23/10/2012 14:30 GMT+7

Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Nguồn: BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Nguồn: BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Tin dịch vụ - Một chén bột đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho trẻ cần phải đủ 4 nhóm chất là bột gạo, đạm, dầu và rau

Trong giai đoạn trẻ ăn dặm, nếu không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ hay can thiệp khi đã muộn thì rất khó cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ.

Sự cần thiết của việc cho trẻ ăn dặm

Năm 1999, có gần 40% trẻ em suy dinh dưỡng, đến năm 2010 tỉ lệ này giảm đáng kể, chỉ còn 17,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ thấp còi giảm rất ít, từ 38,7% (năm 1999) xuống 29,5% (năm 2010). Trong đó, tình trạng thấp còi ở trẻ từ 0 đến 6 tuổi chiếm 6% và trong độ tuổi ăn dặm vượt lên 35%.

BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, khi trẻ được 6 tháng tuổi thì trẻ phải được ăn thêm các thức ăn khác gọi là ăn bổ sung hay còn gọi là ăn sam (theo phía Bắc) hoặc ăn dặm (theo phía Nam). Nếu trẻ không ăn dặm mà chỉ uống sữa, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương, da xanh, chậm mọc răng, chậm biết đi…

Thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là khi trẻ được 6 tháng tuổi, khi đó trẻ mới có khả năng tiêu hóa và hấp thu được các thức ăn khác ngoài sữa như bột, thịt, rau… và lúc này trẻ cũng bắt đầu thích khám phá những mùi vị lạ. Dấu hiệu để biết trẻ có thể bắt đầu ăn dặm như: Lưỡi hoạt động, miệng nhai tóp tép, bắt đầu mọc răng, thích thú vị thức ăn mới, chóng đói.

Thức ăn dặm cho trẻ và cách thức cho trẻ ăn dặm

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa, thức ăn dặm chung nhất cho mọi trẻ là một chén bột có đủ 4 nhóm thức ăn (bột gạo, đạm, dầu và rau). Vì vậy, chén bột của trẻ phải có màu sắc (gọi là “tô màu chén bột”), nếu chén bột chỉ có màu trắng thì cũng có nghĩa là không đầy đủ chất dinh dưỡng. Một chén bột của trẻ cần có một muỗng canh chất đạm, một muỗng canh rau bằm và một muỗng canh dầu ăn. Thức ăn cần bằm nhuyễn nhưng không xay nhỏ bằng máy xay sinh tố để trẻ tập nhai. Tuy nhiên, khi bắt đầu tập ăn, các bậc cha mẹ phải cho trẻ ăn từ từ một loại thực phẩm (chỉ là bột gạo), đến hai loại (bột gạo với chất đạm), sau đó là thêm dầu, cuối cùng mới thêm rau… Ăn từ bột loãng tới bột đặc, từ một muỗng tới 2-3 muỗng rồi tới 1 chén trong một bữa ăn.

Khi thay đổi (thêm thức ăn hoặc thức ăn mới, hoặc tăng số lượng), các bậc cha mẹ phải “lắng nghe” cơ thể của trẻ và phải kiên nhẫn chấp nhận những phản ứng của trẻ như bỏ ăn hoặc ăn ít, hoặc ói, tiêu chảy… Tùy tình huống mà xử trí, như tạm ngưng hoặc quay về thức ăn cũ sau đó tập lại hoặc hỏi ý kiến chuyên gia, không nên la mắng khiến trẻ hoảng sợ hoặc ngưng luôn các loại thức ăn lạ…

Cho trẻ ăn trong tư thế ngồi để tránh sặc thức ăn vào đường thở; cho trẻ ăn đúng giờ và tạo cho trẻ tâm trạng vui vẻ khi ăn; không nên để trẻ xem ti vi khi ăn; không nên la mắng trẻ khi trẻ “biếng ăn”.

eJ0B3FMY.jpgPhóng to
Thức ăn cần bằm nhuyễn nhưng không xay nhỏ bằng máy xay sinh tố để trẻ tập nhai

Những câu hỏi thường gặp khi cho trẻ ăn dặm

- Khi nào trẻ ăn được cả xác ? Ngay từ khi 6 tháng tuổi vì lúc này đường tiêu hóa của trẻ đã có khả năng tiêu hóa các loại thực phẩm.

- Nếu trẻ phun thức ăn thì làm thế nào ? Đây là phản ứng bình thường của trẻ vì trẻ chưa biết nhai và nuốt nên cứ bình tĩnh cho trẻ ăn lại.

- Nếu trẻ khóc khi ăn? Có thể là do trẻ phản ứng với thức ăn lạ. Vì vậy đầu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm giống như bột sữa, bột trứng, bột tàu hũ… không nên nêm nếm quá mặn, hoặc nhiều gia vị sẽ gây “sốc” cho trẻ.

- Cháo và bột thì cái nào tốt hơn? Bột có năng lượng cao hơn cháo và dễ làm hơn. Nếu trẻ thích ăn bột thì hãy cho trẻ ăn đến khi chuyển sang ăn cơm. Có thể tập cho trẻ nhai bằng cách cho trẻ ăn các loại bánh dinh dưỡng khác.

Nguồn: BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên