15/10/2005 18:07 GMT+7

Đề phòng tác hại lâu dài của đê bao

TTCN
TTCN

TTCN - Vừa qua, phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, cùng với hàng trăm nhà khoa học, quản lý, chuyên viên ở các viện, trường đại học, sở ngành nghiên cứu chuyên sâu đề tài “Luận cứ khoa học cho giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trong điều kiện sống chung với lũ”. TTCN trao đổi với ông Đào Công Tiến.

sfnuaG9y.jpgPhóng to
Đê bao làm lúa vụ ba ở xã Vĩnh Tế, Châu Đốc kéo theo nỗi lo môi trường suy thoái
TTCN - Vừa qua, phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, cùng với hàng trăm nhà khoa học, quản lý, chuyên viên ở các viện, trường đại học, sở ngành nghiên cứu chuyên sâu đề tài “Luận cứ khoa học cho giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trong điều kiện sống chung với lũ”. TTCN trao đổi với ông Đào Công Tiến.

* Hầu như năm nào lũ cũng về ĐBSCL mang theo nhiều thuộc tính lợi, hại của nó. Ông có thể khẳng định đặc điểm lũ lụt vùng này?

- Hằng năm, nước sông Mekong tràn về gây ngập lụt trên 5 triệu hecta đất đai nông nghiệp và dân cư hai nước Campuchia, VN. Trong đó, VN chiếm hơn 1,9 triệu hecta trải rộng nhiều vùng ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, TP Cần Thơ. Nó gây ngập khoảng 50% diện tích toàn đồng bằng, và riêng vùng ngập sâu trên 1m đã chiếm 1 triệu hecta.

MPBo6vFB.jpgPhóng to
Để đất nghỉ mùa lũ ở đầu nguồn An Giang
Mặt hại của lũ là gây chết người (chủ yếu là trẻ em do người lớn bất cẩn), ảnh hưởng hạ tầng, gián đoạn một số hoạt động kinh tế - xã hội và môi sinh, môi trường. Tuy nhiên, mặt lợi rất lớn của nó là hơn 150 triệu tấn phù sa/năm đã theo 450 tỉ m3 nước bồi đắp cho ĐBSCL.

Ngoài ra, nó không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên phong phú mà còn góp phần làm vệ sinh đồng ruộng, điều hòa thời tiết khí hậu và nạp nước ngầm vào vùng này... Có thể khẳng định chính những đặc điểm đó đã kiến tạo ĐBSCL với những vùng sinh thái ngập nước, giàu tiềm năng từ bao đời nay.

* Vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về “sống chung với lũ”. Thậm chí không ít người cho rằng nên áp dụng mô hình trị thủy ở đồng bằng sông Hồng lấy đê bao chống lũ triệt để làm xu hướng chủ đạo. Theo ông, chúng ta nên chọn quan điểm nào để thích hợp với lũ ở ĐBSCL?

- Không chỉ gắn với ĐBSCL, Mekong còn là con sông rất lớn ảnh hưởng đến môi trường địa lý, xã hội nhân văn trên nhiều quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần phải có quan điểm tổng thể và định hướng đúng đắn lâu dài. Riêng ở ĐBSCL, lũ là một hiện tượng tự nhiên quen thuộc và tác động đến kinh tế - xã hội vùng đất này từ bao đời nay. Nó khác lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng, vì vậy phải chọn đối sách hợp với qui luật, đặc điểm riêng của ĐBSCL.

“Sống chung với lũ” không chỉ có giải pháp công trình mà phải kết hợp giữa công trình và phi công trình. Trong đó, phi công trình giữ vai trò chủ đạo và mở rộng. Quan điểm xuyên suốt ở đây là con người và lũ lụt tự nhiên không thể loại bỏ lẫn nhau. Kinh tế - xã hội ĐBSCL phát triển trong môi trường sống chung với lũ là phương hướng phát triển phù hợp với điều kiện của vùng và cũng đúng với xu thế mới của nhiều nước trong ứng xử với lũ.

* Rất nhiều công trình đê bao, bờ bao đang được thi công khắp ĐBSCL với hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách và nhân dân đóng góp, nhưng liệu chúng có thích hợp để “sống chung với lũ” lâu dài không? Hay là đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại, để có những chỉnh đổi kịp thời trước khi quá muộn?

Quan điểm phát triển nền nông nghiệp bền vững là không nên phát triển đại trà lúa vụ ba ở ĐBSCL. Hãy cho đất nghỉ, đưa lũ tràn vào để lấy phù sa, diệt trừ sâu bệnh. Nông dân còn có nguồn lợi tự nhiên để khai thác, đa dạng loại hình kinh tế, tăng thu nhập.

Còn nếu canh tác vụ ba trong đê bao thì nên hướng đến canh tác lúa giống, cây màu, nhưng đặc biệt cũng cần xen lẫn những vụ nghỉ để lũ vào đồng. Ngay cả trồng màu, các địa phương cũng phải chú ý vấn đề đầu ra. Đó đang là cái khó của ĐBSCL, không giải quyết được nó người dân vừa cực vừa nghèo thêm...

Hiện nay, nhiều địa phương có đê bao đang chạy theo bản thành tích báo cáo lên trên để nông dân ồ ạt sản xuất lúa vụ ba, thậm chí còn xin làm bảy vụ/hai năm. Tôi biết chắc hầu hết nông dân này không thể nào làm giàu từ đồng ruộng của mình. Trong khi phân bón, thuốc men phải dồn dập đổ xuống dẫn đến suy thoái đất vì mất cân đối dưỡng chất.

Xây dựng đê bao, bờ bao đã khó, đã tốn kém (chưa nói đến đúng hay sai), nhưng làm sao để các công trình đó hoạt động đúng như chức năng thiết kế xem chừng còn khó hơn. Tôi biết có đê bao làm xong một, hai năm được bửa ra cho lũ vào, nhưng sau đó kiên cố luôn để không một giọt lũ nào vào được đồng.

Lý do địa phương đưa ra là không còn đất, còn cừ để hàn lại đê bao nếu cứ làm như vậy, nhưng còn có một lý do không nói ra là áp lực của cái lợi trước mắt.

Thậm chí, nhiều đê bao được thiết kế cống bọng để chủ động điều tiết lũ vào đồng, nhưng suốt nhiều năm liền không thấy giọt lũ nào. Ngoài chuyện giảm năng suất canh tác, ô nhiễm môi trường sinh hoạt sống và đất đai nông nghiệp cũng đến mức báo động.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

- ĐBSCL gần đây đang dịch chuyển rất nhanh từ sống chung với lũ hoàn toàn sang sống chung với lũ có kiểm soát, thậm chí ở nhiều nơi là kiểm soát triệt để. Quá trình này nhanh chóng mang lại nhiều thành quả to lớn, nhưng cái giá phải trả lâu dài cũng không nhỏ. Đó là những tổn thất về sinh mạng, tài sản, những bất ổn về sản xuất bền vững, đời sống văn hóa trên diện rộng dân cư trong thời gian qua.

Có nhiều nguyên nhân, song cái chính là sự tác động của con người vào tự nhiên để kiểm soát lũ thiếu tuân thủ qui luật. Các hệ thống kênh mương dẫn lũ về sớm, rồi hệ thống đường giao thông, bờ kênh lại làm lũ rút chậm hơn bình thường. Việc phát triển đê bao cục bộ tràn lan đến mức không còn là... cục bộ làm con lũ vốn hiền lành trở nên hung tợn, tàn phá nhiều hơn, xói lở sông ngòi, khu dân cư.

Theo tôi, chương trình xây dựng đê bao, bờ bao cần thiết phải được đánh giá lại để chỉnh đổi kịp thời. Bất cứ một đê bao nào ở khu vực này dù lớn hay nhỏ, tạm thời hay kiên cố đều phải tuân theo qui hoạch toàn vùng, căn cứ trên lợi ích tổng thể và bền vững. Trong đó, đê bao triệt để không nên xây dựng tràn lan mà chỉ nên làm ở một số nơi ngập nông.

Nó không làm hại đến các vùng khác và vốn đầu tư cũng không quá lớn. Đặc biệt là không nên làm đê bao triệt để ở những nơi đầu nguồn hoặc bị ngập sâu, kể cả ở huyện đã có “đê bao điển hình” như Chợ Mới, Bắc Vàm Nao, An Giang. Những nơi đó cứ để đất nghỉ trong mùa lũ để người dân làm các loại hình kinh tế mùa nước nổi. Khi lũ rút, phù sa sẽ giúp các cánh đồng phì nhiêu, cho vụ mùa trúng đậm...

Ngoài ra còn có loại bờ bao lửng hay còn gọi là “đê bao tháng tám”. Đây là loại bờ bao thấp, nhỏ, đầu tư ít vốn, vừa chống lũ lại vừa đón lũ. Nó chỉ cần đắp ở mức độ ngăn được lũ nhỏ đầu mùa tháng tám để người dân yên tâm canh tác lúa vụ hai. Khi thu hoạch xong cho lũ vào tràn đồng để lấy phù sa và diệt trừ sâu bệnh. Thời điểm lũ rút, bờ bao lửng này sẽ dễ bơm nước ra, canh tác vụ mùa kế tiếp.

* Các đê bao còn có chức năng làm cụm tuyến dân cư vượt lũ, khắc phục tình trạng nhiều trẻ chết đuối, nhưng đến nay vẫn rất ít người chịu vào ở. Theo ông, ngoài yếu tố hạ tầng chưa đáp ứng kịp, còn nguyên nhân nào khác?

- Mục đích cơ bản của cụm tuyến dân cư vượt lũ là “an cư để lạc nghiệp”. Một số đã phát huy hiệu quả, nhưng nhiều nơi vẫn còn lắm vấn đề. Chúng được xây dựng thiếu đồng bộ với phát triển hạ tầng, văn hóa, làm xáo trộn dân sinh. Đặc biệt, việc gom những hộ nghèo trên đồng lũ để tạo thành một “cộng đồng nghèo” trên các bờ đê sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội nan giải.

Họ có nếp sống thuần nông từ bao đời. Tách họ ra khỏi đồng ruộng để đưa vào đời sống cộng đồng liền kề khép kín theo kiểu đô thị quá hấp tấp sẽ hoàn toàn bất ổn cả lối sống lẫn sản xuất kinh tế. Ví dụ cụm dân cư Giồng Găng làm nơi an cư cho những hộ dân trước đây phải sống ở vùng ngập sâu 3-3,5m nước là rất cần. Tuy nhiên, nó lại được bố trí cách thị xã Cao Lãnh 85km, cách thị trấn Hồng Ngự 19km, cách trung tâm xã Tân Phước 10km, kéo theo nhiều chi phí phát sinh, chưa kể khó khăn trong mục tiêu phát triển mưu sinh bền vững.

Theo tôi, xây dựng cụm tuyến dân cư nên qui hoạch ở gần những trung tâm ấp, xã, huyện để nó không biệt lập giữa đồng lũ, nhưng cũng không tách rời ruộng đồng. Những căn nhà của họ cũng không nên theo kiểu nhà ống đô thị mà phải đủ không gian cho lối sống nông thôn, đồng thời hạn chế tối thiểu những chi phí theo kiểu làm nghề nông mà sống đô thị...

* Gần đây, chúng ta đang xây dựng hàng loạt công trình tiêu thoát nước lũ ra biển, ngăn mặn ở ĐBSCL với tổng vốn đầu tư khổng lồ. Liệu chúng có thể đem lại hiệu quả như mong muốn?

- Nhìn tổng thể chúng là đúng, nhưng cũng còn nhiều mặt cần phải bổ sung, hoàn thiện. Hệ thống công trình ngăn lũ tràn qua biên giới và thoát lũ về vịnh Thái Lan đã được chứng minh hiệu quả trong trận lũ năm 2000. Một hệ thống công trình như vậy ở vùng Đồng Tháp Mười vẫn là bài toán chưa giải xong. Nhưng có những công trình dù đang làm cũng cần phải xem xét, đánh giá lại.

Theo tôi, ví dụ hệ thống cống đập Ba Lai qui mô ở Bến Tre tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách nhưng chưa chắc đem lại kết quả như mong đợi. Trên khía cạnh hiệu quả kinh tế đa dạng và bền vững, những cánh đồng lúa nước ngọt ở vùng này có thể không bằng thiên nhiên tự kiến tạo một thảm sinh thái ngập mặn.

Người dân sẽ khai thác kinh tế hệ sinh thái tự nhiên này như trồng rừng ngập mặn, nuôi hải sản xuất khẩu, đánh bắt tự nhiên..., trong khi ngân sách nhà nước để đầu tư vào chương trình khác cấp bách và thật sự cần thiết hơn... Tương lai của ĐBSCL không chỉ có cây lúa mà phải vượt lên khỏi vựa lúa, phát triển nền kinh tế mở ra biển Đông.

Hiện có gần 123.000ha ở ĐBSCL được xây dựng đê bao kiểm soát lũ cả năm với mục đích chủ động kiểm soát lũ để vừa sản xuất được vụ ba vừa có thể đón lũ. Tuy nhiên, hơn 60.000ha trong đó không theo giải pháp kiểm soát lũ có điều tiết theo mùa vụ như qui hoạch ban đầu, mà bao kiên cố quanh năm, chống lũ triệt để, canh tác liên tục dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho cả vùng trong lẫn ngoài đê. Những đê bao này được xây dựng không tuân theo qui hoạch chung.

Hiện nay vẫn có thể khắc phục những đê bao gây hại lâu dài này bằng cách nạo vét lòng dẫn, xây dựng cống bọng chủ động kiểm soát lũ vào ra. Tuy nhiên, địa phương phải xây dựng được lịch canh tác, thu hoạch phù hợp. Đặc biệt là phải qui hoạch được cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp địa hình từng vùng để khi lũ vào không có kẻ cười, người khóc.

Chính phủ cần phải ban hành pháp lệnh xây dựng, quản lý và khai thác đê bao, bờ bao ở ĐBSCL một cách chặt chẽ và khoa học để khắc phục tình trạng này.

Thạc sĩ Hồ Trọng Tiến, phó phòng qui hoạch ĐBSCL, Phân viện Khảo sát qui hoạch thủy lợi Nam bộ

TTCN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên