Phóng to |
Dãy đồng hồ nước gắn ngoài đường, cách xa nhà dân gần 20m - Ảnh: Q.Định |
Từ Đà Lạt, năm nay chúng tôi mua nhà chuyển về ở đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM. Đồng hồ nước gia đình tôi nằm ngoài đường chung với năm hộ khác, chôn sâu cách nhà khoảng 20m. Tám tháng qua, bình quân gia đình tôi chỉ dùng gần chục mét khối nước với số tiền hơn 100.000 đồng/tháng.
Vào ngày 20-9 vừa qua, người ghi chỉ số nước báo kỳ nước tháng 9 nhà tôi sử dụng là 1.398m3 và số tiền phải trả hơn 18 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, nếu so với lượng nước bình thường gia đình tôi vẫn trả hằng tháng thì số tiền này tương ứng với mức nhà tôi sử dụng nước trong... hơn 10 năm.
Chúng tôi thắc mắc vì sao lượng nước tiêu thụ tăng quá mức như vậy thì người ghi chỉ số nước nói: “Có thể ống nước sau đồng hồ vào nhà bị bể, gia đình nên cho sửa chữa”.
Phân vân không biết có phải do đường ống bị bể hay không, chúng tôi theo dõi vài ngày thì thấy đồng hồ nước đúng là tăng chỉ số rất nhanh. Gia đình tôi vội làm việc với công ty cấp nước, sau đó nhanh chóng nhờ người thay đường ống dẫn nước từ chỗ gắn đồng hồ vào nhà.
Sau khi thay đường ống, chúng tôi thấy đồng hồ nước không còn quay nhanh nữa. Mặc dù vậy, kỳ hóa đơn nước tháng 10-2013 chúng tôi cũng phải trả hơn 500.000 đồng, gấp gần năm lần so với mức tiêu thụ nước bình thường của nhà tôi trước đó.
Khi thay đường ống nước, tôi thấy ống cũ là ống cao su, qua quá trình sử dụng lâu ngày rất dễ bị rò rỉ. Tuy nhiên, do đồng hồ để ngoài ngõ cách nhà quá xa, đường ống chìm dưới đất, người dân sẽ khó theo dõi để phát hiện nhanh khi xảy ra rò rỉ.
Tôi nghĩ nếu muốn cho người dân thành phố dùng nước của nhà máy để không dùng nước giếng khoan có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ngành cấp nước cần phải cải tạo toàn bộ hệ thống đường ống nước và cung cấp đủ lượng nước để người dân không phải chịu cảnh phải dùng máy bơm mới hút được nước. Bên cạnh đó, đồng hồ nước phải được gắn tới từng nhà để người dân tự quản, chứ không thể để ngoài đường khóa lại rồi giao phó cho dân và phủi trách nhiệm trước những tổn thất quá lớn của người dân khi xảy ra sự cố rò rỉ đường ống như trường hợp nhà tôi.
Cần kiểm tra đường ống thường xuyên Theo ông Võ Nhật Trân, phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, sau khi nhận được phản ảnh của người dân về việc hóa đơn tiền nước tăng bất thường, nhân viên công ty đã xuống kiểm tra đồng hồ nước và hệ thống đường ống. Qua kiểm tra, hệ thống đường ống sau đồng hồ nước bị bể, dù khách hàng không sử dụng nước nhưng đồng hồ vẫn quay. Do vậy, số lượng nước sạch của hộ dân trên trong tháng 9-2013 lên tới 1.389m3. Ông Trân cho biết thêm sau khi khách hàng làm đơn đề nghị miễn giảm tiền nước, xét thấy khách hàng là gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn nên công ty đã điều chỉnh toàn bộ lượng nước tiêu thụ 1.389m3 với giá 5.300 đồng/m3, tổng số tiền phải đóng là 8.465.955 đồng. Về việc khách hàng yêu cầu chuyển đồng hồ nước vào gần nhà để hạn chế rủi ro thất thoát nước, ông Trân cho biết khách hàng liên hệ với công ty, công ty sẽ khảo sát và lập hồ sơ dời đồng hồ nước theo thỏa thuận. Qua đó, ông Trân cũng lưu ý: “Khách hàng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra đường ống, các thiết bị... nếu phát hiện rò rỉ nên khắc phục để tránh nước sạch rò rỉ”. ĐỨC PHÚ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận