18/03/2013 00:01 GMT+7

Về Tam Đảo dự lễ hội Tây Thiên

Nguồn: Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Tin dịch vụ - Hằng năm, vào rằm tháng hai âm lịch, du khách từ khắp nơi nô nức kéo về đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc, trước là để thắp hương tưởng nhớ Quốc mẫu, sau là xem các hội diễn cổ, leo núi thưởng ngoạn danh thắng...

Năm nay, lễ hội Tây Thiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức từ ngày 25-3 đến 28-3-2013 (tức ngày 14-2 đến ngày 17-2 năm Quý Tỵ) tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nhằm giới thiệu với du khách thập phương các giá trị văn hóa của di tích danh thắng Tây Thiên. Lễ hội năm nay có hai phần chính: Phần lễ gồm lễ cáo, lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương tại chùa và đền Thượng Tây Thiên; phần hội gồm các giải thể thao, hội thi làm bánh chưng bánh giầy, giao lưu hát chèo, khai trương các gian hàng, quảng bá xúc tiến du lịch...

Quốc mẫu tên thật là Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, phát triển nông nghiệp. Xong công việc, bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay, rồi "hoá" tại đây. Quốc mẫu Tây Thiên vừa là con người của huyền sử, vừa là con người thật với lai lịch rõ ràng. Tưởng nhớ công đức của bà, nhân dân trong vùng lập đền thờ để hương khói hàng ngày. Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn, thuộc dãy Tam Đảo, nơi đây cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vẫn còn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, quanh năm có mây mù, thông reo, chim hót với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: Đền Trình, đền Thõng, đền Cô, đền Cậu, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải oan...

Tại Tây Thiên - Tam Đảo không chỉ có đền thờ Quốc Mẫu mà còn có dấu tích Phật giáo từ rất sớm, có thể coi Tây Thiên là một trong những nơi có dấu tích Phật giáo cổ nhất Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm được xem là nơi khởi thủy của Phật giáo Việt Nam, có vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, toạ lạc trên sườn núi cao, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thấy bao la rừng núi với đồng bằng. Đến với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên du khách đều bị hút hồn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú. Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối chảy quanh co, trong suốt nhìn thấu những tảng đá nhỏ li ti… Thiền viện Trúc Lâm mọc lên nguy nga giữa ngàn cây như mở rộng con đường thiền đưa con người tìm về với thế giới tâm linh. Tại đây, du khách có thể đi bộ như leo núi, lúc đó sẽ được thả hồn trong không gian trong lành mát mẻ với những đồi thông cao vút, những vườn hoa đang nở rộ.

Tam Đảo không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ, mà còn chứa đựng các giá trị đa dạng sinh học vô cùng phong phú có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Ở đâu đó trên khắp các đỉnh cao trên 1000m của dãy Tam Đảo, du khách sẽ bắt gặp những loài hoa đặc biệt mà ít nơi nào có được như: Trà Hoa Đỏ, hoa Đỗ Quyên, Lan hài Tam Đảo, Hoàng Thảo Tam Đảo, Lan Kim Tuyền… với đầy đủ màu sắc rực rỡ, toả hương thơm rất lạ làm mê đắm lòng người. Động vật có hơn 300 loài, trong đó thú 64 loài, chim 239 loài, bò sát 76 loài và 28 loài lưỡng cư, và có 56 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Loài lưỡng cư đặc hữu của Tam Đảo là cá cóc Tam Đảo, cùng hàng ngàn loài côn trùng các loại, trong đó nổi bật là loài bướm phượng đuôi kiếm đốm vàng có giá trị bảo tồn rất cao... Tất cả làm cho nơi đây thêm huyền ảo, u tịch với cảnh núi rừng hùng vĩ.

Bên cạnh đó, du khách cũng được thưởng thức các món ăn đã trở thành đặc trưng của Tam Đảo như: Bánh trứng kiến, bánh tro chấm mật, thịt tái bò kiến đốt, bánh chưng gù, xôi đen, xôi ngũ sắc, rượu chít, rau su su...

Đến với Tam Đảo, du khách sẽ được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trong môi trường trong lành, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống và nghe kể về những câu chuyện huyền sử xa xưa...

uZE8jfr1.jpg

Nguồn: Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên