chung.
Theo kết quả nhận dạng ban đầu, XHDS tại VN có cấu trúc rất rộng nhưng không sâu, tức là người dân thường là thành viên một tổ chức nào đó (phụ nữ, thanh niên, hội nghề nghiệp...) của XHDS nhưng tính tự nguyện còn thấp. Trong khi đó, môi trường để XHDS hoạt động đã được thúc đẩy trên văn bản, nhưng trên thực tế yếu tố khích lệ phát huy sự tham gia của XHDS trong công cuộc phát triển còn yếu. Điều này khiến tác động của XHDS đến xã hội còn yếu tuy các giá trị XHDS được đánh giá là ở mức độ tương đối cao. Đánh giá bốn lĩnh vực trên ở VN, các chuyên gia cho điểm chung ở mức trung bình thấp.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng không có nước nào đạt điểm tối đa cho bốn lĩnh vực nói trên. Một nước mạnh thể chế pháp lý, công nghiệp hóa, chưa chắc đã mạnh về XHDS. Trong số 50 quốc gia được khảo sát, XHDS ở VN nằm ở loại trung bình. Những nước có XHDS phát triển mạnh là những nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan. Đây là những quốc gia phát triển bền vững tốt, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề về xã hội, bảo vệ môi trường và sự tham gia tích cực của người dân trong công cuộc phát triển quốc gia.
Điểm giống nhau cơ bản của XHDS ở VN so với các nước là đều gồm các tổ chức liên kết trong dân. Điểm khác nhau là các tổ chức liên kết trong dân ở VN do truyền thống nhiều năm chống ngoại xâm nên mang màu sắc đoàn thể cách mạng, được hỗ trợ một cách đặc biệt từ phía chính quyền nên nếu những chính sách của chính quyền có sai sót (điển hình là căn bệnh tham nhũng) thì các tổ chức XHDS rất khó nói. Ngoài ra, người dân chưa quen với việc đòi hỏi chính quyền phải giải trình.
* Vì sao lâu nay XHDS được coi là vấn đề nhạy cảm, không được bàn ở VN?
- Lý do là tại một số nước có hiện tượng khai thác mặt đối lập với chính quyền của XHDS để tạo ra những xu thế mất ổn định. Từ đây có người cho rằng nếu nghiên cứu, phổ biến XHDS tại VN thì sẽ tiến tới khai thác mặt đối lập với chính quyền. Nên hiểu rằng XHDS có nhiều mặt và chúng ta cần nghiên cứu xem mặt tiêu cực, tích cực của nó là gì. Ngay cả người dân cũng hiểu biết rất ít về XHDS. Chính vì vậy càng phải nghiên cứu, hiểu rõ vai trò, tác động của XHDS, trước hết là cộng đồng nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý.
* Có ý kiến cho rằng VN không có XHDS và điểm đánh giá cho bốn lĩnh vực của XHDS là thấp, thấp nhất là sự tác động của XHDS vào xã hội nói chung?
- Đúng là tác động của XHDS vào xã hội còn thấp. Đối với việc tác động của XHDS vào qui trình dự toán ngân sách quốc gia nhóm nghiên cứu chỉ chấm 0,1 điểm. Điều đó chứng tỏ hoạt động của XHDS ở VN còn rất hạn chế và không có ảnh hưởng rõ rệt nào. Người dân (các tổ chức của dân) rất ít được tham gia các quá trình ra quyết định, như lập ngân sách, vay ODA... Hoặc trong chỉ số XHDS tác động tới việc giải trình của Chính phủ, điểm số đạt được chỉ là 0,6. Trên thực tế, hầu hết các công trình xây dựng qui mô lớn (hàng nghìn dân phải di dời, thay đổi lớn về xã hội, văn hóa), các tổ chức XHDS cũng chưa phát huy được sự tham gia của mình.
Một lý do khác để một số người còn cho rằng VN chưa có XHDS (đích thực) là các tổ chức đoàn thể, nhất là ở cấp trung ương còn gắn nhiều với Nhà nước, chưa mang tính độc lập trong khía cạnh phản ánh nguyện vọng của người dân. Ví dụ trong Quốc hội, đại biểu Quốc hội lẽ ra phải là đại biểu dân cử (mang nhiều tính chất của XHDS) nhưng lại là bộ trưởng, lại là chủ tịch tỉnh (tính chất Nhà nước). Tất nhiên VN đang trong thời kỳ chuyển đổi, các tổ chức đoàn thể (các tổ chức XHDS) xuất phát từ thời kỳ cách mạng nên có nhiều sự ràng buộc với chính quyền. Còn tác động của XHDS tới xã hội là có.
Như thế, có thể khẳng định ở VN đã tồn tại XHDS. Ở VN có những khẩu hiệu thể hiện chủ trương khích lệ sự tham gia của XHDS, như “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” hay như nghị định về dân chủ cơ sở.
* XHDS chưa tác động mạnh vào xã hội, cụ thể là không buộc Chính phủ phải giải trình được nên tệ nạn tham nhũng có cơ hội hoành hành?
- Không thể phủ nhận vai trò của XHDS trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Nếu XHDS được trao quyền tốt hơn, được thúc đẩy tốt hơn thì sẽ đóng góp vào việc giảm tham nhũng. Do đó, phải làm sao để XHDS có quyền được tìm hiểu, được đòi hỏi chính quyền phải giải trình. Nếu Quốc hội hoạt động mạnh, các tổ chức quần chúng hoạt động mạnh sẽ tác động lên hội đồng nhân dân các cấp, và đó chính là áp lực để Chính phủ phải giải trình trong những trường hợp quan chức chính quyền bị nghi ngờ có tham nhũng.
* Chính vì luôn lo sợ XHDS đòi hỏi quyền lợi nên có những người không muốn XHDS tồn tại ở VN?
- Đúng là có cách suy nghĩ đó nhưng là vì hiểu nhầm, hiểu phiến diện thôi. Họ cho rằng hoạt động của XHDS là “rách việc”, là chống đối. Họ sợ rằng khi có XHDS thì chính quyền sẽ bị phản đối khi muốn quyết định một vấn đề nào đó. Tức là họ nghĩ XHDS sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng giảm đi, XHDS không muốn chấp hành luật lệ. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thiểu số. Tất nhiên, những kẻ tham nhũng rất sợ XHDS. Thực chất vai trò cuối cùng của XHDS, cũng như của bất cứ chính quyền vì dân vì nước nào, là phát triển đất nước bền vững. Tiếng nói của một người dân có thể sai nhưng số đông người dân lên tiếng thì chính quyền cần lắng nghe và hiệu chỉnh.
* Nhưng rõ ràng thời gian qua chúng ta chủ ý không tạo môi trường cho XHDS phát triển?
- Việc chúng ta ít tạo môi trường cho XHDS phát triển có nhiều lý do, có thể do nguồn gốc lịch sử, chính quyền cho rằng với các đoàn thể hiện nay là đủ rồi. Rồi chính quyền làm luôn đại biểu của nhân dân. Điển hình cho việc ít tạo môi trường cho XHDS phát triển là việc chín năm rồi chúng ta chưa ra được luật về hội. Bây giờ vẫn còn đang tranh luận xem quyền lập hội đến đâu, có phụ thuộc vào bộ chủ quản hay không... Tóm lại, tôi cho rằng không nên cực đoan hiểu XHDS là đối lập với chính quyền, hoặc chính quyền có thể bao trùm hết mọi việc của người dân cho nên không cần XHDS. Có thể nói XHDS và chính quyền là bổ sung cho nhau.
* Thưa ông, khi triển khai nghiên cứu vấn đề này, VIDS có gặp phải sự phản đối nào không?
- Năm 2002 CIVICUS vào VN phối hợp cùng UNDP tìm đối tác nghiên cứu về XHDS nhưng sau gần hai năm vẫn không có đơn vị nào nhận, bởi lúc đó khái niệm XHDS được xem là nhạy cảm. Sau đó VIDS thành lập và chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc, khách quan, không định kiến và không bị lợi dụng.
Đến nay, chúng tôi khuyến nghị cần tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới XHDS tại VN một cách đầy đủ, sâu sắc hơn để khai thác các mặt tích cực. Chúng tôi cũng khuyến nghị cần có cơ chế thúc đẩy XHDS để đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quá trình nghiên cứu cho thấy kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, XHDS ở VN đã trải qua những biến đổi cơ bản và dần dần gia tăng về sức mạnh và tổ chức từ nửa đầu thập niên 1990. Các tổ chức quần chúng đã mở rộng hoạt động, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Các tổ chức mới đã xuất hiện dưới hình thức phi chính phủ và nhóm cộng đồng. Có nhiều ý tưởng mới đã được áp dụng, đặc biệt là thông qua các tổ chức phi chính phủ VN và tinh thần tự thân vận động đã được mở rộng thông qua các tổ chức cộng đồng. Một trong những phẩm chất của các tổ chức XHDS là khả năng thực hiện các chính sách xã hội của họ đối với người nghèo và nhóm người kém vị thế trong khi các chương trình của Chính phủ không thể nào kham nổi. Sức mạnh của các tổ chức XHDS là tính chuyên môn hóa và đưa ra được những ý tưởng và phương thức mới mẻ. Tuy nhiên, cho dù XHDS đang đóng vai trò tích cực và sáng tạo hơn nhưng những tác động còn tương đối hạn chế. Nói chung, có những xu thế hạn chế trong các chức năng giám sát của các tổ chức XHDS. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận