17/01/2014 00:01 GMT+7

Cần cảnh giác khi tải ứng dụng trên smartphone

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Người dùng cần tăng cường cảnh giác khi sử dụng điện thoại thông minh và máy tính để phòng tránh các mối nguy an ninh mạng được dự báo sẽ là xu hướng tấn công của năm 2014 như: tấn công DDoS, lây lan phần mềm gián điệp và mã độc trên điện thoại di động…

Trong năm 2013, phần mềm gián điệp đã lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) và cả hình thức link đính kèm e-mail để phát tán tại nhiều cơ quan. Cuối năm 2013, tin tặc còn lợi dụng các file văn bản để cài phần mềm gián điệp mà không cần thông qua lỗ hổng, bằng cách ẩn mã độc dưới hình thức 1 ảnh thu nhỏ được nhúng trực tiếp vào file văn bản. Người dùng khi click mở ảnh lớn hơn sẽ kích hoạt mã độc.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận 1.428 trường hợp mã độc tấn công, cao hơn nhiều so với năm 2012. Hiện có khoảng 500.000 - 1.000.000 máy tính của nước ta đang nằm trong các mạng máy tính “ma” quốc tế (tức là các máy tính mà tin tặc có thể điều khiển hành động của chúng từ xa qua mạng). Những mạng máy tính này không chỉ là công cụ để tin tặc phát tán thư rác (ước tính hơn 3,33 tỉ tin nhắn rác/ngày) mà đây còn là "bàn đạp" để tấn công vào các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của quốc gia.

Lợi dụng việc người dùng thường tùy tiện tải phần mềm, ứng dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, tin tặc phát tán virus bằng cách chèn mã độc vào các phần mềm phổ biến, công cụ quản lý download, chỉnh sửa video… và tung lên các diễn đàn. Người dùng tải những phần mềm giả mạo này đã vô tình biến máy tính của mình thành một zombie (máy tính ma) trong hệ thống botnet.

3s37qam5.jpg

Dự báo năm 2014, tình hình còn phức tạp hơn bởi xu hướng tấn công bằng mã độc sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thị trường thiết bị di động thông minh (smartphone) đang tăng lên nhanh chóng. Hơn 1 tỉ smartphone đã được bán ra trên thế giới trong năm 2013 và con số này sẽ là 1,7 tỉ vào năm 2017 (theo IDC). Riêng tại Việt Nam, năm 2013 đã có 17 triệu người sử dụng smartphone và xấp xỉ 7 triệu máy tính đang được sử dụng.

Kết nối điện thoại và máy tính giờ đây không còn an toàn. Hiện đã xuất hiện các dòng virus có thể lây chéo giữa máy tính và smartphone như virus DroidCleaner và virus SuperClean. Trong xu hướng người dùng đồng bộ dữ liệu giữa smartphone và máy tính, khả năng lây chéo càng tăng nguy cơ. Các ứng dụng phổ biến cho smatphone trên các kho ứng dụng miễn phí nếu bị cài mã độc sẽ nhanh chóng bị người dùng phát tán.

Để bảo vệ an ninh mạng, người dùng cần thay đổi thói quen tùy tiện cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc kể cả trên smartphone lẫn máy tính. Người dùng, tổ chức/ doanh nghiệp nên tìm đến các nguồn đảm bảo hoặc những kho phần mềm đến từ các nhà cung cấp có uy tín.

Nguồn: UBND TP.HCM

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên