Một phần cơm với món mặn, canh, đồ xào cùng tráng miệng, trà đá nhưng chỉ có 2.000 đồng, và hướng đối tượng là những sinh viên nghèo, người bán vé số, phụ hồ, xe ôm…
Gần 5 năm những vẫn 2.000 đồng một phần cơm
Vào mỗi trưa thứ hai, tư, sáu, tại quán cơm Lữ Gia (54/21 đường 281 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM) người ra vào đông đúc, kẻ cười người nói. Gần 5 năm trôi qua (quán được mở vào tháng 8 năm 2008), nhưng quán vẫn giữ giá 2.000 đồng/phần cơm gồm món cơm, món mặn, canh và món tráng miệng. “Sau hơn 3 năm hoạt động tại địa chỉ 6/15D1 đường số 3, cư xá Lữ Gia, Q.11, quán đã dời đến địa chỉ mới, vì địa chỉ cũ người chủ nhà lấy lại. Sau một thời gian tìm mặt bằng mới, khó khăn quá, cả gia đình quyết định dời quán cơm 2.000 đồng về địa chỉ của nhà mình, đó là địa chỉ hiện nay của quán” - anh Nghĩa, một trong những người sáng lập quán Lữ Gia cho biết.
Ban đầu quán phục vụ khoảng 300 suất mỗi ngày, chủ yếu dành cho các bạn sinh viên khó khăn, đang đi học hoặc ở trọ gần địa chỉ trên. Sau một thời gian hoạt động, những người lao động nghèo lại tìm đến nhiều hơn, nay quán bán khoảng 500 suất mỗi ngày. Nói là cơm trưa nhưng tầm 10 giờ đã có nhiều người đến ăn, để “ăn một được hai” – theo cách nói đùa của anh Nghĩa. Vì đa phần những người đến ăn tại đây thường là những sinh viên, anh chị công nhân, bán vé số, phụ hồ, mua ve chai… họ đều rất khó khăn, thường phải nhịn ăn sáng, tầm 10 giờ đến quán dùng cơm trưa xem như là vừa ăn trưa mà vừa ăn bữa sáng. Anh Nghĩa chia sẻ: “Có người khi đến quán ăn cơm còn mang theo cái bọc để đựng đồ ăn, để dành chiều ăn, nhìn cảnh đó chúng tôi, những người mở quán không khỏi xúc động. Sở dĩ quán còn hoạt động đến ngày hôm nay, một phần vì chúng tôi yêu cái cảm giác được nhìn những người khó khăn được ăn một bữa cơm ngon miệng. Điều đó ý nghĩa lắm”.
Những anh chị phục vụ trong quán cũng đủ mọi tầng lớp, từ những người hàng xóm, đến những sinh viên, những cô bán hàng, hay anh nhân viên văn phòng… Lúc đầu chỉ là thực khách, sau vài lần đến dùng cơm rồi ngỏ ý muốn trở thành nhân viên của quán luôn.
Lòng nhân ái ngày một lan tỏa
Sau mô hình quán cơm 2.000 đồng ở Lữ Gia, được hơn 1 năm thì những người khó khăn lại vui mừng khi có thêm quán cơm 2.000 đồng ở đường Ngô Quyền (14/1 Ngô Quyền, P.5, Q.10). Quán khai trương vào ngày 5-9-2009, bán gần 500 suất cơm mỗi ngày. Nguồn quỹ ban đầu do các thành viên của nhóm từ thiện Người tôi cưu mang và bạn bè đóng góp. Sau một thời gian hoạt động, quán nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân. Quán mở bán vào ngày thứ ba, năm, bảy, phục vụ người nghèo và sinh viên còn khó khăn. “Qua những công việc cụ thể, mọi người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, làm cho lòng nhân ái được lan tỏa trong cộng đồng” – Anh Nguyễn Hồng Ánh, người quản lý trực tiếp quán chia sẻ.
Hơn 3 năm hoạt động, cho đến thời điểm này, những quán cơm 2.000 đồng do nhóm từ thiện Người tôi cưu mang thành lập và trực tiếp điều hành đã có mặt TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt. Cụ thể: Tại TP.HCM (14/1 Ngô Quyền, P.5, Q.10) mở cửa vào thứ ba, năm, bảy (từ 11 giờ – 13 giờ); tại Cần thơ (số 8A3 hẻm 3T2 đường 30/4, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều), mở bán vào thứ hai, tư, sáu (từ 11 giờ đến 13 giờ); tại Đà Lạt (số 38A Nguyễn Công Trứ, P.2 , TP. Đà Lạt) phục vụ các ngày thứ ba, năm, bảy (từ 11 giờ đến 13 giờ).
“Sau một thời gian dài gắn bó với quán, mỗi ngày qua đi, tôi có thể cảm nhận được niềm vui của họ, cả những thực khách đến những anh chị phục vụ tại quán. Khi chung tay với quán cơm 2.000 đồng và các hoạt động từ thiện của nhóm Người tôi cưu mang, phải chăng họ tin rằng lòng nhân ái đang tồn tại quanh ta và vui khi nó đang từng ngày lan tỏa rộng hơn nữa?” - anh Ánh chia sẻ.
Ngoài ra, nhóm từ thiện Người tôi cưu mang còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác, trong đó có chương trình “Cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo", dành cho các bệnh nhân nghèo, cũng như người thân của bệnh nhân. Cụ thể: Tại Hà Nội, phát cháo vào lúc 16 giờ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, tại Bệnh viện Việt Đức (40 Tràng Thi, P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm) và Bệnh viện K (43 Quán Sứ, Hà Nội), tại chùa Thanh Nhàn (318 Đê La Thành, Hà Nội) từ 13 giờ – 15 giờ 30 cùng ngày. Tại TP. Huế, phát cháo lúc 10 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, tại bệnh viện TP.Huế (40 Kim Long, TP.Huế). Tại TP.HCM, phát cháo vào lúc 10 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (số 1 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh) và tại địa chỉ 125 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh, từ 7 giờ - 9 giờ 30 cùng ngày.
Thêm những địa chỉ mới cho bữa cơm thêm ấm lòng
Quán cơm xã hội Nụ Cười (số 6 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM) do quỹ từ thiện Tình Thương tài trợ, quán khai trương ngày 12-10-2012, là quán cơm 2.000 đồng mới nhất trên địa bàn TP.HCM. Đây là quán cơm giá rẻ đầu tiên nằm trong dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ cho người nghèo của quỹ từ thiện Tình Thương. Quán cơm xã hội Nụ Cười bán các suất ăn giá 2.000 đồng cho đối tượng sinh viên nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ 250 suất ăn mỗi ngày vào các buổi trưa từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, với các món mặn, món xào, canh và tráng miệng. Trong đó, ngày thứ năm hàng tuần, quán sẽ bán phở, mì hoặc bún với giá chỉ 1.000 đồng (các tô bún, phở, mì sẽ được nấu theo chuẩn của một tô 30.000 đồng trên thị trường, mỗi người có thể ăn nhiều tô), để làm cho bữa ăn thêm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, quán đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, chung tay giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Đặc biêt, quỹ từ thiện Tình Thương TP.HCM cũng đã chính thức bảo trợ kinh phí hoạt động cho quán cơm chay 2.000 đồng Thiện Tâm (tại Miếu Bà Thiện, đường Song Hành, khu phố 3, thị trấn Hóc Môn), do nhóm từ thiện Thiện Tâm cùng Hội bảo trợ khuyết tật trẻ mồ côi huyện Hóc Môn, TP.HCM sáng lập. Quán bán 500 suất ăn chay giá 2.000 đồng mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Sau 6 tháng hoạt động, quán cơm gặp khó khăn về tài chính, vì thế quỹ từ thiện Tình Thương TP.HCM đã tài trợ kinh phí để quán cơm Thiện Tâm tiếp tục duy trì hoạt động của quán, để mô hình quán cơm 2.000 đồng ngày càng được nhân rộng, để tình nhân ái của cộng đồng được đến với nhiều người hơn.
Phóng to |
Người dân dùng cơm trưa tại quán cơm xã hội Nụ Cười |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận