26/09/2013 00:01 GMT+7

Cùng xem Liên hoan nghi lễ chầu văn

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Tin dịch vụ - Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần đầu tiên sẽ được tổ chức từ ngày 25-9 đến 5-10, với sự tham gia của các nhóm chầu văn hiện đang hoạt động tại 29 quận, huyện trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, liên hoan sẽ được chia thành hai đợt. Đợt 1 tổ chức theo các cụm tại đền Lâm Du (quận Long Biên); đền Kim Giang (quận Thanh Xuân); đền Yên Phú (huyện Thanh Trì); đền Cây Quế (quận Cầu Giấy). Đợt 2, Ban tổ chức sẽ lựa chọn 10 tiết mục đặc sắc thể hiện tinh thần của nghi lễ chầu văn và bám sát với thực tế để trình diễn tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội), dự kiến trong hai ngày 4 và 5-10.

Chầu văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, còn gọi là hát văn (hát bóng), có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.

qQmH9XHL.jpg

Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo) - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát chầu văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn: Hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền.

Hiện nay, nghi lễ chầu văn của người Việt đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, để nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên