13/04/2010 08:22 GMT+7

Dịch vụ y tế: bỏ trống sân nhà?

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

Lời tòa soạn: Câu chuyện người Việt ra nước ngoài chữa bệnh để tìm những dịch vụ y tế tốt hơn đã tạo nên khoảng trống “thua ngay trên sân nhà” của ngành y tế Việt Nam. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến tâm huyết của một bác sĩ về vấn đề này.

Trong một lần ngồi nói chuyện, các đồng nghiệp Singapore cho biết bệnh viện của họ đều có hẳn một bộ phận đón tiếp người Việt Nam sang khám chữa bệnh.

e6BJ3dAX.jpgPhóng to
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thường xuyên bị quá tải - Ảnh: T.T.D.

1 tỉ USD “biến mất”...

Theo ước tính, tổng chi phí bệnh nhân Việt Nam phải trả lên đến gần cả tỉ USD mỗi năm vì dịch vụ y tế Singapore khá mắc.

Chúng ta đang lo ngại về việc nhập siêu các mặt hàng xa xỉ như điện thoại, xe hơi, máy móc... nhưng có lẽ ít ai thấy mỗi năm chúng ta cũng tốn một số tiền lớn bằng ngoại tệ cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài, những căn bệnh trong nước hoàn toàn có thể chữa được. Không thể trách bệnh nhân sính ngoại vì đây là nhu cầu thiết yếu có liên quan đến sức khỏe của người bệnh.

Trong vấn đề chữa bệnh, niềm tin là điều quan trọng, đôi khi chiếm hơn 50% kết quả điều trị. Do vậy khi bị bệnh và có điều kiện kinh tế dư dả, nhiều người đi nước ngoài điều trị dù biết trong nước vẫn chữa được. Trước khi trách người phải trách mình.

Trong những năm gần đây khi việc đi du học dễ dàng hơn, rất nhiều bác sĩ Việt Nam đã được gửi đi du học ở những nước có nền y khoa tiên tiến như Pháp, Mỹ, Singapore, Úc... Trong số họ có những người đã triển khai và ứng dụng được các kỹ thuật điều trị tân tiến. Mặt khác, việc giao lưu học hỏi với các bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm cũng giúp bác sĩ Việt Nam cập nhật liên tục kiến thức y khoa mới.

Có thể nói không ngoa rằng hiện nay đội ngũ bác sĩ Việt Nam đã tự thực hiện được các kỹ thuật điều trị tiên tiến mà thế giới đang áp dụng. Thậm chí một số bệnh viện và trung tâm huấn luyện như Chợ Rẫy, Trung tâm Huấn luyện nội soi của Đại học Y dược TP.HCM hằng năm đều có các khóa học nội soi dành cho các bác sĩ nước ngoài đến từ khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan hoặc thậm chí từ Pakistan. Đội ngũ bác sĩ giỏi này đều đang làm việc tại các bệnh viện công trong thành phố.

Có tiền cũng chưa là “tiên” được

Thế nhưng có vẻ như sự phát triển của ngành dịch vụ y tế chưa đi đôi với sự phát triển về chuyên môn của giới y khoa. Hình ảnh bệnh nhân nằm đôi, nằm ba, chen chúc nhau khi đi khám bệnh là “chuyện thường ngày ở huyện” tại các bệnh viện lớn trong thành phố. Những người có tiền có nhu cầu được phục vụ cũng không thể mua dịch vụ này được từ bệnh viện công vì đơn giản các bệnh viện công không được phép mở hẳn một khu dịch vụ như thế. Một số bệnh viện cố gắng làm dịch vụ nhưng phải gọi dưới tên gọi khác.

Hình ảnh khác làm mất lòng tin của bệnh nhân là sự xuống cấp cũng như chất lượng xây dựng kém của các bệnh viện. Đa số bệnh viện lớn đều được xây dựng từ rất lâu đến nay tới hồi phải tu sửa, nhưng khu mới xây của các bệnh viện thì thời gian xây dựng kéo dài, không biết xây theo tiêu chuẩn nào nhưng sau khi cắt băng khánh thành là bắt đầu xuống cấp.

Những bệnh nhân của chúng tôi khi đi khám chữa bệnh nước ngoài về đều cho rằng họ hài lòng bởi khi bước vào bệnh viện là thấy an tâm rồi. Bệnh viện sang như khách sạn từ cách đón tiếp đến giường nằm, từ cách tổ chức khám bệnh đến dịch vụ ăn uống.

Bệnh viện là nơi phải sạch sẽ, thế nhưng kể cả những bệnh viện mệnh danh là khách sạn thì khi bước chân vào cũng thấy không được sang trọng như khách sạn. Việc cung cấp trang thiết bị, thuốc men cũng không khả quan hơn. Chế độ đấu thầu giúp bệnh viện có giá thuốc và dụng cụ y khoa rẻ hơn nhưng y khoa không phải dừng một chỗ, mỗi tháng đều có những dụng cụ mới ra giúp việc điều trị hiệu quả. Nhưng bác sĩ không thể sử dụng được vì đơn giản là chưa qua đấu thầu mỗi năm.

Dịch vụ y tế có đem lại lợi nhuận được không? Câu trả lời là có. Và nếu chúng ta biết cách làm sẽ thu được ngoại tệ từ dịch vụ này. Hiện nay đang có một làn sóng bệnh nhân từ Campuchia sang TP.HCM khám, điều trị bệnh. Mỗi buổi sáng có những chuyến xe buýt đưa hẳn toàn bộ hành khách đến các bệnh viện công cũng như tư trong thành phố để khám chữa bệnh.

Tâm sự với chúng tôi, những bệnh nhân nước ngoài này thổ lộ họ sang Việt Nam thay vì sang Thái Lan vì chi phí khám chữa bệnh rẻ hơn mà chất lượng tương đương. Rất tiếc là ngành y tế chưa có kế hoạch nào để quảng bá thu hút số lượng bệnh nhân có khả năng chi trả cao này. Phần lớn bệnh viện tự làm quảng cáo hoặc thông qua “cò” để có bệnh nhân. Ngành y tế cũng chưa nghĩ đến việc phải xây dựng hay cho phép các bệnh viện làm dịch vụ y tế đúng nghĩa như các đồng nghiệp Singapore đang làm tại Việt Nam.

Trong kinh doanh ai cũng biết 20% khách hàng VIP chiếm 80% doanh thu cho công ty. Và chỉ cần 20% bệnh nhân có khả năng chi trả dịch vụ y tế đúng giá là đã có thể đảm bảo lương cho nhân viên y tế để họ an tâm phục vụ lại người nghèo. Và cho đến nay chúng ta vẫn thất thoát ngoại tệ từ việc khám chữa bệnh.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên