Theo thông tư, môn thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí, ngoại ngữ. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi toán và ngữ văn là 120 phút; lịch sử và địa lí là 90 phút; vật lí, hóa học, sinh học và ngoại ngữ là 60 phút.
Về cách tính điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) và điểm xếp loại tốt nghiệp (ĐXL), thay vì chỉ căn cứ vào điểm các bài thi thì theo thông tư mới, sẽ kết hợp kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 để tính điểm xét tốt nghiệp, điểm xếp loại tốt nghiệp.
Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp được tính là: tổng điểm 4 bài thi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, sau đó cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 và chia 2. Điểm xếp loại tốt nghiệp được tính là: Điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 và chia 2.
Về sắp xếp phòng thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định phòng thi được xếp theo môn thi; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, riêng phòng thi cuối cùng của Hội đồng coi thi, được xếp đến 28 thí sinh.
Đối với môn ngoại ngữ, được xếp các thí sinh dự thi các môn ngoại ngữ khác nhau trong cùng phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn.
Thông tư cũng quy định cụ thể các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ cộng điểm khuyến khích (nếu có), bao gồm: Chứng nhận nghề phổ thông; chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi do Ngành Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông, gồm: thi học sinh giỏi các môn văn hoá; thi thí nghiệm thực hành (vật lí, hoá học, sinh học); thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8-5-2014.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận