Không đưa ra trưng cầu ý dân có tính bắt buộc về những vấn đề sau: Hệ thống chính trị và thể chế chính trị; những vấn đề đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản VN; nghị quyết các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản VN; các luật thuế, ngân sách nhà nước, chính sách giá cả; chính sách dân tộc, tôn giáo; các vấn đề rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội; các vấn đề đại xá, đặc xá. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước bao gồm: Thông qua hiến pháp mới, thông qua bổ sung, sửa đổi hiến pháp hiện hành; những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước; những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của Quốc hội. Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân đối với những vấn đề về sửa đổi hiến pháp, những vấn đề liên hệ đến vận mệnh quốc gia và những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc vùng lãnh thổ, việc chia tách, thay đổi ranh giới hành chính cấp tỉnh. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân đối với những vấn đề về sửa đổi hiến pháp, những vấn đề liên hệ đến vận mệnh quốc gia và những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc vùng lãnh thổ. Sáng kiến trưng cầu ý dân được thông qua nếu có quá bán số đại biểu Quốc hội tán thành. (Trích một số nội dung bản dự thảo số 0 của Luật trưng cầu ý dân) |
- Khó khăn của ban soạn thảo là tính chất mới mẻ của dự luật này. Đây là đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực trưng cầu ý dân, thể hiện hóa điều qui định trong hiến pháp. Thực tiễn trưng cầu ý dân ta lại chưa có, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản.
Trước hết là chủ trương dân chủ hóa đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng. Nhiều năm gần đây chúng ta đã thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Trưng cầu ý dân thì không có nhưng thực tiễn dân chủ trực tiếp ta có bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Trưng cầu ý dân cũng là một hình thức dân chủ trực tiếp nhưng ở mức rất cao.
* Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường xuyên được nghe đến việc trưng cầu ý dân ở các nước. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của họ về lập pháp và tổ chức trưng cầu ý dân?
- Chúng tôi cũng dành thời gian, tâm trí vào chuyện học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Nhiều nước có luật trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân ở mức độ khác nhau. Qua nghiên cứu mới thấy rất đa dạng. Tất nhiên phổ biến nhất vẫn là ở châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có loại trưng cầu căn cứ vào luật. Hai là trưng cầu theo từng trường hợp, tức là khi nào cần thì trưng cầu. Ở Nhật không có luật về trưng cầu ý dân nhưng không có nghĩa họ không trưng cầu ý dân.
Thứ hai là mức độ, có nước trưng cầu ở cấp toàn quốc. Có nước thì chỉ ở cấp thấp hơn. Ví dụ Mỹ không trưng cầu ý dân ở liên bang nhưng có ở các bang. Hay Nhật không có toàn quốc mà chỉ ở địa phương. Thậm chí Thụy Sĩ có cả ở toàn quốc và cả ở địa phương, cho đến xã. Chính quyền xã cũng trưng cầu ý dân.
Có nước chỉ trưng cầu những vấn đề hệ trọng của đất nước. Thí dụ như chia tách địa phương, gia nhập hiệp ước, khối nọ, khối kia. Nhưng phổ biến nhất là trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Khi cần sửa đổi hiến pháp phải trưng cầu ý dân chứ không phải cơ quan nhà nước quyết định.
Kết quả trưng cầu có tính bắt buộc nhưng cũng có cái trưng cầu để tham khảo. Như Thụy Sĩ chẳng hạn, là ‘’đất tổ’’ của trưng cầu ý dân, thường xuyên trưng cầu ý dân. Họ trưng cầu ở hai mức độ: kết quả bắt buộc thi hành và trưng cầu tham khảo.
* Kinh nghiệm của họ giúp được gì cho việc xây dựng Luật trưng cầu ý dân của VN?
- Hiến pháp 1946 của nước ta có nói khi nào trưng cầu ý dân. Đó là trong trường hợp sửa đổi hiến pháp. Quốc hội muốn sửa hiến pháp phải trưng cầu ý dân. Nhưng bản hiến pháp sau ta không nói rõ, chỉ nói là trưng cầu ý dân về ‘’những vấn đề quan trọng’’.
Hiến pháp 1992 hiện hành chỉ nói nhân dân có quyền thực hiện trưng cầu ý dân khi cơ quan nhà nước đưa ra trưng cầu. Quốc hội là cơ quan có quyền trưng cầu ý dân, còn cơ quan thực hiện trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng trong bản hiến pháp này không nói rõ khi nào phải trưng cầu ý dân, vấn đề gì cần đưa ra trưng cầu ý dân...
Ở đây về thực tiễn và lý thuyết có hai loại: Một là xác định phạm vi, đối tượng trưng cầu, tức là loại vấn đề mà đụng đến nó anh phải trưng cầu ý dân. Ví dụ Hiến pháp 1946 nói rõ là sửa đổi hiến pháp. Loại thứ hai không nói rõ ràng vấn đề có thể được trưng cầu ý dân và cơ quan có thẩm quyền quyết định, Quốc hội thấy cần thì trưng cầu ý dân. Mà thấy không cần trưng cầu là quyền của Quốc hội.
* Nghĩa là chưa xác định được phạm vi vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân?
- Vấn đề gì có thể trưng cầu cần được làm rõ. Bởi vì không phải cái gì cũng đưa ra trưng cầu. Tổ chức trưng cầu rất tốn kém, không phải năm nào cũng làm. Có người nói là trưng cầu ‘’những vấn đề quan trọng về kinh tế và xã hội’’. Nói chung chung như thế không được! Phải rõ tiêu chí quan trọng là cái gì, mức độ nào là quan trọng? Ngay trong hiến pháp cũng chỉ ghi thẩm quyền Quốc hội đưa ra trưng cầu ý dân những ‘’vấn đề quan trọng’’.
Chính vì thế một số nước mới qui định những vấn đề không được đưa ra trưng cầu. ‘’Các anh trưng cầu gì nhưng cái đó thì không!’’. Vấn đề đó thường là chế độ chính trị hay thay đổi thể chế chính trị. Chẳng hạn đang là chế độ tổng thống muốn chuyển sang chế độ gì đấy.
Chúng tôi đang nghiên cứu, thảo luận rất kỹ vấn đề này: Qui định tốt hơn hay không qui định thì tốt hơn?
* Ở đây Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân, nhưng ai là người có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân?
- Quyền đưa ra trưng cầu ý dân là Quốc hội nhưng để Quốc hội có căn cứ đưa ra có thể dựa trên sáng kiến. Như xây dựng pháp luật, Quốc hội là cơ quan có quyền lập pháp là rõ, nhưng sáng kiến pháp luật có rất nhiều cơ quan. Ví dụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, của Thủ tướng, chánh án TANDTC, viện trưởng VKSNDTC, đại biểu Quốc hội...
Sáng kiến trưng cầu ý dân thì nên như thế nào? Có nước qui định đại biểu quốc hội được quyền nêu sáng kiến. Cũng có nước qui định cử tri phải thu thập được bao nhiêu chữ ký nhất định nào đấy thì được trình một vấn đề ra trưng cầu.
* Xin ông nói cụ thể về việc cử tri thu thập chữ ký để đề đạt sáng kiến trưng cầu ý dân?
- Có phương án chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ Quốc hội cho đến đại biểu Quốc hội được nêu sáng kiến trưng cầu dân ý. Cũng có ý kiến nói nên mở rộng thêm. ‘’Tại sao không phải là cử tri? Bởi vì trưng cầu ý dân sáng kiến phải từ dân. Phải có sáng kiến từ dân nữa’’. Họ lập luận như thế.
* Sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, thì ‘’ý dân’’ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Trưng cầu ý dân được thực hiện đối với vấn đề quan trọng, lớn, không phải chỉ là tham khảo. Cho nên tôi đứng giữa hai giải pháp: có cả những vấn đề mang tính bắt buộc thực hiện và cả những vấn đề tham khảo. Mà tham khảo cũng ở mức cao. Ta mở hết cỡ dân chủ để làm tốt hơn.
Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân được thể hiện ý kiến của mình, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của mình. Mình cứ ‘’mở’’ để cho ‘’thông’’ nguyện vọng của dân. Chứ vấn đề bắt buộc thực hiện ít khi làm quá! Nhưng có người bảo nếu chỉ để tham khảo thì không gọi là trưng cầu.
* Theo ông, dự thảo Luật trưng cầu ý dân có kịp trình ra Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay?
- Chúng tôi mong muốn trình Quốc hội vào cuối năm nay. Điều này phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu đến đâu thì chưa xác định được. Nhưng tôi tin thảo luận một cách sát sườn sẽ ra vấn đề. Cách chúng tôi muốn làm là nêu rất nhiều phương án để rộng đường cho các cơ quan có thẩm quyền góp ý.
Trong lịch sử 60 năm qua, VN chưa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nào mặc dù điều này đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận