Phóng to |
Trong khi thí sinh thi vào Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP.HCM đạt mỗi môn 9 điểm vẫn sợ rớt, nhiều địa phương vẫn phải cử người đi học làm bác sĩ vì thiếu bác sĩ. Trong ảnh: thí sinh thi vào Đại học Y dược TP.HCM năm 2013 - Ảnh: M.Đức |
Trước khi kết thúc mỗi năm học, các đại học y khoa đều gửi thư mời các học sinh ưu tú, xuất sắc của các trường phổ thông trung học về học y khoa. Hồ sơ các học sinh xuất sắc này là do các trường trung học gửi lên. Mỗi đại học y khoa sẽ có ban kiểm định hồ sơ và xem xét quá trình học tập để xem học sinh này có thật sự xuất sắc hay không. Thư mời sẽ được gửi các trường trong cả nước chứ không chỉ gói gọn trong các thành phố lớn hay tỉnh lớn. Do vậy các học sinh học giỏi ở vùng đảo xa vẫn có cơ hội trở thành sinh viên y khoa.
Các bạn ở TP.HCM hỏi tôi rằng ở Indonesia có trường y khoa nào nhận sinh viên kém để đào tạo hay không? Sự khác nhau giữa các trường thể hiện ở hình ảnh của trường, chất lượng đào tạo và khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp.
Ở nước tôi, các trường muốn có sinh viên theo học nhiều thì phải chứng minh cho các học sinh danh tiếng của trường, mà danh tiếng của trường sẽ ảnh hưởng đến việc xin việc làm, để thu hút học sinh giỏi về học. Các trường đều cố gắng nâng cao chất lượng sinh viên đầu ra đảm bảo theo yêu cầu của một bác sĩ đa khoa khi tốt nghiệp. Do vậy ngoài việc nâng cao chất lượng các giảng viên, việc chọn được nhiều học sinh giỏi sẽ làm danh tiếng các trường nổi lên và như vậy họ sẽ có nhiều người theo học hơn. Những trường không tuyển được học sinh hoặc tuyển học sinh kém sẽ bị mất danh tiếng và sẽ phải đóng cửa.
Sự cạnh tranh này khiến chúng tôi được hưởng lợi vì ở mỗi địa phương đều có các trường đào tạo tốt và tôi không cần phải lên Jakarta học. Như vậy sự cạnh tranh để tìm một suất vào trường y khoa luôn là sự cạnh tranh khốc liệt nhất nếu so sánh với các trường ngành nghề khác.
Các bác sĩ mới ra trường ở các vùng đảo xa của chúng tôi lương cũng thấp, nhưng họ được chính phủ ưu tiên cho đi học, trợ cấp thêm tiền lương cho vùng xa, và sinh viên mới tốt nghiệp phải đi phục vụ vùng xa ít nhất ba năm. Chính sách hợp lý của nhà nước và chế độ phân công bác sĩ mới ra trường tránh được tình trạng bác sĩ đổ xô về thành phố lớn kiếm việc làm.
Theo tôi, VN cũng nên có chế độ phân công bác sĩ mới ra trường để tránh tình trạng vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ, trong khi bác sĩ mới ra trường ở lại thành phố lớn làm không công hoặc làm trình dược viên.
Chúng tôi quan niệm đào tạo một bác sĩ là rất quan trọng nên các trường y luôn chọn những học sinh giỏi nhất để tuyển bằng thi cử hay mời học. Những người được mời học rất ít và họ thật sự giỏi.
Ở VN hình như cũng có chế độ mời học (cử tuyển) nhưng những người này được mời học vì họ ở vùng xa chứ không phải do học giỏi. Theo tôi, đào tạo bác sĩ như vậy rất nguy hiểm vì những người được đào tạo không thể thành bác sĩ giỏi được và vô tình các bạn tự tạo ra tiếng xấu cho ngành y. Nhà nước cũng phải nên xem lại bộ máy đào tạo, cơ sở thực tập đối với các trường có đào tạo y khoa để xem có đủ thực lực đào tạo y khoa hay không, tránh trường hợp đào tạo vì lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận