Chưa có chứng nhận gia cầm không bị dịchNinh Thuận công bố dịch cúm gia cầm H5N1
Một người chăn nuôi nhỏ đang cho đàn gà của gia đình ăn - Ảnh: Thuận Thắng |
Tôi có một mảnh vườn nhỏ và cũng có tính ham lao động nên thường nuôi vài ba chục con gà thả vườn, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình và cho những người thân quen mình, với suy nghĩ tạo sản phẩm sạch, an toàn cho chính mình và gia đình cùng người thân.
Tuy chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng ý thức về sản phẩm sạch luôn bắt buộc tôi phải tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gà trên các phương tiện thông tin và người có chuyên môn, các tài liệu về chăn nuôi gà. Qua các năm và các đợt dịch bệnh, tôi đều tiêm phòng cho gà đầy đủ trước đó, tỉ lệ thành công cũng trên 90%.
Gần đây tôi có đọc báo, đa số đều cho rằng dịch bệnh H5N1 trên gà, vịt ở các địa phương vừa qua phần đông do từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tiêm phòng đầy đủ. Tôi thấy việc quy trách nhiệm này có phần oan cho người chăn nuôi nhỏ lẻ. Tôi dẫn chứng:
Vào tháng 1-2014, khi nghe trên tivi báo có tình hình dịch bệnh xảy ra ở tỉnh xa, tôi đã tự đi tìm mua thuốc về để chủng ngừa cho 50 con gà của mình, nhưng đại lý thú y nào cũng cho biết chỉ có liều cho 500 con với giá khoảng 200.000 đồng. Ngay cả Chi cục Thú y tỉnh Long An cũng chỉ có liều này mà không có liều lẻ nhỏ hơn. Tôi đành phải ráng bóp bụng mua liều 500 con về tiêm cho 50 con gà nhà mình để an toàn. Nếu tính vào chi phí chăn nuôi, xem như tôi lỗ. Tôi tự hỏi tại sao không có liều thuốc nhỏ phù hợp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ? Chi phí cao này có làm nhiều người ngại ngần trong việc mua thuốc chủng ngừa?
Rồi đến cuối tháng 2-2014 khi dịch H5N1 bùng phát ở nhiều tỉnh, cán bộ thú y địa phương mới tuyên truyền chủng ngừa gà, vịt cho người dân biết, ai có nuôi thì đăng ký để cán bộ thú y của phường đến tiêm ngừa. Lại thêm một nghịch lý nữa: nước tới chân mới nhảy thì làm sao nhảy kịp đây?
Trình độ dân trí người nông dân bây giờ đã cao hơn trước, họ có thể nhận thức được những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng tốt vào sản xuất, chăn nuôi, sao cho ngày càng có hiệu quả hơn.
Trách nhiệm của ngành thú y là nên có nhiều cách chủ động giúp dân những điều tưởng chừng nhỏ nhất nhưng vô cùng cần thiết, đó là kiến thức trong chăn nuôi, báo động dịch để phòng ngừa một cách kịp thời...
Thuốc thú y nước mình sản xuất được, nên chú ý chia nhỏ thành những liều lượng thích hợp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ dễ tiếp cận sử dụng. Điều cần thiết hơn nữa là phải có thật nhiều điểm bán thuốc thú y có thể xuất hóa đơn hợp lệ khi bán thuốc chủng ngừa H5N1, để người chăn nuôi khi xuất bán hoặc tiêu thụ sản phẩm được công nhận là gia cầm sạch. Có những việc ta nên làm từ việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn và mong rằng khi xảy ra dịch cúm gia cầm, đừng đổ lỗi hết cho người nông dân.
Ông Phan Ngọc Châu (chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An): Không nên nuôi gia cầm nhỏ lẻ Tỉnh Long An vẫn đang là một tỉnh nằm trong diện nguy cơ tiềm ẩn cúm gia cầm, do đó được Nhà nước hỗ trợ một phần văcxin tiêm phòng hằng năm. Theo quy trình, gà, vịt khoảng 15 ngày tuổi cần phải được tiêm phòng mới ngăn chặn được nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Tuy nhiên, với liều lượng văcxin hỗ trợ có giới hạn, Chi cục Thú y chỉ có thể phổ biến tiêm chích phòng ngừa vào hai đợt trong năm, cách nhau sáu tháng, trong khi chu kỳ ấp nở của gà, vịt nhanh hơn rất nhiều. Do đó, việc tiêm chích khi có gia cầm đến 15 ngày tuổi phải dựa hoàn toàn vào ý thức của người chăn nuôi chứ không thể chủ quan chờ đến văcxin hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, văcxin đóng gói có liều lượng dành cho đàn gia cầm lớn là loại được dùng chung trên cả nước. Theo tinh thần chung, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khuyến khích người dân không nên nuôi nhỏ lẻ. Chúng tôi không phải đổ lỗi nguyên nhân hoàn toàn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mà trên thực tế những người nuôi nhỏ lẻ thường mang tính chủ quan nhiều hơn. Ngoài việc chủ quan không tiêm chích ngừa khi gia cầm được 15 ngày, mà khi có một, hai con gia cầm bị chết, họ thường tự xử lý kiểu như đốt, chôn hoặc đem thải ra môi trường. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính để dịch cúm bùng phát. Ngay hai xã đang công bố dịch cúm ở tỉnh Long An cũng xuất phát từ việc xảy ra hiện tượng gà chết ở hai hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên chúng tôi thường tập trung tuyên truyền mạnh ý thức của người chăn nuôi nhỏ lẻ. Về công tác tuyên truyền, có thể nói hiện nay tất cả những người có nuôi gia cầm đều từng hoặc thường xuyên nghe về công tác phòng ngừa dịch. Với một số điểm “nóng” về dịch cúm gia cầm, chúng tôi còn cho loa phát thanh lưu động tuyên truyền thường xuyên đến tận nhà. SƠN LÂM ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận